GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO
“HOC EST CORPUS MEUM…”
(Này là mình Thầy…” (Mc 14,22-24)
Ý nghĩa các biểu tượng Bánh Thánh và Chén Máu Thánh diễn tả tình yêu tuyệt hảo, dâng hiến trọn vẹn của Thiên Chúa để tha thứ và cứu độ con người (x. Ga 6,53-58). Vì vậy, loài người trong mọi hoàn cảnh và thời đại vẫn luôn có thể hy vọng vào lòng thương xót vô biên của Ngài.
Đức Mẹ là mẫu gương của “lòng tin chuyển núi rời non” (x. Mt 17,20), được xưng tụng là người có phúc vì đã tin (x. Lc 1,45), là người Mẹ đồng hành hướng dẫn và trợ lực các môn đệ Chúa trong sứ mệnh loan truyền tình yêu cứu độ của Người “cho tới khi Chúa đến” (x. 1Cr 11,26).
Cây cải và Đất diễn tả sức mạnh của lòng tin có sức chuyển núi rời non (x. Mt 17,20) đã được ban cho Giáo Hội trong suốt hành trình lịch sử. Nếu môn đệ Chúa, với Đức Tin, kiên vững gieo rắc tình yêu của Chúa vào lòng con người thời đại, sẽ thay đổi thế giới.
Suy niệm về Khẩu Hiệu
“Này là Mình Thầy…” (Mc 14,22-24). Đây là khẩu hiệu đã được chọn cho cuộc đời và sứ mệnh giám mục như sứ vụ làm vang vọng lại lời của Chúa để chính Chúa có thể tiếp tục nói vào lòng người thời đại: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn; này là chén máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống” (Mc 14,22-24).
Khẩu hiệu này phát sinh từ cuộc đời của Đức Thánh Cha, Chân phước Gioan Phaolô II. Trên 20 năm trời trong nhiệm vụ Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, Ngài đã bôn ba khắp năm châu, gặp gỡ biết bao nhiêu người, thuộc mọi thành phần, viết bao nhiêu văn kiện, gửi đi biết bao nhiêu sứ điệp, đưa ra bao nhiêu sáng kiến mục vụ. Ngài đi đến đâu cũng qui tụ đông đảo dân chúng và được mọi người đều cảm phục và quí mến.
Dù vậy, vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời và sứ mệnh Chủ chăn, Ngài thấy sức mạnh của sự dữ dấy lên và lan tràn khắp nơi, như một thứ “ma túy”, vừa quyến dũ, vừa tàn phá. Trong khi đó, con người lại hết sức yếu đuối. Người ta không chỉ ngã quỵ trước sức mạnh của sự dữ, mà còn đua nhau chạy theo sự dữ. Sứ mệnh mục tử của Ngài lúc này chuyển từ việc hăng say hoạt động sang âm thầm chịu đựng đau khổ, bệnh tật, để kêu cầu cho nhân loại lòng thương xót của Chúa, Đấng đã nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn; này là chén máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống” (Mc 14,22-24). Tình yêu này là tình yêu của chính Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại vô điều kiện: thương yêu, dâng hiến, tha thứ, cứu vớt. Chỉ có tình yêu này mới có thể xóa tan sức mạnh của sự dữ và nâng dậy tâm hồn con người. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đi vào con đường này, khi Ngài dũng cảm thoái vị để rút vào trong thinh lặng, âm thầm cầu nguyện và hy sinh cho Giáo Hội.
Bổn phận của môn đệ Chúa là “loan truyền Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa đến” (PV; x. 1Cr 11,24-26): nói cho người ta biết, nhắc nhở cho người ta nhớ, lay động cho người ta hiểu và chấp nhận tình yêu của Chúa là Đấng thương yêu nhân loại đến cùng (x.Ga 3,16), đến nỗi đã dâng tặng chính mình cho mọi người và cho từng người: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn; này là chén máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống” (Mc 14,22-24).
Tuy vậy, sứ mệnh loan truyền tình yêu cứu độ của Chúa là một bổn phận vô cùng khó khăn vì người ta không tin là Thiên Chúa thương yêu loài người đến độ đó và người ta cũng không tin là chỉ có tình yêu mới xây đắp và kiến tạo; người ta không tin tình yêu là sức mạnh nguyên thủy và là suối nguồn đích thực của hạnh phúc. Do đó, người ta làm ngơ trước tình yêu trời bể của Thiên Chúa và nhiều khi còn tìm cách loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống; người ta miệt mài tìm kiếm lợi lộc và thú vui cho dù có phải hy sinh gia đình, bạn bè hoặc loại trừ người khác; người ta nhắm mắt làm ngơ trước những người yếu kém, nghèo đói, đau khổ và người ta sử dụng sức mạnh bạo lực để giải quyết các vấn đề.
Thay đổi được não trạng này để đưa vào não trạng tình yêu, thứ não trạng biết để ý đến những người yếu kém và đau khổ, biết dâng hiến và tha thứ để xây đắp cuộc đời người khác, quả là chuyện “đội đá vá trời”; đúng là chuyện “chuyển núi rời non”. Vì vậy, môn đệ của Chúa có thể nản lòng nên đi tìm kiếm và dâng tặng những chuyện khác không liên quan gì đến việc loan truyền tình yêu cứu độ của Chúa. Sứ mệnh này tuy khó, nhưng có thể thực hiện được, vì Chúa đã căn dặn các môn đệ của Người: “Nếu chúng con có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, các con có thể chuyển núi rời non” (Mt 17,20, x. Mt 21,21).
Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không những là sức mạnh, mà còn là sức mạnh tuyệt đối. Đó là sức mạnh của tình yêu thần linh dâng hiến vẹn toàn, có sức thay đổi lòng người và đây cũng chính là lòng tin của Đức Mẹ, Đấng đã được xưng tụng là người có phúc vì đã tin (x. Lc 1,45). Đức Mẹ chính là mẫu gương và hơn nữa, còn là Thầy và là Mẹ, luôn bên cạnh để hướng dẫn và trợ lực người môn đệ trong sứ mệnh làm vang vọng vào lòng người thời đại lời của Chúa: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn; này là chén máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống”(Mc 14,22-24).