Anh Em Hãy Ra Đi (Lc 10,3) – Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 14 Thường Niên – Năm C

Trang tin mừng hôm nay một lần nữa nhắc cho chúng ta nhớ sứ mạng truyền giáo phổ quát và khẩn thiết đến như thế nào. Là những người đã được rửa tội, tất cả những Kitô hữu đều được sai đi loan báo tin mừng. Dù làm việc gì hay ở bất cứ nơi đâu, tất cả đều được Thiên Chúa trao phó sứ mạng ấy và không ai được miễn trừ.

Thánh Luca nói với chúng ta về 72 người mà Chúa Giêsu sai đi sứ mạng. 72 là một con số biểu tượng. Vào thời Chúa Giêsu, số đó tượng trưng cho tất cả các nước ngoại giáo theo cách nhìn của Cựu Ước: điều đó có nghĩa là sứ  mạng hướng đến tòan thế giới. Ý nghĩa thực rõ ràng: tất cả được sai đi loan báo cho mọi người tin mừng cứu độ về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa say đắm yêu thương nhân lọai. Vì thế, tất cả những người đã chịu phép Rửa đều được mời gọi đáp trả và làm chứng cho tình yêu ấy. Một Kitô hữu chỉ có thể là một người say mê Thiên Chúa. Còn nếu chỉ bằng lòng với một cuộc sống đức tin tối thiểu, như thỉnh thoảng đọc kinh hay đi lễ, thì không phải là người Kitô đúng nghĩa. Thiên Chúa không ưa thích những người nguội lạnh và dửng dưng. Lại nữa, kiểu cách sống như thế không xứng đáng với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức Kitô tin tưởng nơi mỗi người chúng ta và vì thế Ngài đã sai chúng ta đi như đã sai 72 môn đệ.

72 môn đệ được sai đi trước để chuẩn bị con đường cho Chúa Giêsu đến nơi Ngài phải đến. Sự kiện đó nhắc chúng ta nhớ rằng truyền giáo trước tiên không phải là công việc của chúng ta mà là việc Chúa Giêsu hành động trong thâm tâm con người. Ngài đi trước chúng ta, nhưng Ngài cần có người để làm chứng cho Ngài. Công việc truyền giáo thì bao la trong khi đó những người dấn thân làm việc ấy thì lại thiếu. Đàng khác, chúng ta sẽ không bao giờ ngang tầm với chứng từ mà chúng ta phải thực hiện, vì việc truyền giáo vượt quá sức chúng ta

Trước sự thiếu thốn và bất xứng đó, điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi trước tiên nơi những người được sai đi, không phải là lo trang bị cho mình những phương tiện làm việc, mà là cầu nguyện, xin Chủ ruộng sai thợ vào đồng lúa. Giáo hội chắc chắn phải cần nhiều linh mục hơn, nhưng cũng cần nhiều giáo dân dấn thân, nhiều bậc cha mẹ thực sự quan tâm đến việc giáo dục Kitô giáo cho con cái mình, những giáo lí viên, linh hoạt viên giáo xứ, những người Kitô hữu nhiệt thành trong việc làm chứng đức tin nơi mình đang sống.

Đàng khác, việc Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện, cũng còn là để mọi Kitô hữu thực sự cảm nghiệm mình được mời gọi truyền giáo. Trong Giáo hội rất giống như một thân thể, mỗi thành phần đều khác nhau, nhưng mỗi thành phần phải làm trọn chức năng của mình, nếu không thì tòan thân bị liên hệ. Nếu trong một cộng đoàn Kitô hữu, có những người không quan tâm đến việc làm chứng đức tin của họ, thì toàn thể cộng đòan bị thiệt hại.

Trong nghi thức phép rửa, có một cử chỉ đầy ý nghĩa. Đó là việc lãnh nhận ánh sáng và chuyển thông cho người khác. Là Kitô hữu đã được rửa tội, có nghĩa là tiếp nhận Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình và chuyển thông Ngài chung quanh chúng ta. Nếu không có tình yêu say mê Đức Kitô trong cuộc đời, chúng ta không thể nói rằng mình là những người Kitô hữu. Chúng ta có thể nói dối với mọi người, nhưng chúng ta không thể nói dối với Thiên Chúa. Một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả lẽ vì những trách nhiệm của chúng ta.Được sai đi chính là để mang ơn bình an mà Thiên Chúa đã hứa ban cho mọi người, là tiếp xúc với mọi người, là sống chung với họ, là chia sẻ với họ. Ngang qua tất cả những mối tương giao nhân bản ấy, chúng ta làm chứng rằng Thiên Chúa tình yêu muốn cho chúng ta được sống.

Chứng từ ấy là trách nhiệm chung mà tất cả chúng ta đều gánh vác. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu: “Chính qua tình yêu thương nhau mà người khác nhận ra anh em là môn đệ của Thầy. Những người Kitô hữu chia rẽ nhau chỉ mang lại phản chứng mà thôi.

 Tất cả chúng ta được sai đi chung với nhau để cùng loan báo nước Thiên Chúa.Và nếu chúng ta liên kết với Đức Kitô qua lời cầu nguyện và các bí tích, thì chắc chắn lời chứng của chúng ta sẽ mang lại hoa trái. Khi cử hành phép rửa cho các tân tòng, chúng ta tự hỏi mình về điều mà chúng ta đã làm từ phép rửa của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, can đảm và sẵn sàng cho sứ mạng được giao phó cho chúng ta.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.