Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Chay Năm A – Thiên Chúa tỏ cho thấy Con Người và thánh ý của Người

Lộ trình mùa Chay đề nghị cho chúng ta đi vào trong tương quan tình yêu bằng cách chấp nhận sự thử thách của thời gian. Đó là một điều khó khăn: vì phải từ khước, phải lìa xa những gì mang lại cho chúng ta cảm tưởng an toàn. Phải dấn thân trên một còn đường dài, không ngừng bắt đầu lại, và chết đi mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu xin Chúa biến hình giúp chúng ta biến hình con đường ấy là nơi mà Ngài đang chờ chúng ta. 

Sách Sáng thế kí 12, 1-4a

Thiên Chúa kêu gọi ông Abraham, một người xấp xỉ trăm tuổi còn vợ là bà Sa ra thì son sẻ, và hứa cho ông một dòng dõi đông như cát dưới biển, như sao trên trời. Lời mời gọi ấy đòi hỏi ông phải ra đi đến một xứ sở xa lạ và chỉ phó thác vào một Thiên Chúa mà ông không thấy. Sự vâng phục của ông là Công chính và Đức tin. Abraham là cha của mọi tín hữu.

 Thánh vịnh 32

Thiên Chúa là đấng Tín trung, Người yêu chuộng lẽ phải và sự công chính. Trái đất tràn đầy tình thương của Người. Người bao bọc chúng ta và đảm bảo cho chúng ta nếu chúng ta đặt trọn hi vọng nơi Người.

Thư Timôthê 2 Tim 1, 8b-10

Dù sự chết, tội lỗi và bạo lực tràn ngập tứ phía chung quanh chúng ta, chúng ta phải đi xa hơn và đừng sợ làm chứng cho Tin mừng bởi vì chỉ do ân sủng của Thiên Chúa thì chúng ta mới được cứu thoát và cũng chính nhờ ân sủng, tình yêu Thiên Chúa, quà tặng biếu không là Đức Ki tô ngự giữa cuộc đời chúng ta.

 Tin mừng: Mt 17,1-9

NGỮ CẢNH

Mát thêu cũng như Mác cô và Lu ca đều đặt câu truyện Biến Hình trong một ngữ cảnh tương tự: sau lời tuyên xưng của ông Phê rô (Mt 16,13-20; Mc 8,27-30; Lc 9,22).

Trong biến cố nầy, các tin mừng nhất lãm trình bày cho chúng ta một Chúa Giê su được bao bọc bởi vinh quang, khác hẳn với những lời loan báo Khổ nạn đi trước và đi sau khung cảnh nầy (16,21; 17,22-23). Các trình thuật nhất lãm rất giống nhau, ngọai trừ bút pháp trang trọng riêng của Mt.

 

TÌM HIỂU

Sáu ngày sau: với chi tiết chính xác nầy, Mt muốn đặt biến cố biến hình trong tương quan với lời loan báo Khổ nạn.

Mặt trời: vinh quang và sự oai nghiêm của Chúa Giê su dưới ngòi bút của  Mc và Lc được nhấn mạnh hơn trong Mt: ông so sánh dung nhan Chúa Giê su và y phục của Ngài như mặt trời và ánh sáng (và trong c. 5 nhấn mạnh đến khía cạnh sáng chói của đám mây). Các chi tiết rõ ràng nầy rút từ Xh 34,29-30, trình bày Chúa Giê su như một Mô sê mới.

Ông Mô sê và ông Elia: đây là hai nhân vật của CƯ đã nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Các ngài sẽ đến trước đấng Messia khi Ngài trở lại trần gian. Các ngài là đại diện cho Lề luật và các Tiên tri. Sự hiện diện của họ là để làm chứng cho Chúa Giê su. Mc đặt Êlia trước Mô sê để nhấn mạnh khía cạnh tiên tri của CƯ. Mt đặt ông Mô sê trước để nhắc nhớ rằng Chúa Giê su là Mô sê mới đã đến để ban hành lề luật Giao ước mới.

Lạy Ngài: lời nầy trong Mc đơn giản là “Rabbi = lạy Thầy”; trong khi Mc Chúa Giê su được gọi là “Thầy”, thì trong Mt Ngài được xưng là “Chúa” một tước hiệu hoàn toàn tương ứng với vinh quang của đấng Biến hình.

Ông còn đang nói: chỉ có Mt là không nhấn mạnh đến việc ông Phê rô không hiểu biết gì.

Ta hài lòng về Người: kiểu nói của Mc ở đây ám chỉ đến Thánh vịnh 2 và Sáng thế kí 22,2, còn Mt thì lại thêm vào ám chỉ đến người Tôi tớ của Thiên Chúa trong Isaia (42,1).

Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: x. 18,15. khung cảnh không những có mục đích cho thấy vinh quang của Chúa Giê su. Thật vậy đỉnh cao của trình thuật nằm trong khẳng định rằng Chúa Giê su là Lời của Thiên Chúa (hãy vâng nghe lời Ngài), nối kết trong Ngài Lề luật và các Tiên tri và đưa đến hoàn tất. Trọn cuộc sống và đặc biệt trong cuộc Khổ nạn, Chúa Giê su không ngừng diễn tả và mạc khải Cha.

Kinh hoàng: chỉ có Mt kể lại phản ứng kinh hoàng của ba môn đệ. Trong CƯ sự kinh hoàng đặc biệt là phản ứng của con người trước sự biểu hiện của thần linh.

Chúa Giê su lại gần: thêm một chi tiết riêng của Mt. Điều đó cho thấy Chúa Giê su được tôn vinh trong cuộc biến hình vẫn ở gần với các môn đệ Ngài để tìm cách trấn an họ.

Chỉ còn một mình Chúa Giê su: Mô sê và Êlia đã biến mất; từ đây, chỉ còn một mình Chúa Giê su. Mô sê mới (x. 17,2) đã khiến Mô sê cũ biến mất.

Chúa Giê su truyền cho các ông: lặp lại lệnh cấm đã có ở câu 16,20, nhưng ổ đây, Chúa Giê su không nói với tư cách là Đấng Messia nữa, mà là như người Con được Thiên Chúa sủng ái.

 

SỨ ĐIỆP

Trong suốt mùa Chay nầy, chúng ta được mời gọi đi vào tận trung tâm của lòng tin. Đó là một thời gian quí báu để cầu nguyện, suy tư và chia sẻ. Và để làm điều đó, chúng ta hãy dựa vào Lời Thiên Chúa được ghi lại trong sách Kinh Thánh.

Nhưng Kinh Thánh không phải là một cuốn sách giống như bao nhiêu cuốn sách khác: điều phải tìm ở đó trước tiên là tin mừng được loan báo. Khi Thiên Chúa nói với con người, chính là để hướng dẫn và cứu độ con người. Như Lời Chúa hôm nay nói với Abraham, bảo ông hãy bỏ quê hương: «Hãy đi khỏi quê hương..Hãy đến xứ ta sẽ chỉ cho người » (Stk 12,1). Bản dịch sát chữ là : « Hãy đi cho ngươi ». Quả thật, nếu Thiên Chúa kêu gọi hoàn toàn là vì hạnh phúc của con người, chứ không do một động cơ nào khác.

Chính vì thế mà Abraham đã được tách ra khỏi số phận thường tình của con người. Ông được Thiên Chúa chọn lựa cho một ơn gọi mà ông không hề biết trước. Thiên Chúa hứa cho ông một hậu duệ. Nhưng hạnh phúc hứa ban không chỉ cho một mình ông mà thôi. Khi kêu gọi ai, Thiên Chúa luôn luôn nhắm đến một sứ mạng phục vụ kẻ khác. Kế hoạch mang lại hạnh phúc cho con người ngang qua ông Abraham, nhưng vượt quá ông, và bao quát toàn thể nhân lọai: “Nơi ngươi, các gia tộc trên mặt đất được chúc phúc” (St 12,3).

Abraham đã nghe và tiếp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, và đã đáp trả bằng cách lên đường. Đó là lời chứng mạnh mẽ nhất của lòng tin: vì tin ông đã ra đi, dù không rõ đời mình sẽ ra như thế nào. Bốn ngàn năm sau, Người ki tô hữu chúng ta hôm nay, chúng ta có thể nói rằng đức tin của chúng ta bắt nguồn từ đức tin của Abraham.

Và cũng chính Thiên Chúa ấy ngỏ lời với từng người chúng ta trong mùa Chay nầy : “Hãy đi ra khỏi đất ngươi !”. Cùng một lời mời gọi, nhưng đến với từng người chúng ta một cách khác. Người không kêu gọi chúng ta từ bỏ một quê hương hay một gia đình, cả khi nếu điều đó có thể xảy ra. Người mời gọi chúng ta ra khỏi những bảo đảm an toàn, từ bỏ những xác tín của mình, rủ bỏ tất cả những gì làm chúng ta ra nặng nề và giam hãm chúng ta trong chính minh. Từ bỏ để đi theo Đức Ki tô trên những con đường mà không ai trong chúng ta có thể biết trước.

Trong mọi trường hợp, lời mời gọi ấy cũng là cho chúng ta: « Hãy đi ra vì hạnh phúc của ngươi ! ». Vì sự ích lợi của chúng ta mà Chúa kêu gọi chúng ta, và đồng thời cũng nhắm đến một sứ mạng. Chắc chắn sẽ có đau khổ: Ai muốn làm chứng đức tin của mình có thể phải đối đầu với sự bách hại, chế diễu, dửng dưng và cái xấu có thể ngự trị trong môi trường cuộc sống. Thánh Phao lô nhắc cho Timôthê nhớ điều đó trong thư thứ hai: Đau khổ và bách hại là điều không thể tránh được đối với một môn đệ Đức Ki tô.

Dù gặp nhiều trở ngại, nhưng người môn đệ phải tiếp tục loan báo Tin mừng bởi vì đó là một lời giải phóng. Phải cho tất cả mọi người biết rằng Thiên Chúa đã cứu độ họ. Một lần cho tất cả. Nhưng để họ có thể tiếp cận ơn cứu độ, tin mừng cần phải được loan báo. Đó là chính sứ mạng của chúng ta và là trách nhiệm của chúng ta. Ơn gọi của nhân loại là trở nên một trong Chúa Giê su Ki tô, là Thân thể mà Đức Ki tô là Đầu.

Vì thế bản văn của thánh Phao lô mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa cứu độ. Trong Kinh Thánh, từ “cứu độ” có nghĩa là “giải thoát”. Thiên Chúa không ngừng can thiệp, chính là để giải thoát con người khỏi mọi hình thức nô lệ. Người là đấng đã giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ Ai cập, và cũng chính Người mời gọi chúng ta sám hối trong tâm hồn để có thể sống xứng đáng và tự do.

Đó là chương trình của Thiên Chúa. Để loan báo cho thế giới, trước hết, Timôthê phải cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, đấng đã sai phái ông. Như ông, chúng ta được mời gọi hãy “đồng lao cộng khổ” để loan báo tin mừng (2 Tm 1,8). Bức thư nầy của Phao lô phải đem lại cho chúng ta mọi sự dạn dĩ: thật vậy, mỗi lần phục vụ việc rao giảng tin mừng, chúng ta có thể dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Bài tin mừng hôm nay cũng là một mạc khải của Thiên Chúa. Đó là câu chuyện  Biến hình mà ai trong chúng ta đã biết rõ bởi vì đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Chúa Giê su đem theo Phê rô, Giacôbê và Gioan cùng với Ngài lên một núi cao. Núi ấy nhắc chúng ta nhớ đến núi nơi ông Mô sê đã nhận được mạc khải của Thiên Chúa Giao ước, và các bia đá Lề luật. Chính qua phương tiện đó mà Thiên Chúa đã muốn giáo dục dân Người sống trong tình yêu của Thiên Chúa và anh em mình. Rồi cũng chính trên một ngọn núi cao mà tiên tri Êlia đã được mạc khải của Thiên Chúa nhân từ trong cơn gió nhẹ thoảng qua. Người ta có thể nói rằng Mô sê và Êlia là những cột trụ của Cựu Ước.

Phêrô, Giacôbê và Gioan là những cột trụ của Giáo Hội, được mạc khải về Thiên Chúa nhân lành nhập thể trong Chúa Giê su: “Nầy là Con Ta yêu dấu, hằng đẹp lòng Ta”. Mạc khải ấy đã giúp họ kiên vững niềm tin trong cơn lốc Khổ nạn. Trước một mạc khải như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các môn đệ sợ hãi. Nhưng Chúa Giê su trấn an họ : « Hãy bình tĩnh và đừng sợ ». Từ xưa, Cựu Ước đã loan báo rằng Thiên Chúa rất thánh cũng là Thiên Chúa rất gần với con người và không được sợ hãi.

Ngày Chủ nhật hôm nay, Lời Chúa đến mang lại cho chúng ta một luồng ánh sáng và và một niềm tin tưởng mà chúng ta không được phép tiếp nhận như một điều bình thường, nhưng như một lương thực ban lại cho chúng ta sức mạnh và can đảm để tiếp tục cuộc cuộc hành trình. Ước gì lời Chúa hôm nay và bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta để toàn cuộc sống chúng ta trở nên lời chứng cho niềm hi vọng mà Chúa đặt nơi chúng ta.

ĐÀO SÂU VINH QUANG TRÊN NÚI

 

Stk 12,1-4a A-bra-ham được Thiên Chúa kêu gọi

Tv 33,4 Lạy Chúa, xin tỏ tình thương Chúa cho chúng con

2Tm 1,8-10 Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nhận biết vinh quang của Ngài

Mt 17,1-9 Đức Giê-su biến hình trên núi

 

  1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: VINH QUANG TRÊN NÚI. Thiên Chúa đã tự mạc khải hoàn toàn nơi Đức Giê-su Ki-tô trên núi, từ nay phải vâng nghe lời Ngài (BTM). Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta không phải vì công lao của chúng ta nhưng vì kế hoạch yêu thương của Ngài (Bđ2). Chương trình đó, Ngài đã mạc khải cho ông A-bra-ham: trong ông, tất cả mọi gia tộc trên trái đất được chúc lành (Bđ1).

  2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Stk 12,1-4a) như thế nào?

THƯA: Chúng ta đang ở vào thế kỉ 19 trước CN. Gia đình ông A-bra-ham, gồm có Cha là Tê-ra, vợ là Sa-ra và cháu là Lót đi ngược dòng sông Ơ-phrát lên phía Tây bắc. Họ dừng lại định cư ở Ha-ran. Sau khi bà Tê- ra qua đời, vào khoảng năm 1850, Thiên Chúa gọi ông A-bra-ham từ bỏ quê hương đi về phía Tây tiến đến vùng đất Ca-na-an thực hiện chương trình cứu độ của Người.

  3. HỎI: Thiên Chúa truyền lệnh cho ông A-bra-ham như thế nào?

THƯA: Người bảo: “Hãy ra đi vì hạnh phúc của ngươi”. Qua đó, Thiên Chúa tự mạc khải như là Đấng muốn cho mọi người được hạnh phúc. Người tín hữu luôn tin rằng, dù điều gì xảy ra, Thiên Chúa luôn dẫn họ đến hạnh phúc.

  4. HỎI: Gia cảnh ông A-bra-ham lúc bấy giờ như thế nào?

THƯA: Ông vốn là dân du mục, giàu có nhưng vô danh. Lúc ấy, ông đã 75, bà vợ 65 tuổi rồi mà chưa có con cái, và cứ sự thường, với tuổi ấy ông bà coi như sẽ không có con nối dòng. Nhưng Thiên Chúa thì lại có chương trình khác nên đã chọn ông để làm cha một dân tộc lớn.

  5. HỎI: Thiên Chúa hứa cho ông A-bra-ham điều gì?

THƯA: Thiên Chúa hứa cho ông A-bra-ham tất cả những gì làm nên hạnh phúc mà thời bấy giờ người ta ao ước: một dòng dõi đông đúc và phúc lành của Thiên Chúa.

  6. HỎI: Phúc lành Thiên Chúa ban chỉ dành riêng cho ông A-bra-ham thôi sao?

THƯA: Không. Trong Kinh Thánh, ơn gọi không bao giờ nhắm đem lại hạnh phúc riêng cho một cá nhân, nhưng luôn là một sứ mạng phục vụ người khác. Ở đây, lời hứa của Thiên Chúa nhắm đến hai điều: thứ nhất, ông A-bra-ham trở thành mẫu người hạnh phúc mà mọi người mơ ước. Thứ hai, ngang qua ông, Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho tất cả mọi gia đình trên trần gian.

  7. HỎI: Cuộc ra đi của ông A-bra-ham nói lên điều gì?

THƯA: Cuộc ra đi của ông là biểu tượng đức tin cho người tín hữu. Toàn thể lịch sử nhân loại sẽ chứng kiến cách Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người. Thực hiện chậm, từ từ, nhưng chắc chắn và sẽ hoàn thành.

  8. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (2Tm 1,8-10) như thế nào?

THƯA: Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ cho mọi người là Đức Ki-tô đã chiến thắng sự chết để từ nay những ai tiếp nhận tin mừng ấy và tin vào Ngài cũng sẽ trải qua sự chết mà vào sự sống đời đời.

  9. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng (Mt 17,1-9) như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng nằm trong phần nói về sự chết và sống lại của Đức Giê-su (16, 21 và 17,27). Đặc biệt là lời Đức Giê-su hứa cho một số người thấy trước vinh quang của Ngài: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16,28). Có 3 ý chính: 1. Đưa vào cuộc biến hình (17,1); 2. Đức Giê-su biến hình, thị kiến và phản ứng các môn đệ (17,2-8); 3. Kết (17,9).

  10. HỎI: Tại sao Đức Giê-su chỉ chọn ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê, và Gio-an?

THƯA: Chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm chọn lựa của Thiên Chúa. Người tự do tuyển chọn ai Người muốn. Đức Giê-su chọn ông Phê-rô làm tảng đá nền xây Giáo Hội. Và cùng với ông là hai con ông Giê-bê-đê.

  11. HỎI: Ngọn núi cao nhắc lại điều gì?

THƯA: Ngọn núi cao nhắc đến Si-nai, nơi mà Mô-sê nhận được Mạc khải của Thiên Chúa Giao Ước và các bia đá khắc ghi Lề Luật. Rồi cũng nơi ấy chứng kiến Tiên tri Ê-li-a tiếp nhận Mạc khải của Thiên Chúa trong diện mạo dịu dàng thoang thoảng như gió heo may. Mô-sê và Ê-li-a là hai cột trụ của Cựu Ước.

  12. HỎI: Trên ngọn núi cao, ba tông đồ nhận được mạc khải gì?

THƯA: Trên ngọn núi cao, ba tông đồ nhận được mạc khải Thiên Chúa nhân từ nhập thể nơi Đức Giê-su: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,4). Họ nhận được mạc khải ấy để củng cố đức tin trước cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su.

  13. HỎI: Tiếng từ đám mây cho biết Đức Giê-su là ai?

THƯA: Đó là tiếng nói của Chúa Cha mạc khải cho người ta biết Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa.

  14. HỎI: “Con” có nghĩa gì?

THƯA: Con” là tước hiệu gán cho Vua và người ta chờ đợi Đấng Mê-si-a trong diện mao của một vị Vua thuộc dòng Vua Đa-vit, ngự trên ngai Giê-ru-sa-lem mà từ lâu vắng bóng vua.

  15. HỎI: “Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” có nghĩa gì?

THƯA: Khi gợi lại các bài ca về người tôi tớ trong sách Tiên tri I-sai-a, câu trên muốn nói rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, không theo kiểu dáng một vị Vua, nhưng theo cách một Tôi trung của Thiên Chúa (x. Is 42,1).

  16. HỎI: “Hãy vâng nghe lời Người” nhắc đến điều gì?

THƯA: Câu ấy có ý nói Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a-Tiên tri theo nghĩa mà Mô-sê đã loan báo trong sách Đệ Nhị Luật: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15).

  17. HỎI: “Dựng ba lều” có nghĩa gì?

THƯA: Lời của ông Phê-rô xin dựng ba lều tỏ cho thấy biến cố Hiển Dung có thể đã xảy ra nhân dịp lễ Lều hay ít ra trong hoàn cảnh Lễ Lều là dịp mà người Do thái tưởng niệm cuộc hành trình băng qua sa mạc trong cuộc Xuất hành, và Giao Ước kí kết với Thiên Chúa để cầu xin Thiên Chúa sớm gửi đấng Mê-si-a đến trần gian.

  18. HỎI: “Đám mây sáng ngời rợp bóng trên họ” có nghĩa gì?

THƯA: Hiện tượng ấy là câu trả lời của Thiên Chúa trước lời đề nghị của ông Phê-rô. Đám mây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Đám mây còn chứng thực cho các tông đồ rằng từ nay họ trở thành một cộng đoàn với Đức Giê-su và cả thiên quốc bao lâu họ còn lắng nghe lời Ngài.

  19. HỎI: Tại sao các môn đệ “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”?

THƯA: Bởi vì con người luôn luôn cảm thấy một nỗi khiếp sợ khi phải đối diện với Thiên Chúa. Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không phải chết (x. Xh 19,21; 33,20)      

  20. HỎI: Tại sao Đức Giê-su cấm không cho các môn đệ thuật lại biến cố hiển dung?

THƯA: Vì Ngài muốn tránh mọi sự hiểu lầm về tính cách cứu thế của Ngài cũng như mọi sự xáo trộn trong dân chúng trước khi Ngài sống lại. 

  21. HỎI: “Trước khi Con người từ cõi chết sống lại”: ‘Con Người’ nhắc tới ai?

THƯA: Nhắc tới đấng Mê-si-a mà tiên tri Đa-ni-ên đã nhìn thấy dưới hình dạng một người đến trên mây trời (Đn 7,13-14). Người sẽ lãnh nhận uy quyền, vương quyền, vinh quang đến muôn đời. Và vương quyền Ngài sẽ không bị tiêu diệt nhưng sẽ tồn tại mãi.

  22. HỎI: Lời sấm tiên tri Đa-ni-ên về Con Người đã được thực hiện như thế nào?

THƯA: Nơi Đức Giê-su, vừa là Thiên Chúa vừa là người, toàn thể nhân loại lãnh nhận vương quyền vĩnh cửu và sẽ được biến hình mãi mãi. Đó là mầu nhiệm mà chỉ sau khi Đức Giê-su sống lại các Tông đồ mới có thể trở thành nhân chứng.

  23. HỎI: Sống sứ điệp tin mừng như thế nào?

THƯA: 1. Đức Giê-su hiển dung để chuẩn bị các môn đệ đi vào mầu nhiệm Vượt qua, chịu đựng sự thử thách khủng khiếp của cuộc khổ nạn, và nhất là giải thích sự Phục sinh cho đúng. 2. Trên đường mùa Chay, biến cố Hiển dung chỉ cho chúng ta thấy điểm đến của cuộc hành trình: sau đau thương khổ nạn sẽ là ánh sáng phục sinh.

GLCG 554 697, 2600 444. Từ ngày Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giê-su “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người sẽ phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt l6, 2l). Phê-rô không chấp nhận điều đó (x.Mt.l6, 22-23), các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn (x.Mt l7, 23; Lc 9,45). Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu : Đức Giê-su hiển dung trên núi ( x.Mt l7,l-8.ss; 2 Pr.l,l6-l8), trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Dung mạo và y phục của Đức Giê-su trở nên chói sáng, ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra “nói với Người về cuộc ra đi Người sẽ phải hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,3l). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

 

Comments are closed.