Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
(Thánh nữ đồng trinh Maria – Hàn Mặc Tử)
Tôi có nhiều bạn học và nhiều người trong số đó không phải người Công Giáo. Bài thơ trên là chủ đề câu chuyện của tôi và một người bạn không Công Giáo trong một lần chúng tôi nói chuyện với nhau. Bạn kể bạn đọc bài thơ trên của thi sĩ Hàn Mặc Tử và bạn biết Hàn Mặc Tử viết về Đức Mẹ của Công Giáo. Nhưng vì bạn không phải người Công Giáo nên dĩ nhiên bạn không biết Đức Mẹ là ai. Bạn hỏi tôi vậy Đức Mẹ trong Công Giáo là ai ?
Với chút kiến thức ít ỏi của mình, tôi nói cho bạn biết một chút về Đức Mẹ trong đạo Công Giáo. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng dù có dùng hết kiến thức của bộ môn Thánh Mẫu Học (Mariology) cũng khó có thể giúp bạn có cảm nhận đôi chút về Đức Mẹ. Rút cuộc, tôi nói với bạn một cách đơn sơ hơn là người Công Giáo coi Đức Mẹ trước hết như người Mẹ thứ hai của mình vậy. Nếu mỗi người sinh ra đều có mẹ thì người Công Giáo có thêm một người mẹ nữa trong đời sống thiêng liêng. Ngoài sự mong đợi của tôi, bạn tôi có vẻ hiểu và cảm nhận được Đức Mẹ qua hình ảnh của người mẹ trần gian.
Đôi lúc tôi tự nhủ phải chăng vì chúng ta đã quá quen với những tước hiệu cao trọng dành cho Đức Mẹ mà chúng ta lại quên mất một điều không kém phần quan trọng là Đức Mẹ trước hết cũng là một người phụ nữ và là một người mẹ. Trước khi Đức Mẹ được gọi là Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Thiên Đàng, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội… thì Đức Mẹ đã từng là một phụ nữ đảm đang, hiền lành, nhẫn nhục, hy sinh và là một người mẹ hết sức dịu dàng, yêu thương, mẫu mực trong gia đình. Tôi thiết nghĩ nếu chiêm ngắm Đức Mẹ trong cái nhìn này thì ta sẽ thấy Đức Mẹ thật sự gần gũi với chúng ta hơn chúng ta tưởng. Nhận biết Đức Mẹ trước hết là người mẹ chúng ta sẽ thêm niềm xác tín Mẹ biết rõ những nhu cầu của con cái mình và Mẹ luôn yêu thương, quan tâm đến những nhu cầu của con cái.
Một trong những tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất của con người là tình mẹ. Vì thiêng liêng và cao quý nên hình ảnh người mẹ chiếm một vị trí quan trọng trong tâm khảm của mỗi người. Hình ảnh người mẹ đã đi vào những lời ru thuở nằm nôi, những câu ca dao, những vần thơ, những áng văn và âm nhạc. Rất nhiều bài thơ, nhiều bài hát được viết nên để ca ngợi tình mẹ. Hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng những câu hát thật ngọt ngào ca ngợi tình mẹ của của nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào”. Mẹ được thi vị hóa qua những hình ảnh thật thân thương và gần gũi “mẹ là những tiếng hát ấm áp ru con khi đông lạnh về. Mẹ là những ánh nắng lấp lánh đưa con đi trên đường quê”. Và có lẽ vì đã cảm nghiệm được tình thương yêu và sự gần gũi của Đức Mẹ như một người mẹ mà các nhạc sĩ Công Giáo cũng đã thi vị hóa tình yêu của Đức Mẹ qua những hình ảnh rất thân thương và quen thuộc. Đức Mẹ được ví như dòng suối mát, như ánh trăng thanh, như ngàn vạn bông hoa, như muôn vì sao sáng.
Tháng Năm về không chỉ nhắc nhớ chúng ta về “ngày của mẹ” vào Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm như một dịp để bày tỏ tình cảm yêu thương của con cái dành cho mẹ trần gian nhưng tháng Năm còn gợi nhớ người Công Giáo dành trọn tháng này để bày tỏ tình yêu thương đặc biệt dành cho người Mẹ thiêng liêng của mình.
Tháng Năm trong Phụng vụ thường được gọi với tên gọi quen thuộc: Tháng Hoa. Tháng Hoa là thời gian để các tín hữu tỏ lòng sùng kính, biết ơn đối với Đức Mẹ, đồng thời đây cũng là thời gian các tín hữu chiêm ngắm Mẹ để noi gương, bắt chước các nhân đức của Mẹ qua việc dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng của sự hy sinh, của lòng cảm mến tri ân qua nhưng cố gắng nho nhỏ trong đời sống thường ngày.
Nghĩ về mẹ, tôi nhớ đến câu chuyện tôi tình cờ đọc trên internet cách đây ít lâu:
Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:
– Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?
Thượng Đế đáp:
– Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.
Đứa bé lại nài nì:
– Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?
Thượng Đế đáp:
– Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.
Đứa bé lại hỏi:
– Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?
Thượng Đế trả lời:
– Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.
– Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?
– Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.
– Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.
– Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.
Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:
– Thưa Ngài, con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.
– Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là “Mẹ”.
Mỗi khi đọc câu chuyện này tôi lại nghĩ đến câu hỏi của người bạn tôi về Đức Mẹ. Và tôi tự nhủ nếu ai đó trong số các bạn tôi hỏi tôi về Đức Mẹ, tôi sẽ nói với bạn: “Đơn giản hãy gọi người là Mẹ”.
Phêrô Nguyễn Minh Nguyên, Khóa VI