Chúng ta đã đọc bài Tin mừng nầy cách đây mười lăm ngày. Nhưng các bài đọc Thánh kinh được đề nghị cho Thánh lễ Hiện Xuống mang lại cho nó một luồng sáng mới. Hôm nay là lễ của Ơn ban Thánh Thần cho các Tông đồ và cho toàn thể Hội Thánh. Một điều đáng để ý là nhân cơ hội nầy, Tin mừng chỉ nói với chúng ta về tình yêu. Bình thường chúng ta muốn nói về Thánh Thần như một đấng mang đến cho chúng ta niềm cảm hứng, các ý tưởng, sự biện phân, sự hiểu biết. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta về một điều khác hẳn. Thánh Thần là một Tình yêu nhân cách hóa. Điều đó không có gì lạ lùng, bởi vì, Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu”.
Vào buổi sáng ngày Hiện xuống, các môn đệ đầy tràn Chúa Thánh Thần. Đó chính là Tình yêu của Thiên Chúa xâm chiếm họ. Đối với chúng ta, những người kitô hữu đã được rửa tội và thêm sức cũng như thế. Khả năng yêu thương của chúng ta bị chính tình yêu của Thiên Chúa chiếm hữu. Từ nay, chúng ta có thể trở thành người Do thái với người Do thái, người Ả rập với người Ả rập, người Phi châu với người Phi châu và nhất là chúng ta có thể cảm nghiệm sự nghèo khổ với những người nghèo. Tình yêu ấy của Thiên Chúa ngự trong chúng ta thúc đẩy chúng ta gặp gỡ người khác trong chính điều họ đang sống. Đức Kitô nhấn mạnh rất rõ ràng vế mối liên kết giữa tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tương quan giữa chúng ta với anh em: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ trung thành với các giới răn của Thầy”. Điều răn ấy chúng ta đều biết: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương nhau chính là phục vụ tha nhân, như việc rửa chân vào chiều thứ năm tuần thánh mà Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.
Ai yêu mến Đức Kitô không thể không dấn thân phục vụ anh em mình. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta đối với anh em mình không thể tách rời được. Nhìn cách chúng ta phục vụ anh em mà người ta có thể phán đóan về phẩm chất tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúa của chúng ta quí chuộng mỗi người như là phẩm vật quí giá nhất của Người. Nếu Chúa Giêsu chết trên thánh giá, thì quả thật chính vì tình yêu đối với tất cả mọi người không loại trừ ai. Ai không phục vụ người khác thì không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan còn đi xa hơn: “Nếu ai yêu mến Thầy, và trung thành giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến với người ấy và chúng ta sẽ ở trong người ấy”. Chúng ta nên hiểu cho kỹ, Chúa Giêsu không có ý nói rằng nếu chúng ta không phục vụ người khác, Chúa Cha có thể không yêu thương chúng ta. Trong Thiên Chúa, không có sự mặc cả hay điều kiện. Người là Tình yêu và lòng Thương xót; điều đặc biệt nơi lòng thương xót của Người đó là Người dành nhiều ưu ái hơn cho những kẻ khốn cùng, những kẻ cần được yêu thương và phục vụ.
Vì thế, trang Tin mừng nầy là một lời mời gọi tiếp nhận tình yêu không giới hạn ở nơi Thiên Chúa. Nếu chúng ta đi theo hướng ấy, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở. Tình yêu của Thiên Chúa càng ngày càng xâm chiếm tâm hồn, giúp chúng ta phục vụ anh em mình một cách đắc lực hơn. Nhưng tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta biết chịu khó “kín múc tận nguồn” tình yêu, niềm vui và bình an ấy ở trong Thiên Chúa. Chúng ta chỉ chuyển thông cho thế gian điều mà chúng ta được Thiên Chúa ban phát trong lời cầu nguyện và đón nhận Lời Thiên Chúa.
Thần khí của Chúa Giêsu được ban cho chúng ta để chúng ta thi hành sứ vụ. Nhưng thường luôn có sự chống đối trong chúng ta. Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng chúng ta có một đấng bào chữa. Tất cả chúng ta đều cần đến Người, không phải để chống lại Thiên Chúa, vì Người là Tình yêu, mhưng để chống lại chính mình. Rất thường, chúng ta nói: “Tôi không thể làm được, tôi quá già.. hoặc quá trẻ.. chúng tôi không có đủ người. Theo ý kiến chúng tôi, điều đó không thể thực hiện được”. Nhưng đấng bào chữa hiện diện để bênh vực cho người khác. Người là đấng đã thúc đẩy các môn đệ ra trước đám đông, đến với những người đã lên án Chúa Giêsu chết trên thánh giá.
Nghĩ đến Chúa Thánh Thần, thì điều trước tiên là thưa với Người: “Xin hãy đến!” Bấy giờ, Người sẽ là đấng xâm chiếm tâm hồn. Cuộc sống kitô hữu của chúng ta trở thành một kinh nghiệm sự sống tràn đầy Thánh Thần. Vừa đến, Người hoạt động ngay. Chính Người phát động Giáo Hội trên khắp thế gian. Chúng ta cần phải thưa với Người rằng: “Xin hãy đến” khi có bế tắc nơi chúng ta, khi chúng ta sợ dấn thân, khi chúng ta không thể tha thứ. Khi bị thử thách hay khó khăn cùng cực, Người sẽ trở thành đấng bảo vệ, để giúp chúng ta hiểu rằng đối với Thiên Chúa, không có tình cảnh nào là tuyệt vọng cả. Người là sức mạnh để khởi đầu và khởi đầu lại, là đấng không biết mệt mỏi thúc đẩy chúng ta bước tới trước. Tất cả đều tùy thuộc vào sức mạnh của lời cầu xin: “Xin hãy đến!” mà ai trong chúng ta cũng có thể dâng lên Người.
Chúng ta hãy cầu xin Người giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ hãi đóng khung chúng ta, những thói quen, những thành kiến và những điều không hài lòng. Ước gì Người biến chúng ta thành những con người tự do!
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc