Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông chúng ta thường được nghe nhiều tin tức giống với những gì được kể lại trong bài tin mừng Luca: nạn nhân tai nạn giao thông, nạn nhân các cuộc trấn lột, cướp bóc. Nhưng hầu như không thấy ai ra tay cứu giúp các nạn nhân, thậm chí không có phản ứng gì. Cũng còn may mắn là thỉnh thoảng cũng có những luật trừ, những người can đảm bất chấp nguy hiểm liều mình để giúp đỡ những người bị hại.
Chủ nhật hôm nay chúng ta đọc lại dụ ngôn thường được gọi là dụ ngôn về người “Samari nhân hậu”. Đó là câu chuyện của một người từ Giêrusalem đi xuống Giêrikhô. Những ai quen thuộc địa phương nầy đều biết đó là con đường nguy hiểm, vì chạy qua một vùng núi khô cằn và sa mạc hoang vắng, môi trường thuận lợi cho bọn cuớp thường ra phục kích tấn công khách bộ hành. Bài tin mừng kể lại một trường hợp như thế. Một người chẳng may bị rơi vào tay bọn cứơp. Chúng tấn công, đánh đập anh ta dã man sau khi đã trấn lột hết của cải và hành lí. Đánh người cướp của xong, chúng tẩu thoát và bỏ nạn nhân giữa đường nửa sống nửa chết.
Sau đó một thầy tư tế, rồi một thầy lê vi đi ngang qua. Thấy nạn nhân giữa đường, họ đi luôn, không giúp đỡ gì. Có thể ngày nay chúng ta lên án hành động của họ, cho rằng họ quá nhẫn tâm, vì không giúp đỡ người bị nguy tử. Hơn nữa, họ là những người thông thạo lề luật, nhất là giới lưật yêu thương: “Ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình ngươi”.
Nhưng có người thông cảm thái độ dửng dưng của hai thầy tư tế và lê vi ấy. Họ đang trên đường đến Giêrusalem để dâng lễ ở Đền thờ. Lề luật buộc họ phải giữ mình cho thanh sạch, không được chạm đến máu hay người chết, nếu không họ sẽ bị nhiễm ô uế, và do đó, không thể cử hành các nghi lễ được nữa. Chính vì để tránh nhiễm uế theo lề luật mà họ bước qua bên kia, qua bên kia hành vi nhân đạo cứu người bị nạn, qua bên kia lòng bác ái và tin mừng. “Tay họ sẽ trong sạch, nhưng đó là đôi tay không có trái tim”. Khi muốn trung thành với lề luật, họ quên giới luật yêu thương nền tảng và quan trọng mà Thiên Chúa đã dạy.
Đến lượt một người Samari , vốn là thù địch với người Do thái và bị họ khai trừ khỏi cộng đoàn. Nhưng trước hòan cảnh đáng thương của nạn nhân, anh đã không nghĩ gì khác ngoài việc ra tay nhân nghĩa cứu giúp người bị nạn. Anh đã biết mở rộng lòng từ tâm, dừng lại, sơ cứu rồi chở người bị thương đến quán trọ để nhờ người khác tiếp tục chăm sóc. Là hạng người đã bị coi là không vâng phục lề luật, anh ta thực sự trở thành người tuân giữ lề luật đúng nghĩa. Khi đề cao anh ta như một gương mẫu cho chúng ta, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy con đường phải theo để được dự phần vào cuộc Sống đời đời.
Ngài mời gọi chúng ta hãy đảo ngược vấn đề. Nếu cứ tiếp tục đặt câu hỏi: ai là người thân cận với tôi, có lẽ chúng ta cũng là một trong những gặp thấy người bị nạn, rồi đi qua luôn để tránh bổn phận bác ái. Hay trong những trường hợp khác, chúng ta có thể viện dẫn nhiều lí do để lẫn tránh người đến xin chúng ta giúp đỡ. Nhưng khi làm như thế, chúng ta từ khước chính Đức Kitô. Thật vậy, chính Ngài luôn luôn ở bên cạnh những người bị lọai trừ và bị thương bởi cuộc sống. Hơn nữa, Ngài còn tự đồng hóa với mỗi người trong họ: “Quay lưng lại với một người anh em đang đau khổ là quay lưng lại với chính Thiên Chúa”.
Khi kể cho chúng ta nghe ví dụ ấy, Đức Kitô muốn thúc đầy chúng ta làm một cuộc đảo ngược vấn đề, thay đổi cái nhìn mà chúng ta hướng đến người khác. Từ nay, câu hỏi không còn là: “Ai là người lân cận của tôi?” nhưng là “tôi trở thành người lân cận của ai?”. Người lân cận không phải là ai khác; mà là chính tôi khi tôi đến gần họ, khi tôi đến gần gia đình tôi, gần những người làm việc chung với tôi, những người bị thương trong cuộc sống, những bệnh nhân, những người bị ức hiếp trong xã hội.
Hiện nay, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến mà chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận toàn thế giới. Đó là những cơ hội tốt cho phép chúng ta có thể tự đặt cho mình câu hỏi nầy: “Tôi có phải là một người lân cận tốt cho mọi người không?”
Dụ ngôn ấy nói với chúng ta về Thiên Chúa “nhân lành”. Thật vậy, người Samari tốt bụng chạnh lòng trước thảm cảnh của người bị nạn ấy chính là Thiên Chúa. Người đã động lòng thương xót trước hòan cảnh tội lỗi đáng thương của con người. Nên Người đã đến gần chúng ta, sống với chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta niềm tin để sống và để hi vọng.
Bài dụ ngôn trên đây cũng nói với chúng ta về Chúa Giêsu. Ngài là người bị nạn rơi vào tay bọn cướp. Sau nầy, trong suốt cuộc Khổ nạn, Ngài sẽ bị kết án, bị đánh đập và bị giết chết trên cây thập giá. Các môn đệ sẽ bỏ Ngài. Ngài trở thành đối tượng chê cười cho các lãnh đạo tôn giáo dân Ngài. Khi chấp nhận chết như thế, Ngài muốn trở nên gần gủi và liên đới với tất cả những người bị loại trừ trên thế gian nầy.
Lòng thương xót của người Samari nhân lành ấy đã trở thành điển hình của lòng xót thương của Chúa Giêsu nghiêng mình trên nhân lọai đang bị tổn thương vì tội lỗi. Tòan tin mừng cho chúng ta thấy Ngài rong ruổi khắp các nẻo đường, để đến gần với các bệnh nhân và tất cả những ai bị thương bởi những thử thách của cuộc đời. Ngài đã mang lấy trên mình tất cả những nỗi đau khổ và tội lỗi của trần gian. Ngài đã phải trả giá đắt để cho chúng ta được sống. Chính khi yêu thương chúng ta cho đến cùng mà Ngài trở thành người thân cận của chúng ta. Và hôm nay, Ngài nói với chúng ta giới răn của Ngài: “Con cũng hãy đi và làm như vậy”.
Khi chúng ta cử hành Thánh lễ, chính Chúa Giêsu đến để trở nên người thân cận với chúng ta. Với Ngài, chúng ta học cách yêu thương và tiếp cận người khác như Ngài. Cùng hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết trở thành chứng nhân cho một cộng đòan luôn mở rộng vòng tay đón nhận, một cộng đòan sống theo gương của Ngài cho đến cùng. Chính bằng giá đó mà chúng ta có thể dự phần vào sự Sống vĩnh cửu.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc