LECTIO DIVINA
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH_A, 16-4-2023
KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Ga 20, 19-31
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Suối nguồn Lòng Chúa Thương Xót”
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”
Theo Thánh Augustinô, Bát nhật Phục Sinh là những “ngày của lòng thương xót và sự tha thứ”. Hơn nữa, thánh nhân gọi Chúa Nhật của tuần Bát nhật Phục Sinh này là “bản tóm tắt những ngày của lòng thương xót”. Vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, trong lễ tuyên thánh cho Nữ tu Faustina Kowalska, “người tông đồ khiêm tốn của lòng thương xót”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài giảng của mình, đã công bố rằng Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh từ giờ trở đi sẽ được cử hành là CHÚA NHẬT KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT trong toàn Giáo hội hoàn vũ. Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng hình ảnh “Lòng Chúa Thương Xót” được tỏ lộ cho Nữ tu Faustina tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh đang mang lòng thương xót đến cho thế giới. Thật vậy, Đức Kitô Phục Sinh mang lại chiến thắng, hòa bình và lòng thương xót cho một thế giới tin yêu. Mầu nhiệm Vượt Qua là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu tháo mở sức mạnh của lòng Chúa thương xót tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Ngài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố một cách thích đáng ngày thứ tám của tuần lễ Phục Sinh là Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-31), chúng ta chiêm ngắm hai cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh với các môn đệ và lòng nhân từ dịu dàng của Ngài để giúp họ cảm nghiệm biến cố vinh quang Phục Sinh. Khi hiện ra “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Chúa Giêsu, với lời chúc bình an, đã trấn an các môn đệ đang sợ hãi, và ban cho họ Chúa Thánh Thần, ân huệ Phục Sinh. Chúa Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ “tám ngày sau” và đứng ở giữa họ. Cùng với họ là môn đệ Tôma, người đã không ở cùng họ khi Chúa Giêsu hiện đến lần thứ nhất. Nghi ngờ chứng từ phục sinh của các người kia, Tôma yêu cầu những bằng chứng có thể sờ mó được về sự phục sinh của Chúa để mình có thể tin. Chúa Giêsu đối mặt với Tôma nghi ngờ bằng dấu tích cuộc khổ nạn của Ngài. Sự phản kháng của Tôma hoàn toàn bị sụp đổ trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Thế rồi, Tôma thốt ra lời tuyên xưng tột đỉnh của đức tin Kitô giáo : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Tuy nhiên, Chúa Phục Sinh khích lệ Tôma đến một đức tin lớn hơn: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”.
Câu cuối cùng của bài đọc hôm nay kết tinh động cơ cho nhiều “dấu chỉ” được viết và công bố về Chúa Giêsu, mà sự phục sinh của Ngài là biến cố tôn vương và là “dấu chỉ của các dấu chỉ”. Thánh sử Gioan nói với những người tiếp nhận Tin Mừng: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Thật vậy, để thực sự tận hưởng niềm vui Phục Sinh, chúng ta cần tin rằng Chúa Giêsu thành Nazareth thực sự là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của những người đã trải nghiệm năng lực thông ban sự sống của Mầu nhiệm Phục Sinh.
Lạy Cha mến yêu và Thiên Chúa nhân từ, Cha là suối nguồn của niềm hy vọng sống động và lòng thương xót. Cha đã ban cho chúng con sự sống mới khi làm cho Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Sức mạnh lòng thương xót thần thiêng của Cha nâng đỡ chúng con trong cuộc hành trình của chúng con hướng tới gia nghiệp trên trời. Xin ở với chúng con khi chúng con trải nghiệm “ân sủng trong đau khổ” cũng như “ân sủng qua đau khổ”. Xin chạm vào chúng con với quyền năng chữa lành của sự Phục Sinh. Xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa tình yêu và lòng thương xót mà Chúa Phục Sinh vẫn tiếp tục ban cho chúng con. Xin cho mỗi người chúng con biết tuyên xưng trước Chúa Cứu Thế Giêsu, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”. Chúng con tôn thờ và tôn vinh Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen. Alleluia!
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác