Lời Chúa 26-12-2021 Chúa Nhật Lễ Thánh Gia : CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE Lc 2, 41-52 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài làm cho ta nên thành viên của gia đình Thiên Chúa”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

26-12-2021

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia :

CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE

Lc 2, 41-52

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài làm cho ta nên thành viên của gia đình Thiên Chúa

1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

Cha mẹ Chúa Giêsu tìm thấy Ngài ngồi giữa các thầy dạy

       Đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 2, 41-52) nói về việc tìm thấy hài nhi Giêsu trong đền thờ. Câu chuyện về đứa trẻ bị thất lạc và được tìm thấy xem ra nhạt nhẽo và tầm thường, nhưng trong nghệ thật biên tập của Luca, phân đoạn này làm sáng tỏ toàn bộ Tin Mừng. Thật vậy, câu chuyện kết thúc Trình thuật Thời thơ ấu này cho chúng ta một cái nhìn sơ lược về nội dung chính của biến cố Đức Kitô : mối liên hệ hiếu thảo đặc biệt của Chúa Giêsu với Thiên Chúa và sứ mệnh vượt qua của Ngài nhân danh Thiên Chúa. Trong tường thuật này của Luca, Chúa Giêsu và cha mẹ Ngài hành hương đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt qua. Lần tới, thánh sử Luca trình bày việc Chúa Giêsu lên đường đến Giêrusalem là để cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái, khi Ngài kết thúc sứ vụ công khai của Ngài, và việc này sẽ trùng với sự hy sinh Vượt qua của chính Ngài trên Thập giá.

       Trong bối cảnh kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cậu bé Giêsu không thực sự “bị thất lạc” trong đền thờ, mà chỉ đơn giản là tuân theo sự thúc đẩy của Thiên Chúa và xác nhận bổn phận cá nhân của mình đối với Cha trên trời. Sự cần thiết phải ở trong nhà của Cha mình và bận rộn với các công việc của Cha mình nằm trong mối quan hệ hiếu thảo vốn có của Chúa Giêsu với Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi ở Chúa Giêsu, Người Con-Tôi Tớ, một sự vâng lời tuyệt đối đối với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, “ba ngày” Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ là một ám chỉ tượng trưng cho ba ngày được chôn trong mồ, trước khi Ngài tái xuất hiện với tư cách là Chúa Phục Sinh chiến thắng, hoàn thành kế hoạch toàn diện của Chúa Cha để cứu độ gia đình nhân loại và gia đình vũ trụ của tạo vật yêu quý của mình.

       Tình tiết về cậu bé Chúa Giêsu trong đền thờ mô tả cậu đang ngồi giữa các tiến sĩ Luật, không phải với bất kỳ sự khoe khoang hay kiêu hãnh nào, mà là “vừa lắng nghe, vừa đặt câu hỏi cho họ, và ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2, 46-47). Theo ngụ ý, Chúa Giêsu đang được giới thiệu như một Vị Thầy đích thực ở trung tâm của giới các thầy dạy. Ngài là Vị Tôn Sư thần linh – Vị Thầy tối thượng – người sẽ dạy gia đình Thiên Chúa bài học lớn nhất về tình yêu thương và sự vâng phục ý muốn cứu độ của Chúa Cha. Trong lúc đó, như thánh sử Luca thuật lại, Ngài cùng Đức Maria và Thánh Giuse đi xuống Nazareth. Vâng lời hai vị này, Chúa Giêsu học được những bài học giá trị về tình yêu và sự phục vụ trong bối cảnh cuộc sống gia đình.

       Theo thánh Luca, cha mẹ của Chúa Giêsu “không hiểu Ngài đã nói gì với họ” (Lc 2, 50) và bà Maria, mẹ của Ngài, được miêu tả là ghi giữ những điều đó trong lòng (Lc 2, 52). Mẹ Maria, người môn đệ đầu tiên và là người đầu tiên “mang Chúa Giêsu”, tiếp tục hành trình đức tin của mình khi suy nghĩ về ý nghĩa và định mệnh của người Con của Mẹ, Đấng “càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Thật vậy, sự hiểu biết đầy đủ về căn tính thiên sai và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu cần phải chờ đợi biến cố vượt qua là cái chết và sự phục sinh của Ngài.

       Với bối cảnh là mối liên hệ hiếu thảo mật thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha và định mệnh vượt qua của Ngài, sẽ dễ hiểu vai trò của Gia đình Thánh Gia Nazareth trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đó là cái nôi của sự sống và đức tin cho Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha. Hy tế Vượt qua hoàn hảo được hiến dâng trên Thập giá đang được chuẩn bị âm thầm và sốt sắng tại làng quê Nazareth, dưới sự hướng dẫn đầy yêu thương của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Khung cảnh làng quê đầy ân sủng này là nơi Con Thiên Chúa được yêu thương, nuôi dưỡng và đào tạo để thi hành sứ mệnh quy tụ, vào thời cuối cùng, gia đình nhân loại và gia đình vũ trụ của tạo vật yêu dấu của Thiên Chúa.

2. MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

– Làm thế nào mà yếu tố hy sinh lại đan dệt thành những sợi chỉ ngang dọc của Thánh Gia ?

– Tôi có cố gắng noi gương Thánh Gia và nỗ lực xây dựng một cộng đoàn yêu thương, sự sống và ân sủng không ?

– Làm thế nào để tôi trải nghiệm và thể hiện lòng hiếu thảo sùng kính ?

– Tôi làm gì để thăng tiến đời sống gia đình và làm thế nào để tôi thấm nhuần đời sống gia đình với các giá trị Kitô giáo ?

– Tại sao việc cử hành một cách có ý nghĩa ngày lễ Thánh Gia của Kitô giáo lại quan trọng ?

3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

       Lạy Thiên Chúa nhân từ, tình yêu và quà tặng Giáng sinh của Cha là Chúa Giêsu Kitô, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã tự hạ và nhờ đó nâng dậy một thế giới sa ngã, để tất cả các con cái của Cha được chia sẻ cuộc sống của Cha. Xin ban cho tất cả những ai bị ràng buộc bởi mối liên hệ gia đình ân sủng để bám víu vào Cha, sức mạnh để vâng lời Cha, sự sẵn lòng để phục vụ Cha và lòng biết ơn để ngợi khen Cha. Xin cho chúng con đón nhận mầu nhiệm khôn tả của Ngôi Lời làm người, là Đức Giêsu Kitô, Con của Cha, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập

5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

– Tôi nỗ lực góp phần vào việc tăng trưởng và vun đắp cuộc sống gia đình bằng lời nói và tấm gương của tôi.

– Khi cần, tôi sẵn sàng hy sinh một thứ tôi yêu thích để giúp đỡ người tôi yêu thương.

 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

 

Comments are closed.