Bối Cảnh Xã Hội, Phương Pháp Và Tiến Trình Tổ Chức Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI

Bối Cảnh Xã Hội, Phương Pháp Và Tiến Trình Tổ Chức Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI

Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR.

     I. DẪN NHẬP

     Chúng ta đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới XVI, sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Rôma. Chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần này là HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ VỤ. Đây không phải là ngẫu hứng của Đức thánh cha, mà là một thôi thúc của Chúa Thánh Thần, đòi Hội Thánh phải trở về nguồn, để lắng nghe Chúa Thánh Thần qua việc lắng nghe nhau, hầu có thể hiệp thông và tham gia sứ vụ loan báo Tin mừng cách hiệu quả nhất cho thế giới hôm nay[1]. Theo Đức thánh cha Phanxicô thì đây là “một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội Thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba này”[2]. Hội Thánh hiệp hành còn là một kiểu mẫu, một cách thức hiện hữu[3], một cách sống và hoạt động đặc trưng[4] Hội Thánh cần để chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay[5]. Quả thế, “Synod”, một thuật ngữ đã có từ rất lâu trong kho từ vựng của truyền thống Hội Thánh. Ý nghĩa của thuật ngữ ấy cắm rễ sâu trong nội dung của mặc khải, cho thấy con đường dân Chúa cùng nhau bước đi. Khi đến trần gian, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), và các môn đệ của Ngài đã được gọi là “những người đi theo Con Đường đó”[6].

     Chính vì thế mà với tư cách là dân lữ hành và truyền giáo của Thiên Chúa, việc cùng tiến bước, đồng hành với nhau là cách biểu lộ và thực thi bản chất của Hội Thánh hiệu quả nhất[7]. Đây là Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, mười lăm thượng hội đồng trước đã qua đi, mà đại đa số dân Chúa, ngay cả phần lớn tu sĩ và một số linh mục đã không hề quan tâm, không hề biết đến những kết quả của các Thượng Hội đồng ấy. Lý do rất đơn giản là vì dân không biết, không bàn, không được hỏi ý kiến, hay vô cảm với đời sống đức tin và sứ mạng của mình. Lần này, Đức thánh cha đã đưa Hội Thánh trở về với bản chất của mình là hiệp hành. Vậy ngài đã dựa vào đâu để khẳng định hiệp hành là bản chất của Hội Thánh?[8] Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo biến động hiện nay, cả trong Hội Thánh, người ta không còn tin nhau, nghe nhau nữa, Hội Thánh phải sử dụng tiến trình và phương pháp nào để hiệp hành thành cách sống và hoạt động đặc trưng của Hội Thánh Công giáo? Đó là những nét chính yếu bài viết này muốn nhắm tới.

     Đức thánh cha Phanxicô đã dựa vào đâu để tuyên bố rằng hiệp hành là cách biểu lộ và thực hành bản chất của Hội Thánh hiệu quả nhất với tư cách là dân lữ hành và truyền giáo của Thiên Chúa?[9]

     II. NGUỒN GỐC VÀ NỀN TẢNG CỦA TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

     1. Định nghĩa

     Hiệp hành là việc dân Chúa cùng tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, cùng tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh trong sự hiệp thông do chính Chúa Giêsu thiết lập, là cách thể hiện hiệu quả nhất bản chất của Hội Thánh[10], là một dấu chỉ có tính ngôn sứ, là phương thế hiển nhiên nhất để thành “bí tích cứu độ phổ quát”[11], là “dấu chỉ và phương thế để hiệp nhất với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại”[12].

     Dựa vào tiếng nói sống động của dân Chúa, hiệp hành tìm cách đưa ra những quyết định mục vụ phản ánh thánh ý Thiên Chúa cách trung thành[13], nên mọi người, từ Đức thánh cha, các giám mục tới mọi tín hữu, đều có một cái gì đó để học, để lắng nghe Chúa Thánh Thần qua việc lắng nghe nhau.

     Cội rễ của sự hiệp hành bao gồm việc cùng nhau tìm xem Thiên Chúa muốn kêu gọi chúng ta trở thành gì với tư cách là Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba[14], là cơ hội cho các Hội Thánh hoán cải để việc loan báo Tin mừng sinh hoa kết quả. Hội Thánh không bao giờ được phép quy về mình, nhưng buộc phải làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại, buộc phải loan báo Tin mừng cách hiệu quả hơn, nhất là cho những người đang ở các vùng ngoại vi về tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa dư và hiện sinh[15]. Vì thế, tiến trình hiệp hành bao giờ có tính truyền giáo.

     2. Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục XVI

     Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục lần này không phải là soạn thêm tài liệu, mà tạo hứng khởi cho ta mơ về một Hội Thánh Thiên Chúa đang muốn có, khơi dậy niềm tin, gia tăng niềm hy vọng, băng bó thương tích, thiết lập các mối tương quan mới mẻ, sâu sắc hơn, học hỏi lẫn nhau, xây dựng các nhịp cầu, khai sáng trí khôn, sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi bàn tay để phục vụ sứ mạng chung[16], nên mục tiêu của tiến trình hiệp hành là hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng Thiên Chúa kêu gọi Hội Thánh thực hiện trong thiên niên kỷ này, lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Hội Thánh qua việc cùng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh và truyền thống và nghe nhau, nhất là những người ở bên lề và cùng nhau phân định các dấu chỉ của thời đại[17]. Việc lắng nghe nhau này không nhằm tiếp thu những trào lưu dân chủ dựa trên đa số, nhưng là một khao khát muốn được chia sẻ sứ vụ loan báo Tin mừng chứ không phải là những xung đột ích kỷ, nên hiệp hành là một tiến trình có tính Hội Thánh[18].

     Toàn bộ tiến trình hiệp hành nhằm thúc đẩy những trải nghiệm về sự phân định, tham gia và đồng trách nhiệm, quy tụ mọi ân sủng khác nhau để thi hành nhiệm vụ loan báo Tin mừng[19], để góp phần cho Hội Thánh và xã hội được chữa lành, và để có thể nhìn mọi sự như Chúa nhìn.

     Như thế, tự bản chất, Hội Thánh của Thiên Chúa là một dân tộc được quy tụ thành nhiệm thể Chúa Giêsu, cùng nhau tiến bước với Ngài dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để tìm ra thánh ý Thiên Chúa qua việc lắng nghe, đối thoại và phân định cộng đồng cho công cuộc loan báo Tin mừng sinh hoa kết quả. Tương lai của Hội Thánh tuỳ thuộc phần lớn vào tiến trình này[20], nhưng hiệp hành là ngẫu hứng của Đức giáo hoàng hay có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa?

     3. Nguồn gốc

     Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, để con người trở nên phản ảnh của Thiên Chúa nơi trần gian (x. St 1, 27). Thiên Chúa lại còn muốn quy tụ chúng ta, những dân tộc khác biệt nhưng có cùng một đức tin lại với nhau. Nên cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông trong Hội Thánh chính là tình yêu và sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi[21].

     Khi đến trần gian Chúa Giêsu đã liên kết ta lại với nhau trong Chúa Thánh Thần. Ngài là con đường để ta cùng nhau tiến bước (Ga 14, 6). Ngài rao giảng và chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến, không thiên vị ai (Cv 10, 34). Ngài đặc biệt để ý tới những người đang xa lìa Thiên Chúa và bị bỏ rơi, loại trừ. Ngài giải thoát họ khỏi sự dữ và làm cho họ hoán cải[22]. Ngài kiên trì mở ra những cuộc đối thoại với một đám người đông vô kể. Bất cứ ai mang thân phận con người đều được Ngài cho gặp gỡ Thiên Chúa và hưởng ơn cứu độ.

     Việc đáp trả của dân chúng đối với Chúa Giêsu rất đa dạng, nhưng nhờ đức tin, giá trị của họ luôn được nâng cao: lời cầu xin của họ được đoái nhìn, khó khăn được giải gỡ, lòng quảng đại được đề cao và “phẩm giá của họ được Thiên Chúa nhìn nhận và cộng đoàn hồi phục”[23].

     Ngoài ra, còn một nhóm người khác vẫn được gọi là môn đệ, theo Chúa cách triệt để. Trong số ấy nổi bật nhất là các tông đồ, những người được Chúa Giêsu kêu gọi ngay từ đầu và được trao nhiệm vụ làm trung gian uy tín giữa dân chúng với mặc khải và sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa. Họ có mặt vì đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Họ không được ban cho một chức quyền với lãnh địa riêng nhưng là một thừa tác vụ đem lại phúc lành và tình huynh đệ để quy tụ dân chúng. Nhờ Chúa Thánh Thần, họ sẽ bảo toàn địa vị của Chúa Giêsu, chứ không thay thế Ngài và làm cho việc gặp gỡ Ngài được dễ dàng hơn[24].

     Thượng Hội đồng Giám mục lần này kêu gọi toàn Hội Thánh không ngừng chiêm ngắm mầu nhiệm ấy: Chúa Giêsu, đám đông và các tông đồ, để ngày một trở nên chính mình hơn. Không ai được phép xoá bỏ một nhân vật nào trong các nhân vật ấy. Không có Chúa Giêsu mà thay vào đó là một ai khác, thì Hội Thánh sẽ trở thành một thứ hợp đồng giữa các tông đồ với đám đông và cuộc đối thoại của họ sẽ chỉ là những trò chơi chính trị. Không có các tông đồ, được Chúa Giêsu trao quyền và được thụ huấn với Chúa Thánh Thần, thì sẽ không còn một mối tương quan nào với chân lý Tin mừng, và người ta sẽ chỉ còn nhìn Chúa Giêsu như một huyền thoại hay một ý thức hệ bất kể họ có đón nhận Ngài hay không. Không có đám đông, thì tương quan giữa Chúa Giêsu với các tông đồ sẽ chỉ là một thứ giáo phái, chỉ biết loanh quanh với chính mình, việc loan báo Tin mừng sẽ đánh mất ánh sáng xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải chính mình cho nhân loại để cứu độ họ[25].

     Như thế, hiệp hành hay cùng nhau tiến bước, một thực hành thông thường của Hội Thánh có nguồn gốc Ba Ngôi và là con đường chính Thiên Chúa muốn có nơi Hội Thánh thiên niên kỷ thứ ba[26]. Nhưng việc cùng nhau tiến bước này dựa trên nền tảng nào?

     4. Nền tảng

     Vì được quy tụ “trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[27], nên sự hiệp thông của Hội Thánh trên toàn thế giới chính là sự đồng tâm nhất trí trong đức tin của tất cả những người đã được thánh tẩy, đến độ thánh Gioan Chrysostom đã phải nói rằng “Hội Thánh và synod là hai từ đồng nghĩa”[28].

     Công đồng Vatican II khẳng định: tuy có những phận vụ khác nhau, nhưng mọi người đã được thánh tẩy đều bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung trong việc xây dựng nhiệm thể Đức Kitô[29].

     Do luôn được chính Chúa Thánh Thần đưa dẫn tới “sự thật vẹn toàn” (Ga 16, 13), nên các Kitô hữu không thể sai lầm trong đức tin, đặc biệt là khi từ các giám mục đến những người bé mọn nhất đều đồng tâm nhất trí về những điều liên quan tới đức tin và phong hoá[30] và trong việc duy trì, thực hành và tuyên xưng đức tin đã được truyền lại[31]. Họ được kêu gọi nên có đủ tư cách để phục vụ nhau qua những ân sủng đã lãnh nhận nơi Chúa Thánh Thần, cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân định, đối thoại và góp ý để đưa ra những quyết định phù hợp với ý Thiên Chúa[32]. Chính vì thế mà cả khi Hội Thánh nặng tính phẩm trật nhất, lúc cần phải xác định các chân lý đức tin, các Đức giáo hoàng vẫn nại đến các giám mục để biết đức tin của toàn Hội Thánh dựa vào cảm thức đức tin vốn không sai lầm của các tín hữu[33].

     Như thế, từ khi xuất hiện trên trần gian tới nay, Hội Thánh là một cộng đoàn hiệp hành, cùng tiến bước, cùng suy nghĩ, cầu nguyện để có những quyết định phù hợp với ý Thiên Chúa, đem lại kết quả cho việc loan báo Tin mừng, nhưng Hội Thánh sẽ thực thi tính hiệp hành ấy ra sao trong bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo đầy biến động này?

     III. BỐI CẢNH

     Sau khi khẳng định tiến trình hiệp hành diễn ra trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động lớn trong xã hội[34], Tài liệu Chuẩn bị đã nêu rõ thực trạng xã hội hôm nay: đại dịch toàn cầu, các xung đột địa phương và quốc tế, tác động của việc biến đổi khí hậu, tình trạng di dân, các hình thức bất công, phân biệt chủng tộc, bạo lực, bách hại, bất bình đẳng…[35] 1, nhân loại như đang chao đảo do tiến trình đại chúng hóa và phân mảnh và những thương tích chằng chịt trên da thịt của nhân loại[36]. Về mặt tôn giáo thì có tình trạng tục hóa, thiếu đức tin và suy đồi của Hội Thánh. Tình trạng giáo sĩ trị và những lạm dụng tai tiếng gây nên những vết thương khó chữa lành. Hội Thánh thiếu lắng nghe những tiếng ai oán của những người cùng khổ. Bên cạnh đó cũng có những khía cạnh tích cực khơi lên niềm hy vọng cho tiến trình hiệp hành. Ta có thể chia bối cảnh ấy thành những điểm tích cực và tiêu cực về mặt văn hóa, xã hội chính trị và tôn giáo như sau:

     1. Những điểm tích cực

     Thảm kịch Covid, tuy đang tàn phá cuộc sống con người và mọi khía cạnh của xã hội loài người, nhưng cũng cho thấy đang có một ý thức ngày một tăng rằng thế giới của chúng ta là cộng đồng chung, đang chèo chống một con thuyền chung. Điều gây thương tích cho người này thì cũng gây thương tích cho người khác, và hễ đã được cứu thì sẽ cùng được cứu với nhau[37].

     Về tôn giáo hiện đã xuất hiện cách thức mới của việc diễn tả đức tin và những cuộc hành trình mới đang nở rộ, không chỉ có thể giải thích các biến cố theo quan điểm thần học mà còn giúp khám phá ra, trong những biến cố ấy, lý do để tái thiết con đường sự sống của các Kitô hữu và của Hội Thánh. Nhiều nơi đã có sáng kiến trong việc thỉnh ý dân Thiên Chúa. Ở đâu dấu ấn hiệp hành mạnh, ở đó cảm thức về Hội Thánh sẽ triển nở, và mọi người sẽ nhiệt thành hơn trong việc tham gia vào đời sống Hội Thánh. Hội Thánh cũng đang nhìn nhận giới trẻ là thành tố chính trong Hội Thánh và đang có việc đánh giá đúng về vai trò của phụ nữ trong việc tham gia sứ vụ của Hội Thánh[38].

     Đó là những điểm le lói giữa bầu trời mịt mù tăm tối của mọi thứ tiêu cực cả trong lãnh vực xã hội lẫn tôn giáo. Những điểm ấy đã được Đức thánh cha Phanxicô nói rất nhiều trong những văn kiện mới đây, cách riêng trong Thông điệp Fratelli Tutti.

     2. Những điểm tiêu cực

     Về mặt xã hội

     Thời đại kỹ thuật số của ta hôm nay đang làm cho mọi sự xích lại gần nhau nhưng lại làm cho con người xa cách nhau hơn khi nào hết: cuộc sống con người đang bị soi mói, lột trần và bôi bác tuỳ tiện, bị nhòm ngó cách bỉ ổi[39]. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang phá vỡ các mối tương quan đích thật: qua việc bài ngoại và khinh miệt những người yếu đuối[40], khích lệ sự thù ghét, khinh khi, lạm dụng, phỉ báng và bạo động bằng lời nói có tính hủy diệt tha nhân nên cũng hủy diệt sự hợp nhất nhân loại[41]. Ta đang đánh mất hương vị của sự thật[42], đang nhồi nhét cho mình những gì thuộc thế giới ảo với sự an toàn giả tạo[43].

     Để tìm kiếm sự an toàn, ta phớt lờ người khác, dửng dưng với cảnh ngộ của họ, khinh miệt người nghèo và văn hóa của họ. Ta đang xây các bức tường trong lòng và trên đất, để bảo vệ thế giới của riêng ta, phủ nhận phẩm giá bất khả nhượng của người khác, và để khỏi phải gặp gỡ người khác và nền văn hóa khác[44], ta bị tù túng, thành nô lệ trong chính các bức tường ta đã xây lên, không có chân trời, vì thiếu sự trao đổi với tha nhân[45]. Ta đang cô đơn hơn trong một thế giới đề cao quyền lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích cộng đoàn của cuộc sống[46].

     Trong các gia đình, người cao niên đang phải cô đơn, buồn chán[47]. Các nền đạo đức, sự tốt lành, đức tin và lòng chân thành đang bị xã hội bôi bác, giễu cợt, nên xã hội đang mất nền tảng. Không đề cao sự thiện, không truyền lại các giá trị thì những thứ người ta truyền lại sẽ chỉ là ích kỷ, bạo lực, tham nhũng dưới mọi hình thức, hờ hững và cuối cùng là một cuộc sống khép lại với sự siêu việt và cố thủ trong các quyền lợi của cá nhân[48].

     Thịnh vượng gia tăng thật, nhưng cùng với sự thịnh vượng ấy là bất bình đẳng, vì nạn thất nghiệp, với những hình thức nghèo khổ nạn thất nghiệp trực tiếp gây ra, vẫn tiếp tục gia tăng[49]. Bất công vẫn tồn tại khi một phần của nhân loại đang hưởng sự giàu sang, thì một phần khác lại thấy mình bị khước từ, khinh miệt hay chà đạp. Quyền căn bản của họ bị vứt bỏ và xâm phạm[50]. Phụ nữ thường phải chịu những cảnh loại trừ, đối xử tàn tệ và bạo động hơn, vì họ có ít khả năng bảo vệ các quyền của mình[51].

     Hiện đang có việc đề cao vũ trang và đạn dược, “những cuộc khủng hoảng chính trị lớn, những hoàn cảnh bất công và việc phân phối các tài nguyên thiên nhiên thiếu bình đẳng. Đối diện với các cuộc khủng hoảng gây nên cái chết của hàng triệu trẻ em – ốm o gầy còm vì nghèo đói – hiện là một sự im lặng không thể chấp nhận được trên bình diện quốc tế”[52].

     Một trong những nhức nhối nhất hiện nay của Hội Thánh và của các chính quyền dân sự là nạn di dân. Họ buộc phải bỏ quê hương vì chiến tranh, bắt bớ và thiên tai, hoặc muốn tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn[53]. Họ thường bị những kẻ buôn người vô lương tâm, các tổ chức độc quyền về ma tuý và vũ khí, khai thác[54] và thường bị mất gốc về văn hóa và tôn giáo[55]. Họ không được coi là những người có quyền tham gia đời sống xã hội, và có một phẩm giá như những người khác[56].

     Về mặt tôn giáo

     Có tình trạng tục hoá[57]. Tục hóa là sự biến đổi một xã hội nào đó, từ chỗ gắn bó chặt chẽ với các giá trị và tổ chức tôn giáo đến chỗ hướng về những giá trị không tôn giáo và các tổ chức trần tục[58]. Những người theo tục hóa cho rằng tự mình con người có thể quyết định mọi sự liên quan tới con người và xã hội loài người mà không cần Thiên Chúa hay bất cứ thế lực siêu nhiên nào. Những người theo tục hóa tin rằng khi xã hội “phát triển”[59], thì tôn giáo sẽ mất uy thế và mất sự thống trị trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Đây là chủ trương của các lý thuyết gia xã hội như Karl Marx, Sigmund Freud, Max Weber và Emile Durkheim[60]. Tư duy tục hóa đang tác động sâu rộng trên con người, cả các Kitô hữu. Hôm nay khi hỏi những người ngoài 70 tuổi, ông/bà có khoẻ không, bao giờ họ cũng đáp: tạ ơn Chúa, cám ơn anh, tôi khoẻ. Ông được mấy người con. Chúa ban cho mười đứa. Còn khi ta hỏi những người dưới 70, họ cũng trả lời mà không còn có chữ “Chúa” trên môi nữa. Có lẽ chính vì thế mà có sự thiếu đức tin và suy đồi trong Hội Thánh[61].

     Có những đớn đau, tủi nhục trẻ em vị thành niên và những người dễ bị tổn thương phải chịu do những lạm dụng của nhiều giáo sĩ và những người thánh hiến[62]. Có nhiều hình thức lạm dụng: lạm dụng quyền lực, lương tâm, tình dục, và tiền bạc. Việc khao khát thống trị, việc thiếu đối thoại và thiếu minh bạch khi xử lý các vụ việc, những lối sống hai mặt, sự trống rỗng tâm linh, yếu kém về mặt tâm lý là những mảnh đất lý tưởng cho sự ác hoành hành[63].

     Tinh thần giáo sĩ trị là một cám dỗ không ngừng nơi những người coi thừa tác vụ của mình như một thứ quyền lực cần thể hiện chứ không phải là một việc phục vụ tự do và quảng đại họ đang cống hiến. Tinh thần ấy làm cho người ta nghĩ rằng họ thuộc về một nhóm có trong tay mọi giải đáp nên không cần phải nghe hay học hỏi gì thêm nữa[64]. Hậu quả là những người được hiến thánh không còn kính trọng phẩm giá thánh thiêng và bất khả nhượng của con người và tự do của họ nữa[65].

     Có tình trạng các Kitô hữu thuộc Hội Thánh Công giáo và các Hội Thánh khác đang phải chịu bách hại cách tàn bạo, có khi phải chết vì đạo[66].

     Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đã khiến người ta không tôn trọng tự do của những người khác, nuôi dưỡng những hình thức bạo lực, bất khoan dung, xúi giục chia rẽ và chống đối vì lý do sắc tộc và những hình thức phân tầng xã hội khác hay bạo lực văn hóa và cơ chế[67] hoặc do những hình thức nghiêm ngặt của tôn giáo, những bó buộc luân lý gắt gao và những hình thức quyến rũ của một thứ khôn ngoan chính trị thế gian[68].

     Tất cả những thứ ấy cùng với việc Hội Thánh không biết lắng nghe cho đủ tiếng than khóc của những người đau khổ đang là một trở ngại lớn đối với tiến trình hiệp hành[69]. Hội Thánh phải sử dụng tiến trình và phương pháp nào để thực hiện hiệp hành tính cách hiệu quả nhất?

     IV. TIẾN TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP HIỆP HÀNH

     1. Những điểm quan trọng và các giai đoạn của tiến trình hiệp hành

     1.1 Những điểm quan trọng

     Chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần này là Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Ba chiều kích có tương quan mật thiết với nhau này là những trụ cột quan trọng của một Hội Thánh hiệp hành.

     Hiệp thông: vì Thiên Chúa quy tụ chúng ta, những con người khác biệt, có cùng một đức tin, lại với nhau trong Chúa Thánh Thần để lắng nghe Lời Chúa qua truyền thống sống động của Hội Thánh, nên mỗi người đều có vai trò của mình trong việc phân định và thực hiện lời Thiên Chúa kêu gọi dân Ngài.

     Tham gia: mọi Kitô hữu đều được ban ơn để phục vụ nhau, nên mọi người đều được kêu gọi cùng cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại và góp ý cho việc đưa ra những quyết định mục vụ phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa[70].

     Sứ vụ: Hội Thánh được thiết lập để loan báo Tin mừng, nên Hội Thánh chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ chính Chúa phục sinh ủy thác, khi rao giảng Tin mừng nhất là cho những người đang ở các vùng ngoại biên về tâm linh, xã hội, kinh tế chính trị, địa dư và hiện sinh[71].

     Như thế, Hội Thánh được Thiên Chúa quy tụ để cùng lắng nghe, cầu nguyện, nên mỗi người đều có vai trò của mình trong việc phân tích, đối thoại và góp ý để đưa ra những quyết định phù hợp với ý Thiên Chúa và để chu toàn cách hiệu quả nhất sứ mạng loan báo Tin mừng cho toàn nhân loại. Việc lắng nghe này được chia thành các giai đoạn khác nhau.

     1.2 Các giai đoạn của Thượng Hội đồng

     Tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục lần này gồm 5 giai đoạn: ở cấp độ địa phương, ở cấp giáo phận, cấp châu lục, Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục và cuối cùng giai đoạn thực hiện. Điểm chủ yếu của Thượng Hội đồng Giám mục lần này hay của tiến trình hiệp hành là thỉnh ý toàn dân Thiên Chúa nhất là những người không có tiếng nói, thỉnh ý các Kitô hữu thuộc các Hội Thánh khác và cả các tín đồ của các tôn giáo khác để thấy được Thiên Chúa đang muốn Hội Thánh là gì hay trở thành gì trong thiên niên kỷ thứ ba này, nên mỗi cấp độ đều có những tiến trình cụ thể và những đặc điểm riêng[72]. Việc thu thập ý kiến của toàn Hội Thánh sẽ được thực hiện như sau:

     2. Tiến trình thu thập ý kiến

     Văn phòng Tổng thư ký công bố Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang để các giáo hội địa phương thực hiện giai đoạn của Thượng Hội đồng Giám mục cấp giáo phận. Mỗi giáo phận sẽ viết một bản đúc kết về những thành quả thu lượm được. Dựa vào các bản đúc kết của các giáo phận, mỗi Hội đồng giám mục và Công nghị Đông phương sẽ soạn thành một bản tổng hợp.

     Các Bộ tại giáo triều Rôma, các bề trên tổng quyền và liên hiệp các bề trên tổng quyền trên toàn thế giới, các hiệp hội và liên dòng khác, các phong trào giáo dân quốc tế, các trường đại học và các khoa thần học của Hội Thánh cũng đưa ra bản tổng hợp riêng của mình, dựa vào các kết quả thu lượm được trong quá trình thỉnh ý.

     Các Bộ thuộc giáo triều Rôma đóng góp ý kiến theo lãnh vực chuyên môn của mình.

     Dựa trên các bản đúc kết nhận được từ các đơn vị trên, Văn phòng Tổng thư ký sẽ soạn thảo Tài liệu làm việc đầu tiên. Tài liệu này sẽ được đưa ra bàn thảo tại các cuộc họp cấp châu lục. Dựa trên kết quả của cuộc thảo luận cấp châu lục ấy, Văn phòng Tổng thư ký sẽ phát hành Tài liệu làm việc thứ hai, để sử dụng cho Thượng Hội đồng Giám mục sẽ họp vào tháng 10/2023.

     3. Giai đoạn ở cấp độ địa phương

     Giai đoạn này sẽ khai mạc vào ngày 17.10.2021.

     Mục đích của giai đoạn đầu tiên này nhằm đẩy mạnh tiến trình thỉnh ý dân Thiên Chúa trên diện rộng hầu có thể thu thập kinh nghiệm sống, tinh thần hiệp hành từ các mục tử và các tín hữu thuộc mọi cấp độ của Hội Thánh qua các phương tiện thích hợp nhất của mỗi địa phương[73]. Phần lớn giai đoạn lắng nghe này sẽ xuất phát từ các buổi thảo luận trong các giáo xứ, các phong trào giáo dân, các trường học và đại học, các dòng tu, các cộng đoàn Kitô hữu lân cận, các phong trào xã hội, đại kết và liên tôn và các nhóm hoạt động khác. Mục đích là để hòa nhập tiến trình này vào trong đời sống giáo hội địa phương, hầu có được sự hiệp thông sâu sắc, tham gia đầy đủ và loan báo Tin mừng hiệu quả hơn[74]. Để đạt được mục đích ấy, cần để ý tới các nguyên tắc hiệp hành, vai trò của linh hoạt viên, của điều phối viên, của các giám mục và mọi thành phần dân Thiên Chúa.

     3.1 Nguyên tắc hiệp hành

     Mục đích của Hội Thánh hiệp hành là cố gắng nhận ra tiếng nói của Thần khí qua dân chúng, nên cần quan tâm tới các nguyên tắc sau:

     Lắng nghe:

     Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu đến với mọi người, không loại trừ ai khỏi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nên mục tiêu của giai đoạn thỉnh ý cấp giáo phận là lắng nghe mọi người đã được thánh tẩy, nhất là phụ nữ, những người khuyết tật, tị nạn, di cư, cao tuổi, nghèo khổ, những người ít hay không tham gia đời sống Hội Thánh, cũng cần đưa cả thiếu nhi và giới trẻ vào trong tiến tiến trình này. Các Kitô hữu cần lắng nghe tiếng nói của người khác trong hoàn cảnh của họ, kể cả những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác và thậm chí không có tôn giáo, không loại trừ ai, hay ý kiến hoặc kinh nghiệm của bất cứ ai miễn là những người ấy muốn xây dựng Hội Thánh. Vì vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người cũng là ưu sầu và vui mừng của người môn đệ Chúa Giêsu[75].

     Phân định:

     Phân định là sử dụng khối óc, con tim nhằm đưa ra những quyết định cụ thể trong việc tìm kiếm và nhận ra ý Thiên Chúa. Mục đích của việc lắng nghe là phân định, nên những người tham gia phải học và phải biết cách sử dụng thuật phân định cá nhân cũng như cộng đoàn. Ta lắng nghe nhau, nghe truyền thống đức tin của ta và các dấu chỉ thời đại để khám phá ra điều Thiên Chúa đang muốn nói với ta. Nghe Thiên Chúa, để cùng Ngài, ta nghe được tiếng kêu của dân Chúa, nghe dân Chúa cho đến khi hòa hợp được với điều Thiên Chúa muốn ta đón nhận[76]. Đây là một lối sống được xây dựng trên Đức Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc cầu nguyện, suy tư, những tâm tình bên trong, lắng nghe và nói với nhau cách chân thành, ý nghĩa và cởi mở để tôn vinh Thiên Chúa.

     Tham gia:

     Nếu lắng nghe là phương pháp, phân định là mục đích thì tham gia là con đường. Tham gia đòi ta phải ra khỏi mình để có tương quan với tha nhân và với những người có quan điểm khác ta. Thiên Chúa thường nói với ta qua những người dễ bị ta loại trừ, gạt sang một bên hay coi là không đáng kể[77].

     Tóm lại, vì phân định để nghe và tìm ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nên cần tiếp cận càng nhiều người và thu hút được càng nhiều thành phần tham gia càng tốt, đón nhận và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, tìm mọi cách để những người cảm thấy bị loại trừ hoặc ở bên lề tham gia tiến trình, đề cao tính liên đới dựa trên tình thần đồng trách nhiệm, tôn trọng các quyền, phẩm giá và ý kiến của mọi người, thu thập mọi quan điểm khác nhau cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ, bảo đảm rằng mọi người đều bình đẳng trong việc lắng nghe và đưa ra ý kiến[78].

     3.2 Lập ban linh hoạt viên

     Các giám mục sẽ chỉ định một người hay một ban linh hoạt viên để hướng dẫn việc lắng nghe tại địa phương. Ban này có nhiệm vụ liên lạc giữa giáo phận với các giáo xứ, giữa giáo phận với Hội đồng Giám mục, và cung cấp các phản hồi để Hội đồng Giám mục đúc kết các ý kiến trước tháng 4/2022[79].

     Bất kể trong hoàn cảnh nào đi nữa, có internet hay không, có tập trung được hay không… thì linh hoạt viên cũng sẽ tìm cách tiếp cận để vận động được càng nhiều người càng tốt tham gia vào tiến trình. Nhờ việc tham gia tối đa ấy, Hội Thánh mới nắm được thực tại và kinh nghiệm sống của dân Thiên Chúa. Việc tham gia của dân là nền tảng và hương vị đầu tiên của kinh nghiệm hiệp hành, nên mọi hình thức lắng nghe cấp địa phương đều phải theo nguyên lý hiệp thông, tham gia và sứ vụ[80].

     3.3 Việc thỉnh ý dân Thiên Chúa tại địa phương

     Việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa được diễn ra trong giáo hội địa phương. Trong mỗi giáo hội riêng, các giám mục thỉnh ý Dân Thiên Chúa nhờ các tổ chức và hội đoàn do luật định nhưng vẫn không loại trừ những hình thức phù hợp theo nhận định của các ngài.

     Các cuộc thỉnh ý do giám mục điều phối sẽ được triển khai tới các linh mục, phó tế và giáo dân với tư cách cá nhân hay trong các hiệp hội, đặc biệt là những đóng góp quý giá của những người sống đời thánh hiến[81]. Các ngài sẽ liệu sao để những người nghèo và bị loại trừ được nói lên tiếng nói của mình.

     Các ngài sẽ mời gọi và thúc đẩy sự đóng góp của các tổ chức và hội đoàn nhất là các hội đồng linh mục và mục vụ giáo xứ. Ý kiến của những Giáo hội khác hay của những người muốn trực tiếp gửi về với tư cách cá nhân đều có giá trị như nhau.

     Các bề trên thượng cấp của các khối liên hiệp, các liên dòng, các hội nghị tu hội thánh hiến và tu đoàn nam nữ, có thể đưa ra những góp ý sau khi đã thu thập ý kiến của ban cố vấn và các thành viên của đơn vị mình.

     Cũng thế những người đứng đầu các hiệp hội thu thập ý kiến của các thành viên và gửi bản đúc kết cho giáo hội địa phương hay cho Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.

     Những đóng góp của các tổ chức và cá nhân vừa nêu tuy được khuyến khích gửi cho giáo hội địa phương, nhưng vẫn có thể gửi trực tiếp cho Văn phòng Tổng thư ký[82].

     Văn phòng có thể đưa ra những hình thức khác trong việc thỉnh ý dân Thiên Chúa.

     Trong giai đoạn này, nếu có thể, mọi thành phần dân Chúa sẽ quy tụ lại, cùng nhau trả lời những gợi ý từ các câu hỏi/hình ảnh/tình huống, nghe nhau, đưa ra những phản hồi, ý kiến và đề nghị của cá nhân và tập thể. Nếu không họp nhau trực tiếp được thì có thể họp trực tuyến.

     3.4 Vai trò của giám mục trong tiến trình hiệp hành[83]

     Với tư cách là mục tử, các giám mục, dưới quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô, có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hiệp hành. Các ngài có nhiệm vụ bảo vệ, giải thích và làm chứng cho đức tin của Hội Thánh. Vì các giáo hội địa phương là nền tảng của Hội Thánh Công giáo duy nhất, nên không có sự tham gia của các Hội Thánh địa phương và vị đứng đầu của Hội Thánh ấy sẽ không thể thực hiện tiến trình hiệp hành. Sự đa dạng, bối cảnh và văn hóa của các Hội Thánh địa phương luôn mang lại những ân huệ khác nhau cho toàn thể Giáo hội và làm cho Nhiệm thể Đức Kitô thêm phong phú. Đó là chìa khóa để hiểu tiến trình hiệp hành của Hội Thánh.

     Các giám mục đóng vai trò chủ yếu và tích cực trong giai đoạn của giáo phận: lắng nghe Dân Chúa thuộc giáo phận mình, phân định những tiến trình lắng nghe ấy cách hiệu quả nhất, chỉ định ban linh hoạt của giáo phận, thúc đẩy cuộc đối thoại cởi mở trong sự đa dạng của Dân Chúa, đề nghị việc phản hồi và tham gia của dân Chúa ở bất cứ nơi đâu có cơ hội, liên lạc với các đoàn thể, các tổ chức và cơ chế riêng của giáo phận, khuyến khích họ tham gia tiến trình và yêu cầu sự giúp đỡ thích đáng của họ, khích lệ các linh hoạt viên liên lạc trực tiếp với các điều phối viên của các giáo xứ và đoàn thể khác trong giáo phận để chuẩn bị tốt cho tiến trình thỉnh ý, bảo đảm các nguồn lực thích hợp, khuyến khích các cá nhân và các nhóm nhập cuộc, thu hút sự tham gia đầy đủ của dân Chúa và tiếp cận được mọi thành phần dân Chúa, chủ toạ cuộc cử hành phụng vụ khai mạc và bế mạc tiến trình thỉnh ý.

     3.5 Vai trò của các linh mục và phó tế trong tiến trình hiệp hành[84]

     Nhờ đắm mình trong cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng Thánh thể và soi dẫn nhờ ánh sáng Lời Chúa, hàng giáo sĩ sẽ bảo toàn địa vị của Chúa Giêsu, mà không thay thế Ngài, sẽ cho thấy kinh nghiệm hiệp hành là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, sẽ thúc đẩy kinh nghiệm hiệp hành đích thật: giúp nối kết giám mục và giáo dân họ phục vụ, truyền đạt ý của giám mục cho dân và ý của dân cho các giám mục, xây dựng Nhiệm thể Đức Kitô, giúp tín hữu đồng hành với nhau, cùng tiến bước giữa lòng Hội Thánh, loan báo sự đổi mới, chú ý đến nhu cầu triển nở của đàn chiên và chỉ cho thấy cách Chúa Thánh Thần đang mở ra những con đường mới.

     Linh mục và phó tế có thể giúp giáo xứ, các thừa tác viên và các phong trào nâng cao nhận thức về bản chất và ý nghĩa của hiệp hành, tìm ra các cách thức mới mẻ và sáng tạo trong việc nuôi dưỡng kinh nghiệm hiệp hành đích thật giữa các tín hữu, liên kết sáng kiến của giám mục và linh hoạt viên.

     3.6 Phương pháp hay cách thực hiện việc thỉnh ý dân Thiên Chúa[85]

     Giai đoạn này là nền tảng cho các giai đoạn sau nhằm đem lại cho càng nhiều người càng tốt một kinh nghiệm hiệp hành, nên nếu chỉ bắt đầu cho có, sẽ không thể đạt được các kết quả mong muốn. Vì thế, trong giai đoạn này nên tìm ra cách vận động hiệu quả nhất để có được sự tham gia đông đảo nhất, mỗi người cần đến với những người đã xa lìa Hội Thánh, ít hay không thực hành đức tin, những người nghèo khổ hay bị gạt ra bên lề xã hội, những người tỵ nạn, bị loại trừ không có tiếng nói.

     Giám mục có thể viết thư hay thực hiện một video clip mời gọi, khuyến khích mọi người tham gia.

     Trong tiến trình thỉnh ý, vai trò cốt yếu của giám mục là tham dự và lắng nghe tiếng nói của các tín hữu, triệu tập các cuộc họp của các cộng đoàn nhỏ, mời các đại biểu thuộc các thành phần tiêu biểu của giáo phận, xem xét các phản hồi có được từ việc thỉnh ý, phân định đâu là điều Chúa Thánh Thần nói qua dân, gặp gỡ linh hoạt viên đều đặn để xem xét tiến độ và các thách thức của việc thỉnh ý, triệu tập Hội nghị Tiền – Thượng Hội đồng tại giáo phận, đỉnh cao và kết thúc giai đoạn cấp giáo phận và gặp các linh hoạt viên để tổ chức giai đoạn kết thúc này, duyệt lại bản đúc kết xem có trung thực với tất cả những gì được chia sẻ trong giai đoạn cấp giáo phận, trình bày các quan điểm và cách nhìn đa chiều của dân Chúa, chấp nhận những phản ứng đang phát sinh trong giáo phận trong khi vẫn sẵn sàng mở ra cho Chúa Thánh Thần. Là mục tử, giám mục được mời gọi đi trước, ở giữa và theo sau dân để họ khỏi lạc đường.

     3.7 Một vài gợi ý[86]

     Trọng tâm chính của hiệp hành là lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau, nhờ Lời Chúa soi dẫn, nên cần tổ chức các buổi họp tạo tình thân: mọi người có thể làm quen, kết thân, tin tưởng và cảm thấy có thể nói chuyện cách tự do thoải mái, sao cho những buổi họp thành những buổi cảm nghiệm về sự đồng hành với nhau, một kinh nghiệm mang tính hiệp hành thật. Việc chia sẻ lắng nghe cần nghiêm túc nhưng cũng cần có sự thoải mái. Các cuộc hành hương, sinh hoạt nhóm, biểu diễn nghệ thuật và cả những giờ giải lao cũng rất quan trọng cho việc nuôi dưỡng ý thức về cuộc sống sẻ chia.

     Có thể liên kết các giáo xứ và các hệ thống thừa tác vụ mục vụ, các dòng tu, các phong trào giáo dân và các nhóm đại kết lại với nhau.

     Mỗi địa phương sẽ tìm ra những câu hỏi trong phần 5, thích đáng nhất với bối cảnh của mình và cũng có thể đưa ra những câu hỏi khác, nhất là những câu hỏi khơi lên chuyện cá nhân và những trải nghiệm thực tế hơn là những phát biểu có tính giáo điều.

     3.8 Bản tổng hợp

     Trong bản tổng hợp cần làm bật lên những điểm tạo đồng thuận, những quan điểm độc đáo hay mở ra những chân trời mới, làm bật lên tiếng nói của những người không được lắng nghe và kết hợp các ý kiến trái chiều của thiểu số, những trải nghiệm tích cực và cả những thách thức tiêu cực, nên nói một cái gì đó về kinh nghiệm các cuộc họp địa phương, thái độ của người tham dự, niềm vui và những thách thức khi cùng nhau phân định.

     4. Vai trò của Hội đồng Giám mục và các công nghị giáo hội địa phương

     Khi bước vào Hội nghị – Tiền Thượng Hội đồng Giám mục tại giáo phận, vì đã có bản đúc kết của các giáo phận, các Hội đồng giám mục sẽ thu thập thông tin và các phản hồi để soạn ra một bản tổng hợp phản ánh đúng các đóng góp của những người tham gia cấp địa phương, sẽ phân định và thu thập những thông tin bao quát hơn từ Hội nghị Tiền – Thượng Hội đồng của mình. Các tổng hợp này sẽ là nền tảng cho Tài liệu làm việc đầu tiên do Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục xuất bản[87]. Tài liệu này cũng sẽ là tài liệu làm việc cho bảy cuộc họp châu lục: Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Á, Trung Đông, Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và Bắc Mỹ. Bảy cuộc họp này sẽ lần lượt đưa ra Tài liệu làm việc thứ hai dùng cho Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10/2023[88].

     Các giám mục và quan sát viên sẽ họp với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma vào tháng 10/2023, mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục là để phân định ở mức độ hoàn vũ tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng đã và vẫn lên tiếng trong toàn Hội Thánh.[89]

     Vì Thượng Hội đồng Giám mục lần này muốn thúc đẩy một phong cách mới trong việc sống tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ vụ của Giáo hội, nên giai đoạn thực hiện sẽ có tính quyết định đối với tiến trình hiệp hành.

     Để kinh nghiệm của tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục mang lại một mùa xuân mới cho việc lắng nghe, phân định, đối thoại và ra quyết định cho toàn dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, được cùng sánh bước bên nhau và với toàn gia đình nhân loại[90], cần phải tránh những cám dỗ đang cản trở tiến trình và cần có những thái độ cần thiết để tiến trình có được kết quả tốt nhất.

     5. Những cám dỗ cần tránh[91]

     Để tiến trình hiệp hành đạt kết quả, cần tránh:

     – Muốn tự quyết thay vì để Thiên Chúa hướng dẫn: cần ý thức ta chỉ là những lữ khách, là đất sét trong tay thợ gốm (Is 64, 8) để dễ dàng mở ra cho sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

     – Tập trung vào mình và những quan tâm tức thời của mình, trong mọi hoàn cảnh phải luôn tự hỏi: kế hoạch của Thiên Chúa cho Giáo hội ở đây và lúc này là gì?

     – Chỉ nhìn thấy các vấn đề: tuy Hội Thánh và thế giới đang phải đương đầu với những khó khăn, thách đố, nhưng quá tập trung vào những vấn đề ấy, ta sẽ kiệt sức, mất can đảm, nhìn mãi vào bóng tối ta sẽ mất ánh sáng, đó là chưa kể ta sẽ bị biến thành bóng tối.

     – Chú trọng tới cơ chế: tiến trình hiệp hành là đổi mới các cơ chế của Hội Thánh để việc loan báo Tin mừng sinh hoa trái dồi dào hơn, nên không nên chỉ tập trung vào cơ chế mà cần để ý tới kinh nghiệm cùng nhau tiến bước hầu thấy được con đường tương lai Chúa Thánh Thần đang khơi gợi.

     – Không nhìn quá các ranh giới hữu hình của Giáo hội: tiến trình hiệp hành này đòi ta phải thấy một bức tranh rộng lớn hơn về sứ vụ loan báo Tin mừng của Hội Thánh trong thế giới này, nên đòi ta phải cùng tiến bước với các Kitô hữu thuộc các Hội Thánh khác và tìm hiểu cặn kẽ truyền thống của các tôn giáo khác.

     – Lơ là với các mục tiêu của tiến trình hiệp hành: ta cần khắc ghi mục đích của tiến trình này là phân định cách thức Thiên Chúa kêu gọi ta cùng nhau tiến bước.

     – Xung đột và chia rẽ: do muốn áp đặt ý của một người lên cộng đoàn hay làm mất thể diện của những người bị coi là khác biệt.

     – Coi Thượng Hội đồng Giám mục như một thứ nghị trường, hiệp hành không phải là cuộc tranh luận chính trị, bên này phải triệt hạ bên kia để giành quyền quyết định. Chống đối nhau, cổ vũ xung đột, gây chia rẽ, đe doạ sự hợp nhất và hiệp thông là điều hoàn toàn trái ngược với tinh thần hiệp hành.

     – Chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo hội: làm thế việc điều hành sẽ thuận lợi nhưng sẽ đánh mất bản chất của hiệp hành, bỏ mất đại đa số dân Thiên Chúa.

     Để tham gia tiến trình này cách kết quả, ta không những bị buộc phải loại bỏ những cám dỗ trên mà còn phải có những thái độ và tâm tình thích hợp nữa.

     6. Thái độ tham gia của tiến trình hiệp hành

     – Dành thời gian cho việc chia sẻ: nói thật, nói thẳng, sao cho có sự hòa hợp giữa tự do, sự thật và bác ái.

     – Khiêm tốn lắng nghe và can đảm nói thật: mọi người đều có quyền nghe và cũng có quyền nói, chào đón những gì người khác nói như cách để Chúa Thánh Thần có thể lên tiếng vì lợi ích của mọi người (x. 1 Cr 12, 7).

     – Sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì đã nghe.

     – Cần xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trên trần gian và ta cũng đang được mời gọi lắng nghe điều Thần khí nói với ta.

     – Ta là dấu chỉ của Hội Thánh lắng nghe và lữ hành.

     – Loại bỏ thành kiến và các khuôn mẫu: dẹp bỏ khỏi tâm trí ta những thành kiến và khuôn mẫu đưa tới lầm lạc, u mê và chia rẽ.

     – Vượt khỏi tai hoạ giáo sĩ trị: mỗi người đều độc nhất vô nhị trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nên không ai hơn ai.

     – Chữa trị virus tự mãn: chỉ khi dẹp bỏ tính tự mãn, ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ nhau.

     – Vượt quá ý thức hệ: ý tưởng không quan trọng bằng người đang sống đức tin của họ.

     – Nâng cao niềm hy vọng: thực hiện những gì đúng đắn, chân thật để trung thành với Thiên Chúa và phục vụ dân Ngài.

     7. Tâm tình hữu ích cho người tham dự

     Người tham gia tiến trình cần có:

     – Quan điểm mới: để phát triển những cách tiếp cận mới đầy sáng kiến và táo bạo.

     – Tính quy tụ: tham dự và đồng trách nhiệm, đánh giá đúng sự phong phú đa dạng của Hội Thánh, gồm cả những người bị quên lãng hay không được biết đến.

     – Tinh thần cởi mở.

     – Lắng nghe mọi người và từng người.

     – Hiểu biết việc “cùng nhau hành trình tiến bước”.

     – Hiểu khái niệm về một Hội Thánh đồng trách nhiệm.

     – Qua đối thoại đại kết và liên tôn, vượt qua khỏi mình để cùng nhau đến với đại gia đình nhân loại.

     Ta vừa điểm qua những điểm quan trọng, các giai đoạn và các tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục cũng như tiến trình thỉnh ý. Ta đã thấy việc thỉnh ý của giai đoạn tại giáo phận là nền tảng của các giai đoạn khác, chỉ làm cho có sẽ phá vỡ tiến trình hiệp hành được coi là một cách sống và hoạt động đặc biệt của Hội Thánh hôm nay và tương lai. Trong cuộc thỉnh ý của giáo phận, ta đã thấy tầm quan trọng, vai trò và nhiệm vụ của Đức giám mục, vai trò và nhiệm vụ của linh hoạt viên, của các linh mục, phó tế và dân Chúa, phương pháp thu thập thông tin và phản hồi, cách thức viết bản đúc kết và vai trò của các Hội đồng Giám mục và nhất là ta cũng đã thấy những cám dỗ phải tránh, các thái độ và tâm tình cần có để Thượng Hội đồng Giám mục có kết quả. Nhưng đó vẫn chỉ là những hướng dẫn, vì tha thiết muốn cho tiến trình thuận lợi và có kết quả, ban chuẩn bị đã đưa ra các bước mẫu để ta dễ dàng thực hiện tiến trình hiệp hành cấp giáo phận.

     V. CÁC BƯỚC MẪU CHO GIAI ĐOẠN GIÁO PHẬN

     1. Chỉ định các linh hoạt viên: chỉ định một, lý tưởng nhất là hai người, có thể là linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân, có thể là một nam, một nữ, vì thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm, làm linh hoạt viên với những vai trò giáo phận cho là có thể phục vụ tốt cho tiến trình hiệp hành.

     2. Thành lập nhóm hiệp hành giáo phận: các linh hoạt viên có thể sẽ cần đến sự cộng tác của một nhóm nòng cốt, thông qua tiến trình mở gồm những người quan tâm tới tiến trình, hoặc qua bổ nhiệm của giám mục, các đại diện từ các giáo xứ, phong trào, thừa tác viên giáo phận và dòng tu. Nhóm này sẽ cộng tác với giám mục tiếp tục thúc đẩy và thực hiện tiến trình hiệp hành trong tương lai.

     3. Phân định hướng đi cho giáo phận: Sử dụng tài liệu chuẩn bị và cẩm nang để đưa ra những hướng dẫn cho việc tổ chức tiến trình thỉnh ý, hay để suy tư, cầu nguyện và phân định các lãnh vực quan trọng của giáo phận.

     4. Lập kế hoạch cho tiến trình tham gia: giáo phận cần có kế hoạch để các thành viên của mình và của cả các phong trào hay tôn giáo tham gia nhiều nhất và hiệu quả nhất dưới mọi hình thức: trực tiếp hoặc trực tuyến hay quy định những nơi thu nhận ý kiến hoặc phản hồi của các cá nhân và tập thể, xác định và chuẩn bị sẵn các nguồn cho tiến trình thỉnh ý như tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất và các diễn đàn trực tuyến.

     5. Chuẩn bị nhóm điều phối viên cho các cuộc thỉnh ý: nhóm hiệp hành giáo phận có thể cùng với các điều phối viên thực hiện các cuộc họp thỉnh ý trên toàn giáo phận. Nhóm này cần được hướng dẫn tường tận về tinh thần, các mục tiêu và quan điểm của tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục. Điều phối viên có thể phân định và thiết lập tiến trình phù hợp nhất đối với nhóm mình, giữ liên lạc với nhóm hiệp hành giáo phận.

     6. Cuộc hội thảo định hướng cho nhóm hiệp hành giáo phận và các điều phối viên địa phương: hội thảo nhằm mục đích huấn luyện để họ biết định hướng của tiến trình hiệp hành, trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản trong tiến trình hiệp hành và trong việc thỉnh ý, giúp họ áp dụng các phương pháp phù hợp tạo bầu khí thuận lợi cho việc lắng nghe, chia sẻ và cùng phân định thiêng liêng.

     7. Truyền thông cho mọi người: sử dụng mọi phương tiện cần thiết để mọi người biết ý nghĩa và mục tiêu của Thượng Hội đồng Giám mục và cách thức tham gia của mọi người.

     8. Thực hiện, giám sát và hướng dẫn tiến trình hiệp hành: có thể tổ chức một cuộc cử hành phụng vụ để cầu xin Chúa Thánh Thần và khai mạc giai đoạn thỉnh ý tại giáo phận. Các linh hoạt viên sẽ liên lạc với các điều phối viên giám sát tiến độ, hỗ trợ và tạo điều kiện cần thiết cho việc trao đổi ý kiến, các cách thực hiện hay nhất và phản hồi nổi bật nhất. Ấn định cụ thể ngày gửi ý kiến phản hồi.

     9. Hội nghị Tiền – Thượng Hội Đồng: nên có một cuộc cử hành phụng vụ để khai mạc giai đoạn này, mời đại diện của nhiều thành phần giáo phận tham gia với mục đích cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định con đường hiệp hành.

     10. Chuẩn bị và nộp bản đúc kết của giáo phận: nộp bản đúc kết cho Hội đồng giám mục vào một ngày nhất định và phổ biến bản này cho toàn giáo phận. Các linh hoạt viên sẽ tiếp tục được duy trì để liên lạc với các Hội đồng Giám mục và các cuộc họp châu lục giúp giáo phận tiếp tục tham gia tiến trình hiệp hành.

     Những thành tố căn bản của kinh nghiệm hiệp hành

     Những thành tố căn bản của tiến trình hiệp hành cấp giáo phận gồm: cuộc cử hành phụng vụ khai mạc, một đại hội đông đảo được quy tụ, những buổi họp nhóm nhỏ, những khoảnh khắc thinh lặng và cầu nguyện, những cuộc trao đổi thân mật, những kinh nghiệm được chia sẻ và bế mạc với một cuộc cử hành phụng vụ.

     VI. KẾT LUẬN

     Từ khi xuất hiện trên trần gian tới nay, Hội Thánh là một cộng đoàn cùng tiến bước, cùng suy nghĩ, cầu nguyện để có những quyết định phù hợp với ý Thiên Chúa, đem lại kết quả cho việc loan báo Tin mừng. Hội Thánh đang thực thi tính hiệp hành ấy trong bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo đầy biến động. Những chia rẽ, bất bình đẳng, tình trạng tục hóa, thiếu đức tin, giáo sĩ trị và suy đồi của Hội Thánh đã khiến cho tiến trình hiệp hành trở thành gập ghềnh hơn khi nào hết. Ban chuẩn bị đã đưa ra những tài liệu hướng dẫn cụ thể việc tiến hành tiến trình hiệp hành từ địa phương tới Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma, nhưng điểm nhấn lại là việc thỉnh ý dân Thiên Chúa ở giai đoạn cấp địa phương với sự tham gia đông đủ, góp ý chân thành của mọi thành phần dân Chúa. Giai đoạn này thành công, Thượng Hội đồng Giám mục sẽ thành công. Muốn cho giai đoạn này thành công, ban chuẩn bị kêu gọi chúng ta dành thời gian cho việc chia sẻ, nói thật, nói thẳng trong tinh thần tự do và bác ái, khiêm tốn lắng nghe, can đảm nói thật, sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì đã nghe, loại bỏ thành kiến và các khuôn mẫu, tình trạng giáo sĩ trị, virus tự mãn và các ý thức hệ, nâng cao niềm hy vọng. Mỗi người đều trang bị cho mình đầy đủ những hành trang này, chắc chắn Hội Thánh sẽ thật sự là một Hội Thánh hiệp hành theo ý Thiên Chúa và là một chứng nhân sống động cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Ba Ngôi trên trần gian.

     Bài viết này chắc chắn vẫn còn những khiếm khuyết, hy vọng với tinh thần hiệp hành, sẽ có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho tiến trình Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành sớm thành hiện thực.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)

WHĐ (22.4.2022)

.

[1] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 1.2; Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 15.

[2] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 1.3.

[3] Ibid., 1.3.

[4] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 10

[5] Ibid., 1.3.

[6] Ibid., 1.2.

[7] Ibid, 1.3.

[8] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 1

[9] PD, 1; Ibid., 1.2.

[10] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, 1.1.

[11] LG 48

[12] LG 1; Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 15.

[13] ITC, Syn., 68.

[14] Ibid., 1.1.

[15] Ibid., 1.4.

[16] PD 32.

[17] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, 1.3.

[18] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 14.

[19] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, 1.4.

[20] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 9.

[21] Ibid., 1.4.

[22] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 17.

[23] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 17.

[24] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 19.

[25] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 20.

[26] Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015); Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021- 2023), số 10.

[27] Cyprian, Kinh Lạy Cha, 23.

[28] John Chrysostom, Chú giải Thánh vịnh 149; Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 11.

[29] LG 32.

[30] LG 12.

[31] DV 10

[32] ITC, Syn., số 67 – 68.

[33] EG, 119; Syn., số 11.

[34] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 4.

[35] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, 1.1.

[36] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 5.

[37] FT 32; Synod 2021-2023, số 5.

[38] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 7.

[39] Fratelli Tutti, số 42.

[40] Fratelli Tutti, số 43.

[41] Fratelli Tutti, số 44.

[42] Bài giảng tại Skopje, North Macedonia (7.5. 2019): L’Osservatore Romano, 8.5. 2019, p. 12.

[43] Fratelli Tutti, số 31; Synod 2021 – 2023, số 6.

[44] Fratelli Tutti, số 27.

[45] Diễn văn với Giới Hoạt động Văn hóa, Cagliari, Italy (22.9. 013): L’Osservatore Romano, 23-24.9. 2013, tr. 7; Fratelli Tutti, số 27.

[46] Fratelli Tutti, số 12

[47] Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh (13.1.2014): AAS 106 (2014), 83-84; Fratelli Tutti, số 19.

[48] Fratelli Tutti, số 113

[49] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29.6.2009), 22: AAS 101 (2009), 65; Fratelli Tutti, số 21

[50] Sứ điệp gửi Tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Human Rights in the Contemporary World: Achievements, Omissions, Negations” (10.12. 2018): L’Osservatore Romano, 10-11.12. 2018, tr. 8.

[51] Tông huấn, Evangelii Gaudium (24.11.2013), 212: AAS 105 (2013), 1108; Fratelli Tutti, số 23.

[52] Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống, Abu Dhabi (4.2. 2019): L’Osservatore Romano, 4-5.2. 2019, tr. 6; Fratelli Tutti, số 29

[53] Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit (25.3.2019), 91; Fratelli Tutti, số 37.

[54] Ibid., 92

[55] Fratelli Tutti, số 38

[56] Fratelli Tutti, số 39.

[57] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 8.

[58] Pippa Norris and Ronald Inglehart, Sacred and Secular. Religion and Politics Worldwide, Cambridge University Press, 2004. Chapter 1.

[59] http://www.thefreedictionary.com/secularization

[60] Ibid.

[61] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 6.

[62] Phanxicô, Thư gửi dân Chúa (20.8.2018), Lời ngỏ

[63] 53 PD 30

[64] Diễn văn khai mạc Hội nghị Toàn thể Thường kỳ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục (3.10.2018): L’Osservatore Romano, 5.10.2018, 8.

[65] Christus Vivit, 98.

[66] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 8

[67] Ibid., 8

[68] Ibid., 21.

[69] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 8

[70] ITC, Syn., 67 – 68.

[71] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 1.4.

[72] Ibid., 2.1.

[73] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (2021-2023), số 31.

[74] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 3.1

[75] GS 1; Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 2.1.

[76] Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10. 2015).

[77] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 2.2.

[78] Ibid., 1.5.

[79] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 1.5

[80] Ibid., 1.5.

[81] CE, 7.

[82] Episcopalis Communio, điều 6

[83] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 4.2.

[84] Ibid., 4.2.

[85] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, 4.1.

[86] Ibid., 4.1

[87] Ibid., 3.2.

[88] Ibid., 3.3.

[89] Ibid., 3.4.

[90] Ibid., 3.5.

[91] Ibid., 2.4.

Comments are closed.