Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo: Đời sống như cuộc chuẩn bị đến trước Tòa Chúa
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong truyền thống của Hội Thánh, tháng 11 được dành riêng để cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã qua đời. Truyền thống đạo đức này được các tín hữu Việt Nam thực hiện cách chân thành và rất sốt sắng nhờ tâm tình đạo Hiếu đã thấm nhuần sâu đậm lâu đời trong văn hoá người Việt. Theo đó, phần lớn các giáo xứ trong giáo phận còn tổ chức Thánh Lễ tại nghĩa trang giáo xứ vào ngày 02 tháng 11 để anh chị em giáo dân có thể viếng mộ Ông Bà, Cha Mẹ và tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho các ngài cách sốt sắng hơn.
Đứng bên cạnh nấm mồ của người thân yêu, nhất là trong Thánh Lễ, người ta không thể không nghĩ đến sự thật là chính mình cũng sẽ có ngày nằm xuống và phải đến trình diện trước Tòa Chúa. Trong viễn tượng đó, một câu hỏi hiện ra trong đầu óc: “Liệu khi đến trước Tòa Chúa, tôi sẽ được an vui hạnh phúc hay sẽ đứng trơ trẽn, bẽ bàng hoặc còn run rẩy, khiếp sợ?” Trong ý hướng đó, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi điều suy gẫm từ một số đoạn Sách Thánh về cuộc phán xét chung để nhận ra những điều cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, mong chờ ngày đó sẽ là ngày vui mừng, hạnh phúc, qua đề tài: “Đời sống như cuộc chuẩn bị đến trước Tòa Chúa”.
- Dụ ngôn cuộc phán xét chung
Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi… Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”… “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống…”.Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,31-46).
Câu hỏi mỗi người phải đặt ra cho chính mình là: Trong ngày đó, tôi sẽ được đứng bên phải hay sẽ phải đứng bên trái, sẽ được nghe những lời an ủi “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi” hay lời kết án đáng kinh sợ “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”. Câu trả lời tùy thuộc vào tinh thần và nếp sống hiện tại của mỗi người. Đó là tinh thần và nếp sống yêu thương hay ích kỷ trước tha nhân với những nhu cầu cụ thể của họ.
Những trường hợp được kể trong dụ ngôn chỉ là một số trường hợp tượng trưng, cần phải được áp dụng thích hợp tùy theo thời đại và hoàn cảnh của mỗi người. Thời đại chúng ta đang sống, lòng thương người có thể được áp dụng theo chỉ dẫn của kinh Mười bốn mối: “Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn, Thứ hai: Cho kẻ khát uống, Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc, Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, Thứ năm: Cho khách đỗ nhà, Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi, Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người, Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội, Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo, Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội, Thứ năm: Tha kẻ dể ta, Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta, Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.”
Nỗ lực thực hiện mười bốn mối thương người sẽ tạo nên một con người với tư cách và nếp sống thương yêu theo tinh thần của bài dụ ngôn nói trên về cuộc phán xét chung. Riêng đối với các linh mục và tu sĩ chúng ta, bảy mối Thương linh hồn cần được để ý hơn vì có lẽ chính ở bình diện này người ta có nhiều sai sót. Nămmối thương linh hồn “Lấy lời lành mà khuyên người”, “Mở dậy kẻ mê muội”, “Răn bảo kẻ có tội”, “Tha kẻ dể ta” và “Nhịn kẻ mất lòng ta”đều đặt lòng thươngngười trong tương quan với những con người có cách suy nghĩ khác biệt hoặc sai lầm, những người yếu đuối, tội lỗi và có khi còn làm cho ta mất lòng và mất danh dự. Đối với những người này, lòng thương người của chúng ta bị thử thách nặng nề và dễ dẫn đến những thái độ và hành động hoàn toàn trái ngược. Với danh nghĩa bảo vệ sự thật, bảo vệ công bằng hoặc nhân danh bổn phận phải hướng dẫn và dạy bảo, không thiếu những linh mục và tu sĩ lỗi đức bác ái, có khi còn phạm tội dùng bạo lực, ít nữa bằng lời nói và thái độ, làm mất danh dự của một người hay cả gia đình, họ hàng người ta. Nhân dịp mừng Năm Thánh 2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã kêu gọi ăn năn hối cải vì nhiều con cái của Giáo Hội đã dùng “những phương pháp bất khoan dung và ngay cả bạo lực” để phục vụ sự thật. [X. Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba đang đến, số 3]
Trong tinh thần đó, tôi xin ghi lại đây thái độ thiếu lòng thương người đã để lại nỗi khắc khoải trong tâm hồn của một linh mục và có thể còn để lại hậu quả rất tai hại trong suốt cuộc đời còn lại của một em bé. Câu chuyện được kể lại như sau:
Hôm nay là ngày Chúa nhật: cha phó làm lễ sáng. Mình đi xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em:“Con vô đi, trong kia còn chỗ”. Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo hắn. Mình lại vỗ vai hắn: “Trong kia còn nhiều chỗ lắm”. Hắn chuồn. Mình nắm tay hắn kéo vô. Hắn dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt xiết hai vai hắn: “Vô không?”. Hắn tỉnh queo, nhỏng mỏ: “Con đi lễ chứ có làm gì đâu mà cha làm hung làm dữ”. Mình thả lỏng hai bàn tay. Hắn dõng dạc bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.
Có lẽ hắn sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây thánh giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.
Thằng cu tí đã cho mình một bài học xứng đáng. Nó là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an. [Lm. Ngô phúc Hậu, Nhật ký Truyền giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2010, trg 140.]
Có những giáo hữu ngoan đạo đã trở thành kẻ thù của Giáo Hội chỉ vì bị coi thường, bị xúc phạm, bị sỉ nhục, nhất là khi bị sỉ nhục trước công chúng, nói chi nếu đó lại là những người ngoại đạo. Có nhiều người ta thán: cha này, cha kia hay chửi bới và nói xéo trên tòa giảng, quát tháo cả với những người đáng tuổi ông nội mình… Cũng có người than phiền về nữ tu khó tính, phạt các em quá ác… Có thể cha và nữ tu đó không còn cảm thấy áy náy về những lời nói hay hành xử của mình xúc phạm đến tha nhân vì nó đã trở thành thói quen. Nếu chúng ta có lòng thương người thực sự và nhạy bén, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những dấu hiệu đau khổ ẩn hiện trên nét mặt hay cử chỉ của tha nhân mà ý thức về thực trạng thiếu lòng thương người của mình mà sửa đổi.
Mối thương người “Yên ủi kẻ âu lo” là lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại tâm hồn và cách hành xử trong sứ vụ tông đồ của mình. Để yên ủi kẻ âu lo, cần phải nhận ra người đang âu lo và phải có lòng với người đó. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,25-37) kể câu chuyện một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Giữa đường, người này bị quân cướp đánh trọng thương, lấy hết của cải và bỏ mặc người ấy nửa sống, nửa chết. Một vị tư tế tới nơi, rẽ sang một bên và đi qua; một thầy Lêvi tới đó, cũng rẽ sang một bên và đi qua. Sau cùng, một người xứ Samaria tới nơi đó, thấy người bị trọng thương, ông chạnh lòng thương, đỡ người bị thương lên lưng lừa, đưa về quán trọ để chữa trị.
Thầy tư tế và thầy Lêvi thấy người bị thương mà như không thấy. Lý do của thái độ này có thể có nhiều, nhưng lý do chính yếu là không biết chạnh lòng thương. Thực tại vô cảm như vậy cũng đang xảy ra đầy dẫy trong xã hội và cả trong môi trường Giáo Hội. Người ta nại vào nhiều lý do, nhưng vấn đề căn bản vẫn là con tim đã chai đá hóa vô cảm nên không biết chạnh lòng thương, không cảm nhận đau khổ, những lo âu của tha nhân. Như thế làm sao “Yên ủi kẻ âu lo”?
- Dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng
Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!”Đầy tớ nói:“Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi…
Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13, 24-43).
Dụ ngôn này được các học giả Thánh Kinh đặt tên là dụ ngôn “Lúa mì và cỏ lùng”, nhưng nếu muốn diễn tả ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta phải đặt tên là dụ ngôn “Lòng nhân từ nhẫn nại của Thiên Chúa”.
Ai trồng rau, trồng lúa đều phải liên tục làm cỏ, vì cỏ dại mọc mau hơn rau, hơn lúa; chúng có thể làm ngộp rau, ngộp lúa và còn ăn hết màu mỡ của đất, làm cho lúa không thể tốt và rau không thể tươi. Hiểu như thế thì thái độ của ông chủ ruộng trong dụ ngôn là thái độ khó hiểu, có thể nói là vô lý.Tuy nhiên, qua những điều xem ra vô lý theo cách suy nghĩ của loài người, dụ ngôn càng làm nổi bật “cái lý” của Thiên Chúa. Đó là cái lý của tình yêu, của lòng thương xót, của sự kiên nhẫn yêu thương: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14). Ngài kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội ăn năn hối cải để được sống: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33,11).
Trong tình trạng là kẻ tội lỗi, dụ ngôn khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng và hân hoan vì Thiên Chúa không những có lòng nhân từ, mà Ngài còn nhân từ trong kiên nhẫn, chờ đợi người tội lỗi ăn năn hối cải. Niềm hy vọng vào lòng nhân từ kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta ăn năn sửa mình để đáp lại lòng thương xót của Ngài và để khỏi bị “tống ra khỏi Nước của Người, rồi bị quăng vào lò lửa; ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Lòng nhân từ của Chúa kiên nhẫn chờ đợi người tội lỗi ăn năn trở về đặt chúng ta trong vị thế sống chung với những người tội lỗi: lúa mì phải sống chung với cỏ lùng. Trong hoàn cảnh này lúa mì phải giữ mình để không trở thành cỏ lùng. Trong cuộc đời, lắm khi những người lừa đảo bất công, làm chuyện bất lương lại thành công giàu có và có nếp sống hưởng thụ đầy sức quyến rũ. Chính vì vậy, không thiếu trường hợp các môn đệ Chúa yếu lòng, chạy theo thói đời, áp dụng những phương pháp thế gian, biện minh cho những thói tục không lành mạnh: cũng hưởng thụ, ăn nhậu vui chơi, cũng chửi bới thóa mạ tha nhân, cũng tình ngang nghĩa trái… đánh mất lòng trong sạch và mất luôn căn tính của mình.Nhiều đoạn Sách Thánh đã cảnh báo về nguy cơ này, ở đây chúng ta chỉ trích một đoạn sách cảnh báo cách tích cực:
“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1,1-2)
Hoàn cảnh sống chung với những người tội lỗi còn đòi khả năng chịu đựng đau khổ do tội lỗi của họ gây ra để cứu rỗi họ. Đây là tình yêu cứu độ Chúa đã ký thác nơi chúng ta. Đứng trước những đau khổ bất công, phản ứng tự nhiên của con người là muốn cho những người gây ra bất công bị trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng, là tín hữu, nhất là linh mục và tu sĩ, chúng ta phải học nơi Chúa, để cho lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Ngài thấm nhuần vào tim óc chúng ta, những người đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn nuôi hy vọng cứu độ mọi người, bởi lẽ cỏ lùng không thể biến thành lúa mì, nhưng kẻ xấu có thể thành người tốt.Nếu chúng ta chỉ biết kết án và loại trừ, gây thù hận, liệu chúng ta có xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế không và chúng ta sẽ trả lời thế nào khi đến trước Tòa Chúa, Đấng không muốn cho một ai phải hư mất (x. Mt 18,14), Đấng đã “đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.” (Ga 12,47; x. Mt 18,11).
- Dụ ngôn người môn đệ chân chính
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21–23).
Áp dụng vào những công việc mục vụ hiện nay, chúng ta có thể diễn tả đoạn Sách Thánh như sau: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: ‘Lạy Chúa, con đã xây mấy nhà thờ rộng lớn để làm sáng danh Chúa, mấy nhà giáo lý có nhiều phòng học cho thiếu nhi và có chỗ sinh hoạt cho các giới’; người khác thì thưa: ‘Lạy Chúa, con đã làm nhiều nhà tình thương, con đã hô hào lạc quyên giúp đỡ người nghèo, con đã đi thăm tận nhà những ông già bà lão cô đơn, con còn can đảm lên tiếng bênh vực công lý’; người khác lại nói: ‘Lạy Chúa, con đã tổ chức Thánh Lễ rất trang trọng, con dạy giáo lý mọi người cảm phục, con còn viết những bài suy niệm, những bài nghiên cứu giá trị được nhiều người khen ngợi và giảng giải rất hấp dẫn, lôi cuốn đám đông…’ Theo bài dụ ngôn, lúc đó biết đâu Chúa chẳng nói: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’”
Những người đã làm điều thiện, điều tốt, có ích cho tha nhân mà bị Chúa quở trách nặng nề và gọi là “bọn làm điều gian ác”; với những người đã làm việc thiện nhân danh Chúa, Chúa lại nói: “Ta không hề biết các ngươi” và Chúa đuổi: “Xéo đi cho khuất mắt Ta”. Tại sao Chúa lại quở trách họ nặng lời như vậy? Lý do là họ đã lấy danh nghĩa Chúa để phục vụ chính mình, đã dùng công việc của Chúa để thực hiện một chương trình nhân loại, một tham vọng cá nhân. Tựu trung vấn đề căn bản là “cái lòng” của mỗi người. Lời nói có thể hay, việc làm có thể đẹp, nhưng lòng không tốt thì tất cả chỉ là dáng vẻ bề ngoài. Đây là vấn đề nội tâm đã được Chúa nói đến nhiều lần trong Tin Mừng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27).Vì vậy, để cho ngày đến trước Tòa Chúa được hạnh phúc, cần phải biết nhận diện và thanh luyện những lý do thầm kín trong lòng để tâm hồn và việc làm đều trong sáng và phản ánh tinh thần của Chúa.
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, trong viễn tượng của đời sống như cuộc chuẩn bị đến trước Tòa Chúa, chúng ta cùng cầu xin Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta, hướng dẫn, an ủi và nâng đỡ chúng ta trong hành trình dấn thân sống đẹp lòng Chúa mỗi giây phút để an bình và hạnh phúc trông chờ ngày đi gặp Chúa.
Thân ái chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Nguồn: Giáo phận Xuân Lộc