LECTIO DIVINA – Chúa Nhật XXV-TN ~B, 19-9-2021 – “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Con Người bị nộp và giết”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Chúa Nhật XXV-TN ~B, 19-9-2021

Mc 9, 30-37

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Con Người bị nộp và giết

1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

Con Người sẽ bị nộp… Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người phục vụ mọi người”

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 9, 30-37) bắt đầu bằng việc mô tả hành trình của Chúa Giêsu. Sứ vụ công khai của Ngài ở Galilê kết thúc, Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem, cố ý tránh sự ca ngợi của dân chúng dựa trên một quan niệm sai lầm về Đấng Thiên Sai. Học giả Kinh Thánh, Daniel Harrington nhận xét: “Lý do giữ bí mật về cuộc hành trình xuyên qua Galilê dường như là Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài“. Thật vậy, Chúa Giêsu có ý định chỉnh sửa lời ca tụng sai lầm chủ yếu tôn vinh Ngài là một nhà lãnh đạo chính trị, một người làm phép lạ, một ông vua như cái rổ đựng bánh, chứ không phải là Người Tôi Tớ Đau khổ để cứu chuộc thế giới khỏi tội lỗi. Ba lời tiên báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài là nhằm chắt lọc nhận thức thiên sai của các môn đệ, vốn dựa trên tính ưu việt của các quyền lực trần gian, chứ không dựa trên sự phục vụ ý muốn cứu độ của Thiên Chúa (x. Mc 8, 31-33 ; 9, 30-32 ; 10, 30-34).

Bài tường thuật hôm nay chứa đựng lời tiên báo thứ hai của Chúa Giêsu về số phận vượt qua của Ngài cho các môn đệ : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Mặc dù có thể có sự ám chỉ đến việc Giuđa phản bội Chúa Giêsu, thì ý nghĩa cơ bản hơn của động từ paradidotai (“bị nộp”) vẫn đề cập đến kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, trong đó cái chết của Chúa Giêsu là mấu chốt. Lời tiên báo về việc Con Người sẽ bị nộp không bao hàm sự bị ép buộc về phía Chúa Giêsu, nhưng là một thái độ của sự vâng lời hiếu thảo và sự hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa. Quả thật, Đấng giao nộp Chúa Con là Chúa Cha, đúng như lời khẳng định của thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3, 16) và như xác tín của Thánh Phaolô: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32).

Chuyên viên kinh thánh Eugene Maly suy tư về nguyên tắc đã linh hoạt hóa vận mệnh vượt qua của Đức Kitô: “Nguyên tắc đó là: Thiên Chúa làm cho tất cả chúng ta hiện hữu nhờ tình yêu của Ngài. Chúng ta phải mở ra với tình yêu đó như người nô lệ mở ra với mệnh lệnh của Ông Chủ. Ở đây, khái niệm căn bản, về phía con người, là sự cởi mở có trách nhiệm, sự chấp nhận. Điều này có thể được diễn tả theo nhiều cách khác nhau. Cách nổi bật nhất, cách được Chúa Giêsu minh họa trên tất cả, là sự chấp nhận tình yêu của Chúa Cha đòi hỏi vâng phục đến chết. Đó là sự chấp nhận hoàn toàn, sự cởi mở hoàn toàn và sự tự hiến hoàn toàn”.

Trước nỗ lực kiên nhẫn của Vị Tôn Sư Thần Linh nhằm giúp các môn đệ nắm bắt ý nghĩa thực sự của sứ mệnh thiên sai, các môn đệ đã phản ứng cách bối rối, hoang mang. Họ không hiểu những lời nói của Thầy mình và họ sợ không dám hỏi Ngài. Họ không sẵn sàng chấp nhận yếu tố đau đớn của số phận vượt qua của Đức Kitô, và họ hoài nghi lời hứa về sự phục sinh và vinh quang của Ngài. Vì tầm nhìn hạn hẹp, họ không thể nắm bắt những hàm ý của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô, nên những mối quan tâm cá nhân của họ thoái hóa thành những vấn đề thẩm quyền và tranh giành quyền lực. Khi đến Ca-phác-na-um, họ im lặng khi được Chúa Giêsu hỏi họ đã tranh cãi điều gì trên đường đi, vì họ đã tranh luận với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất.

Tuy nhiên, Vị Tôn Sư Thần Linh đã tận dụng khoảnh khắc gây nản lòng và bối rối để dạy họ một lần nữa. Chi tiết liên quan đến tư thế của Chúa Giêsu rất có ý nghĩa ; tư thế ngồi xuống, trong lối viết của Marcô, thường được các vị thầy sử dụng. Với tư cách là Vị Thầy tối cao, Chúa Giêsu ngồi xuống để truyền đạt một bài học rất quan trọng cho các môn đệ không dễ tiếp thu của Ngài : muốn xếp thứ nhất, người ta phải là rốt bét trong cái nhìn của thế gian và phải là đứng đầu trong việc phục vụ. Để củng cố lời dạy của mình về ý nghĩa của sự vĩ đại thực sự, Chúa sử dụng một hành động tượng trưng. “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : ‘Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy’(Mc 9, 36-37). Đứa trẻ mà Chúa Giêsu đặt giữa các môn đệ là một biểu tượng của anawim: “những người nghèo khổ của Gia-vê” – những người hèn mọn trên trần gian, những người không có quan hệ pháp lý và do đó tầm thường, không có giá trị. Làm một hành động phục vụ và yêu thương đối với “những người nghèo khổ của Gia-vê Thiên Chúa” là một dấu hiệu của sự vĩ đại thực sự. Trổi vượt trong sự phục vụ là phẩm chất giá trị thật của việc làm môn đệ Đức Kitô.

2. MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

Tôi phản ứng thế nào với số phận vượt qua của Đức Kitô : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” ?

Tôi có tham gia vào các trò chơi quyền lực và tranh giành quyền bính không ? Tôi có nuôi dưỡng cám dỗ về quyền lực và tham vọng thế gian không ?

Việc tôi làm môn đệ Đức Kitô có được đánh dấu bằng phẩm chất giá trị thật là việc phục vụ “những người nghèo khổ của Gia-vê Thiên Chúa” – những người túng thiếu và không nơi nương tựa không ?

3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Chúa Giêsu, chúng con sợ số phận vượt qua của chính chúng con : xin giúp chúng con có được cái nhìn thoáng qua về kết thúc huy hoàng của số phận đó.- Chúng con đấu tranh để giành vị trí cao nhất và tham gia vào các trò chơi quyền lực : xin giúp chúng con trở thành “người rốt bét” và tìm kiếm sự vĩ đại thực sự ở trong việc phục vụ.- Chúng con phớt lờ tiếng kêu của người nghèo và không quan tâm đến “những người bé mọn” : xin hãy chạm vào trái tim của chúng con để chúng con có thể phục vụ họ với lòng trắc ẩn. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Mêsia bị đóng đinh đến trợ giúp chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người

5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

Tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo của chúng ta được thúc đẩy bởi ý thức chân thực về sự phục vụ như Chúa Kitô.

Tôi đóng góp cách nào đó để làm giảm bớt những đau khổ và đáp ứng nhu cầu của “những người bé mọn của Gia-vê Thiên Chúa”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.