Chúa Nhật Lễ Lá – Cuộc Thương Khó Của Chúa Giê su

Cuộc khải hoàn vào Thành thánh Giêrusalem mang nhiều ý nghĩa. Đối với các môn đệ đó là cách thực hiện niềm hi vọng của họ đối với Chúa Giê su, đối với các thù địch Chúa Giê su, thì đó là cớ để họ kết án Ngài. Còn đối với Chúa Giê su, thì đó là điểm đến cuối cùng của con đường hoàn toàn tùng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện xin đừng bao giờ quên rằng chính Tình yêu là nguyên do mọi sự đau khổ của Chúa Giê su và cuộc đời chúng ta là lời đáp trả cho tình yêu ấy.

Sách Tiên tri Isaia 50, 4-7

Vị Tiên tri trình bày diện mạo người Tôi tớ đau khổ. Người Tôi tớ đích thật luôn lắng nghe Lời và đáp trả Xin Vâng trước những lời dạy cùa Thiên Chúa. Đức Giê su chính là người Tôi trung tuyệt vời ấy. Vì chữ Tín trung mà Ngài phải lãnh lấy những hình khổ ghê gớm nhất. Sự kiên trì của Ngài là hòan hảo và không suy suyển. Ngài đi đến cùng, cho đến chết, cho đến sự sống.

Thánh vịnh 21

Thánh vịnh nầy là lời mô tả trung thực cuộc khổ nạn. Các khổ hình kinh khủng nhất, những lời chế diễu bỉ ổi nhất, cuộc hành hạ kinh hoàng nhất, không gì có thể đánh mất lòng trung kiên của người tôi tớ đau khổ đối với Đấng hiến ban sự sống, hi vọng. Chúng ta hãy đọc Thánh vịnh nầy trong ngữ cảnh toàn bộ Kinh thánh.

Thư gửi Phi líp phê 2, 6-11

Đức Giê su Ki tô là Chúa. Trong Đức Ki tô, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta Người là Thiên Chúa, Chủ tể trần gian, đấng Messia và đấng Cứu độ. Ngài nhập thể là sự hiện diện của Cha trên trần gian. Người tôi tớ vô ích, đấng Messia đau khổ, đấng Cứu thế bị kết án..Con đường ấy, Thiên Chúa đề nghị cho Giáo Hội để cho Vương quốc của Người ngự đến.

Bài Tin mừng 1: Mt 21,1-11.

Chúa Giê su khải hoàn vào thành Giê ru sa lem

NGỮ CẢNH

Mát thêu cũng như hai tin mừng nhất lãm kia (Mc và Lc) đều đặt trước trình thuật Khổ nạn một sưu tập các biến cố, dụ ngôn, đối thoại và tiên tri tạo thành một đơn vị đậm chất bi kịch và đối kháng mang dáng dấp một cuộc tranh tụng trước tòa.

Đoạn thứ nhất là biến cố Chúa Giê su đi vào thành Giê ru sa lem khởi đầu cho tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời Chúa Giê su.

 

TÌM HIỂU

Bết pha ghê: để đi đến Giê ru sa lem, từ Giê ri cô, người ta phải đi ngang qua Bê ta ni a và Bết pha ghê. Tên gọi Bết pha ghê có nghĩa là “nhà cây vả”, có lẽ nhằm chuẩn bị cho phép lạ cây vả bị khô héo đi sau (21,18-22).

Hai môn đệ: Chúa Giê su sẽ còn sai hai môn đệ (26,17-19) đi chuẩn bị một căn phòng ở Giê ru sa lem cho bữa tiệc Vượt qua. Nên chú ý đến tước hiệu mà Chúa Giê su tự gán cho mình trong cả ba tin mừng nhất lãm: “Chúa”.

Con lừa mẹ: chỉ có Mt mới ghi lại rõ ràng chi tiết nầy để theo sát lời sấm tiên tri Da ca ria 9,9. Trong bản Híp pri, người ta đọc: “Ngài ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Đây chắc là hai từ đồng nghĩa chỉ một con lừa duy nhất. Mt đặt hai con lừa chắc là để cho thấy rằng lời Kinh Thánh được hoàn thành từng chữ, nhưng lại gây lúng túng cho người đọc: Chúa Giê su ngồi cùng một lúc trên hai con lừa!

Áo choàng của mình: giống như lúc Vua Giê hu lên ngôi (2V 9,13).

Hôsanna: có nghĩa là: “Xin thương cứu giúp con” trích từ thánh vịnh 118,25. Dùng riêng, kiểu nói nầy tương đương một lời tung hô, một tiếng hò la phấn khởi. Áp dụng cho Chúa Giê su, con Vua Đa vít trong trường hợp nầy, nó mang ý nghĩa thiên sai (Messia).

Chúc tụng: Lời tung hô nầy trích từ Tv 118,26 hát lên trong Lễ Lều, khi những người tham dự đám rước, tay vẫy cành lá. Tv nầy còn được trích dẫn trong câu 21, 42.

Náo động: trong tiếng hi lạp nguyên bản, động từ nầy còn được dùng để chỉ đất rúng động đi theo cái chết của Chúa Giê su. Trong câu 8,24, nó diễn tả cơn bão hoành hành trên biển hồ, và trong câu 28,2 diễn tả nỗi kinh hoàng tột độ của những người lính canh lúc Chúa Giê su sống lại.

Ngôn sứ Giê su: Tước hiệu không long trọng bằng tước Vua trong Luca và Gioan, cũng không bằng tước Con vua Đa vít trong trình thuật Mát thêu (21,9.15). Chỉ có Mt dùng để phản ánh ý kiến của dân chúng về Chúa Giê su (21,46).

Bài Tin mừng 2: 26,14-27,66. Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê su

NGỮ CẢNH

Xét theo truyền thống, ý nghĩa và độ dài, trình thuật khổ nạn chiếm một chỗ quan trọng trong các Tin mừng.

Cũng như hai tin mừng kia, Mát thêu bắt đầu trình thuật Khổ nạn bằng câu chuyện Giu đa phản bội (26, 14-16). Sau bữa tiệc li và và hấp hối ở vườn cây dầu (17-56), Chúa Giê su bắt đầu bị thẩm vấn, xét xử và hành hạ: trước tòa Cai pha (26,57- 27,10); và tòa Phi la tô (27,11-31). Phần cuối nói về đường thập giá và cái chết của Chúa Giê su (27,32-54) để kết thúc bằng việc chôn cất và canh gác mộ Chúa Giê su (55-66).

Đặc tính thường thấy trong sách tin mừng Mt như hài hòa, sáng sủa và trang trọng vẫn tiếp tục trong bài tường thuật vê cuộc Khổ nạn. Đặc biệt Mát thêu kể lại những biến cố không thấy có trong các tin mừng khác như:   Giu đa tự tử (27,3-10), vợ Phi la tô can thiệp (27,19), một vài biến cố xảy ra chung quanh cái chết của Chúa Giê su (27,51-54), tổ chức canh mồ (27,62-66), và việc phao tin xác Ngài đã bị đánh cắp (28,11-15). Lí do có lẽ là vì sách tin mừng Mát thêu được viết cho môi trường Pa lết ti na.

Trình thuật của Mát thêu có tinh cách giáo hội và mang hình thức một bài giáo lí: lối hành văn sáng sủa, rõ ràng, thích hợp với phụng vụ. Đặc biệt trong lối trình bày các sự kiện: được đức tin soi sáng, các biến cố trở nên dễ hiểu.

a. Trong phần Chúa Giê su bị bắt, trong khi Mác cô tìm cách đánh động độc giả bằng cách kể các sự kiện, thì Mát thêu lại thích dùng những lời soi sáng giải thích các sự kiện đó. Mát thêu bỏ qua một vài chi tiết sống sượng (Mc 14,44: “Tôi hôn ai..”; 14,51: “Một thanh niên chạy trốn mình trần..”), và trình bày một cách thanh thản, trang trọng hơn, rõ ràng hơn. Đặc biệt Mát thêu luôn tìm cách soi sáng mọi việc xảy ra bằng lời nói (26,50: “Này bạn, bạn đến đây làm gì, thì cứ làm đi!”. 52-54: “Hãy xỏ gươm vào vỏ..”). Trong phần nầy, Mát thêu cho thấy Chúa Giê su chọn con đường tự hạ trong sự sáng suốt và tự do hoàn toàn, vì Ngài nhận ra đó là con đường mà thánh ý Thiên Chúa đã vạch sẵn. Bởi đó, đừng đọc trình thuật nầy như một biên bản những gì đã xảy ra. Khi nhìn cuộc khổ nạn, Giáo Hội sơ khai lấy Thánh Kinh để hiểu ý nghĩa của nó, và nhận ra, có sự tương hợp giữa ý định ban đầu của Thiên Chúa được tiên báo trong Cựu Ước và các biến cố lúc đầu xem ra khó hiểu.

b. Phiên tòa Do Thái. Sau khi bị bắt, Chúa Giê su bị giao nộp cho các lãnh đạo Do Thái giáo: người ta điệu Ngài đến vị thượng tế. Tại đây mọi thủ tục tố tụng bắt đầu. Mát thêu đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc hỏi cung ban đêm: câu hỏi của vị thượng tế mang hình thức một lời yều cầu long trọng. Và thay vì trực tiếp trả lời “chính là tôi!”(như Mc 14,62), Chúa Giê su dựa vào câu nói của vị thượng tế: “Ông nói đó!” (Mt 26,64). Qua đó, Ngài cho biết không phải chính Ngài có sáng hiến công bố phẩm chức Thiên sai, và tỏ ra dè dặt đối với quan niệm thiên sai của những kẻ tố cáo Ngài.

Mát thêu còn thêm vào đoạn nói về “giá máu” Chúa Giê su (27,3-10), cho thấy đây là một vụ án bất công (lời thú nhận thái độ của Giu đa, 27,4-5). Đàng khác Mt cũng nhấn mạnh rằng ý định của Thiên Chúa được thực hiện theo lời tiên báo của Thánh Kinh (27,9-10).

c. Khác với Mác cô vắn tắt trong một vài dòng, Mát thêu trình bày rõ ràng hơn phiên tòa Rô ma. Phần độc đáo của ông nằm trong giai thoại về Baraba qua hai yếu tố mới: vợ Phi la tô bất ngờ can thiệp, theo lời mộng báo, nhìn nhận Chúa Giê su là người công chính và bênh vực Chúa Giê su (27,19) và màn rửa tay của Phi la tô từ chối trách nhiệm trong việc giết Chúa Giê su ( 27,24-25). Qua diễn biến phiên tòa, Mát thêu muốn làm nổi bật tương quan giữa Chúa Ki tô với dân Is ra ên. Trong khi người ngoại xin tha cho “người công chính”, thì dân do thái lớn tiếng đòi giết đấng Thiên sai. Trách nhiệm mà Phi la tô từ khước thì “toàn dân” do thái nhận lấy trên đầu mình. Như thế, từ nay, muốn vào Vương quốc Thiên Chúa, ngườ Is ra ên phải hối cải và gia nhập giao ước mới ký kết trong máu Chúa Giê ssu (Mt 26,28).

d. Sau khi bị kết án tử hình thập giá, Chúa Giê su bị bọn lính hành hạ, rồi dẫn lên núi Sọ, đóng đinh vào thập giá. Cái chết của Ngài là biến cố chủ chốt của lịch sử cứu độ, qua đó, Mát thêu muốn cho thấy thời đại cũ đã chấm dứt, và Hội Thánh Chúa Ki tô được khai sinh.

Bọn lính hành hạ (27,27-31). Người do thái ở sân Thượng tế chế nhạo Chúa Giê su là tiên tri (26, 67-68), và bây giờ là lính Rô ma hành hạ Ngài trong tư cách một ông Vua: khoác cho Ngài một áo choàng, một vòng gai làm vương miện, và một cây sậy làm vương trượng, rồi quì gối nhạo báng Ngài. Cảnh tượng nhục nhã và đau thương ấy là phương tiện nghịch thường mà Thiên Chúa chọn để cho thấy rằng, Chúa Giê su đích thật là Vua dân do thái, Vua mọi dân tộc.

Đóng đinh Chúa Giê su (27,32-54). Cũng như Mc, Mát thêu đóng khung việc Chúa Giê bị đóng đinh trong hai câu chuyện về ông Si mon và các người nữ đạo đức. Ở đây, ta gặp lại tước hiệu “Vua dân do thái” (ở trên kia). Tiếp đến là màn chế diễu của những kẻ qua đường, các lãnh đạo do thái giáo. Sau khi Chúa Giê tắt thở, màn trong Đền thờ bị xé ra làm đôi, và viên bách quản tuyên xưng đức tin của mình. Việc màn đền thờ bị xé làm đôi chứng thực lời tiên báo Đền thờ sẽ bị phá hủy, nhường chỗ cho một đền thờ mới.

Chúa Giê su tắt thở. Nhìn từ bên ngoài, mọi sự hình như đã tiêu tan, đã chấm dứt. Nhưng thực ra, mọi sự đã xong theo nghĩa tích cực: mọi sự đã hoàn tất như đã báo trước.

Sau cùng các âm hưởng do cái chết Chúa Giê su được bố trí trong một quang cảnh vĩ đại làm nổi bật tầm quan trọng cánh chung của biến cố: thời đại cũ chấm dứt và thời đại mới khai mào.

TÌM HIỂU

Ba mươi đồng bạc: Chỉ có Mt đưa ra chi tiết chính xác nầy (lặp lại ở 27,9) qui chiếu đến lời Tiên tri Dacaria 11,12 và nhắc lại số tiền phải bỏ ra để mua một người nô lệ (Xh 21,32).

Thời của Thầy đã gần tới: chỉ có Mt mới dùng kiểu nầy. Chúa Giê su hành động như người chủ, khi đã ra lệnh cho các môn đệ và chủ con lừa (21,2-3) và chủ căn phòng. Ở đây, Ngài đưa ra lí do là giờ của Ngài đã gần, cuộc đời của Ngài đã đến cao điểm. Chúa Giê su nói về thời giờ đó như Khinh Thánh nói về thời giờ của Thiên Chúa hoặc Gioan nói về giờ của Chúa Giê su. Đó là khoảng thời gian có liên hệ đến toàn bộ lịch sử nhân loại, bởi vì nói mang lại cho con người ý nghĩa tối hậu cho thời gian của họ. Cũng ở đây, Chúa Giê su chủ động các biến cố và muốn biến bữa tiệc nầy thành một hành vi mạc khải.

Như Lời đã chép: Mt nhấn mạnh nhiều lần rằng cuộc Khổ nạn đang bắt đầu xảy ra như đã chép (cc.31.54.56).

Kẻ nộp Người: Chỉ có Mt thuật lại câu hỏi của Giu đa và câu trả lời khẳng định của Chúa Giê su bằng một công thức mà người ta còn gặp lại ở câu 26,64. Ý Chúa Giê su muốn để cho người hỏi hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều mà anh ta mới hỏi.

Mà ăn:  Lời mời nầy cũng như lời mời “Anh em tất cả hãy uống” (27) của Chúa Giê su chỉ có trong Mt.

Cho muôn người được tha tội: chỉ riêng Mt mới có chi tiết nầy gợi lại chủ đề nền tảng của Tân Ước (x. Mc 1,4; Lc 1,77; 24,47; Cv 2,38; Ep 1,7; Hp 9,22; 10,18). Khi trao nộp mình và máu mình cho loài người, Chúa Giê su giải phóng họ khỏi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa.

SỨ ĐIỆP

Sau bài trình thuật Thương Khó, thường người ta im lặng để cảm xúc lắng dịu suy niệm về cái chết của Chúa Giê su. Thật vậy, chúng ta sẽ khám phá Chúa Giê su, Con Thiên Chúa, trong sự thật của bản tính loài người: Ngài đã chịu đau khổ, bị nhục mạ, và lo lắng khi đối diện sự chết: trên thập giá, chúng ta đã nghe tiếng Ngài thổn thức: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?”. Lời đó rút ra từ Thánh Vịnh 121 kết thúc bằng tiếng kêu đầy tin tưởng: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha”.

Ngang qua Chúa Giê su, chính Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta diện mạo và bản tính chân thật của Ngài. Ngài không phải là một ai đó vô cảm, nhưng là một ai đó đến với chúng ta trong những đau khổ và sự chết của chúng ta. Ngài chịu đau khổ với chúng ta và cho chúng ta. Cuộc Khổ nạn của Đức Ki tô, không chỉ là chuyện của Ngài, mà là chuyện của chúng ta và của tất cả mọi người trên trần gian.

Trong trình thuật khổ nạn, chúng ta nhận rõ sự độc ác, hèn nhát và sự bất công của con người. Vì quen sống bầu bạn với những người ngoại và những kẻ bị loại trừ, nên Chúa Giê su đã trở thành cái gai nơi mắt người Do thái. Và như thế Ngài đã khiến họ phẫn nộ nên đã xách động đám người cuồng nhiệt căm thù và giết hại Ngài. Nhưng Ngài đã vượt lên tất cả để sống đến cùng tình yêu đối với tất cả mọi người, kể cả những kẻ làm hại Ngài. Đáng tiếc thay, con người đã không chấp nhận diện mạo nầy của Thiên Chúa.

Và kết cục là sự phản bội, kết án và xử tử hình Chúa Giê su trên thánh giá. Tất cả những điều ấy đưa chúng ta về với chính mình với sự lựa chọn và những ưu tiên của mình: trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thực sự ở về phía Thiên Chúa không, về phía của người tìm cách đem lại sự sống và hi vọng cho những người hèn kém và bị loại trừ không? Đừng quên rằng Ngài tự đồng hóa với mọi người trong họ. Khi chúng ta làm điều xấu cho ai, chúng ta tiếp tục đứng về phía những người phỉ báng Đức Ki tô. Vì thế chúng ta phải tuyệt đối lọai trừ tất cả những lời nói và thái độ có thế gây thương tổn. Chúng là sự nhục mạ đấng đã đến để cho tất cả mọi người có sự sống dồi dào.

Nhưng nơi đâu tội lỗi đầy tràn, ân sủng càng chan chứa. Đức Ki tô làm chứng cho một tình yêu không điều kiện, một tình yêu tha thứ và cứu độ. Nỗi khốn cùng của chúng ta đó là không biết yêu thương. Chính trong nỗi khốn cùng ấy mà Chúa Giê su đến gặp chúng ta để lôi kéo chúng ta yêu thương bằng một tình yêu mà chỉ Thiên Chúa mới có và ban cho chúng ta mà thôi.

Chúng ta sẽ cùng nhau sống tuần thánh sắp tới. Đối với tất cả mọi người ki tô hữu trên tòan thế giới, đây là lúc quan trọng nhất trong năm, khi chúng ta có cơ hội đi theo Chúa Giê su trên đường Can vê. Cái chết, ngày thứ sáu thánh, không phải là điểm dừng cuối cùng. Nó chỉ có nghĩa là một “sự vượt qua” từ thế giới nầy đến với Cha. Chính vì thế mà Chúa Giê su đã đến để mở ra cho chúng ta một con đường, cho phép toàn thể nhân lọai đi vào trong vinh quang của Cha. Chúng ta sẽ cùng nhau hát và công bố rằng: “Anh hãy nhớ rằng Chúa Giê su Ki tô đã từ sống lại từ cõi chết. Ngài là sự cứu độ và là vinh quang vĩnh cửu của chúng ta”.

ĐÀO SÂU

CHẾT ĐỂ CỨU ĐỘ CHÚNG TA

Kiệu lá

Mt 21,1-11 Đức Giê su vào thành Thánh Giê-ru-sa-lem như đấng Thiên sai

 

1. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (kiệu lá) (Mt 21,1-11) như thế nào?

THƯA: Trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su và các môn đệ khi ra khỏi thành Giê-ri-cô đã chữa lành hai người mù (Mt 20,29-34). Tới làng Bết-pha-ghê Ngài sai hai môn đệ (21,1tt) đi trước chuẩn bị cho Ngài vào thành Thánh trong tư cách đấng Thiên sai tiến vào thành của mình. Tiếp sau đó là những hoạt động của Ngài tại Giê-ru-sa-lem trước tuần Khổ nạn. Có 2 ý chính: 1) Đức Giê-su tổ chức cuộc rước (21,1-7); 2) Đức Giê-su tỏ mình (21,8-11).

2. HỎI: Bết-pha-ghê nằm ở đâu và có nghĩa gì?

THƯA: Để đi đến Giê-ru-sa-lem, từ Giê-ri-khô, người ta phải đi ngang qua Bê-ta ni-a và Bết-pha-ghê. Tên gọi Bết-pha-ghê có nghĩa là “nhà cây vả”, có lẽ nhằm chuẩn bị cho phép lạ cây vả bị khô héo đi sau (21,18-22).

3. HỎI: Việc Đức Giê-su sai hai môn đệ đi dọn trước cho Ngài có ý nghĩa gì?

THƯA: Cho thấy Ngài biết trước và chủ động mọi sự trong cuộc khổ nạn. Điều này cho hiểu là Đức Giê-su ý thức Người là Đấng Mê-si-a, Người làm chủ tình hình, Ngài sắp đặt các biến cố như một nhà đạo diễn. Điều đó cho thấy cuộc khổ nạn không đổ ập xuống đầu Ngài như một tai nạn không thể tránh được, nhưng là thánh ý Thiên Chúa Cha mà Ngài phải vâng phục.

4. HỎI: Đức Giê-su sử dụng mấy con lừa?

THƯA: Chỉ có Mt mới ghi lại rõ ràng chi tiết nầy để theo sát lời sấm tiên tri Da-ca ri-a 9,9. Trong bản Híp-pri, người ta đọc: “Ngài ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Đây chắc là hai từ đồng nghĩa chỉ một con lừa duy nhất. Mt đặt hai con lừa chắc là để cho thấy rằng lời Kinh Thánh được hoàn thành từng chữ, nhưng lại gây lúng túng cho người đọc: Chúa Giê su ngồi cùng một lúc trên hai con lừa!

5. HỎI: Câu tung hô “Hô-san-na” có nghĩa gì?

THƯA: “Hô-san-na” có nghĩa là: “Xin thương cứu giúp con” trích từ thánh vịnh 118,25. Dùng riêng, kiểu nói nầy tương đương một lời tung hô, một tiếng hò la phấn khởi. Áp dụng cho Đức Giê-su, con Vua Đa-vít trong trường hợp nầy, nó mang ý nghĩa thiên sai (Mê-si-a).

6. HỎI: “Thiếu nữ Si-on” là ai?

THƯA: Thiếu nữ Si-on” trong truyền thống ngôn sứ là Ít-ra-ên cánh chung được nhân cách hóa, ở đây là dân cư Giê-ru-sa-lem.

7. HỎI: Dân chúng là ai?

THƯA: Mát-thêu phân biệt: đám đông tham dự vào cuộc rước dường như là đoàn người đã đi lên với Đức Giêi-su từ Giê-ri-khô (20,29.34). Còn dân cư Giê-ru-sa-lem thì lãnh đạm chứng kiến sự cố.

8. HỎI:Chúc tụng” lời tung hô nầy có nghĩa gì?

THƯA: Lời tung hô nầy trích từ Tv 118,26 hát lên trong Lễ Lều, khi những người tham dự đám rước, tay vẫy cành lá. Tv nầy còn được trích dẫn trong câu 21, 42.

 Trong Thánh Lễ

Is 50,4-7 Người tôi tớ của Thiên Chúa chấp nhận chịu đau khổ

Tv 22,8 Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con ?

Pl 2,6-11 Đức Giê-su tự hạ và được tôn vinh

Mt 26,14-27,66 hoặc Mt 27,11-54 Cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: CHẾT ĐỂ CỨU ĐỘ CHÚNG TA. Diện mạo của người Tôi tớ đau khổ mà Tiên tri I-sai-a giới thiệu (Bđ1) và người đau khổ (Tv 21) được hiện thực nơi Đức Giê-su trên thánh giá. Ngài đã tự hạ và vâng phục cho đến chết trên thánh giá vì loài người chúng ta (BTM).

2. HỎI: Nội dung bài đọc một (Is 50,4-7) nói gì?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách Tiên tri I-sai-a chương 50 (4-9), thường được gọi là ‘Bài Ca thứ ba về người Tôi Tớ Thiên Chúa’, mô tả người tôi tớ Thiên Chúa như người môn đệ quan tâm lắng nghe Lời Chúa dạy và dù bị bách hại vẫn quyết tâm trung thành với sứ mạng cho đến cùng.

3. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 50,4-7) như thế nào?

THƯA: Bản văn nầy có lẽ được tác giả viết ra vào khoảng thế kỉ thứ 6 trước Công Nguyên cho cộng đoàn dân Ít-ra-ên đang bị lưu đày ở Ba-by-lon. Họ đang sống trong những tình thế hết sức bi đát khiến nhiều người thất vọng, muốn buông xuôi và quay lưng lại với Thiên Chúa. Vì thế, tiên tri nhắc họ rằng họ vẫn luôn là người tôi tớ của Thiên Chúa, được Người tín nhiệm để hoàn thành chương trình cứu độ nhân loại.

4. HỎI: Đặc điểm nổi bật nơi người Tôi tớ Thiên Chúa là gì?

THƯA: Trong bài ca, Tiên tri đề cao tương quan giữa Thiên Chúa và tôi tớ của Người. Nhưng điểm đặc biệt ông nhấn mạnh là việc người tôi tớ chăm chỉ lắng nghe Lời Người phán và an tâm phó thác để cho Người dạy dỗ.

5. HỎI: Tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người hệ tại điều gì?

THƯA: Đó là sự tin tưởng lẫn nhau. Thiên Chúa tin tưởng nên trao cho tôi tớ Người một sứ mạng. Đáp lại, một khi đã lãnh nhận sứ mạng thì người Tôi tớ phải hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa để được mạnh mẽ và vững vàng thi hành sứ mạng ấy trong mọi nghịch cảnh.

6. HỎI: Đâu là tư cách chính yếu của người Tôi tớ Thiên Chúa?

THƯA: Đó là người lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Ngoài ra, người Tôi tớ còn phải sẵn sàng chịu đựng mọi cuộc bách hại, phải luôn tìm kiếm sức mạnh nơi Thiên Chúa để có thể kiên tâm cho đến cùng.

7. HỎI: Tại sao người tôi tớ “trơ mặt ra như đá”?

THƯA: Trơ mặt ra như đá” là kiểu nói diễn tả sự quyết tâm, kiên định và can trường. Người tôi tớ Thiên Chúa phải kiên quyết cho tới cùng, không nao núng trước mọi nghịch cảnh. Đó không phải là kiêu căng tự phụ nhưng là một lòng phó thác cậy trông vào Chúa.

8. HỎI: Bài đọc một có liên quan với bài tin mừng không?

THƯA: Trong bài đọc một, Tiên tri I-sai-a nói đến đám dân bị bách hại, bị tủi nhục trong kiếp lưu đày ở Ba-by-lon chứ không có ý ám chỉ Đấng Mê-si-a. Nhưng khi đọc lại bài ca ấy dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, những người tín hữu đầu tiên nhận ra người Tôi tớ của Thiên Chúa chính là Đức Giê-su trong cuộc Khổ nạn. Dù bị đối xử như một tội nhân, Ngài đã trung thành thực hiện sứ mạng cứu độ cho đến cùng.

9. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Pl 2,6-11) như thế nào?

THƯA: Bài thánh ca chúc tụng Đức Giê-su Ki-tô đã tự hủy thẳm sâu khi hạ mình cho đến chết trên thánh giá nên được Thiên Chúa Cha tôn vinh làm Chúa.

10. HỎI: Bài tường thuật Khổ nạn Đức Giê-su trong các tin mừng nhằm mục đích gì?

THƯA: Các bài trình thuật Khổ nạn trong các sách Tin mừng không nhằm mô tả chính xác và tỉ mỉ tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su. Mục tiêu nhắm đến là cho thấy việc Ngài chịu nạn là để hòan tất các lời tiên tri trong Cựu Ứớc. Hầu hết các chi tiết đã được tiên báo trong các Thánh vịnh 21 và 68, nhất là trong chương 53 sách Tiên tri I-sai-a nói về cuộc khổ nạn của người Tôi tớ Thiên Chúa. Do đó, các bài tường thuật khổ nạn là lịch sử thánh nhằm nâng đỡ đức tin.

11. HỎI: Trình thuật Khổ nạn trong tin mừng Thánh Mát-thêu có đặc điểm nào?

THƯA: Trước tiên Thánh Mát-thêu muốn làm nổi bật hai thái độ tương phản trong cuộc Khổ nạn Đức Giê-su: lẽ ra người Do thái phải là những người tin vào Đức Giê-su, thì họ lại chối từ, khinh dễ và hành hạ Ngài. Trái lại, dân ngoại dù không biết Ngài là ai, lại dùng những tước hiệu cao quí để tôn trọng Ngài.

12. HỎI: Thánh Mát-thêu dùng những tước hiệu nào?

THƯA: Thánh Mát-thêu dùng những tước hiệu sau đây để nói về Đức Giê-su: Vua người Do thái, Đấng Mê-si-a, Người Công chính, và Con Thiên Chúa.

13. HỎI: Tước ‘Vua người Do thái’ được dùng với mục đích gì?

THƯA: Trong khi quân dữ ba lần gọi Đức Giê-su là ‘Vua người Do thái’ để nhục mạ và chế diễu Ngài, thì tấm bảng gắn trên đỉnh thập giá ghi hàng chữ ‘Giê-su, Vua dân Do thái’ (27,37) làm nổi bật mầu nhiệm Đức Giê-su: Ngài là Vua và là Đấng cứu độ dân Ngài. Đó chính là điều mà người ta chờ đợi nơi Đấng Mê-si-a.

14. HỎI: Tước hiệu ‘Đấng Mê-si-a’ được dùng với mục đích gì?

THƯA: Phi-la-tô hai lần dùng tước hiệu nầy để gọi Đức Giê-su (27,17.22). Bà vợ ông trong một giấc mơ đã thấy Ngài được gán cho tước hiệu cao cả nhất của Cựu Ước là người “công chính” (27,19). Như thế, chính những người ngoại lại nói lên sự thật về Đức Giê-su.

15. HỎI: Còn tước hiệu ‘Con Thiên Chúa’?

THƯA: Lúc đầu tước hiệu cao quí nầy được sử dụng để chế diễu Đức Giê-su. Nhưng sau cùng được viên sĩ quan ngoại giáo dùng để tuyên xưng lòng tin của ông vào Ngài (27,54). Lời tuyên xưng của ông cho thấy trước sự hoán cải của người ngoại, và đối với thánh Mát-thêu thì cái chết của Đức Ki-tô không phải là một thất bại nhưng là một chiến thắng.

16. HỎI: Niềm tin ấy như thế nào?

THƯA: Thánh Mát-thêu dùng tước hiệu nầy để kết thúc toàn bộ trình thuật Khổ nạn. Đối với người sĩ quan ngoại giáo, cũng như đối với các tín hữu thời sơ khai, cái chết của Đức Giê-su không phải là một thất bại, nhưng là một chiến thắng. Hay đúng hơn chính trong sự yếu đuối đã tỏ hiện rõ ràng sức mạnh và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đó chính là vinh quang trong và ngang qua thập giá.

17. HỎI: Lời của Đức Giê-su trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa sao Ngài bỏ tôi?” (Mt 27,46) có phải diễn tả tâm trạng bị Thiên Chúa Cha ruồng bỏ không?

THƯA: Không phải vậy. Dù ở trên thánh giá bị mọi người sỉ nhục và chế diễu, Đức Giê-su không bao giờ cảm thấy cô đơn. Đúng hơn, Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha qua Thánh vịnh 22. Ngài chỉ đọc lớn câu đầu tiên, vì câu nầy nói lên ý nghĩa toàn bài Thánh vịnh. Sau nầy, Thánh Lu-ca đã diễn tả đúng tâm trạng đầy tin tưởng và bình thản của Đức Giê-su lúc đó: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

18. HỎI: Thánh Mát-thêu mô tả điều gì khi viết: “mồ mả bị bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trổi dậy, các ngài ra khỏi mồ vào thành thánh, và hiện và với nhiều người”?

THƯA: Có người hiểu các câu trên như sự kiện thực sự xảy ra để báo trước sự sống lại của thân xác lòai người vào ngày cánh chung. Nhưng dường như phải đọc các câu trên, theo cách biểu tượng: Thánh Mát-thêu đã muốn truyền lại giáo huấn về thời cuối cùng vào lúc đấng Mê-si-a đến lần thứ hai, tất cả, người sống cũng như kẻ chết, đều phải ra trước nhan Thiên Chúa để chịu Phán xét chung.

19. HỎI: Sống sứ điệp lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Hôm nay, chúng ta thấy mình ở trong đám đông nào? Đoàn người đi theo Đức Giê-su từ Giê-ri-khô hay dân cư Giê-ru-sa-lem? Chúng ta thấy mình được tượng trưng bởi đoàn người vẫn đang đi theo Đức Giêsu: đây là Hội Thánh lữ hành đang tiến đi mà loan báo cho cả người Do Thái (cc. 10-11) lẫn Dân ngoại (x. 28,19) biết Đức Giê-su là “con vua Đa-vít”, là Đấng Cứu độ loài người. Chúng ta mời gọi mọi người đón tiếp một Đấng Mê-si-a nghèo hèn và khiêm nhường. 2. Tin thật Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là Đấng đã vì yêu thương nhân loại mà chấp nhận mọi cực hình thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu vô biên ấy của Chúa Giê-su Ki-tô đòi chúng ta đáp lại bằng tình yêu của chúng ta.

GLCG 613. Cái chết của Đức Kitô đồng thời vừa là hy lễ Vượt Qua, mang lại ơn Cứu Chuộc tối hậu cho loài người, nhờ Con Chiên, Đấng xoá tội trần gian, vừa là hy lễ của Giao Ước Mới, cho con người lại được hiệp thông với Thiên Chúa, khi giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ máu đổ ra cho muôn người được tha tội. (X. Đức Giê-su khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem 557-560. Chúa Giêsu: ‘trong danh phận một Thiên Chúa’ và ‘đầy tớ’ đã vâng lời cho đến chết 449, 612, 713).

559 333, 132. Giê-ru-sa-lem sẽ đón nhận Đấng Mê-si-a của mình như thế nào? Trong khi Đức Giê-su trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua (x.Ga 6,15) thì Người lại chọn thời điểm và chuẩn bị mọi chi tiết chuyến vào Giê-ru-sa-lem, thành phố của “Đa-vít, Cha của Người” (Lc 1,32) (x. Mt 21,1-11 với tư cách là Đấng Mê-si-a. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavit, Đấng mang lại ơn cứu độ ( Hosanna có nghĩa là “Xin cứu chúng con”,”Xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Vua Vinh hiển” (Tv 24,7-10) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9, 9) tiến vào thành. Người không chinh phục Nữ Tử Xi-on bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm nhường, chứng từ của Chân lý. Vì thế ngày hôm đó, thần dân vây quanh (x.Ga 18,37) Người là trẻ con (x.Mt 21,15-16; Tv 8,3) và “những người nghèo của Thiên Chúa”, tung hô Người như các thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng (x.Lc 19,38; 2,14) Lời tung hô : “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118, 26) được Hội Thánh sử dụng trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!”, để mở đầu nghi thức tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.

Comments are closed.