CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – Năm C – Ngày 24/07/2022

Lời Chúa: Lc 11,1-13.

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả; mà người kia từ trong nhà lại đáp: Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao”?

 


Suy niệm

THIÊN CHÚA LÀ NGƯỜI CHA YÊU THƯƠNG

“Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13).

Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi” (Rm 8,15). Điều này đã được Chúa Giêsu mạc khải khi Ngài dạy các môn đệ của Ngài cầu nguyện. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa không phải là một vị Thiên Chúa xa cách với con người, nhưng Thiên Chúa luôn gần gũi và yêu thương từng người. Đến nỗi chúng ta có thể thưa lên cùng Thiên Chúa bằng tâm tình của một người con của Ngài bằng hai chữ “Áp-ba! Cha ơi”.

Trong Tân ước, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi chúng ta tội lỗi bất xứng thì Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, ngay cả khi chúng ta lẩn tránh thì Ngài vẫn nhẫn nại chờ đợi chúng ta như người Cha nhân hậu chờ đợi đứa con hoang đàng trở về (x. Lc 15,11-32). Thiên Chúa như người Cha không ngừng yêu thương và tha thứ cho con cái của mình ngay cả khi nó xúc phạm đến mình. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với tâm thức của người Do Thái thời Cựu Ước. Bởi lẽ đối với người Do Thái, Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và ngự ở trên cao so với con người – một thụ tạo thấp hèn. Họ cảm thấy Thiên Chúa như là một Đấng hay lên án và đánh phạt khi họ không trung thành tuân giữ lề luật của Ngài (x. Is 65,6-7; Hc 35,20; Hs 11,1). Vì thế trong mối tương quan với Thiên Chúa, người Do Thái luôn mang tâm trạng sợ hãi, cố gắng tuân giữ lề luật cách trung thành để Thiên Chúa ban ơn và bảo vệ họ (x. Đnl 6,15-17). Thế nhưng khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, Ngài đã đem đến cho chúng ta một cách nhìn mới về Thiên Chúa. Ngay trong lời kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta thấy mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người được thể hiện qua mối tương quan “Cha – con” cách thân tình. Mối thân tình ấy được thánh Phaolô diễn tả cách mạnh mẽ bằng cụm từ “Áp-ba! Cha ơi”. Điều này cho thấy một khi trở nên người Kitô hữu, chúng ta được bước vào tương quan thiêng liêng của Thiên Chúa sâu đậm đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng phó thác gọi Thiên Chúa là Cha. Và Chúa Giêsu còn minh chứng thêm rằng, ngay cả một người cha trần thế còn biết cho con cái mình những điều tốt lành huống chi Cha của chúng ta ở trên trời lại không biết cho con cái mình những điều tốt lành sao? Bởi lẽ nơi Thiên Chúa, tình yêu Ngài trao ban cho nhân loại là vô hạn, và Ngài luôn trung thành với điều Ngài đã hứa dành cho con người.

Ngày hôm nay không ít người Kitô hữu có lối thực hành đạo hình thức nhưng lại thiếu đức tin. Họ tham dự thánh lễ hay giữ các giới răn chỉ để lương tâm khỏi áy náy, mà thiếu đi lòng yêu mến Thiên Chúa cách chân thành. Quả vậy, không ít người khi cầu nguyện chỉ xin cho mình được những lợi ích cá nhân, và khi không được nhận lời thì chán nản nghi ngờ và thậm chí đánh mất đức tin. Chúng ta cần xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, và Ngài biết chúng ta cần gì hay điều gì là tốt cho chúng ta. Nhiều khi điều chúng ta cầu xin không đem lại ơn ích thiêng liêng, thậm chí nguy hại cho chính phần rỗi của mình là đánh mất ơn cứu độ. Chúng ta thử nghĩ liệu một người cha luôn yêu thương con cái có thể cho nó điều gây nguy hại cho chính nó hay không? Do đó trong đời sống cầu nguyện và mối dây tương quan với Thiên Chúa, chúng ta cần đến với Ngài bằng tâm tình phó thác của một trẻ thơ đến cùng người Cha của mình. Để dù khi thành công hay thất bại, ngay cả khi yếu đuối lỗi lầm, chúng ta vẫn biết rằng mình có một người Cha luôn yêu thương và chờ đợi đứa con quay trở về với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu! xin giúp chúng con biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng lời kinh tuyệt diệu Chúa dạy chúng con hôm nay. Xin cho chúng con nên giống trẻ thơ, luôn biết tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa là Cha ngay cả khi thành công hay khi gặp thất bại trong cuộc sống. Amen.


Comments are closed.