Lời Chúa CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN_B, 16-5-2021 Mc 16, 15-20 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài được đưa lên trời”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN_B, 16-5-2021

Mc 16, 15-20

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài được đưa lên trời”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.

          Hôm nay chúng ta tưởng niệm sự thăng thiên của Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu luôn tin rằng Chúa Giêsu, sau khi hoàn tất sứ mệnh cứu độ trên trần gian, đã trở về với Thiên Chúa, Đấng đã sai phái Ngài, và hiện đang tiếp tục giữ vai trò cứu độ của Ngài với tư cách là tư tế, tiên tri và vua. Theo Mc 16, 19: “Chúa Giêsu, sau khi nói với các môn đệ, đã được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Hình ảnh Chúa Giêsu “ngự bên hữu Thiên Chúa” không phải là một biểu tượng tĩnh, mà là một biểu hiện của quyền lực và uy quyền. Nó tượng trưng cho mối quan hệ gần cận của Chúa Giêsu với Thiên Chúa và vai trò của Ngài là người đại diện của Thiên Chúa. Tác giả Harold Buetow nhận định: “Khi hiện diện hữu hình trên trần gian, Chúa Giêsu bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Với việc lên trời, Chúa Giêsu không còn bị giới hạn trong các kích thước của trái đất. Việc lên ngôi của Chúa Giêsu biểu thị rằng Chúa Giêsu trong nhân tính của Ngài giờ đây đã đạt đến vị trí bình đẳng và kết hợp với Chúa Cha, nơi tất cả quyền năng của Thiên Chúa có thể hành động nhờ Ngài”. Sự thăng thiên của Chúa Giêsu, “Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa” là một sự mừng kính nhân tính được tôn vinh của Đức Kitô.

          Hơn nữa, ngày lễ Chúa thăng thiên là một cử hành sự hiện diện lâu dài và mới mẻ của Chúa Giêsu. Không còn hiện diện trong thực tại trần thế nữa, Chúa Giêsu – trong hình dạng được tôn vinh – hiện diện với chúng ta một cách sâu xa và mật thiết bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài hiện diện trong Lời hằng sống được công bố, được cầu nguyện và được thực thi. Ngài hiện diện trong cộng đoàn thờ phượng tụ họp nhân danh Ngài. Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và trong các bí tích khác. Ngài ở với chúng ta trong công việc cứu rỗi là đưa những con chiên bị tản mác vào đoàn chiên của Ngài. Qua sự thăng thiên của mình, Chúa Giêsu không còn hiện diện với Giáo Hội theo một cách này để hiện diện trong một cách khác. Tác giả Aelred Rossner nhận xét: “Hôm nay chúng ta cử hành sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh ở giữa chúng ta theo một cách mới mẻ và tuyệt vời, vượt xa sức mạnh của đôi mắt con người, nhưng cũng nằm trong vòng tay yêu thương của trái tim tin tưởng”.

          Sự hiện diện liên tục của Chúa Phục Sinh Thăng Thiên trong cuộc đời các tông đồ và môn đệ của Ngài, đã củng cố họ trong sứ mệnh truyền giáo: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Đoạn Tin Mừng hôm nay bắt nguồn từ điều được gọi là “đoạn kết dài hơn” trong Tin Mừng Marcô (Mc 16, 9-20). Hình thức nguyên thủy của Tin Mừng Marcô hầu như chắc chắn đã kết thúc tại ngôi mộ trống (câu 8). Chúng ta đọc trong phần chú giải Kinh Thánh Collegeville: “Mặc dù Giáo Hội đã công nhận các phần kết được thêm vào là xứng đáng để đưa vào bản văn được linh hứng, nhưng không phần nào trong số đó gây được cảm hứng và tạo được chú ý như phần riêng của Marcô. Sự kết thúc đột ngột của Marcô khiến người đọc phải hoàn thành Tin Mừng của Marcô trong cuộc sống của họ”. Phần cuối có tính kinh bộ (các câu 9-20) được thêm vào, bao gồm những lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục sinh với Maria Mađalêna và các môn đệ. Cuốn Chú giải Kinh Thánh Collegeville giải thích thêm: “Những cuộc hiện ra này có ý muốn truyền cảm hứng cho Giáo Hội sơ khai truyền giáo đi vào thế giới và loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật (câu 15). Các nhà truyền giáo của Giáo Hội không có gì phải sợ hãi, bởi vì Chúa thăng thiên (câu 19) đã ở cùng họ trong việc rao giảng (câu 20) và sẽ xác nhận thông điệp của họ bằng những dấu hiệu đặc biệt là sự bảo vệ và quyền năng của Ngài (các câu 17-18)”. Thật vậy, việc chúng ta mừng lễ Chúa lên trời là một lời mời gọi tích cực truyền bá Tin Mừng. “Tin Mừng” phải được công bố cho mọi tạo vật không quy chiếu về một học thuyết, nhưng về chính con người của Chúa Giêsu. Với Chúa Giêsu Phục Sinh là nội dung của lời loan báo, các tông đồ đi khắp nơi ngay lập tức và không do dự.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi có tin rằng sự thăng thiên của Chúa Giêsu không có nghĩa là Ngài đã rời xa chúng ta, và rằng Ngài thực sự hiện diện với chúng ta theo một cách thức mới mẻ và kỳ diệu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần không?

–      Tôi phải làm gì cụ thể để đáp lại mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Phục Sinh đã lên trời: “Hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”? Tôi loan báo Tin Mừng qua lời nói và hành động của tôi, mỗi ngày, hay chỉ đôi khi?

–      Chất lượng sự phục vụ của tôi có thúc đẩy sự phát triển của một người trong tầm vóc đầy đủ của Đức Kitô và giúp đạt được sự sung mãn của Ngài trong mọi tạo vật không?

–      Làm thế nào để các dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa diễn ra trong cuộc sống của tôi? Đâu là những dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta thuyết phục mọi người ngày nay nhất?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Chúa Giêsu, Vua vinh quang, Chúa đã từng được dâng hiến làm lễ vật đền thay tội lỗi chúng con, và Chúa đã được đưa lên ngự bên hữu Chúa Cha: xin luôn làm hoàn thiện những kẻ Chúa đã thánh hóa. Chúa là linh mục đời đời và là thừa tác viên của Giao ước mới, Chúa hằng sống để chuyển cầu cho chúng con : xin cứu độ những người cầu xin với Chúa. Chúa đã cho thấy Chúa vẫn sống sau khi chịu khổ nạn và đã hiện ra với các môn đệ trong bốn mươi ngày: xin củng cố đức tin của chúng con ngày hôm nay. Chúa đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ của Chúa, để làm cho họ trở thành những chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất: nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, xin củng cố chứng tá của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Nhìn vào bản đồ thế giới hoặc nhìn xem quả địa cầu, tôi cầu nguyện cho sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo, và làm những gì có thể để thúc đẩy mệnh lệnh này của Đức Kitô.

–      Tôi tìm xem một bộ phim thú vị về những Kitô hữu đã đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ của Kitô hữu là loan báo Tin Mừng, ví dụ: phim “Quán trọ của Mối phúc thứ sáu”, phim “Damien, Người cùi”, v.v.)

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.