Chúa Nhật Tuần VI Mùa Thường Niên Năm B – Ngày 14-02-2021

Lời Chúa: Mc 1,40-45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Mô-sê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

 


Suy niệm

ĐẾN VÀ GẶP CHÚA GIÊSU

“… nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1,40)

Đã là con người, ai cũng trải qua đau khổ: đau khổ vì bệnh tật, đau khổ vì cái chết, đau khổ vì tương quan với người thân và xã hội bị phá đổ… Người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay, đã rơi vào tình trạng đau khổ ấy, nhưng anh đã giúp cho chúng ta một hướng giải quyết là đến và gặp Chúa Giêsu.

Luật Lêvi qui định về việc thanh sạch và ô uế rất nghiêm ngặt. Tiêu biểu là người mắc bệnh phong cùi: phải ở riêng, phải mặc áo rách, phải để đầu trần, phải lấy áo che miệng và đặc biệt phải la to: “ô uế!” để người khác biết mà tránh xa họ (x. Lv 13,44-46). Người phong cùi bị loại trừ ra khỏi cộng đồng không chỉ vì đó là căn bệnh lây lan, không thể cứu chữa; mà còn vì đó là quan niệm tôn giáo: bệnh gắn liền với tội. Bệnh càng nặng, tội càng lớn. Vì thế người phong cùi luôn bị coi là kẻ tội lỗi, cần phải loại trừ khỏi cộng đồng. Song, người cùi trong Tin Mừng chúng hôm nay đã không chịu vùi đời mình trong cái luật lệ được vạch sẵn ấy. Anh bứt mình ra khỏi sự cô đơn, tủi nhục của căn bệnh để đến và gặp Chúa Giêsu. Dẫu rằng niềm tin mong manh của anh chỉ đủ để anh cất lên một tiếng “nếu” “nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1,40). Anh có thể nói được câu ấy, thì hẳn tâm hồn anh phải giằng co, phải chiến đấu mãnh liệt với chính mình. Ắt hẳn đó là một sự đấu tranh giữa sự sống với cái chết đang kề gần bên. Đó là cuộc chiến giữa tiếng thét gào “ô uế” thê lương, tuyệt vọng với cái khao khát được sống, được hòa nhập vào nhịp sống cộng đồng. Cuối cùng, sự khao khát muốn sống trong anh đã bừng dậy để đưa anh đến và gặp Chúa Giêsu. Nếu như anh cùi đã chiến thắng luật lệ, bứt mình khỏi nỗi sợ hãi; thì Chúa Giêsu với lòng chạnh thương của mình, cũng chủ động bước ra khỏi ranh giới, luật lệ và sự an toàn của chính mình để chạm vào thân thể cùi hủi, lây lan của anh. Đó là cái chạm xác nhận tình trạng lành bệnh cho anh và đồng thời hàm ý rằng tương quan xã hội của anh được thiết lập trở lại từ giây phút này. Và đó còn là cái chạm của tình yêu Thiên Chúa vào tận sâu tâm hồn đang khô héo vì đau khổ, thất vọng để chữa lành và mang lại một cuộc sống mới.

Chúng ta được mời gọi noi gương người phong cùi trong đoạn Tin Mừng hôm nay, biết nhìn nhận những yếu đuối, những giới hạn và những tội lỗi đang nằm trong con người mình; để rồi biết tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa, can đảm đến và gặp Chúa Giêsu qua Bí tích Giải Tội, qua các cử hành phụng vụ, qua những giờ phút thinh lặng sau thánh lễ. Chúng ta cũng được mời gọi đến và gặp Chúa khi bắt đầu công việc qua các lời nguyện tắt thật tâm tình; và khi kết thúc công việc, chúng ta “tạ ơn Chúa”.

Ước gì mỗi người trong chúng ta, có thể cảm nếm và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mỗi thánh lễ, trong các việc đạo đức và trong mọi việc chúng ta làm, hầu mỗi ngày càng thêm lòng say mến và yêu thích được gặp gỡ Chúa, vì Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.


Comments are closed.