Bài tin mừng hôm nay, chúng ta đều biết vì đã được nghe nhiều lần. Tuy nhiên nó chứa đựng một sứ điệp quan trọng dễ bị bỏ qua.
Chúa Giêsu nói với đám đông bằng dụ ngôn. Đó là những câu chuyện mà Chúa Giêsu kể lại để người nghe hiểu biết các bí mật của Thiên Chúa. Và ngày nay, chúng ta có thể coi như là những dụ ngôn bằng hành động. Chúng ta phải tiếp nhận nó như là một tin mừng đến với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại của cuộc sống.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài sang «bờ bên kia». Lời nói nầy có một ý nghĩa thật mạnh mẽ. Vấn đề không chỉ là vượt qua biển hồ. Đối với Tin mừng, bờ bên kia là bờ của dân ngoại. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ của Ngài chỉ ở với những người tín hữu. Với Ngài, sứ mạng cứu thế không có biên cương. Ngài đã đến kêu gọi tất cả mọi người đến ơn dứu độ; vì thế điều quan trọng là làm sao để thế giới ngoại giáo có thể đón nhận được tin mừng ấy.
Trong cuộc vượt qua ấy, bão táp đã xảy ra. Đối với người Híp pri, biển là nơi dung thân của ma quỉ và các thế lực sự dữ. Trong các bức tranh, biển thường chứa đầy những sinh vật biển khổng lồ đáng sợ. Trong trang tin mừng nầy, chúng ta hiểu rằng các thế lực sự dữ muốn nuốt sống con thuyền của Lời để không cho đến bờ bên kia.
Tất cả những điều ấy xảy ra trên biển hồ Ga li lê. Nhưng khi viết tin mừng, thánh Máccô muốn nói với các ki tô hữu bị bách hại. Đối với họ, đó là cơn bão khủng khiếp. Bấy giờ, cũng như các môn đệ ngày xưa những người Kitô hữu ấy kêu lên với Chúa: «Lạy Thầy, chúng con chết mất, Thầy không làm gì sao ? ». Đó là tiếng kêu đau khổ và thất vọng vang lên từ xưa đến ngày nay. Nhiều người đã bị giết vì sự điên cuồng của một người trong thế chiến thứ hai. « Thế mà Ngài không làm gì sao ? ». Giáo hội bị phê phán, không được hiểu đúng, bị chế nhạo bởi vì giáo hội đi ngược với thế gian, hay bởi vì Giáo hội bảo vệ những người yếu kém và bị loại trừ. Nhiều sách phim ảnh chế nhạo giáo hội. « Thế mà Ngài không làm gì sao ? ». Chung quanh chúng ta, một vài người là nạn nhân của những cuộc thử thách kinh hoàng: nạn nhân của kiêu căng, của bạo lực, của hận thù con người, của sự loại trừ, của vu khống phá hủy tiếng tốt của họ một cách bất công. « Thế mà Ngài lại không làm gì sao ? ».
Nhiều cơn bão táp cũng nổi lên trong chính đời sống chúng ta. Và Giáo hội không ở trên thế gian, nhưng liên đới với tất cả những gì đang xảy ra. Niềm vui và đau khổ của con ngưỡi cũng là niềm vui và đau khổ của Giáo hội. Bão táp trong thế gian lay động Giáo hội mạnh mẽ. Giáo hội không thể nhắm mắt làm ngơ trước tất cả các cuộc chiến đấu đòi hỏi người ta trân trọng con người hơn, coi trọng công bình và hòa bình hơn. Nhưng hầu như lúc nào cũng đối đầu với nguy cơ bách hại.
Sứ điệp to lớn của bài tin mừng là trong lúc cuồng phong dữ dội nhất, Chúa Giê su hiện diện với chúng ta, với Giáo hội. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả khi chúng ta tưởng là Ngài ngủ và dửng dưng với những gì đang xảy ra. Để giúp chúng ta hiểu điều đó, thánh Augustinô đã giải thích như sau: “Khi người ta nói Thiên Chúa ngủ, đó là vì chúng ta ngủ; và khi người ta nói Thiên Chúa đứng dậy, là vì chính chúng ta thức dậy. Quả thật, Chúa đang ngủ trong thuyền, và nếu chiếc thuyền bị lắc lư là vì Ngài ngủ. Chiếc thuyền của Chúa là chính con tim của Chúa. Và Chúa Giêsu trong chiếc thuyền, đó là đức tin trong tâm hồn. Nếu anh nhớ đến đức tin của mình, tâm hồn anh không còn bị chao đảo nữa. Nếu anh quên đức tin của anh, Đức Ki tô ngủ và anh coi chừng bị đắm” (thánh Augustinô).
Ngày chủ nhật hôm nay, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nghe lời Chúa Giê su: “Tại sao các ngươi lại sợ? Tại sao không tin vào Thầy?” Ngài cũng trách chúng ta khi chúng ta núp sau những bức tường an ninh giả tạo. Đó là lời mời gọi lay động mạnh mẽ và tiến về phía bở bên kia, nơi sứ mạng đang chờ đợi chúng ta.
Bấy giờ chúng ta không còn bị chướng ngại nào cản trở để lớn tiếng kêu lên Đức Kitô giữa cơn bão cuộc đời chúng ta. Như các môn đệ đã làm. Đừng bao giờ nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa ngay cả khi tất cả đều xấu đi. Không gì có thể cản trở Nước Thiên Chúa lớn mạnh một cách âm thầm, như hạt giống rơi trên đất. Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý, nhân loại đang bay về phía bờ bên kia.
Vậy thì hãy tin tưởng, đừng sợ. Cảm tạ Chúa phục sinh luôn hiện diện giữa lòng cuộc sống và bão táp chúng ta. Và nhất là đừng bao giờ quên rằng sứ mạng đang chờ đợi chúng ta.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc