Ðời Sống Mới Trong Chúa Kitô – 04: Cuộc Khổ Nạn Của Ðức Kitô

CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC KITÔ

“Người đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta” (Rm 4,25)

     Ðể kết thúc chương IV thư Rôma, nói về gương của tổ phụ Abraham, gương của một con người đã được nên công chính vì đã tin, Phaolô xướng lên một lời tuyên tín long trọng. Lời đó là: “Ðức Giêsu đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”.

     Ðây là công thức cổ điển nhất của cả Tân Ước liên hệ đến việc loan báo Tin Mừng, là trọng tâm của đức tin, là dữ?ện đầu tiên của truyền thống, mà Phaolô nói là chính mình đã nhận được (1Cr 15,3). Chúng ta còn thấy công thức này rải rác trong các chỗ khác của thư Rôma, với một chút sửa đổi (chẳng hạn Rm 6,3tt; 8,34; 14,9).

     Theo Phaolô, nếu muốn thực sự loan báo Tin Mừng, phải tiếp cận với tâm điểm của Tin Mừng, là sự chết và sự sống lại của Ðức Kitô. Tâm điểm này không phải là tổng hợp của cả Tin Mừng, nhưng là hạt giống từ đó mọi sự khác hình thành.

     Trong bài này, chúng ta suy niệm về một khía cạnh của tâm điểm ấy. Ðó là sự chết hay cuộc Khổ Nạn của Ðức Kitô, không chỉ để loan báo, mà trước tiên là để dự phần vào cuộc Khổ Nạn này.

     1. Cuộc Khổ Nạn trong linh hồn của Ðức Kitô

     Thư Corintô viết: “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2,11). Thế mà cuộc Khổ Nạn của Ðức Kitô lại là một bí ẩn của Thiên Chúa. Chỉ có Thần Khí, chứ không thể một ai khác, mới biết được bí ẩn này. Là vì, chỉ có ai chịu một đau khổ nào, mới thực sự biết và có thể nói về đau khổ ấy. Nói về một nỗi khổ của người khác, có thể bị vặn: Bạn đâu có chịu khổ như thế mà biết? Ðau khổ chuyển từ sự kiện cụ thể sang ý tưởng hay lời nói sẽ không còn là đau khổ nữa.

     Bởi vậy, chúng ta phải dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa. Chúng ta khiêm tốn xin Thần Khí cho ta được nếm một vài giọt trong chén đắng của Ðức Kitô.

     * Lời loan báo về sự chết của Ðức Kitô được Phaolô khai triển như sau: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hẹn, Ðức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính. Hoạ may có ai chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Ðó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-8)

     Theo bản văn trên, và nói chung theo cả thư Rôma cũng như trong các thư khác, Phaolô đã nói thế nào về cuộc Khổ Nạn của Chúa? Thoạt tiên, người ta có thể cho rằng ngài chỉ nói khách quan như nói về một sự kiện hiển nhiên, tóm tắt bằng một ít từ gần như quy ước: thập giá, máu, sự chết. Ngài nói: chúng ta được nên công chính “nhờ máu của Chúa”, được hoà giải “nhờ sự chết của Con Thiên Chúa” (Rm 5,9tt), được bình an “nhờ máu của Thập giá Chúa” (Cl 1,20). Rồi Phaolô cho biết lý do chính: Ðức Kitô chết vì những kẻ vô đạo, vì chúng ta. Phaolô chỉ cho biết vậy thôi, chứ không cho biết chết thế nào, trong hoàn cảnh nào, cái chết ấy làm cho nhân tính của Chúa phải trả giá ra sao.

     Sở dĩ Phaolô nói vắn tắt, vì việc loan báo sơ khởi Tin Mừng đòi như thế. Thế nhưng, chính Phaolô lại là người làm nổi bật những khía cạnh bi đát nhất của cuộc Khổ Nạn. Ngài quả quyết: “Thiên Chúa đã lên án sự tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3). Thân xác này là thân xác của Ðức Giêsu. Một bên là Thiên Chúa, bên kia là tội lỗi. Hai bên đối kháng nhau, và Ðức Giêsu thì ở giữa. Ðức Giêsu như người bị kết án, bị nguyền rủa. Vì sao? Vì “Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21). Ðức Giêsu đã nên “đồ bị nguyền rủa vì chúng ta” (Gl 3,13).

     Những lời trên đây giúp ta hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc của những sự kiện và biến cố Khổ Nạn, sẽ được các tác giả Phúc Âm ghi lại. Nói thế bởi lúc này Phúc Âm chưa được viết ra, còn đang trong dạng truyền khẩu hoặc dạng chép thô sơ.

     * Trước khi đi vào các diễn biến bên ngoài của cuộc Khổ Nạn, chúng ta cần biết một cuộc Khổ Nạn khác: cuộc Khổ Nạn trong linh hồn Ðức Kitô. Chính cuộc Khổ Nạn này làm cho cuộc Khổ Nạn của thân xác Chúa có một giá trị độc nhất và siêu việt.

     Nhiều người từng chịu đau khổ ngoài thân xác như Ðức Kitô đã chịu, thậm chí còn hơn. (Thử nghĩ đến cái án bá đao, lăng trì tùng xẻo mà coi, như cha thánh Marchand Du phải chịu thời Minh Mạng. Chắc phải đau đớn hơn nhiều). Về phương diện thể lý, chắc chắn những đau khổ của cả nhân loại từ trước tới nay cộng lại còn lớn hơn đau khổ của Chúa. Nhưng những lo âu buồn phiền của cả nhân loại cộng lại, đã và sẽ không bao giờ bằng cuộc Khổ Nạn trong linh hồn của Chúa. Cuộc Khổ Nạn trong linh hồn của Chúa chứa đựng tất cả những đau khổ trong tâm hồn của mọi người, như toàn bộ chứa đựng từng phần. Isaia đã tiên báo: “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4).

     Sự khác biệt giữa đau khổ của con người và của Chúa, trên bình diện thể xác, chỉ là về số lượng. Nhưng trên bình diện tâm hồn, thì lại là sự khác biệt về chất lượng. Tuy những đau khổ nơi thân xác Chúa cũng có một giá trị vô biên, vì là những đau khổ của Ngôi Lời, nhưng với đau khổ nơi tâm hồn Ngài, chúng ta đi vào nột loại đau khổ khác hẳn, vì đây là đau khổ của một Ðấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa.

     Ngày xưa, người ta để ý đến những đau khổ thân xác của Chúa hơn là những đau khổ tinh thần của Ngài. Ðiều này cũng có lý do nguyên thuỷ của nó. Nó liên hệ tới hai lạc giáo là lạc giáo Ảo thân và lạc giáo Ariô.

     Những người theo lạc giáo Ảo Thân (docétisme) cho rằng Chúa không có thân xác thực như ta, mà chỉ có thân xác ảo, chỉ có vẻ bề ngoài là thân xác, nên chủ trương Ngài không thực sự phải đau khổ. Ðể chống lại chủ trương sai lầm này, các Giáo Phụ đã nhấn mạnh những đau khổ nơi thân xác Chúa, nhằm chứng minh rằng thân xác Chúa không phải là ảo, mà là thân xác thực, cũng chịu đau khổ như bất cứ ai.

     Còn đối với phái Ariô là phái phủ nhận thần tính của Ðức Giêsu, các ngài chống lại bằng cách không nhấn mạnh những đau khổ tinh thần của Chúa, chẳng hạn lo sợ, buồn phiền, không biết rõ ngày quang lâm. Nhấn mạnh thì có thể gây phương hại cho thần tính, vì thần tính được coi là liên kết chặt chẽ với linh hồn. Nếu nhấn mạnh, hẳn có người sẽ đặt vấn đề: Vậy Ðức Giêsu có còn là Thiên Chúa nữa không? Là Thiên Chúa mà lại không biết rõ ngày quang lâm hay sao? Vậy chỉ nên nói đến đau khổ nơi thân xác thôi.

     Ảnh hưởng việc chống phái Ariô còn thấy rõ dấu vết đặc biệt ở Giáo Hội Ðông Phương. Ðông Phương luôn nhấn mạnh vinh quang của Chúa Phục Sinh, để làm nổi bật thần tính hơn là nhấn mạnh Khổ Nạn. Ðến độ ngay cả ảnh tượng Thánh Giá lắm khi cũng không cho thấy hình ảnh Chúa bị đóng đinh, mà là Chúa Phục Sinh.

     Ngày nay, chúng ta ít còn bận tâm về ba cái chuyện tranh cãi lạc giáo trên đây. Chúng ta muốn dựa vào lời Chúa, kể cả vào những thủ đắc của khoa tâm lý hiện đại, để có được sự hiểu biết hơn về cuộc Khổ Nạn của Ðức Giêsu.

     Vả lại, không phải chúng ta hôm nay là người đầu tiên làm điều đó. Các thánh và các nhà thần bí, nhất là bên Tây Phương, đã làm trước chúng ta. Khi làm sống lại nơi chính mình cuộc Khổ Nạn của Chúa, các ngài đã chẳng cần dùng đến những phân tích, nhưng chỉ nhờ kinh nghiệm cá nhân mà hiểu được cuộc Khổ Nạn này như thế nào.

     Như vậy, một cách bảo đảm nhất, các ngài giúp ta khám phá đau khổ của Chúa, cũng như đã hướng dẫn ta khám phá tình yêu của Chúa. Nhờ các ngài mà chúng ta hiểu rằng, nếu tình yêu của Thiên Chúa như đại dương bao la, không bờ không bến, thì sự đau khổ của Thiên Chúa cũng bao la, không bến không bờ.

     Thời Ðức Giêsu, ở Giêrusalem có một cái hồ nước chữa bệnh. Khi mặt nước xao động, thì ai nhảy xuống đầu tiên sẽ được lành bệnh (Ga 5,1-4). Cuộc Khổ Nạn của Chúa cũng giống một hồ nước thuyên chữa. Chúng ta phải để tinh thần của mình lao xuống đó. Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã được thanh tẩy trong sự chết của Chúa, được chôn vùi cùng với Ngài (Rửa Tội theo cách dìm cho thấy rõ ý nghĩa này hơn). Biến cố được làm cách tượng trưng một lần trong đời, phải được ta làm lại cách thực sự ngày hôm nay. Ta phải ngụp lặn trong hồ nước cứu độ là cuộc Khổ Nạn, để được canh tân, được biến đổi. Phải ngụp lặn thực sự, chứ đừng có ảo tưởng là đã ngụp lặn trong đó, trong khi hãy còn đứng trên bờ. Người đứng trước một hồ nước lạnh, cảm thấy run rẩy khi nghĩ đến chuyện lỡ ra rơi xuống đó, khác xa với người có kinh nghiệm thực sự đã rơi xuống đó.

     (Chắc có người đã xem phim Hàm cá mập. Phim cho thấy một con cá mập cỡ bự gieo rắc kinh hoàng cho các cư dân và du khách ở một vùng biển. Người nào xem phim cũng đều có một cảm giác nơm nớp lo sợ mỗi khi đi tắm biển. Nhưng sự sợ hãi này không thể bì được với sự kinh hãi của người phải đối diện với cá mập trên biển, và phải quyết đấu với nó vì sự sống còn của mình).

     Ðể có thể trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Chúa” (Pl 3,10), phải chấp nhận vác thập giá của mình mà theo Ngài. Cũng như một vài hình thức lây nhiễm chỉ có từ vết thương này sang vết thương khác, chúng ta cũng cần có vết thương khổ nạn nơi ta, để ơn cứu độ từ các vết thương Khổ Nạn của Chúa có thể truyền sang ta.

     2. Qua diễn biến của cuộc Khổ Nạn

     Về diễn biến của cuộc Khổ Nạn, năm nào chúng ta cũng nghe tới hai lần trong Tuần Thánh. Chúng ta hẳn đã nhiều lần suy niệm lâu, chưa kể những lần suy niệm chặng Ðàng Thánh Giá. (Ðàng Thánh Giá quen thuộc với 14 chặng lại chỉ bắt đầu từ dinh Philatô. Ðúng ra, nó khởi đầu từ Vườn Cây Dầu mới phải. Ở Vườn Cây Dầu, tuy Chúa chưa bị bắt, chưa bị hành hạ, nhưng cuộc Thương Khó đã bắt đầu. Chúa đã thực sự cảm nghiệm sự đau khổ trong tâm hồn. Cách lập Ðàng Thánh Giá như vậy một lần nữa cho thấy người ta không nghĩ hay không muốn nghĩ đến những đau khổ trong linh hồ஠của Chúa, mà chỉ nhấn mạnh đau khổ nơi thân xác. Phần chúng ta, chúng ta muốn một hình thức Ðàng Thánh Giá khởi từ Vườn Cây Dầu)

Chúng ta giới hạn suy niệm ở hai thời điểm.

     * Ở Vườn Cây Dầu. Cơn hấp hối của Chúa được cả bốn Phúc Âm thuật lại. Ðức Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Xin cho chén này rời khỏi con” (Mt 26,38-39). Thư Do Thái làm vang vọng những lời trên khi viết là: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Ðấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7).

     Trong Kinh Thánh, “chén” hầu như luôn gợi lên ý tưởng về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trước tội lỗi (Is 51,22; Tv 75,9; Kh 14,10). Ðầu thư Rôma, Phaolô cho biết là Thiên Chúa thịnh nộ trước sự vô đạo. Nơi đâu có vô đạo, có tội lỗi, nơi đấy có sự xét xử của Thiên Chúa. Nếu không như thế, tức là Thiên Chúa thoả hiệp với tội, Thiên Chúa ba phải, không còn phân biệt điều lành điều dữ.

     Ở Vườn Cây Dầu, Ðức Giêsu là sự vô đạo đó, là tất cả sự vô đạo của thế gian. Nói vậy không phải là bất kính đâu. Ngài vô tội, nhưng chấp nhận “mang lấy tội lỗi” (1Pr 2,24), cảm thấy mình là tội lỗi thế gian, trở thành người có tội trước mặt Thiên Chúa. Mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên tội, nên giáng xuống trên Ngài. Chính đó là “uống chén”.

     Nhiều người hiểu sai về cuộc Khổ Nạn, khi nghĩ rằng Ðức Giêsu chỉ đứng một bên, xa loài người tội lỗi mà chịu khổ và đền tội thay cho họ. Giữa hai bên có khoảng cách. Không phải vậy đâu. Liên hệ giữa Chúa và tội lỗi là một liên hệ gần gũi, thật sự. Tội không phải ở ngoài Ngài, và Ngài chỉ có việc đền thay. Nhưng tội chồng chất trên Ngài. Ngài mang trên mình tội của cả nhân loại, làm cho những tội ấy thành của mình. Do đó mà phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

     Chúng ta có thể hình dung một phần sự đau khổ trong tâm hồn của Chúa khi mà, vì mang tội lỗi ta, Ngài phải chịu sự thịnh nộ của Thiên Chúa, khi mà, vì mang tội lỗi ta, Ngài phải xa cách Thiên Chúa. Sự đau khổ bên trong này biểu lộ một phần ra bên ngoài qua những tiếng than như “Linh hồn Thầy buồn muốn chết”, hoặc qua mồ hôi máu mướt ra.

     * Trên đồi Canvê, vừa có một cuộc Khổ Nạn hữu hình (chịu đóng đinh, khát.) vừa có một cuộc Khổ Nạn vô hình, sâu sắc hơn, nơi tâm hồn Ðức Giêsu, mà chúng ta muốn dựa vào lời Chúa để suy niệm đôi điều.

     Phaolô viết cho các tín hữu Galát: “Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật khi, vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ” (Gl 3,13). Phaolô không có tô hồng Thánh giá đâu, nhưng nói rõ: ai bị treo trên đó là đồ bị nguyền rủa.

     Theo Kinh Thánh, bị nguyền rủa đồng nghĩa với bị ruồng bỏ, cô đơn, trống rỗng, tách khỏi Thiên Chúa, bị dân khai trừ. Ðó như là thứ vạ tuyệt thông nặng nhất. Trong thư Rôma, Phaolô nói nếu vì anh em đồng chủng mà ngài có bị nguyền rủa và xa lìa Ðức Kitô, thì cũng sẵn sàng (Rm 9,3), tức là dám chấp nhận thứ vạ tuyệt thông, miễn điều đó sinh ơn cứu độ cho người Do Thái. Ðiều Phaolô mới giả thiết mà thôi, chưa chịu thực sự, thì Ðức Giêsu đã chịu thực sự. Ngài thực sự thành hiến vật, xa lìa Thiên Chúa, vì cả loài người. Do đó trên Thánh giá, Ngài đã phải thốt lên: “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con” (Mt 27,46).

     Thiên Chúa bỏ Ngài. Thiên Chúa im lặng. Lắm người thời nay cũng có cảm nghiệm sâu sắc về sự im lặng của Thiên Chúa (Dĩ nhiên, đây không phải là những người không có đức tin, hay chỉ có lòng tin hời hợt. Những người như vậy không khéo lại thích Chúa im lặng để dễ sống!). Thế nhưng cảm nghiệm của những người ấy không thể sánh được với cảm nghiệm của con người Kinh Thánh. Người của Kinh Thánh, khi không thấy Thiên Chúa lên tiếng, sẽ thấy mình giống như “kẻ xuống mồ” (Tv 28,1), tức như người đã chết. Chết, vì cái làm cho người đó sống chính là lời Thiên Chúa, mà nay họ không được nghe, vì Thiên Chúa im hơi lặng tiếng. Càng tin tưởng vào Thiên Chúa, càng tha thiết van nài, thì sự im lặng này càng làm cho người ta đau khổ.

     Từ đó, ta có thể hiểu được Ðức Giêsu đau khổ đến mức nào khi thấy Chúa Cha im lặng. Các kẻ thù của Chúa đứng dưới chân Thập giá, còn làm cho nỗi khổ này tăng thêm, khi họ coi việc Thiên Chúa im lặng là dấu Thiên Chúa không ở với Ngài. Họ nói: “Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn” (Mt 27,43).

     Trên Thập giá, Ðức Giêsu đã cảm nghiệm đến tận cùng cái hệ quả của tội lỗi, đó là mất Thiên Chúa. Có thể nói Ngài trở thành người vô thần. Không phải thứ vô thần có lỗi như nhiều người, nhưng Ngài bị phạt làm người vô thần, và như thế chỉ vì Ngài đền bồi cho thứ vô thần có lỗi trong thế gian, nơi con người, khi người ta chống đối Thiên Chúa hoặc lãnh đạm với Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã cảm nghiệm nơi chính mình hình phạt của người bị kết án. Ðó là phải sống mà thiếu vắng Thiên Chúa.

     Một số người, đặc biệt ở Tây Phương, được in 5 dấu thánh. Ta thường coi đó là đặc ân của Chúa dành cho các ngài. Có biết đâu, qua những dấu thánh này, các ngài cảm nghiệm một phần điều Ðức Giêsu đã cảm nghiệm trên Thập giá. Cảm nghiệm đó là sự xét xử kinh khủng của Thiên Chúa đối với tội lỗi. Phần nào giống như Chúa, các ngài cũng đau khổ, cũng lo âu, sợ hãi trước cơn thịnh nộ và sự xét xử này.

     Ðức Giêsu đã chịu tất cả những đau khổ đó để “con người do tội lỗi thống trị bị huỷ diệt” (Rm 6,6), để ta có được sự chúc lành của Thiên Chúa, thế cho sự chúc dữ.

     Sách Xuất Hành kể rằng: lúc dân đi tới Marah, thấy có chỗ nước mặn, Môsê đã lấy một loại cây ném xuống đó, thì nước trở thành ngọt (Xh 15,23tt). Trên cây mới là cây Thập giá, Ðức Kitô đã uống nước mặn tội lỗi và biến nó thành nước ngọt ân sủng.

     3. “Vì ta”

     Suy về cuộc Khổ Nạn, chúng ta không chỉ dừng lại ở các biến cố lịch sử của cuộc Khổ Nạn. Dừng lại là mới đi nửa đường. Lời rao giảng về cuộc Khổ Nạn, dù vắn tắt, luôn gồm hai yếu tố: yếu tố thứ nhất là sự kiện (Chúa đã chịu khổ, chịu chết), yếu tố thứ hai là lý do của sự kiện (vì ta, vì tội ta: Rm 4,25; 5,6.8). Chúng ta đề cập yếu tố thứ hai này, dù đã được nói phớt qua trong những bài trước.

     Nếu Ðức Kitô đã chết vì tôi, vì tội tôi, thì điều này có nghĩa là tôi đã góp phần làm cho Chúa phải chết. Ðây chính là điều Phêrô đã nói với những người Do Thái ngay hôm lễ Ngũ Tuần và những ngày sau đó: “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi” (Cv 2,23), “Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh và Ðấng Công Chính. Anh em đã giết Ðấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,14).

     Phêrô thừa biết không phải cả 3000 người nghe mình giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần đều đã dự vào vụ xử án Ðức Giêsu, đều đã xin Philatô giết Ngài. Dầu vậy, Phêrô vẫn nói ra lời tố giác trên. Và, như chúng ta biết, các người nghe, được Chúa Thánh Thần tác động, đã công nhận lời đó đúng cho họ. Sách Công Vụ thuật tiếp: “Nghe thế, họ đau đớn trong lòng”. Họ nói với Phêrô và các Tông Ðồ: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37).

     Sự kiện trên đây như dọi một ánh sáng mới trên tội của ta, liên hệ với cuộc Khổ Nạn của Chúa. Có nghĩa là: ở Vườn Cây Dầu, cả tội của ta nữa đè nặng lên tâm hồn của Chúa; ở dinh Philatô, cả việc ta lạm dụng tự do đã làm cho Chúa bị cột bị trói; trên Thập giá, Chúa đã đền bồi cả sự độc ác của ta.

     Về vấn đề này, chính Tông Ðồ Phêrô cũng đã có một kinh nghiệm riêng. Sở dĩ ngài dám nói những lời trên đây với dân Do Thái, vì trước hết, ngài đã nói những lời đó cho chính mình: chính mi, mi đã chối Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính. Trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn, Luca viết: Chúa quay lại nhìn Phêrô; ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61-62).

     Cái nhìn của Chúa đã đâm thấu lòng Phêrô. Còn ta, có bao giờ ta rơi lệ khi nghe thuật lại cuộc Khổ Nạn, hay khi nhìn lên Thánh giá không? Có lẽ phải nhắc lại câu nói của thi sĩ Dante người Ý: “Nếu bạn không khóc, thì bạn sẽ khóc về cái gì?”. Quả thực, lắm khi cái chẳng đáng khóc, thì lại khóc. Ðộng một tí thì vãi nước mắt ra. Còn cái đáng khóc nhất, mắt chúng ta lại ráo hoảnh.

     Sở dĩ có tình trạng trên vì, một cách vô thức, chúng ta coi cuộc Khổ Nạn như một biến cố xẩy ra đã 2000 năm. Xong rồi. Qua rồi. Với một biến cố xẩy ra đã 2000 năm, làm sao có thể khóc được? Ta chỉ có thể đau khổ, khi sự kiện làm ta đau khổ đang xẩy ra, chứ không phải khi hoài niệm về nó. Ta khóc người thân ngày người thân qua đời, khó có thể khóc trong ngày giỗ. Cho nên, cuộc Khổ Nạn của Chúa, ta phải chiêm ngắm, tham dự với tư cách là người đồng thời. Ðược không? Ðược lắm, vì cuộc Khổ Nạn của Chúa còn kéo dài cho tới tận thế (thánh Lêô Cả). “Ðức Kitô còn hấp hối cho đến tận thế” (Pascal). Chính Kinh Thánh cho biết ai phạm tội là “tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người” (Dt 6,6).

     Tất cả những điều trên đây đều là sự thật, chứ không phải chỉ là một cách nói. Trong Thần Khí, Chúa Giêsu giờ đây vẫn còn ở Vườn Cây Dầu, vẫn còn trên Thánh giá. Sách Khải Huyền cho thấy trên trời, Chiên Con đứng, tức là, tuy đã sống lại và hằng sống, nhưng lại là một Chiên Con “như bị sát tế” (Kh 5,6).

     Nhờ Thần Khí được ban cho ta, ta trở thành đồng thời với Ðức Giêsu. Cuộc Khổ Nạn của Chúa xẩy ra “hôm nay” như Phụng Vụ nói. Khi chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn, ta ở trong tình huống tựa tình huống một người con, sau nhiều năm, được gặp lại cha mình. Người cha này, do lỗi của người con mà bị kết án biệt xứ, phải chịu bao đau khổ, giờ đây yên lặng, đứng trước mặt con, trên thân xác còn hằn dấu thương tích. Ðã hẳn bây giờ mọi sự kết thúc rồi. Người cha trở về nhà. Ðau khổ đã qua đi. Nhưng người con có thể vô tâm trước cảnh tượng này được sao? Anh ta không cảm động sao? Không thấy rõ hậu quả của hành động mà mình đã gây ra cho cha hay sao?

Gioan viết: “Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Lời ngôn sứ Zacaria mà Gioan trích dẫn còn nói tiếp thế này: “Chúng sẽ khóc than như người ta khóc than đứa con một” (Dcr 12,10). Tất cả những suy niệm về cuộc Khổ Nạn, những suy niệm đã làm nên bao vị thánh, đều có nền tảng ở việc này, tức việc nhìn lên Thánh giá. Nó hoàn tất cho lời ngôn sứ. Riêng đối với ta, đã có lúc nào lời ngôn sứ này được thực hiện trong đời ta chưa?

     Ðây cũng là lúc phải thực hiện trong đời sống lời nhắc nhở này: chúng ta đã được rửa tội trong sự chết của Ðức Kitô. Chúng ta từ bỏ những gì thuộc con người cũ, chôn vùi nó mãi mãi trong cuộc Khổ Nạn của Chúa.

     Phaolô kể lại kinh nghiệm của mình về vấn đề này như sau: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào Thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Không phải tôi sống nữa, nghĩa là “cái tôi” của tôi không sống nữa. Nói vậy, phải chăng Phaolô đã hoàn toàn được an bình, không còn cám dỗ, không còn chiến đấu nữa sao? Ðâu có. Chính ngài thú nhận vẫn còn cuộc chiến đấu giữa luật của thân xác và luật của Thần Khí (Rm 7,14tt). Tuy vậy, có một cái gì đó không thể quay trở lại, khiến ngài có thể nói được là “cái tôi” của ngài không còn sống nữa. Ngài đã chấp nhận mất “cái tôi” của mình, từ bỏ mình. Cho dù thực tế “cái tôi” vẫn còn, có thể gây ra những rắc rối, nhưng kể từ đây, nó thất bại. Ðiều đáng kể trước mặt Thiên Chúa chính là ý muốn. Chúng ta cũng phải muốn “được chịu đóng đinh với Chúa Kitô vào Thập giá”.

     Thế nên, việc suy niệm về cuộc Khổ Nạn đòi ta phải chết đi cho con người cũ, và làm phát sinh con người mới sống cho Thiên Chúa. Nhưng để khởi sự sống đời sống mới, phải thực sự chấm dứt đời sống cũ. Thánh Basiliô nói: “Cũng như trong cuộc chạy đua có lượt đi lượt về ở thao trường, có một lúc nghỉ ngắn giữa hai lượt, cũng vậy, khi thay đổi đời sống, dường như cần có một cái chết xẩy ra để chấm dứt cuộc sống trước, và để bắt đầu cuộc sống sau”. Ý thức như vậy, tôi phải quyết tâm ngay ngày hôm nay: chấm dứt cuộc sống tội lỗi cũ, để đi vào cuộc sống mới đầy ân sủng.

     4. Hãnh diện về Thập giá

     Sau khi đã chịu một thứ phép Rửa mới trong sự chết của Ðức Kitô, tức là thanh tẩy ý muốn và quyết định của ta, ta thấy Thập giá và sự chết của Ðức Kitô hoàn toàn thay đổi ý nghĩa. Trước đây, Thập giá tố cáo tội ta. Thập giá là lý do làm ta sợ hãi. Giờ đây, Thập giá trở thành lý do làm ta vui mừng và bình an. Phaolô kêu lên: “Giờ đây, những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1) Án phạt đã dồn cả vào Ðức Giêsu. Thay vào đó là sự nhân từ, tha thứ.

     Giờ đây, Thập giá là một vinh dự, vinh quang, tức là, theo cách nói của Phaolô, như một sự bảo đảm làm cho ta vui mừng và biết ơn. Trong đức tin, ta được hưởng nhờ sự bảo đảm này, và bày tỏ tâm tình ca ngợi, tạ ơn. Từ nay, chúng ta phải nói như Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).

Nhưng làm sao có thể hãnh diện về một cái không thuộc chúng ta? Chính là vì giờ đây, cuộc Khổ Nạn của Chúa trở thành của chúng ta. Chúa đã chịu khổ nạn “vì tội ta” (propter), thì giờ đây có nghĩa là “có lợi cho ta” (pro), một khi ta khiêm tốn nhận ra tội mình và xưng thú. Khi ta thêm đức tin của ta vào cuộc Khổ Nạn của Chúa, ta trở nên các người công chính của Thiên Chúa, các thánh của Ngài, các người yêu của Ngài.

     Lúc này, ta có thể an tâm, mở rộng tâm hồn hướng lên Thánh giá mang lại hân hoan. Thánh gía không còn là sự điên rồ và cớ vấp phạm nữa, nhưng là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh giá là bảo đảm cho? ta, là bằng chứng tuyệt vời của tình Chúa thương ta, là đề tài bất tận để ta loan báo. Chúng ta có thể cùng với Phaolô nói rằng: Tôi sẽ không bao giờ hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Ðức Kitô.

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

([email protected])

Loạt bài suy niệm trên lấy ý trong:

Cantalamessa, La vie dans la seigneurie du Christ, Les éditions du Cerf, 1990.

Tác giả dựa vào thư Rôma, đề nghị một cuộc hành trình tái phúc âm hoá và canh tân đời sống đức tin, dành cho mọi kitô hữu. Làm sao cho mỗi người, nhờ những ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội, được thư Rôma khơi lại, cuối cùng trở thành một tạo vật mới, không còn sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa.

Comments are closed.