LECTIO DIVINA
Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí
Chúa Nhật I Mùa Vọng_B, 29-11-2020
Mc 13, 33-37
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Chúng ta khát mong Ngài đến”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến”
Như một người hấp hối đang chờ đợi Chúa đến dứt khoát, các Kitô hữu được mời gọi ở trong tình trạng canh thức. Cuộc sống của Kitô hữu là một mùa Vọng dài trông đợi Chúa tỏ mình ra trong tất cả vinh quang của Người.
“Hãy canh thức!” Đây là từ khóa trong đoạn văn ngắn mà Giáo Hội trình bày cho Phụng vụ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay. Coi chừng, canh thức, đợi chủ về, không ngủ…: đó là điều Chúa Giêsu yêu cầu Kitô hữu thực hiện.
Ngay trước đoạn trích Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói: “Về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13, 32). Điều này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc thận trọng và chăm chú chờ đợi những dấu chỉ của thời gian giúp chúng ta nghênh đón “chủ nhà” (Mc 13, 35). Khi Người đến, mọi thứ sẽ biến mất, “quyền lực của đầy tớ” (Mc 13, 34) cũng là những dấu chỉ giúp chúng ta nhớ đến lòng nhân từ của Người (đền thờ, Giêrusalem, nhà cửa). Khi chủ về, các “đầy tớ” và “người giữ cửa” (Mc 13, 34) không còn quan tâm đến các dấu chỉ nữa, mà lấy làm vui vì chính chủ: “Nhìn này! Chú rể kia rồi! Ra đón đi” (Mt 25, 6).
Chúa Giêsu thường yêu cầu các môn đệ canh thức. Trong vườn Cây Dầu, vào đêm thứ Năm ngay trước cuộc khổ nạn, Chúa nói với các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an: “Anh em ở lại đây và hãy tỉnh thức” (Mc 14, 34; Mt 26, 38). Việc canh thức giúp chúng ta không sa vào cám dỗ (Mt 26, 41) nhưng luôn tỉnh thức. Trong vườn Cây dầu, các môn đệ ngủ mê mệt vì xác thịt yếu ớt, dù tinh thần sẵn sàng (Mc 14, 38). Bất cứ ai mê ngủ đều bị hủy hoại, giống như Sam-son, người đã tự cho phép mình ngủ, do đó mất đi sức mạnh của mình, là quà tặng của Thiên Chúa (Tl 16, 19). Chúng ta phải luôn tỉnh thức, không được ngủ quên, phải canh thức và cầu nguyện để khỏi bị lừa gạt và đi đến chỗ diệt vong (Mc 13, 22; Ga 1, 6). Vì thế “Hỡi kẻ ngủ mê, hãy thức dậy, hãy chỗi dậy từ cõi chết, và Đức Kitô sẽ chiếu sáng trên anh em” (Ep 5, 14).
Các tác giả của cuốn sách Những ngày của Chúa nhận xét: “Canh thức là một trong những hoạt động quan trọng nhất của trái tim con người, là sự tập trung năng lượng nhằm giải thoát đêm tối khỏi những tà thần kìm hãm bình minh trên thế giới. Canh thức trong cầu nguyện giúp chúng ta hoàn toàn chú ý đến Thiên Chúa và tha nhân … Sự canh thức trang trọng của Mùa Vọng là tiền đề cho sự canh thức của Lễ Phục sinh, và là bình minh huy hoàng của thời kỳ mới”.
Phụng vụ của Mùa Vọng, bắt đầu năm Phụng vụ, tràn ngập niềm hy vọng Kitô giáo và chất đầy ân sủng. Mùa Phụng vụ này chủ yếu là để duy trì niềm hy vọng về sự xuất hiện dứt khoát của Thiên Chúa cứu độ trong tương lai. Tuy nhiên, niềm hy vọng mà Mùa Vọng tạo ra, đòi hỏi phải có trách nhiệm giải trình cho thời điểm hiện tại. Mỗi khoảnh khắc đều có ý nghĩa vĩnh cửu và do đó chúng ta phải chịu trách nhiệm về nó. Kitô hữu sống trong khoảng thời gian giữa sự kiện Chúa Giêsu ĐANG chiến thắng tội lỗi và sự chết, và sự kiện Người CHƯA trở lại trong vinh quang. Thách đố của Mùa Vọng là chúng ta sống sáng tạo và ngoan đạo như thế nào trong tư cách là con cái Thiên Chúa trong thời gian khoảng giữa, nửa nọ nửa kia này.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Khi cảm thấy khốn cùng và đau khổ, tôi có hướng về Thiên Chúa yêu thương và thốt lên tiếng kêu của Mùa Vọng: “Lạy Chúa, xin xé các tầng trời và ngự xuống”?
– Tôi đáp lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong Mùa Vọng như thế nào: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”?
– Tôi có háo hức chờ đợi sự mặc khải chung cuộc của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta không? Tôi có đáp lại sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa luôn thành tín, Đấng sẽ giữ cho tôi đứng vững đến cùng và không có gì đáng chê trách vào ngày của Chúa không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Cha yêu thương, chúng con cảm ơn Cha về vẻ đẹp và nhịp điệu của những mùa thay đổi. Với Mùa Vọng, chúng con cử hành sự “tái lâm” đa dạng của Con Cha là Chúa Giêsu Kitô. Trong Người, Cha ban cho chúng con ân sủng và bình an. Nhờ Người, Cha đổ đầy chúng con với mọi ân huệ thiêng liêng ngoài sức tưởng tượng của chúng con. Cha luôn chung thủy và tốt lành vô cùng. Xin làm cho chúng con sẵn sàng và không chê trách được đối với sự tái lâm vinh hiển của Chúa chúng con là Đức Giêsu Kitô vào thời kỳ cuối cùng. Là đoàn dân của Mùa Vọng mong đợi, xin Cha giúp chúng con làm việc không mệt mỏi để mang lại hy vọng. Xin cho Nước Cha trị đến ! Vĩ đại thay tình yêu của Cha và chúng con tôn vinh Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Cầu nguyện cho Mùa Vọng được cử hành bổ ích và ý nghĩa.
– Ý thức sâu sắc về những ân huệ nhận được từ Thiên Chúa và cố gắng sử dụng chúng để làm ích cho người nghèo và người thiếu thốn, và do đó thúc đẩy sự đến của Nước Trời.
– Để biến tiếng kêu của Mùa Vọng “Xin cho Nước Cha trị đến” thành hiện thực, tôi cố gắng dành một chút thời gian yên tĩnh để Chầu Thánh Thể.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.