Lễ Thánh PHILIPPHÊ và Thánh GIACÔBÊ, Tông đồ Ga 14, 6-14 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Thánh Phipphê và Thánh Giacôbê là những Tông đồ của Ngài”

LECTIO DIVINA

03-5-2022

Thánh PHILIPPHÊ và Thánh GIACÔBÊ, Tông đồ

Ga 14, 6-14

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Thánh Phipphê và Thánh Giacôbê là những Tông đồ của Ngài

1.LECTIO

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê hậu. Trong Tin Mừng (Ga 14, 6-14), Philípphê bày tỏ một yêu cầu nói lên sự nhiệt thành khao khát Thiên Chúa cũng như sự thiếu hiểu biết của ông về sự kết hợp hoàn hảo của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Chúa Giêsu là “bí tích” vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài làm cho Thiên Chúa hiện diện và tỏ lộ Thiên Chúa là ai và là gì. Bất cứ ai thấy Chúa Giêsu, là thấy Chúa Cha. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận Thiên Chúa là Cha của toàn thể và tất cả. Các Kitô hữu có thể làm được các công việc của Thiên Chúa như Đức Kitô đã làm. Với cái chết của Đức Kitô và sự Đức Kitô được tôn vinh, cùng với sự nhận lãnh Thánh Thần, các môn đệ có thể tiếp tục công việc của Thiên Chúa nơi Đức Kitô trong thời gian và không gian.

Được biến đổi bởi biến cố Phục Sinh và được Thần Khí của Chúa Phục Sinh ban cho sức mạnh, Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê đã công bố sứ điệp Tin Mừng trên khắp thế giới. Qua tác vụ tông đồ và cuộc tử đạo, sự tham gia của hai vị vào công việc của Đức Kitô đã được hoàn tất. Theo Công vụ của Philípphê, sau khi Chúa Giêsu sống lại, Philípphê được sai đi cùng với chị gái Mariamne và Bartholomêô để rao giảng ở Hy Lạp, Phrygia và Syria. Thông qua một sự chữa lành kỳ diệu và lời rao giảng của mình, Philipphê đã khiến vợ của quan trấn thủ Hierapolis hoán cải. Điều này làm cho quan trấn thủ phẫn nộ, và ông ta đã tra tấn cả Philipphê, Bartholomêô và Mariamne. Philipphê và Bartholomêô sau đó bị đóng đinh lộn ngược trên thập giá, còn Philipphê đã rao giảng từ cây thập giá của mình. Nhờ lời rao giảng của Philipphê, đám đông đã giải thoát Bartholomêô khỏi thập giá, nhưng Philipphê khăng khăng nên họ không thả ngài ra. Và Philipphê đã chết trên thập giá.

Thánh Giacôbê hậu, tác giả của một bức thư được linh hứng, cũng là một trong Nhóm Mười Hai. Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết rằng Thánh Giacôbê hậu đã được ưu đãi bằng một cuộc hiện ra đặc biệt của Đức Kitô Phục sinh. Khi các tông đồ phân tán vào giữa các quốc gia, Thánh Giacôbê hậu được để lại làm Giám mục Giêrusalem. Ngay cả những người Do Thái cũng hết lòng tôn kính sự trong sạch, sự khổ chế và lời cầu nguyện của thánh nhân, đến nỗi họ gọi ngài là Người Công chính. Các sử gia cổ xưa của Giáo Hội đã truyền lại nhiều truyền thuyết về sự thánh thiện của Thánh Giacôbê hậu. Hegesippus nói rằng (đời sống) thánh nhân luôn như là một trinh nữ, được thánh hiến cho Chúa. Ngài không uống rượu, không đi dép, và chỉ mặc một bộ quần áo trên người. Ngài quỳ phủ phục khi cầu nguyện đến nỗi da đầu gối của ngài chai cứng lại như móng chân lạc đà. Người ta bảo rằng người Do Thái, đã hết sức trân trọng được chạm vào gấu áo của ngài. Ngài thực sự là bằng chứng sống động cho lời nói của chính mình :Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt (Gc 3, 17). Thánh Giacôbê hậu ngồi bên cạnh Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tại Công đồng Giêrusalem ; và khi Thánh Phaolô, vào một thời điểm sau này, thoát khỏi cơn thịnh nộ của người Do Thái bằng cách nại đến thẩm quyền hoàng đế Xê-da-rê, thì dân chúng đã báo thù Giacôbê, và khi hét lên rằng: “Người công chính đã sai lầm”, họ đã ném đá thánh nhân cho đến chết.

Giáo Hội tưởng niệm, vào cùng một ngày, Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê hậu, với thi thể hai vị được đặt cạnh nhau tại Roma. Hai vị là gương mẫu cho chúng ta về hai khía cạnh của sự thánh thiện của Kitô hữu. Thánh Philipphê rao giảng đức tin, Thánh Giacôbê hoạt động ; Thánh Philipphê khát vọng thánh thiện, Thánh Giacôbê có tâm hồn thuần khiết. Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê là những tấm gương sáng chói về đức tin Phục sinh và sự trọn vẹn phục vụ Tin Mừng.

2.MEDITATIO
Biết Chúa Giêsu là biết Chúa Cha. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “biết một người” không chỉ là sự hiểu biết về trí tuệ, mà còn bao hàm một kinh nghiệm sâu sắc về sự hiện diện của người đó trong cuộc đời của người biết. Tôi có biết Chúa Giêsu không ?
Tôi có biết Chúa Cha không ?
Tôi có tin rằng Chúa Cha và Chúa Con là một không ? Tôi có đặt đức tin của mình nơi Đức Kitô bằng cách nỗ lực làm theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa không ?
Các công việc của tôi có luôn luôn bày tỏ cho người khác biết Chúa Cha và Chúa Con không ?
3.ORATIO

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, hàng năm, Chúa cho chúng con được vui mừng kính nhớ hai Thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Nhờ sự nguyện giúp cầu thay của các ngài, xin cho chúng con được thông phần vào sự đau khổ, sự chết và sự sống lại của Con Một của Cha, và được muôn đời chiêm ngưỡng vinh quang của Cha. Cha hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. Alleluia, alleluia, alleluia.

4.CONTEMPLATIO

Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm

5.ACTIO
Tôi cảm ơn Chúa về ân huệ là Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê cho Hội Thánh và chứng tá tông đồ của các ngài.
Trong các hoạt động hàng ngày của tôi, tôi ý thức rằng tôi được kêu gọi để làm các việc của Thiên Chúa trong Đức Kitô, và vì vậy tôi thực hiện các nhiệm vụ của mình với động lực thúc đẩy là Chúa Thánh Thần.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.