Giáo Dục Nhân Bản – Bài 8: KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – Bài 8: KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

I-  Khoa học và kỹ thuật là gì ?

Khoa học là hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực hiện chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực.

Kỹ thuật là tổng thể nói chung những phương pháp, phương thức sử dụng, những phương tiện và tư liệu hoạt động trong một lãnh vực hoạt động nào đó của con người

II-  Chỗ đứng của khoa học.

Vào cuối thế kỷ 19, khi nhà sinh vật học người Anh là Darwin tung ra thuyết tiến hóa, nhiều người đã dựa vào đó để chối bỏ một trong những tín điều quan trọng của Kitô giáo đó là việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người. Cũng trong thế kỷ 19, khi một số định luật mới được khám phá trong sinh vật học, tâm lý học, xã hội học, nhiều người đã vội kết luận con người phản ứng và hành động theo những quy luật có sẵn, do đó con người không có tự do.

Ngày nay, các nhà khoa học chân chính không còn rơi vào lối lý luận ngây ngô hàm hồ như thế nữa. Họ xác tín rằng khoa học không thể đưa ra câu trả lời tích cực hay tiêu cực về những vần đề thuộc phạm vi và chỗ đứng của mình. Khác với thái độ huênh hoang tự mãn các nhà khoa học thế kỷ thứ 19. Các nhà khoa học ngày nay ý thức rằng những nguyên lý mà họ đề ra dựa trên những khám phá khoa học chỉ có giá trị tạm thời của một lý thuyết và rằng các định luật khoa học đều mang tính chất hoàn toàn tương đối. Nói khác đi người ta không thể dựa trên những giả thuyết khoa học để chối bỏ hoặc khẳng định về những mệnh đề thuộc trật tự siêu hình và tôn giáo. Có sự kiện tiến hóa trong vũ trụ, nhưng người ta không thể dựa vào đó để chối bỏ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Các quan niệm mới về khoa học đã giúp các nhà khoa học ngày nay thấy được chỗ đứng  của khoa học trong tương quan với niềm tin. Ngày nay những chân lý đức tin và những giả thuyết khoa học có thể chung sống với nhau nơi người tín hữu dấn thân nghiên cứu khoa học. Điều cơ bản đối với một tín hữu và bất cứ nhà khoa học nào, đó là duy trì đức tin và khoa học trong lãnh vực riêng của mỗi bên. Nắm vững tiêu chuẩn này, khoa học sẽ không bao giờ xen vào đức tin hoặc khiến cho con người xa rời niềm tin. Nhà khoa học với tư cách là nhà khoa học cố gắng khám phá một chân lý thuộc trật tự khoa học mà thôi. Chân lý ấy có giá trị không những với nhà khoa học, mà còn cho mọi người, kể cả người có niềm tin.

Như thế, giữa khoa học và đức tin không có những mâu thuẫn đối nghịch nhau, trái lại đồng hành với nhau, nghĩa là có thể gặp gỡ và bổ túc cho nhau. Một tín hữu nhiệt thành vẫn có thể là một nhà khoa học, khoa học chân chính và ngược lại là một nhà khoa học hăng say vẫn có thể là một tín hữu đầy xác tín. Giải pháp duy nhất cho vấn đề tương quan giữa đức  tin và khoa học không phải là đặt hai lĩnh vực vào thế tương phản, thù nghịch nhau, nhưng là thiết lập sự đối thoại giữa hai bên. Khoa học và đức tin không nhìn nhau bằng sự đố kỵ, thù ghét mà bằng thiện cảm, cởi mở, sẵn sàng soi sáng cho nhau để tiến đến chân lý tối hậu là Thiên Chúa. Đó là thái độ mà Giáo hội luôn theo đuổi qua các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các nhà khoa học, cũng như bằng các ủy ban khoa học hiện hữu trong nhiều tổ chức khác nhau của Giáo hội.

III-  Tiến bộ kỹ thuật

Nói đến kỹ thuật là nói đến lao động. Chính nhờ lao động mà con người vượt trổi và khác với thú vật. Về điểm này mãi mãi thế giới phải nhìn nhận sự khai phóng của Karl Marx. Thật thế Karl Marx đã đưa ra nhận xét về lao động : thú vật gắn liền với sinh hoạt của nó, nó làm một với sinh hoạt của nó. Con người thì lấy sinh hoạt làm đối tượng của ý muốn và ý thức của mình. Con vật chỉ sản xuất những gì nó có hoặc cái nó cần dùng – Con người thì sản xuất mà vẫn tự do khỏi nhu cầu của mình.

Theo nhận xét của Karl Marx, con người có thể vượt lên trên và làm chủ lao động của mình. Điều này được chứng tỏ rõ ràng với các tiến bộ kỹ thuật ngày nay. Quả thật lao động đã làm một bước nhảy vọt về phẩm : Từ những việc làm chân tay có tính chất cá thể nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống, lao động đã biến thành kỹ thuật, nghĩa là được tổ chức mang tính xã hội và hướng đến việc tiêu thụ rộng rãi hơn, kỹ thuật đã thay đổi sâu rộng lao động của con người và chính con người.

Ngày nay, quyền hạn của kỹ thuật mỗi lúc một gia tăng và bao trùm mọi chiều kích cuộc sống con người : từ những sinh hoạt xã hội công cộng đến những lãnh vực riêng tư của con người ; từ địa hạt khoa học, sản xuất, nghệ thuật đến việc giải trí, giáo dục, con người đã vượt qua đoạn đường dài trong lịch sử của mình ; từ giai đoạn lý luận đến giai đoạn kỹ thuật, con người của thời đại kỹ thuật hoàn toàn khác với con người của những thời đại trước. Não trạng của nó cũng thay đổi một cách sâu rộng : Từ những khát vọng về tinh thần và tôn giáo, con người ngày nay nghĩ đến sự thụ hưởng nhiều hơn. Tiêu chuẩn mà con người thời đại dùng để đánh giá một sự vật chính là hiệu năng : và ngay cả khi đánh giá về con người, con người thời đại kỹ thuật cũng căn cứ trên hiệu năng, người thành công trong cuộc sống là người làm ra nhiều của cải.

Sống giũa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, đó là chỗ đứng của người Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Như vậy, tiến bộ khoa học, người Kitô giáo đã có công khi nêu bật giá trị nội tại của lao động và kỹ thuật : lao động nâng cao giá trị của con người, hay nói theo kiểu quen thuộc : lao động là vinh quang. Ngày nay mọi người đều chia sẻ cái nhìn ấy ; thất nghiệp trong xã hội ngày nay bị xem là một thất sủng, một điều xấu. hẳn phải trải qua thời gian dài, nhân loại mới đạt được ý thức ấy. Người hy lạp và La Mã xưa không nghĩ như thế, họ cho rằng lao động là một sinh hoạt hạ giảm con người. ngay cả người Kitô hữu thời đó cũng chia sẻ quan niệm ấy : Plato yêu cầu loại bỏ ra khỏi guồng máy cai trị tất cả những người thợmáy ; Ariscote thì xem tất cả những việc làm chân tay đều nghịch với trí khôn và như vậy không là việc làm tốt ; Cicêrô và Sênêca thì đề cao sự nhàn hạ. Sự hạ giá lao động, kỹ thuật mà con người thấy rơi rớt trong Giáo hội thời Trung Cổ có lẽ là do ảnh hưởng của Plato cho rằng : linh hồn ở trong thể xác như trong tù ngục, hoạt động cao quý duy nhất nơi con người là chiêm niệm nhằm tìm sự giải thoát khỏi ngục tù thể xác. Lao động cũng bị hạ giá, vì người ta cho rằng chỉ nô lệ mới phải lao động.

Dựa trên mạc khải, các tư tưởng gia Kitô giáo đã khám phá ra chiều kích nhân bản của lao động và kỹ thuật. Quả vậy, nhờ lao động và kỹ thuật, con người làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà dễ ở hơn, tiện nghi hơn, ấm áp hơn. Nhờ lao động và kỹ thuật, thế giới trở thành Vương quốc của con người chứ không phải là của tà ma và quyền lực tối tăm. Chính nhờ lao động và kỹ thuật, con người được hoàn thành hơn. Đó phải là cái nhìn của Kitô hữu đối với lao động và tiến bộ kỹ thuật ngày nay.

IV-  Mặt trời của tiến bộ kỹ thuật

Những tiến bộ kỹ thuật nâng cao cuộc sống con người, đưa con người tới địa vị thống trị thiên nhiên, từ đó con người cũng dễ đi đến chỗ tự mãn. Ngày xua, để chiến đấu chống lại bệnh tật, đói khổ, thiên tai, con người thường chạy đến với Thiên Chúa hay các thần linh nhưng ngày nay con người chỉ biết có khoa học kỹ thuật công nghiệp. Họ tin tưởng ở sức vạn năng của mình sẽ giải quyết được mọi bí ẩn của con người và sẽ xây dựng được Thiên Đàng trên trần gian này. Nhưng kỳ thực khoa học và kỹ thuật có đủ sức giải quyết được mọi vấn đề và mọi bí ẩn của con người không ?. Sau những hồ hởi của ban đầu, nhiều người đã chóng nhận ra được những thiệt hại trầm trọng, những sức mạnh hầu như không kiểm soát được mà khoa học kỹ thuật đã áp đặt trên con người và thiên nhiên. Trước hết điều mà nhiều người đang báo động, đó là sự đánh mất những giá trị tinh thần mà khoa học và kỹ thuật đang gây nên. Con người ngày nay xem ra không còn để ý đến những giá trị tinh thần nữa, quan tâm duy nhất của nhiều người là có được nhiều tiện nghi và hưởng thụ tối đa. Đánh mất khao khát những giá trị tinh thần nữa, cho nên con người chỉ biết nâng kỹ thuật lên hàng thần tượng, nghĩa là xem sự thống trị thiên nhiên không là một phương tiện, nhưng là cứu cánh đời đời.

Đánh mất những giá trị tinh thần, khoa học kỹ thuật cũng tạo ra một lỗ hổng trong các tương quan giữa người với người. Người ta thấy có hiện tượng như khả năng thí nghiệm và sử dụng càng phát triển, con người càng giảm thiểu sự đối thoại. Thật thế, kỹ thuật gia tăng những phương tiện thông tin, giải trí, di chuyển…nhưng chưa bao giờ người ta thấy người dân tại các nước văn minh, nhất là tại các đô thị lớn lại cô đơn cho bằng ngày nay. Tương quan giữa người với người mà lẽ ra kỹ thuật đã cố gắng thắt chặt, thì lại trở nên rời rạc lỏng lẻo hơn. Chưa bao giờ người ta thấy câu châm ngôn của người La Mã : « Người là chó sói cho người » được thể hiện cho bằng trong xã hội văn minh ngày nay. Cá nhân chủ nghĩa ngày càng gia tăng, sự ích kỷ ngày càng ngự trị trong các liên hệ giũa người với người. Tương quan giũa con người ngày càng lỏng lẻo, thì giá trị con người cũng ngày càng lu mờ theo kiểu nói của một triết gia Đức : « Con người chỉ còn là một con số trong các sổ sách của ngân hàng thuế vụ và bảo hiểm ».

Khoa học và kỹ thuật không những đã không cải thiện được mối tương quan giữa người với người, mà còn hủy hoại trái đất và môi trường sống của con người. Chưa bao giờ người ta lên tiếng báo động về môi sinh của con người cho bằng ngày nay. Chưa bao giờ nước và không khí lại bị ô nhiễm cho bằng ngày nay. Tiếng ồn ào của động cơ đủ loại, những âm thanh quay cuồng từ các thứ loa phóng thanh và các máy truyền hình, những cuộc chạy đua với công việc và bao nhiêu lo toan. Đó là nhịp sống mà khoa học và kỹ thuật mang lại cho con người thời đại.

Một khi con người tôn thờ khoa học và kỹ thuật lên hàng thần tượng, thì dĩ nhiên con người càng đánh mất tự do của mình. Nô lệ cho chính những nhu cầu giả tạo do những phương tiện kỹ thuật tạo ra, con người cũng nô lệ cho cách sống và những tư tưởng do các phương tiện truyền thông nhào nặn.

Dó là một vài đe dọa mà nền văn minh kỹ thuật ngày nay đang tạo ra cho con người.

V-  Tính chất vô luân của  việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Không chối bỏ những lợi ích mà kỹ thuật đem lại cho đời sống con người, nhưng chúng ta cũng không ngây ngô mơ mộng một Thiên đàng tại thế thật hứa hẹn. Chưa xây dựng được một thiên đàng tại thế, kỹ thuật ngày nay đã và đang làm băng hoại cuộc sống con người. Kỹ thuật mang lại tiện nghi cho con người, nhưng cũng cản trở con người vươn lên thành chiều kích luân lý.

Con người tiết yếu là một hữu thể luân lý, nghĩa là một hữu thể có thể làm chủ được những hành động của mình. Thú vật chỉ hành động theo bản năng, con người thì trái lại hành động với tự do. Chính vì có tự do và chịu trách nhiệm về những hành động của mình, cho nên chỉ có con người mới được khen thưởng về những việc làm tốt và bị khiển trách hoặc bị trừng phạt về những hành động xấu.

Nhưng làm thế nào để phân biệt những hành động tốt hay những hành động xấu là chính con người, hay đúng hơn chính bản thân con người được xem là tốt tất cả những gì phù hợp với những đòi hỏi của bản tính ấy, và bị xem là xấu tất cả những gì ngược lại với những đòi hỏi của bản tính ấy. Nếu con người luôn luôn muốn vượt qua và làm chủ trật tự không gian bao quanh nó, thì cái thiết yếu và cơ bản làm nên bản chất của con người hẳn không phải là yếu tố vật chất mà chính là phần thiêng liêng cao quý nơi con người. Chính yếu tố thiêng liêng được gọi là linh hồn này là tiêu chuẩn phân định điều tốt và điều xấu. Để trung thành với phần thiêng liêng cao quý ấy, cũng như được thành toàn trong nhân cách, con người phải làm chủ được mình và những bản năng của mình. Làm chủ được mình thắng vượt được các đam mê của mình. Kitô giáo cũng như mọi tôn giáo và nền luân lý khác đều lấy đó làm một trong những điểm nền tảng của việc tu thân.

Ngày nay xem ra luân lý đã bị đảo ngược. Người ta cho rằng thỏa mãn mọi bản năng tức là sống đúng với những đòi hỏi của bản tính con người. Người ta không còn phân biệt điều tốt với điều xấu, mà chỉ còn nói đến điều hợp pháp và điều không hợp pháp mà thôi và đó là cơ sở trên đó xã hội ngày nay làm những quyết định hệ trọng nhất, mà không còn màng đến luân lý tính của những hành động con người. Thay vì chế ngự những bản năng xấu, người ta đã sử dụng những tiện nghi an toàn do kỹ thuật mang lại. Chẳng hạn thay vì tự chế trong tình yêu hôn nhân, thì người ta chỉ cần giải phẫu cắt đi một phần trong cơ quan sinh dục hoặc uống một viên thuốc ; thay vì trách nhiệm đối với sự sống, thì người ta chỉ cần loại bỏ thai nhi còn trong lòng mẹ ; thay vì tình liên đới yêu thương đồng loại, thì người ta chỉ cần một mũi thuốc để loại bỏ những người già, những người bị xem là thành phần vô dụng của xã hội.

Nhưng sử dụng kỹ thuật một cách triệt để nhằm giải quyết mọi vấn đề của con người là một việc làm phi nhân và vô luân. Bởi vì hành động như thế là giết chết con người trong phần thiêng liêng cao quý nhất của nó. Con người cần đến kỹ thuật để có thể thống trị thiên nhiên và nâng cao mức sống của mình, nhưng thật là một sai lầm lớn khi chỉ biết trông cậy vào kỹ thuật để giải quyết mọi vấn đề của con người và tìm kiếm sự thành toàn của mình. Con người chỉ thực sự là người khi biết đến trách nhiệm những giá trị và trật tự luân lý. Nói cách khác con người chỉ nên người khi nó biết nhìn nhận Thiên Chúa như là Chủ tể và cùng đích của nó, cũng như ý thức rằng nó chỉ đạt được cứu cánh của nó trong Ngài mà thôi.

Nguồn: http://thuviensdb.org/index.php/he-thong-du-phong/item/115-giao-duc-nhan-ban

Comments are closed.