Đối Diện Với Những Thử Thách Về Đức Tin

Đối Diện Với Những Thử Thách Về Đức Tin

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

     WHĐ (29.4.2022) – Trong hành trình đức tin, có lẽ chúng ta đã từng trải nghiệm: khi thì mình rất mạnh mẽ trong đức tin, nhưng lại có những lúc mình hoang mang, ngờ vực và không tin vào Thiên Chúa; Một lúc nào đó, chúng ta thấy mình hoàn toàn tin tưởng và can đảm bước theo Chúa Giêsu Kitô, nhưng không lâu sau, chúng ta lại thấy nghi ngờ, bất an, và dễ dàng bị khuất phục trước những nỗi sợ hãi phi lý của mình.

     Kinh nghiệm của thánh Tôma về sự dao động trong đức tin có thể giúp làm sáng tỏ những trải nghiệm rất phổ biến này. Khi Chúa Giêsu kiên quyết trở lại miền Giuđêa, bất chấp việc người Do Thái ráo riết tìm cách để ném đá và giết chết Người, thánh Tôma đã khích lệ các môn đệ đồng môn của mình rằng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11, 16). Khi đó, đức tin, sự can trường, hăng hái nơi thánh Tôma mạnh mẽ biết bao! Thánh Tôma đã sẵn sàng đi theo Đức Kitô dù có phải đau khổ và thậm chí là phải chết, không những thế, ngài còn khuyến khích những môn đệ khác cũng làm như vậy.

     Nhưng rồi, chỉ ít tuần sau đó. Mọi người khác đều đã tin vào Chúa Phục Sinh, ngoại trừ Tôma. Lúc này, thánh Tôma đã định hướng cho mình một đức tin có điều kiện, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Người đã từng có đức tin rất mạnh mẽ trước đây, đến nỗi sẵn sàng chịu đau khổ và chết với Đức Kitô thì nay lại đòi phải chạm vào vết thương của Đức Kitô thì mới tin vào sự phục sinh của Người. Người đã từng dẫn đầu nhóm mạnh dạn trong đức tin thì giờ đây lại làm cho những người khác cũng cảm thấy hoài nghi về đức tin của họ vào Đức Kitô Phục sinh.

     Chúng ta học được một số điều từ kinh nghiệm của Thánh Tôma về cách động viên bản thân khi chúng ta thấy mình bắt đầu dao động trong đức tin vào Chúa Kitô Phục sinh.

     1. Những giây phút dao động ấy là những khoảnh khắc mà chúng ta phải nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với hồng ân đức tin. Đức tin là ân ban của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, … Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6, 44. 65). Chúa Giêsu tự nguyện đón nhận thập giá để chúng ta có một đức tin chiến thắng sự chết, “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).

     Khao khát và quyết tâm theo Chúa Giêsu Kitô trong đức tin và trung kiên tuân giữ lời Người là một món quà của tình yêu thương xót mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Khi đức tin bị dao động, có bao giờ chúng ta dừng lại để tạ ơn về hồng ân đức tin mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta trên đồi Canvê và trong Bí tích Rửa tội chưa? Chúng ta biết ơn như thế nào về đức tin mà chúng ta có được vào sự Hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể? Chúng ta có biết ơn về đức tin, mà nhờ đó, chúng ta khiêm tốn xưng thú tội lỗi của mình với linh mục và nhận được ơn tha thứ cùng với sự bảo đảm của chính Thiên Chúa không? Những thử thách trong đức tin là để dẫn chúng ta đến với lòng biết ơn sâu sắc này đối với hồng ân đức tin mà chúng ta dễ dàng cho là đương nhiên.

     2. Những khi đức tin bị dao động cũng là lúc chúng ta cần đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, “Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin của chúng ta” (Dt 12, 2) mới có thể dập tắt những nghi ngờ và khôi phục lại đức tin khi chúng ta dao động. Chúng ta không thể giả mạo và cũng không thể khôi phục đức tin chỉ bằng hành động của mình. Không phải câu nói “Chúng tôi đã thấy Chúa” của các tông đồ khác thốt ra có thể phục hồi đức tin của thánh Tôma. Ông cần một cuộc gặp gỡ với chính Chúa Kitô Phục sinh.

     Khi trải qua những thử thách đau đớn về đức tin, chúng ta hãy ghi nhớ điều này: “Thiên Chúa, nguồn mọi ân sủng, là Ðấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Ðức Kitô, sẽ cho anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1Pr 5, 10). Chỉ Thiên Chúa, Đấng ban đức tin cho chúng ta như một quà tặng mới có thể phục hồi đức tin đó. Thay vì hoảng sợ và từ bỏ đức tin, chúng ta có thể đối phó với đức tin đang chao đảo của mình bằng sự phó thác, kiên tâm chờ đợi Thiên Chúa đổi mới đức tin của chúng ta trong sự tin tưởng.

     3. Chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin đang suy yếu của mình bằng cách kiên trì cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Thánh Tôma tiếp tục nghe theo lời của các tông đồ khác, “Chúng tôi đã thấy Chúa”, ngay cả khi ngài không tin ngay lập tức. Thánh Tôma không chối bỏ nhưng ngài không thể tin vào những lời ấy. Và rồi, chính những lời đó đã giúp Tôma đón nhận một đức tin được phục hồi từ Đức Kitô Phục sinh.

     Khi đức tin bắt đầu suy yếu, chúng ta cần nhớ rằng “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô” (Rm 10, 17). Như vậy, chúng ta tạo cơ hội để cho Chúa phục sinh khôi phục và đào sâu đức tin của chúng ta khi chúng ta trung thành dành thời gian cầu nguyện với sự trợ giúp của Lời Chúa.

     4. Chúng ta đối diện với đức tin đang dao động của mình bằng cách siêng năng xét mình hơn dưới ánh sáng của Lời Chúa. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta muốn loại bỏ những trở ngại đối với đức tin, bắt đầu từ tội chưa xưng thú. Vì những tội đó giết chết và làm tổn thương đức tin của chúng ta, nên Chúa Giêsu đã ban cho Hội Thánh phương tiện để tha thứ tội lỗi nhân danh Người và bởi quyền phép của Người, “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22).

     Tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa không chỉ xóa bỏ tội lỗi mà còn khơi lại nơi chúng ta lòng tin vào Đức Kitô Phục sinh. Đức tin của chúng ta không thể được phục hồi khi chúng ta cố chấp hoặc thỏa hiệp với tội lỗi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Bước đầu tiên của lòng tin mạnh mẽ là việc ăn năn chừa cải khỏi tội lỗi. Lòng thương xót của Thiên Chúa là phương thế dẫn chúng ta đến một đức tin sâu xa vào uy quyền của Đức Kitô Phục sinh, giống như đã xảy ra với thánh Tôma, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”.

     5. Chúng ta không được đặt đức tin dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh hoặc thành tích của chúng ta trong cuộc đời này. Tôma đã đấu tranh với đức tin của mình bởi vì đó là một đức tin có điều kiện và phụ thuộc vào những gì ông có thể nhìn thấy và chạm vào, “Trừ khi tôi nhìn thấy, tôi chạm vào, tôi cảm thấy…”. Niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô Phục sinh cũng mong manh như những điều kiện của cuộc sống khi chúng ta đặt niềm tin ấy vào những điều kiện bên ngoài của mình. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta một đức tin vô điều kiện vì đức tin là hồng ân Người ban tặng cho chúng ta, một đức tin không phụ thuộc vào hoàn cảnh trong cuộc đời này: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

     6. Chúng ta phải duy trì sự liên kết trong cộng đoàn đức tin ngay cả khi đức tin của chúng ta chao đảo. Mặc dù chưa thể tin vào việc Chúa Kitô Phục sinh, nhưng thánh Tôma không từ bỏ cộng đoàn đức tin, trái lại, ngài đã ở lại với cộng đoàn cho đến khi Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai chỉ để khôi phục đức tin của ông. Rất có thể, cộng đoàn đã tiếp tục cầu nguyện cho Tôma và kiên nhẫn với ông.

     Cũng vậy, chúng ta không được bỏ cộng đoàn đức tin khi gặp thử thách trong đức tin. Đức Kitô luôn luôn trở lại với dân Người để khôi phục đức tin đang suy yếu của họ. Đức Kitô trở lại với chúng ta trong mỗi bí tích, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, làm cho những vết thương vinh quang của Người không ngừng hiện diện với chúng ta và chữa lành sự cứng lòng của chúng ta, “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2, 24).

     7. Chúng ta kiên trì trong đức tin cho đến cùng, ngay cả khi đức tin bị lung lay vì chúng ta tin chắc rằng phần thưởng tối hậu cho đức tin của chúng ta là ở trên trời. Chúng ta không thể từ bỏ đức tin vì những điều kiện hoặc trải nghiệm trần thế của mình. Chúa Kitô Phục Sinh đã phán với Thánh Gioan tông đồ khi thánh nhân bị lưu đày rằng: “Ðừng sợ! Ta là Ðầu và là Cuối. Ta là Ðấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1, 17-18). Thánh Gioan thoáng nhìn thấy phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho những ai kiên trì trung thành làm chứng cho Ngài bất chấp những bách hại và gian khổ trong cuộc đời này.

     Thật vậy, có rất nhiều thử thách trong cuộc sống đe dọa đức tin của chúng ta. Chúng ta có vô số lý do để từ bỏ đức tin. Chúng ta có vô vàn cuộc đấu tranh nội tâm tưởng như chẳng bao giờ dứt. Chúng ta cảm thấy bất lực khi đối diện với nhiều hành động xấu xa và bất công trong cuộc sống và trên thế giới. Tương lai của chúng ta có thể xuất hiện tối tăm và u ám, với đầy những thách thức và trở ngại. Ngay cả Giáo hội, như là cộng đoàn đức tin, cũng vướng phải những tai tiếng đáng ghê tởm.

     Không phải lúc nào chúng ta cũng tránh được những thử thách này, và chúng ta bị cám dỗ để ngưng lại trên một đức tin có điều kiện, giống như của Thánh Tôma, “Trừ khi tôi thấy, tôi nghe, tôi sở hữu, tôi cảm nhận, tôi thích thú, tôi đạt được…, tôi sẽ không tin.” Chúa Giêsu không ban thưởng cho chúng ta vì đức tin như thế nhưng vì một đức tin không liên quan gì đến điều kiện hoặc thành tích của chúng ta, “Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

     Bí tích Thánh Thể là cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Kitô Phục sinh, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đức tin của chúng ta. Không phải lúc nào Chúa Giêsu cũng ngăn cản những thử thách về đức tin vì Người muốn rằng nhờ những thử thách mà chúng ta vun trồng một đức tin mạnh mẽ và sống động, điều duy nhất có thể “chiến thắng thế gian” (1Ga 5, 4). Chúa Giêsu biết rõ mọi thử thách về đức tin của cá nhân chúng ta hiện nay. Trong tình yêu thương xót, Chúa Giêsu đến để khôi phục và củng cố đức tin đang dao động của chúng ta, để một khi có thể tiến bước theo Người với một đức tin sống động trong suốt cuộc đời, và một ngày nào đó, chúng ta sẽ được thông phần vinh quang với Người trong Vương quốc vĩnh cửu.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (27. 4. 2022)

Comments are closed.