Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B – Ngày 09-05-2021

Lời Chúa: Ga 15, 9-17

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

 


Suy niệm

GIỚI RĂN “YÊU THƯƠNG” CỦA CHÚA GIÊSU

“Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12)

Một trong những nét đặc biệt của Tin mừng Gioan so với Tin mừng Nhất Lãm đó là trình thuật về “Diễn từ ly biệt”. Đây là những lời sau hết Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc Khổ nạn. Bài Tin mừng hôm nay là một trích đoạn nằm trong diễn từ này. Trong đó, Chúa Giêsu gửi gắm lại cho các môn đệ một lệnh truyền, làm nên căn tính người Kitô hữu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.

Yêu thương là điều răn mới, anh em hãy yêu thương nhau. Yêu thương người ta sẽ biết, anh em là môn đệ Thầy. Hai chữ “Yêu thương” thoạt nghe đơn giản nhưng đã tóm lược tất cả nội dung bài giảng, cũng như hành động của Chúa Giêsu trong ba năm trần thế. Chúa Giêsu nói rằng Người đến không nhằm bãi bỏ luật Môsê, nhưng là để kiện toàn. Và cách thức Người kiện toàn chính là thêm vào toàn bộ luật Cựu ước hai từ “yêu thương”.

Quả thực, “yêu thương” “linh hồn” của toàn bộ “luật mới”. Chỉ yêu thương, người môn đệ mới có thể tha thứ “bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi, không có giới hạn. Chỉ yêu thương, người môn đệ mới không nuôi lòng oán thù, mắt đền mắt, răng đền răng. Chỉ trong yêu thương, người môn đệ mới có thể hành xử như người Samari nhân hậu. Mặc dù không quen biết nạn nhân, nhưng chính tình yêu, lòng thương xót của người Samari đã khiến hai tâm hồn xa lạ, trở nên thân cận với nhau. Thật vậy, chỉ với hai từ “yêu thương” giản dị đã đủ định nghĩa về “người Kitô hữu”, những người theo Chúa.

Vậy, chúng ta phải sống lệnh truyền “yêu thương” của Chúa Giêsu như thế nào? Chúa Giêsu không chỉ nói: “Các con hãy yêu thương nhau”, nhưng Người nói: “Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con”. Chúa Giêsu đã dùng chính bản thân mình làm gương mẫu, để ra giới hạn yêu thương cho chúng ta. Yêu như Chúa yêu, hiểu là một tình yêu không có giới hạn biên cương, một tình yêu cao cả đến độ dám hi sinh mạng sống vì người mình yêu.

Trong thời đại ngày nay có thể tồn tại tình yêu như thế chăng? Câu trả lời là có, song đây không phải là chuyện có thể diễn ra trong ngày một, ngày hai, nhưng là một tiến trình. Cây đại thụ khởi đầu từ một hạt giống nhỏ bé. Những hi sinh vĩ đại cũng phải được bắt đầu từ những hi sinh bé nhỏ. Vì thế, thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, người Kitô hữu được mời gọi mỗi ngày hãy biết hi sinh cho nhau. Cách cụ thể, chúng ta hãy hi sinh thời gian để lắng nghe nhau, hi sinh sức khoẻ để hỗ trợ nhau và hi sinh tiền của để đỡ đần nhau,… Quả thực trong thời đại “4.0 bận rộn” như hiện nay, thời gian, sức khoẻ, tiền của, dù không thể so với tính mạng, nhưng cũng rất trân quý. Tình yêu chỉ có thể lớn lên nhờ tình yêu.

Những người Kitô hữu tiên khởi đã từng được dân ngoại trầm trồ thán phục: “Xem họ yêu thương nhau chưa kìa”. Cha ông chúng ta đã thực hiện được lệnh truyền của Chúa Giêsu. Ước mong chúng ta, những người con cháu của các ngài, cũng biết noi gương các bậc cha ông, ngày càng biết yêu thương nhau, góp phần mang “luật Yêu Thương” của Chúa Giêsu đến khắp chân trời cõi đất.


Comments are closed.