Thứ 2 Tuần 31 Thường Niên – Ngày 04/11/2019

Lời Chúa: Lc 14,12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”.

 


Suy niệm

BỮA TIỆC, KHÔNG GIAN CỦA TÌNH YÊU

“Khi dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù” (Lc 14,13).

Bữa tiệc là không gian của tình yêu, của sự gặp gỡ và chia sẻ, của sự thông hiệp và liên đới. Đối với người Do Thái, việc ăn uống với một ai đó còn có ý nghĩa sâu xa, vì đồng bàn là trở nên “đồng phận”. Vì thế, không gian này thường chỉ dành cho những ai thân cận với chủ tiệc. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cái nhìn hoàn toàn mới lạ khi Người nói với thủ lãnh các người biệt phái: “khi ông dọn tiệc đừng mời bạn bè, anh em, bà con hoặc láng giềng giàu có; trái lại, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù” (x.Lc 14,13).

Ý nghĩa sâu xa nơi sứ điệp của Chúa Giêsu không phải là ngăn cản chúng ta dự tiệc với bà con thân hữu, cho bằng mời gọi một sự mở rộng cõi lòng cho cả những ai bị loại trừ. Điều này đã được minh chứng nơi cuộc đời và thái độ của Chúa Giêsu: Người nhận lời đến dự tiệc do những người Pharisêu khoản đãi, cũng như đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi; dành ưu tiên cho người nghèo khó, nhưng cũng không bỏ rơi những người giàu sang; gần gũi những ai nghĩa thiết nhưng cũng đầy yêu thương với những người được xem là dân ngoại (x.Lc 14,1-6; Mt 9,10-13). Đỉnh điểm là nơi bữa tiệc Thánh Thể, mọi hàng rào ngăn cách và loại trừ bị phá bỏ, để chỉ còn lại một mối dây liên kết trong Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Giêsu. Vì thế, bàn tiệc Thánh Thể trở thành biểu thức của một tình yêu hào phóng, một tình yêu vô vụ lợi không đòi được đáp trả. Nơi đó, chủ tiệc là Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta – những kẻ bất xứng, nghèo nàn, không có gì để đáp trả – đến với Người; và của ăn Người ban tặng không phải cơm bánh vật chất nhưng là chính là Mình Máu Thánh Người.

Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biến cuộc đời mình thành một bữa tiệc của tình yêu. Bước đầu tiên của quá trình biến đổi là nhận chân về chính mình: chúng ta thường chỉ mời những ai có thể mời lại mình, hay nói cách khác là cho những ai có thể cho lại mình. Việc cho đi này vì thế cũng chỉ là cách thức để “nối dài chính mình”, và chẳng mang lại cho chúng ta được điều gì: “Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế” (Lc 6, 33). Bước thứ hai là mặc lấy những tâm tình đại lượng của Chúa Giêsu: thi ân cho người khác mà không cần đáp trả, làm ơn cho những người không có khả năng đền đáp, và trợ giúp cách quảng đại mà không loại trừ ai. Có như thế, chúng ta mới là những người có phúc, vì khi đến giờ Người đã định, chúng ta được tham dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Trời.

Lạy Chúa, chúng con xác tín rằng: điều kỳ diệu sẽ đến cho những người thực sự biết yêu thương, càng cho nhiều thì càng nhận được nhiều. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết nhận ra Chúa nơi tha nhân, để chúng con sống bác ái một cách rộng rãi và vô vị lợi, nhất là với những người nghèo khổ và bất hạnh. Nhờ đó, chúng con sẽ hân hoan vui mừng khi được Chúa đón vào “tiệc vui” muôn đời (x.Mt 25,34). Amen.


Comments are closed.