Giáo Dục Nhân Bản – Bài 5: CHÍNH TRỊ

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – Bài 5: CHÍNH TRỊ

I-   Chính trị là gì?

Theo nghĩa rộng: chính trị là hoạt động của con người nhằm hướng dẫn cuộc sống của những con người cùng sống, cùng làm việc với nhau, bởi con người cần có những quyết định liên quan đến hiện tại và tương lai của cộng đồng mà mình thuộc về.

Theo nghĩa hẹp: Chính trị là tất cả những hoạt động những vấn đề gắn với Quốc gia, dân tộc, xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm là giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.

II-   Nghĩa vụ dấn thân hoạt động chính trị.

Giáo hội vì thuộc trật tự siêu nhiên, cho nên có mục tiêu chủ yếu và trước tiên là nhắm đến ơn cứu rỗi đời đời của con người. Nhưng trong khi thi hành sứ mệnh cứu rỗi ấy. Giáo hội cổ võ việc thực thi những giá trị, những công lý, hòa bình, phú lợi, bình dẳng, tự do là những giá trị tự nó thuộc về trần thế. Do đó dấn thân hoạt động chính trị không phải là đặc quyền của người nào. Trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, trần thế, nghĩa là chính trị và lịch sử đều là thành phần của sứ mệnh Giáo hội. Sứ mệnh Giáo hội sẽ không đầy đủ, nếu Tin Mừng không được loan báo cho mọi tạo vật và nếu mọi tạo vật và sự phát triển của chúng không được dâng hiến cho Đức Kitô.

III-   Những đòi hỏi cơ bản của hoạt động chính trị.

Trong Giáo huấn chính thức của Giáo hội, Cộng đồng Vaticano II cũng nói về nghĩa vụ dấn thân hoạt động chính trị của Kitô hữu.

Tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về sứ mệnh đặc biệt của mình trong cộng đoàn chính trị. Họ phải nêu gương sáng bằng cách phát biểu ý thức trách nhiệm nơi chính mình và tận tâm phục vụ công ích. Nhờ đó qua hoạt động cũng chứng minh cho thấy rằng làm sao dung hòa được quyền bính với tự do, sáng kiến cá nhân với sự liên đới và những đòi hỏi của toàn thể xã hội, dung hòa được sự hiệp nhất sinh ích với những dị biệt phong phú. Trong việc tổ chức trần thế, họ phải nhìn nhận các quan điểm chính đáng, dù đối chọi với mình; họ phải tôn trọng các công dân hay các đoàn thể khác khi những người này bênh vực quan điểm của mình cách thẳng thắn. Muốn cho mọi công dân xứng đáng nắm giữ vai trò của mình trong đời sống chính trị, cần phải quan tâm đến việc giáo dục cả về công dân lẫn chính trị. Những ai có khả năng hoặc có thể có khả năng làm chính trị, thì cần phải được chuẩn bị trước và phải đem lòng trung thành, chính trực nhất là tình thương và dũng cảm để tận tâm phục vụ công ích”.

Kể từ sau công đồng Vaticano II, người ta thấy xuất hiện nhiều đảng phái chính trị lấy Tin Mừng làm phương hướng hoạt động. Sự kiện này chứng tỏ việc dấn thân hoạt động chính trị của người Kitô hữu với tư cách là Kitô hữu là một điều cần thiết cho xã hội.

Phương thức tổ chức và hoạt động của các đảng phái chính trị khác nhau tùy mỗi quốc gia, tùy hoàn cảnh cụ thể và những hệ thống pháp lý. Mặc dù khác nhau về phương pháp hệ thống tổ chức, các đảng phái chính trị có chung một chương trình hoạt động với những mục tiêu sau đây:

  •     Tôn trọng và cổ võ những giá trị của nhân phẩm bằng chương trình giáo dục, y tế, văn hóa; đẩy mạnh việc thăng tiến con người cũng như phát triển tối đa những hình thức mới mẻ về liên đới và tham dự vào đời sống xã hội, chính trị, văn hóa của mỗi người.
  •     Tôn trọng và cổ võ những giá trị của gia đình, nghĩa là hoạt động thế nào để gia đình được xem là tế bào nguyên thủy, nhờ đó con người và xã hội mới có thể phát triển Một cách cụ thể tranh đấu và bảo vệ tính cách một vợ một chồng, tính cách bất khả phân ly của hôn nhân.
  •     Tôn trọng và cổ võ những giá trị của nghề nghiệp, nghĩa là nhìn nhận và cổ võ những hoạt động của cá nhân và đoàn thể.
  •     Tôn trọng và cổ võ những giá trị của cộng đồng quốc gia. Một cách cụ thể là lòng yêu nước, tầm quan trọng của các truyền thông dân tộc.
  •     Tôn trọng và cổ võ những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế cũng như sự phát triển của các dân tộc.
  •     Tôn trọng và cổ võ những đòi hỏi tôn giáo và thiêng liêng của con người.

    Đó là những điểm cơ bản và gần như là những đòi hỏi của bất cứ hoạt động chính trị nào.

IV-  Giáo hội và nhà nước

Từ đầu thế kỷ thứ 4, khi Kitô giáo thành quốc giáo tại đa số các quốc gia Tây phương, thì Giáo hội và Nhà nước gần như đồng nhất vói nhau. Tuy nhiên người ta có thể phân biệt hai hình thức của sự đồng nhất với nhau, nhưng dưới sự lãnh đạo của nhà nước. Trong trường hợp này Hoàng đế hay các ông hoàng bà chúa xem Giáo hội như một thành phần của quốc gia và như vậy Giáo hội bị đặt dưới quyền lãnh đạo của thế quyền, hình thức nay vẫn còn hiện hữu tại một số nước Bắc Âu và ngay cả Anh quốc trong đó Giáo hội Tin lành và Giáo hội Anh giáo bị đặt dưới quyền lãnh đạo của quyền bính tối cao trong nước.

Ngược lại với hình thức trên là sự đồng nhất giữa Giáo hội và Nhà nước, như dưới sự lãnh đạo của Giáo hội. Lịch sử của các nước Tây phương đã cho thấy những trường hợp trong đó hàng Giáo phẩm nắm luôn việc điều khiển Quốc gia, không thiếu những Giáo Hoàng như Đức Bonifacio VII chẳng hạn đã quan niệm Thiên Chúa ủy thác cho Giáo hội cả hai thanh gươm thế tục lẫn thiêng liêng; vị Giáo Hoàng theo đúng nghĩa là Hoàng đế của mọi Hoàng đế.

Thế nhưng hai hình thức đồng nhất giữa Giáo hội và nhà nước trên đây đã bị cuộc cách mạng Pháp năm 1789 hầu như quét sạch. Đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Người ta không những không còn nhận Kitô giáo làm quốc giáo mà còn như muốn quét sạch mọi tàn tích của Giáo hội ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc do dân chủ mà cuộc cách mạng đề ra, người ta bắt buộc phải nhìn nhận Giáo hội, nhưng chỉ như một thực tại xã hội trong lòng quốc gia mà thôi. Xét về phương diện nào đó, thì đây là một điều tốt cho Giáo hội vì nhà nước không còn xen vào nội bộ Giáo hội nữa. nhưng dưới một khía cạnh khác, vì là một thực tại xã hội hiện hữu trong một quốc gia, nên Giáo hội phải chịu nhiều chi phối, đôi khi bất công và vô lý. Chính trong giai đoạn này mà Giáo hội tìm cách cải thiện mối quan hệ với nhà nước.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc tách biệt giữa nhà nước và Giáo hội. Thật ra, hai chữ tách biệt không có nghĩa là khước từ mọi cộng tác giữa hai bên. Quốc gia đầu tiên áp dụng nguyên tắc này chính là Hoa Kỳ. Tại đây ngay từ thời lập quốc, người ta không thấy tôn giáo nào được nâng lên thành quốc giáo và ngược lại cũng không có thiểu số tôn giáo nào bị bách hại: do tôn giáo được nâng lên thành quốc giáo và ngược lại cũng không có thiểu số tôn giáo nào bị bách hại; tự do tôn giáo được triệt để tôn trọng; tất cả mọi người có tôn giáo hay không có tôn giáo đều được đối xử cách bình đẳng và sống chung hòa bình. Tuy nhiên, không thiếu những quốc gia đã sử dụng nguyên tắc tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước để loại trừ hay bách hại tôn giáo. Điển hình là tại Pháp khi đảng xã hội lên nắm quyền năm 905

Bài học của lịch sử đã giúp cho Giáo hội ngày càng thấy rõ hơn chỗ đứng của mình trong xã hội trần thế. Để hiểu được giáo huấn của Giáo hội về mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước như được trình bày trong các văn kiện của công đồng Vaticano II, đặc biệt là hiến chế vui mừng và hy vọng, chúng ta cần nắm vững một vài dữ kiện: Giáo hội đã có một quan niệm mới về nhà nước: Nhà nước không còn là một với Giáo hội, hơn nữa, tự bản chất , không thể có một nhà nước chống lại tôn giáo hay Giáo hội. Giáo hội cũng đã ý thức bản chất và vai trò của mình trong xã hội trần thế. Qua các văn kiện của Vaticano II Giáo hội tự định nghĩa như là thừa tác viên và bí tích của ơn cứu rỗi. Một ơn cứu rỗi thiết yếu nhắm đến sự kết hiệp siêu nhiên giữa con người và Thiên Chúa cũng như con người với nhau. Chính vì thề, sứ mệnh siêu nhiên ấy. Giáo hội không hề cạnh tranh hoặc là đối thủ của nhà nước.

Từ những nguyên tắc trên, Vaticano II đã nêu bật sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước, cũng như giữa nhiệm vụ của hai bên “vì vai trò và thẩm quyền của mình, Giáo hội không thể nào bị đồng hóa với một cộng đồng chính trị nào, cũng như Không hề cấu kết với một hệ thống chính trị nào, vì Giáo hội vừa là dấu chỉ, vừa là đảm bảo cho tính cách siêu vượt con người”. Tuy nhiên, sự tách biệt về bản chất và nhiệm vụ giữa Giáo hội và nhà nước không có nghĩa là hai bên không thể cộng tác với nhau được. Trái lại, nếu hai bên duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì sẽ phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn.

Nguồn: http://thuviensdb.org/index.php/he-thong-du-phong/item/115-giao-duc-nhan-ban

Comments are closed.