Lễ Chúa Biến hình được cử hành 40 ngày trước lễ suy tôn Thánh Giá (14/9) để củng cố đức tin cho các môn đệ trước những thử thách của biến cố thập giá mà nhiều người vấp phạm. Tưởng nhớ biến cố Biến Hình mang lại cho chúng ta niếm tin tưởng mãnh liệt vào sự chiến thắng vinh quang mà Đức Giê-su Ki-tô mang lại cho chúng ta sau cuộc chiến cam go và đầy thử thách nầy.
Đn 7,9-10.13-14 Con Người xuất hiện trên mây trời, lãnh nhận quyền thống trị muôn đời
2 Pr 1.16-19 Phê-rô làm chứng cho biến cố biến hình
Mt 17,1-9 Ba môn đệ được chứng kiến giây phút thần tiên khi Đức Giê-su biến hình
Tin mừng: Mt 17,1-9
NGỮ CẢNH
Mát thêu cũng như Mác cô và Lu ca đều đặt câu truyện Biến Hình trong một ngữ cảnh tương tự: sau lời tuyên xưng của ông Phê rô (Mt 16,13-20; Mc 8,27-30; Lc 9,22).
Trong biến cố nầy, các tin mừng nhất lãm trình bày cho chúng ta một Chúa Giê su được bao bọc bởi vinh quang, khác hẳn với những lời loan báo Khổ nạn đi trước và đi sau khung cảnh nầy (16,21; 17,22-23). Các trình thuật nhất lãm rất giống nhau, ngọai trừ bút pháp trang trọng riêng của Mt.
TÌM HIỂU
Sáu ngày sau: với chi tiết chính xác nầy, Mt muốn đặt biến cố biến hình trong tương quan với lời loan báo Khổ nạn.
Mặt trời: vinh quang và sự oai nghiêm của Chúa Giê su dưới ngòi bút của Mc và Lc được nhấn mạnh hơn trong Mt: ông so sánh dung nhan Chúa Giê su và y phục của Ngài như mặt trời và ánh sáng (và trong c. 5 nhấn mạnh đến khía cạnh sáng chói của đám mây). Các chi tiết rõ ràng nầy rút từ Xh 34,29-30, trình bày Chúa Giê su như một Mô sê mới.
Ông Mô sê và ông Elia: đây là hai nhân vật của CƯ đã nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Các ngài sẽ đến trước đấng Messia khi Ngài trở lại trần gian. Các ngài là đại diện cho Lề luật và các Tiên tri. Sự hiện diện của họ là để làm chứng cho Chúa Giê su. Mc đặt Êlia trước Mô sê để nhấn mạnh khía cạnh tiên tri của CƯ. Mt đặt ông Mô sê trước để nhắc nhớ rằng Chúa Giê su là Mô sê mới đã đến để ban hành lề luật Giao ước mới.
Lạy Ngài: lời nầy trong Mc đơn giản là “Rabbi = lạy Thầy”; trong khi Mc Chúa Giê su được gọi là “Thầy”, thì trong Mt Ngài được xưng là “Chúa” một tước hiệu hoàn toàn tương ứng với vinh quang của đấng Biến hình.
Ông còn đang nói: chỉ có Mt là không nhấn mạnh đến việc ông Phê rô không hiểu biết gì.
Ta hài lòng về Người: kiểu nói của Mc ở đây ám chỉ đến Thánh vịnh 2 và Sáng thế kí 22,2, còn Mt thì lại thêm vào ám chỉ đến người Tôi tớ của Thiên Chúa trong Isaia (42,1).
Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: x. 18,15. khung cảnh không những có mục đích cho thấy vinh quang của Chúa Giê su. Thật vậy đỉnh cao của trình thuật nằm trong khẳng định rằng Chúa Giê su là Lời của Thiên Chúa (hãy vâng nghe lời Ngài), nối kết trong Ngài Lề luật và các Tiên tri và đưa đến hoàn tất. Trọn cuộc sống và đặc biệt trong cuộc Khổ nạn, Chúa Giê su không ngừng diễn tả và mạc khải Cha.
Kinh hoàng: chỉ có Mt kể lại phản ứng kinh hoàng của ba môn đệ. Trong CƯ sự kinh hoàng đặc biệt là phản ứng của con người trước sự biểu hiện của thần linh.
Chúa Giê su lại gần: thêm một chi tiết riêng của Mt. Điều đó cho thấy Chúa Giê su được tôn vinh trong cuộc biến hình vẫn ở gần với các môn đệ Ngài để tìm cách trấn an họ.
Chỉ còn một mình Chúa Giê su: Mô sê và Êlia đã biến mất; từ đây, chỉ còn một mình Chúa Giê su. Mô sê mới (x. 17,2) đã khiến Mô sê cũ biến mất.
Chúa Giê su truyền cho các ông: lặp lại lệnh cấm đã có ở câu 16,20, nhưng ổ đây, Chúa Giê su không nói với tư cách là Đấng Messia nữa, mà là như người Con được Thiên Chúa sủng ái.
SỨ ĐIỆP
“Hãy nghe Lời Ngài… “
Trong ngày lễ Chúa Biến Hình hôm nay, phụng vụ đề nghị cho chúng ta các bài đọc Kinh Thánh nói về vinh quang của Thiên Chúa.
Bài đầu tiên trích từ sách của Đa-ni-ên trong Cựu Ước. Đây là một bản văn khá khó hiểu đối với những người mới đọc lần đầu; nhưng điều quan trọng là tin mừng mà bài đọc để lại cho chúng ta: Lời Chúa loan báo cuộc phán xét các đế quốc thế gian, sự giải thoát của dân Thiên Chúa và sự ra đời của vương quốc của Ngài. Trình thuật này chuẩn bị chúng ta hiểu sự kiện Biến Hình.
Trong bài đọc thứ hai, chúng ta đọc lại lời chứng của Thánh Tông Đồ Phêrô về biến cố Biến Hình. Trước tiên, Ngài xác định rằng Lời của ngài khác xa với những câu chuyện tưởng tượng. Ngài chứng thực rằng lời chứng của ông là xác thực: “Chúng tôi đã chiêm ngưỡng … Chúng tôi đã nghe nói …” Kitô hữu chúng ta hôm nay chúng tôi tin vào Chúa Giêsu biến hình và sống lại bởi vì chúng tôi tin vào lời chứng của những người đã thấy vinh quang của Người.
Với bài Tin Mừng, chúng ta đang bước vào sự kiện Biến Hình. Chúa Giêsu đem theo ông Phê rô và Giacôbê và Gioan; và Ngài dẫn họ lên một ngọn núi cao. Cần biết rằng trong Kinh Thánh, núi là nơi gần gũi với Thiên Chúa và gặp gỡ thân mật với Ngài. Đây thực sự là nơi cầu nguyện trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đây là nơi các tông đồ có những khám phá phi thường về Chúa Giêsu biến hình và tỏa rạng. Khuôn mặt Ngài trở nên rực rỡ và quần áo của Ngài sáng láng đến nỗi làm cho ông Phê rô lóa mắt. Thậm chí ông muốn ở luôn trên núi để tận hưởng biến cố này.
Nhưng giờ đây vang lên tiếng nói của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu hãy vâng nghe Lời Ngài..” Lời này là rất quan trọng. Chúng ta phải lắng nghe Chúa Giêsu nói. Đây không phải là Đức Giáo Hoàng hay các giám mục hay linh mục nói, nhưng chính Thiên Chúa nói với tất cả chúng ta. Điều trớ trêu là Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống với những vui buồn, và lo lắng của chúng ta. Nhưng quá thường chúng ta lại đang tìm kiếm nơi khác. Chúng ta thường tổ chức cuộc sống bên ngoài Ngài.
Chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên những người lắng nghe Lời Ngài nói và nghiêm túc coi trọng lời của Ngài. Để lắng nghe Chúa Giêsu, chúng ta phải gần gũi với Ngài, hãy đi theo Ngài, chúng ta phải tiếp nhận lời giảng dạy của Ngài. Đây là những gì mà đám đông trong các sách Tin Mừng đã làm khi theo Ngài trên những con đường xứ Palestina. Thông điệp Ngài truyền cho họ thực sự là giáo huấn của Thiên Chúa Cha. Giáo huấn ấy chúng ta có thể tìm thấy hằng ngày trong Tin Mừng; khi chúng ta đọc, thì thực sự Chúa Giêsu nói với chúng ta, đó đích thực là Lời của Ngài mà chúng ta đang lắng nghe. Trong câu chuyện về Biến Hình, có hai thời khắc quan trọng mà chúng ta cần lưu ý: đó lúc các Ngài “đi lên và xuống” núi. Chúa kêu gọi chúng đi lên núi không phải là để leo núi nhưng là để tìm một nơi thanh vắng hầu tiếp nhận rõ ràng hơn tiếng nói của Chúa. Đó là những gì chúng ta làm trong khi cầu nguyện. Chúng ta cần thời gian tĩnh lặng để suy niệm, để xét mình và tìm phương thế chữa lành đời sống Kitô hữu của chúng ta. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện dẫn chúng ta “xuống núi”. Chúng ta được mời quay trở xuống vùng đồng bằng để về với thế giới hằng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ gặp lại những gương mặt thân quen cũng như tất cả những người đang phải vất và vì những gánh nặng bệnh tật, bất công, thiếu hiểu biết, nghèo đói về vật chất và tinh thần. Xuống núi để được sai đi làm chứng nhân và sứ giả của niềm hy vọng đã nuôi sống chúng ta. Lời mà chúng ta đã nhận được phải lớn lên trong chúng ta. Điều đó sẽ được thực hiện nếu chúng ta công bố Lời Chúa. Nếu chúng ta tiếp nhận Lời thì không phải để đặt nó trong một nơi cất giữ mà là để trao ban cho người khác; đó là đời sống Kitô hữu: tiếp nhận Chúa Giêsu và trao ban cho người khác.
Trong một vài ngày nữa, chúng ta sẽ mừng lễ Lên Trời của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ ở đó để mời gọi chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu và để thực hiện mỗi ngày những gì Ngài sẽ nói. Chúng ta thực sự có thể giao phó chính mình cho Mẹ. Cùng với Mẹ chúng ta học cách “đi lên” qua lời cầu nguyện. Để sau khi được thấm nhuần tình yêu nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ “đi xuống” để chuyển thông cho thế giới điều họ thực sự cần. Cùng với Chúa Kitô và Mẹ Maria lời chứng chứng này sẽ đơm hoa kết trái.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau như thế nào?
THƯA: VINH QUANG QUA THẬP GIÁ. Trong một thị kiến hùng vĩ, tiên tri đã thấy Con Người xuất hiện trên mây trời. Ngài được trao ban mọi quyền hành trên trời dưới đất, và quyền thống trị ấy tồn tại muôn đời (Bđ1). Thế nên Vương quốc của Ngài sẽ vĩnh cửu. Nhân vật huyền bí ấy không ai khác hơn là chính Đức Ki tô (BTM). Phê-rô kể lại chứng từ của Ngài (Bđ2)
2. HỎI: Sách Đa-ni-ên là sách gì?
THƯA: Sách Đa-ni-ên thuộc loại ‘khải huyền’, tỏ bày sự huyền bí trong ý định của Thiên Chúa. Sách được viết vào thời kì cấm đạo khốc liệt mà dân Do thái phải chịu đựng dưới thời Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (167-164) nhằm khuyến khích Dân Chúa trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa. Sách được mạo nhận là của một nhân vật thời lưu đày.
3. HỎI: Nội dung Bài đọc một (Đn 7,9-10. 13-14 ) như thế nào?
THƯA: Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Đa-ni-ên, kể lại thị kiến về Đấng Lão Thành ngồi trên ngai đầy quyền năng xét xử thế gian (7,9-10). Kế đến là một Nhân Vật đặc biệt có diện mạo như một người trần, nên được gọi là Con Người (13-14). Nhân Vật này xuất hiện như một vị thần linh (ngự giá mây trời), được Thiên Chúa (Đấng Lão Thành) trao cho quyền thống trị, vinh quang, vương vị vĩnh cửu và được mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ phụng sự đến muôn muôn đời. Vinh quang vĩnh cửu này dành cho Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu khổ nạn và chết trên Thập Giá để cứu chuộc loài người.
4. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Bài đọc một diễn tả một thị kiến mà tiên tri Đa niên được Thiên Chúa cho thấy (7,1-8). Thị kiến ấy ở trên trời, trong thế giới Thiên Chúa mà tiên tri gọi là Đấng Lão Thành ngự trên ngai (c.7, 9). Và có một nhân vật tiến đến Đấng Lão Thành, đấng ấy được goi là ‘Con Người’, kiểu nói trong ngôn ngữ Híp pri có nghĩa đơn giản là ‘người’ (13-14).
5. HỎI: Các câu 9 muốn diễn tả điều gì?
THƯA: Các câu 9 diễn tả dung mạo của Đấng Phán xét thế gian. Ngài được hình dung qua Đấng Lão Thành đầy khôn ngoan ngồi trên ngai tượng trưng cho sức mạnh và uy quyền để phán xét muôn dân nước (1-8). “Áo Người trắng như tuyết”, màu trắng trong Kinh Thánh nói lên sự tinh tuyền.
6. HỎI: Tác giả dùng hình ảnh lửa để diễn tả điều gì?
THƯA: Lửa là hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói lên sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa. Những hình ảnh lửa – “Ngai của Người toàn là ngọn lửa”, “bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng”, “một sông lửa cuồn cuộn chảy ra” – gợi lên sức mạnh khủng khiếp tăng thêm uy lực cho các phán xử của Ngài trên muôn nước. Hơn nữa sự kiện Đấng Lão Thành ngự trên tòa lửa mà không bị thiêu đốt cho thấy Thần Tính của Ngài.
7. HỎI: Đấng ‘Con Người’ đến với Đấng Lão Thành để làm gì?
THƯA: Ngài đến với Đấng Lão Thành (=Thiên Chúa) để được hiến thánh làm Vua. Như vậy thì đây là ngày tấn phong Ngài làm Vua, nên được ban cho “quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (14a).
8. HỎI: Vương quyền của Ngài có đặc điểm gì?
THƯA: Trước hết vương quyền Ngài có tính phổ quát, nghĩa là bao trùm mọi dân nước, và vĩnh cửu, nghĩa là tồn tại muôn đời, không bao giờ chấm dứt. Kế đến Ngài không chiếm đoạt vương quyền ấy cũng không chinh phục bằng sức mạnh.
9. HỎI: ‘Con Người’ ấy là ai?
THƯA: ‘Con Người’ ấy không phải là một cá nhân, nhưng là một dân tộc, dân tộc các Thánh của Đấng Tối cao (7,18).
10. HỎI: ‘Dân tộc các thánh của Đấng Tối cao’ là những ai?
THƯA: ‘Dân tộc các thánh của Đấng Tối cao’ trong Kinh Thánh là Ít-ra-ên, hoặc trong thời kì bách hại, là nhóm ‘Số sót’ trung tín, nòng cốt bé nhỏ của Dân. Thị kiến của Đa-ni-ên xảy trong thời dân Do thái bị bách hại khủng khiếp dưới thời Vua Hi lạp An-ti-o-khô 4. Vì thế tiên tri nói với những người còn trung thành với đức tin Do thái: ‘Anh em là dân các thánh của Đấng Tối cao, chẳng bao lâu nữa anh em sẽ lãnh nhận vương quyền’.
11. HỎI: Vào thời Chúa Giê su, Đấng Mê-si-a mà người Do thái chờ đợi là ai?
THƯA: Toàn dân đều chờ đợi Đấng Mê-si-a nhưng mỗi người tưởng tượng một cách tùy theo niềm tin của mình: một số người chờ đợi một người sẽ xuất hiện, số khác chờ đợi một Đấng Mê-si-a tập thể mà họ gọi là Số sót Ít ra ên, hoặc là Con Người.
12. HỎI: Còn tước hiệu ‘Con Người’ mà Chúa Giê su tự gán cho mình có nghĩa gì?
THƯA: Khi gán cho mình tước hiệu ‘Con Người’ Chúa Giê su tự nhận mình là Đấng Mê-si-a nhưng là một Đấng Mê si a chịu đau khổ.
13. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng (Mt 17,1-9) như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng nằm trong phần nói về sự chết và sống lại của Đức Giê-su (16, 21 và 17,27). Đặc biệt là lời Đức Giê-su hứa cho một số người thấy trước vinh quang của Ngài: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16,28). Có 3 ý chính: 1. Đưa vào cuộc biến hình (17,1); 2. Đức Giê-su biến hình, thị kiến và phản ứng các môn đệ (17,2-8); 3. Kết (17,9).
14. HỎI: Tại sao Đức Giê-su chỉ chọn ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê, và Gio-an?
THƯA: Chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm chọn lựa của Thiên Chúa. Người tự do tuyển chọn ai Người muốn. Đức Giê-su chọn ông Phê-rô làm tảng đá nền xây Giáo Hội. Và cùng với ông là hai con ông Giê-bê-đê.
15. HỎI: Ngọn núi cao nhắc lại điều gì?
THƯA: Ngọn núi cao nhắc đến Si-nai, nơi mà Mô-sê nhận được Mạc khải của Thiên Chúa Giao Ước và các bia đá khắc ghi Lề Luật. Rồi cũng nơi ấy chứng kiến Tiên tri Ê-li-a tiếp nhận Mạc khải của Thiên Chúa trong diện mạo dịu dàng thoang thoảng như gió heo may. Mô-sê và Ê-li-a là hai cột trụ của Cựu Ước.
16. HỎI: Trên ngọn núi cao, ba tông đồ nhận được mạc khải gì?
THƯA: Trên ngọn núi cao, ba tông đồ nhận được mạc khải Thiên Chúa nhân từ nhập thể nơi Đức Giê-su: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,4). Họ nhận được mạc khải ấy để củng cố đức tin trước cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su.
17. HỎI: Tiếng từ đám mây cho biết Đức Giê-su là ai?
THƯA: Đó là tiếng nói của Chúa Cha mạc khải cho người ta biết Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa.
18. HỎI: “Con” có nghĩa gì?
THƯA: “Con” là tước hiệu gán cho Vua và người ta chờ đợi Đấng Mê-si-a trong diện mao của một vị Vua thuộc dòng Vua Đa-vit, ngự trên ngai Giê-ru-sa-lem mà từ lâu vắng bóng vua.
19. HỎI: “Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” có nghĩa gì?
THƯA: Khi gợi lại các bài ca về người tôi tớ trong sách Tiên tri I-sai-a, câu trên muốn nói rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, không theo kiểu dáng một vị Vua, nhưng theo cách một Tôi trung của Thiên Chúa (x. Is 42,1).
20. HỎI: “Hãy vâng nghe lời Người” nhắc đến điều gì?
THƯA: Câu ấy có ý nói Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a-Tiên tri theo nghĩa mà Mô-sê đã loan báo trong sách Đệ Nhị Luật: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15).
21. HỎI: ‘Dựng ba lều’ có nghĩa gì?
THƯA: Lời của ông Phê-rô xin dựng ba lều tỏ cho thấy biến cố Hiển Dung có thể đã xảy ra nhân dịp lễ Lều hay ít ra trong hoàn cảnh Lễ Lều là dịp mà người Do thái tưởng niệm cuộc hành trình băng qua sa mạc trong cuộc Xuất hành, và Giao Ước kí kết với Thiên Chúa để cầu xin Thiên Chúa sớm gửi đấng Mê-si-a đến trần gian.
22. HỎI: ‘Đám mây sáng ngời rợp bóng trên họ’ có nghĩa gì?
THƯA: Hiện tượng ấy là câu trả lời của Thiên Chúa trước lời đề nghị của ông Phê-rô. Đám mây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Đám mây còn chứng thực cho các tông đồ rằng từ nay họ trở thành một cộng đoàn với Đức Giê-su và cả thiên quốc bao lâu họ còn lắng nghe lời Ngài.
23. HỎI: Tại sao các môn đệ ‘kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất’?
THƯA: Bởi vì con người luôn luôn cảm thấy một nỗi khiếp sợ khi phải đối diện với Thiên Chúa. Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không phải chết (Xh 19,21; 33,20)
24. HỎI: Tại sao Đức Giê-su cấm không cho các môn đệ thuật lại biến cố hiển dung?
THƯA: Vì Ngài muốn tránh mọi sự hiểu lầm về tính cách cứu thế của Ngài cũng như mọi sự xáo trộn trong dân chúng trước khi Ngài sống lại.
25. HỎI: “Trước khi Con người từ cõi chết sống lại”: ‘Con Người’ nhắc tới ai?
THƯA: Nhắc tới đấng Mê-si-a mà tiên tri Đa-ni-ên đã nhìn thấy dưới hình dạng một người đến trên mây trời (Đn 7,13-14). Người sẽ lãnh nhận uy quyền, vương quyền, vinh quang đến muôn đời. Và vương quyền Ngài sẽ khi bị tiêu diệt.
26. HỎI: Lời sấm tiên tri Đa-ni-ên về Con Người đã được thực hiện như thế nào?
THƯA: Nơi Đức Giê-su, vừa là Thiên Chúa vừa là người, toàn thể nhân loại lãnh nhận vương quyền vĩnh cửu và sẽ được biến hình mãi mãi. Đó là mầu nhiệm mà chỉ sau khi Đức Giê-su sống lại các Tông đồ mới có thể trở thành nhân chứng.
27. HỎI: Sống sứ điệp tin mừng như thế nào?
THƯA: 1. Đức Giê-su hiển dung để chuẩn bị các tông vào mầu nhiệm Vượt qua, chịu đựng sự thử thách khủng khiếp của cuộc khổ nạn, và nhất là giải thích sự Phục sinh cho đúng. 2. “Hãy vâng nghe Lời Ngài”. Ai đã từng chiêm ngắm vinh quang của Đức Ki-tô thì phải để tâm lắng nghe, vâng phục và thi hành Lời Ngài truyền dạy. Đó là con đường hoàng vương dẫn chúng ta đến vinh quang của Đức Ki-tô.
GLCG 554 697, 2600 444. Từ ngày Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giê-su “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người sẽ phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt l6, 2l). Phê-rô không chấp nhận điều đó (x.Mt.l6, 22-23), các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn (x.Mt l7, 23; Lc 9,45). Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu : Đức Giê-su hiển dung trên núi ( x.Mt l7,l-8.ss; 2 Pr.l,l6-l8), trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Dung mạo và y phục của Đức Giê-su trở nên chói sáng, ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra “nói với Người về cuộc ra đi Người sẽ phải hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,3l). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc