Chúa Nhật 5 Thường Niên Năm B

Thật không có gì lạ khi người không có đức tin chỉ thấy cuộc đời hoàn toàn Phi Lí. Từ đó, họ chỉ thấy có hư vô và tìm đến cái chết. Ông Gióp đã đặt câu hỏi hiện sinh ấy về ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể mang lại một câu trả lời rõ ràng và yêu thương.

Sách Gióp 7, 1-4.6-7

Tiếng kêu tuyệt vọng của ông Gióp là tiếng kêu của người không nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Có nghĩa gì đâu cuộc sống con người khi nó chỉ là một chuổi dài những bệnh tật, gánh nặng và đau khổ! Một cuộc đời không hi vọng là một cuộc đời mất hết ý nghĩa! Chỉ có bàn tay Thiên Chúa mới có thể cứu vớt con người..

Thánh Vịnh 146

Thiên Chúa đang hiện diện sẵn sàng mang lại cho con người ngập tràn đau khổ sự giải thoát hoàn toàn. Chúc tụng Chúa đến muôn đời.

Thư thứ 1 Côrintô 9, 16-19.22-23

Chúa Giê su là quà tặng của Chúa Cha đến loan truyền Tin Mừng Kì diệu là Thiên Chúa yêu thương và hiện diện trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta. Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc và chờ đợi chúng ta vào Nước của Ngài. Chúng ta không thể không loan báo Tin mừng cứu độ ấy cho mọi người trên trần gian. Cũng như Phao lô, tất cả chúng ta là những người có trách nhiệm về anh chị em chúng ta.

Tin mừng Mc 1,29-39

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nằm trong  phân đoạn 1,21-2,12, trong đó Mác cô mô tả những bước đầu hoạt động công khai của Chúa Giê su. Tác giả muốn nêu bật tiến trình đi lên: trừ quỉ và chữa bệnh không thôi chưa đủ; còn phải thực hiện những điều khác nữa để vào  tận chính tâm hồn con người, để biến đổi và tha thứ tội lỗi. Vì thế, sau khi giải thoát một người bị quỉ ám trong hội đường Caphácnaum, Chúa Giê su tiếp tục chữa lành cho nhỉều người (1,32-34), trong đó có bà mẹ vợ ông Phê rô (1,29-31). Chiều đến Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện (1,35-39).

GIẢI THÍCH

Bà mẹ vợ: Ở đây bản văn Hi lạp dùng từ chỉ Bà mẹ vợ, cho thấy ông Simon Phêrô đã có gia đình, cho dù không nơi nào trong Tân Ước nhắc đến bà vợ của ông. Trong 1 Cr 9,5 có nói tới người phụ nữ ki tô hữu mà Phê rô mang theo trong những chuyến đi truyền giáo.

Đỡ dậy: trong Hi ngữ động từ nầy cũng được cùng để chỉ sự phục sinh. Các tác giả Tân Ước đã biết sử dụng từ nầy từ nghĩa thông thường (trỗi dậy) đến nghĩa mạnh là phục sinh. Xem Ga 2,19-22; Ep 5,14.

Cả Mác cô cũng xử dụng động từ theo nghĩa nầy: 5,41-42; 9.26-27. Do đó dường như khi mô tả hoạt cảnh ở đây, Mc đã muốn gợi ý độc giả nghĩ đến hành động cứu thế của Đức Ki tô, là phục sinh những ai tin tưởng vào Ngài hoặc được cộng đoàn Ki tô giới thiệu với Ngài.

Bà phục vụ các Ngài: Động từ phục vụ ở đây có nghĩa là dọn cho khách ăn, nhưng cũng chỉ công tác phục vụ mà cộng đoàn tiên khởi giao cho các ông bà phó tế.

Các câu 32-34 mô tả một hoạt cảnh chữa bệnh tập thể, các bệnh nhân, các thần ô uế và thậm chí cả thành phố cũng hiện diện ở đây. Đây là một bảng lược tóm hành động chữa bệnh của Chúa Giê su.

Trong Mác cô cũng có những đoạn khác giống như thế: như 3,7-12; 6,53-56. Trong Cv có các bảng lược tóm nổi tiếng về sinh hoạt của cộng đoàn Ki tô tiên khởi: 2,42-47; 4,32-35; 5, 12-16.

Chiều đến: Chiều là lúc mặt trời lặn, chi tiết nầy lưu ý độc giả rằng khác với thói quen chúng ta, người Do thái coi ngày mới bắt đầu từ chiều. Vì thế, giờ không còn là ngày thứ bẩy nữa, mà đã qua ngày hôm sau. Ngày kế tiếp ngày sa bát là ngày phục sinh và trở thành Ngày Chủ nhật, ngày của Chúa đối với người Ki tô.

Không cho: Chúa Giê su truyền cho ma quỉ im lặng vì chúng muốn mạc khải Ngài là Đấng Messia. Sự kiện ấy thường được gọi là “bí mật thiên sai”. Có nhiều lí do khiến Chúa Giê su phải hành động như thế: như để tránh sự lẫn lộn giữa cách thể hiện thiên sai đích thực của Chúa Giê su và những niềm mong ước trong dân chờ đợi một người chiến binh chính trị giải thoát họ; hay ý muốn tự xóa mình trước hành động của Cha; từ chối tiếp nhận tước hiệu nầy từ người khác ngoài Thiên Chúa Cha; từ khước một tước hiệu và một quyền năng mà người ta không thể có trước cuộc Khổ nạn.

Ngoài những lí do nêu trên, Mác cô khi soạn tác tin mừng còn muốn nhấn mạnh bí mật thiên sai: dù là Con Thiên Chúa ngay từ đầu, nhưng Chúa Giê su phải nhận lãnh tất cả mọi sự từ nơi Cha: đó là lí do chính của sự Nhập thể.

Vì chúng biết: biến cố xảy ra trong hội đường nhấn mạnh đến chi tiết nầy (1,24).

Cầu nguyện: Mc nhiều lần nhắc đến việc Chúa Giê su cầu nguyện hoặc trực tiếp (1,35;6,46; 14,35-39) hoặc một cách gián tiếp (6,41; 7,34; 8,7;15,34).

Việc lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện và quyết định: “Chúng ta hãy đi đến nơi khác” là những dấu chỉ cho thấy có sự thay đổi trong tin mừng. Trước đó Chúa Giê su không từ khước hoạt động, đặc biệt huấn giáo đầy hiệu quả được diễn tả trong những việc trừ quỉ, giờ đây Ngài hướng đến việc tha tội, biểu tượng qua việc chữa lành bệnh phung cùi, và rõ ràng hơn qua việc chữa cho người bại liệt được tha tội, và sau đó một cách trực tiếp hơn nữa trong việc đồng bàn với những người tội lỗi.

Mọi người: nhấn mạnh tính cách bao quát, nhưng qua đó người ta có thể thấy chủ đề đi tìm Chúa, theo những từ được dùng trong Cựu Ước (Am 5,14; Tv 24,7; 27,8; Is 55,7; vv.) và như sau nầy được Gioan khai triển (1,38;20,15).

Nơi khác: rõ ràng đây là những làng mạc lân cận. Những “nơi khác” tao thành một vùng rộng lớn bao la không có biên giới bao gồm các dân ngoại giáo và lãnh vực những tội nhân cần được tha thứ.

Đến: dịch sát chữ: “đi ra”, nói đến việc ra khỏi Ca phác na um. Nhưng đằng sau nghĩa đó ta có thể thấy phác họa một chủ đề sâu xa hơn: Chúa Giê su được Cha sai đến (so sánh với bản văn song song trong Luca 4,43), từ Thiên Chúa mà đến (đi ra). Xem Ga 8,42; 13,3;16,27-28.30).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay nối tiếp bài tin mừng chủ nhật tuần rồi. Sự kiện xảy ra ở Ca phác na um, thành phố nổi tiếng có nhiều tệ nạn xã hội, và là nơi qua đường của những người không mấy lương thiện. Nhưng chính đó là nơi mà Chúa Giê su đã chọn để bắt đầu sứ vụ, để loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Ngài là người của Lời, và đối với Ngài mở rộng tâm hồn đón nhận chân lí về Thiên Chúa là một sự khẩn thiết tuyệt đối. Mối quan tâm lớn nhất của Đức Ki tô là giải thoát con người khỏi mọi sai lầm, là rao giảng tin mừng rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện và phải sám hối.

Điểm thứ nhất. Chúa Giê su là con người của Lời. Như Ngài, chúng ta được kêu gọi trở thành nhân chứng cho Tin mừng bằng chính lời của chúng ta, cũng như bằng tất cả mọi phương tiện mà chúng ta đang có. Sứ điệp của Đức Ki tô dành cho tất cả mọi người, vì Ngài đã đến trong thế giới là để ban sự sống của Ngài cho nhân loại.

Điểm thứ hai trong ngày hoạt động của Chúa Giê su đó là cuộc chiến chống lại sự Dữ. Khi rời khỏi hội đường nơi Ngài vừa giảng dạy, Chúa Giê su hướng về nhà ông Si mon Phê rô. Ngài chữa bệnh cho mẹ vợ ông Phê rô đang cơn sốt nặng. Rồi chiều đến, người ta dẫn đến Chúa Giê su tất cả mọi bệnh nhân. Và không chỉ dùng lời nói, Chúa Giê su còn dùng cả hành động để tấn công sự dữ thể lí và luân lí nguyên do khiến người ta phải đau khổ. Sứ mạng của Ngài là giải thoát con người khỏi tất cả những gì không cho phép họ sống phong phú. Các sách Tin mừng thường nói với chúng ta về cuộc chiến của Chúa Giê su chống lại địch thù của Thiên Chúa và con người. Đó là một cuộc chiến hằng ngày chống lại thần khí sự dữ đã ngăn cản con người sống hòa hợp với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình.

Như Chúa Giê su, chúng ta cũng được mời gọi quan tâm đến các đau khổ của con người hôm nay. Và cũng như Chúa Giê su, chúng ta hãy tìm thời giờ lắng nghe, tiếp nhận và thăm viếng những người đang bị đau khổ. Không gì có thể thay thế sự tiếp xúc cũng như sự gặp gỡ thân tình.

Sau khi đã là người của Lời và cuộc chiến chống lại sự dữ, Chúa Giê su rút lui một mình để cầu nguyện lâu giờ. Ngài dành thời giờ để ở với Chúa Cha. Ngài cho chúng ta hiểu rằng không thể có sự rao giảng tin mừng mà không có sự tiếp xúc thường xuyên với Cha trong sự cầu nguyện và nhất là trong Thánh Thể. Chính đó là nơi mà chúng ta kín múc sức mạnh cần thiết cho sứ mạng mà Đức Ki tô giao phó cho chúng ta.

Đó là ba khía cạnh trong ngày sống của Chúa Giê su: lời giảng dạy, cuộc chiến chống lại sự dữ và lời cầu nguyện. Chính trên con đường đó mà chúng ta được mời gọi đồng hành với Ngài. Cả chúng ta cũng phải dấn thân từng bước giống như Ngài: làm chứng bằng lời, làm chứng bằng dấn thân phục vụ người đau khổ và cuối cùng giao phó tất cả những sự ấy cho Chúa trong lời cầu nguyện. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta hướng về đấng đã dấn thân cho đến cùng, bằng cách tận hiến chính mình cho sứ mạng giải thoát ấy. Cùng với Ngài, chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng.

 

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: ĐỨC GIÊ-SU CHỮA LÀNH ĐAU KHỔ CON NGƯỜI. Đau khổ của Gióp là tượng trưng cho đau khổ con người (BĐ1) được Đức Giê-su cứu chữa (BTM).

2. HỎI: Sách Gióp là sách gì?

THƯA: Sách Gióp là một trong 7 sách thuộc loại sách Khôn ngoan, hay giáo huấn. Đây là một kiệt tác trong văn chương thế giới, một tiếng kêu lâm li thống thiết về thân phận con người chơi vơi trong cuộc “đời là bể khổ”.

3. HỎI: Câu chuyện về ông Gióp ra sao?

THƯA: Ngày xưa có một người tên là Gióp, một người công chính kính sợ Thiên Chúa và luôn xa lánh điều dữ. Vì thế, Thiên Chúa ban cho ông được hạnh phúc, giàu có và một gia đình đông đúc. Ông chăm sóc và lo lắng cho con cái mình đi trên đường công chính. Về mọi khía cạnh ông không có gì phải mơ ước nữa. Nhưng rồi một ngày kia, tai họa dồn dập xảy đến cho gia đình ông: trong một thời gian ngắn, tất cả đều đã ra đi từ khối tài sản kết xù đến đàn gia súc, và đau thương hơn cả là tất cả các con cái ông đều chết.

4. HỎI: Kết cục ra sao?

THƯA: Ông mất hết tất cả, không còn gì ngoài sức khỏe, nhưng rồi cũng không bao lâu, họa vô đơn chí, tai ương lại đổ ập xuống trên ông. Lần nầy, ông mắc phải chứng bệnh ngoài da khủng khiếp, biến ông thành một người ai thấy cũng sợ hãi tránh xa. Vì thế ông phải bỏ thành phố và nhà cửa, để sống cô độc một mình. Ngay chính bà vợ của ông cũng không hiểu ông, đã buông lời nhục mạ ông.

5. HỎI: Gióp đã phản ứng như thế nào?

THƯA: Toàn bộ quyển sách ghi lại những lời ta thán về những cơn đau khổ thể xác và tinh thần trước cái chết sớm mà ông phải chịu đựng. Ông cảm thấy chán chường, tuyệt vọng trước thái độ thiếu hiểu biết và đồng cảm của bạn bè, và nhất là sự im lặng của Thiên Chúa.

6. HỎI: Điều gì làm ông ray rứt nhất?

THƯA: Điều làm ông đau đớn nhất là sự bất công mà ông phải chịu đựng. Vào thời ấy, trong dân Ít-ra-ên ai cũng nghĩ rằng sự công chính của Thiên Chúa hệ tại ở việc thưởng công những người sống ngay lành và trừng phạt những kẻ ác ngay trong cuộc sống nầy. Thế thì tại sao mọi tai ương khủng khiếp đổ ập xuống đầu ông trong khi suốt đời ông luôn cố gắng sống tốt lành.

7. HỎI: Các bạn ông có giúp ông được gì không?

THƯA: Ba người bạn nghe ông hoạn nạn đã từ xa lặn lội đến an ủi ông. Nhưng qua các lí luận dài dòng và cổ hủ của họ, chẳng những họ không giúp ông khuây khỏa phần nào, mà còn làm cho ông thêm đau khổ. Họ lí luận rằng: đau khổ là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ tội lỗi, nên những đau khổ ông đang gánh chịu chứng minh rằng ông đã phạm tội.

8. HỎI: Gióp đáp trả như thế nào?

THƯA: Gióp từ chối các lời giải thích sơ sài ấy, và muốn các bạn hãy im tiếng, vì họ càng nói, thì ông càng chìm sâu vào trong nỗi đau khổ cô đơn khốn cùng. Cách hay nhất mà họ có thể an ủi ông là hãy lắng nghe ông nói. Dù kêu la phản kháng trước cơn đau khổ khủng khiếp của mình, ông vẫn luôn khẳng định rằng: Thiên Chúa luôn là Đấng Công chính.

9. HỎI: Đau khổ đã giúp ông đạt được điều gì?

THƯA: Đau khổ đã giúp ông tiến xa trên con đường hiểu biết về Thiên Chúa. Lúc đầu, ông luôn khẳng định rằng, mình không có tội nên những gì xảy đến đều bất công. Nhưng rồi ông nhận thấy trong cuộc sống nầy, không thiếu người ác vẫn sung sướng trong khi người lành lại bị đau khổ. Chính kinh nghiệm ấy giúp ông nhận ra mình sai lầm về sự công chính của Thiên Chúa. Và cuối cùng, khi cạn hết lý lẽ, ông khiêm nhường nhìn nhận rằng chỉ có Thiên Chúa mới nắm được những bí nhiệm của cuộc đời.

10. HỎI: Còn Thiên Chúa trả lời cho ông như thế nào?

THƯA: Ngài trách các bạn ông nhưng không trách cứ ông. Trái lại, Ngài còn khen ngợi ông vì đã nói đúng về Ngài. Điều đó có nghĩa là ông có lí do để kêu khóc, than van khi đau khổ. Nhưng Ngài mời gọi ông đi xa hơn bằng cách chiêm ngắm công cuộc Tạo dựng và khiêm nhường nhận mình dốt nát không biết gì về Thiên Chúa, vì chính Ngài cảnh giác: “Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các người” và nếu không hiểu về sự công chính của Ngải thì người ta không được phép phản kháng Ngài.

11. HỎI: Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ông Gióp có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Bài đọc thứ nhất (G 7, 1-4.6.7) dẫn vào bài đọc tin mừng, cho ta thấy hình ảnh con người bị đau khổ vì bệnh tật đã sống và giữ vững đức tin như thế nào. Dù khổ đau đến tận cùng, nhưng ông Gióp vẫn giữ vững niềm tin rằng có một sự đau khổ bất công và Thiên Chúa thì luôn nhân ái và công bình.

12. HỎI: Sách Gióp có giải quyết về vấn nạn đau khổ không?

THƯA: Không. Sách Gióp không cho ta lời giải đáp về vấn nạn đau khổ, nhưng chỉ cho chúng ta một con đường. Đừng kêu la than vãn nhưng hãy giữ lòng tin tưởng và mạnh mẽ trong bàn tay của Thiên Chúa: vì Ngài ở với chúng ta hết mọi ngày cho đến tận thế. Đức Giê-su không đến để giải thích sự đau khổ nhưng để hiện diện và chịu đau khổ với chúng ta.

13. HỎI: Tại sao ban chiều khi trời lặn, người ta mới đem các bệnh nhân đến cho Đức Giê-su?

THƯA: Người Do thái không tính thời gian một ngày như chúng ta là từ nửa đêm nầy đến nửa đêm kia, mà tính từ lúc mặt trời lăn của ngày hôm trước đến khi mặt trời lặn của ngày hôm sau. Vì thế, ngày sa bát bắt đầu từ khi mặt trời lặn chiều thứ sáu và kết thúc vào chiều thứ bảy khi trăng sao xuất hiện. Vì ngày sa-bát dành để cầu nguyện và học hỏi lề luật, nên đến chiều người ta mới đem bệnh nhân tới tấp đến với Đức Giê-su.

14. HỎI: Khi xác định: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn” (1,32), thánh Mác-cô có ý nói gì?

THƯA: Thánh Máccô muốn lôi kéo sự chú ý của chúng ta: vì khi mặt trời lặn, người ta bắt đầu ngày chủ nhật, ngày thứ nhất trong tuần. Mà đối với các người Ki-tô hữu đầu tiên, ngày ấy tượng trưng cho khởi đầu việc tạo dựng mới.

15. HỎI: Thánh Mác-cô có ý gì khi xác định: “Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um”(1, 29)?

THƯA: Khi xác định như thế, chắc chắn Mác-cô muốn nhắc nhớ rằng Đức Giê-su là một người Do thái trung thành mới lề luật. Mới ban sáng, Ngài vừa giải thoát cho một người bị quỉ ô uế ám (c.23). Thì liền đó, tin tức về sự lạ ấy lan rộng khắp nơi đến nỗi ban chiều người ta đem đến cho Ngài tất cả những bệnh nhân và những người bị quỉ ám. Qua đó, thánh Mác-cô muốn nói rằng: đây chính là Đấng Mê-si-a loan báo và hoàn thành Nước Thiên Chúa.

16. HỎI: Tại sao Đức Giê-su cấm ma quỉ nói về Ngài (1, 34)?

THƯA: Đức Giê-su cấm không chotiết lộ căn tính về Ngài có lẽ vì dân thánh Ca phar na um chưa sẵn sàng để khám phá ra diện mạo đích thực của Đức Giê-su. Họ đã nhìn thấy các phép lạ Đức Giê-su thực hiện, nhưng đã chưa sẵn sàng để tin Ngài là Đấng Mê-si-a. Chưa chắc những người được chữa lành gặp được Thiên Chúa. Phép lạ là dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện, nhưng có nguy cơ nhiều người chỉ nhìn thấy điều lạ lùng mà không thấy được bàn tay của Thiên Chúa đang hành động.

17. HỎI: Tại sao trong tin mừng Mác-cô Đức Giê-su thường cấm tiết lộ căn tính đích thực của Ngài?

THƯA: Đó là điều được đặc biệt nhấn mạnh trong tin mừng Mác-cô, thường được gọi là ‘bí mật thiên sai’. Đức Giê-su làm như thế vì không muốn cho người ta có một quan niệm sai lạc về Ngài là đấng giải phóng dân Ít-ra-ên khỏi ách thống trị của người La mã. Đàng khác, mạc khải tiệm tiến về bản thân Ngài ngang qua các lời nói, hành vi và nhất là cuộc Khổ nạn là cách thức tuyệt vời để giúp cho người khác hiểu đúng và tin vào Ngài (xem thêm phần giải thích ở trên).

18. HỎI: Tại sao Đức Giê-su “vào nơi hoang vắng cầu nguyện” sau một ngày hoạt động tại Ca-phác-na-um?

THƯA: Đức Giê-su vào nơi hoang vắng cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Và khi trở lại với các môn đệ, Ngài thúc giục các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác….” Chính lời cầu nguyện đã tăng lực truyền giáo và thúc đẩy Ngài lên đường đi đến các nơi khác để rao giảng tin mừng. Ngài không đi xa rao giảng tin mừng nếu không chìm sâu trong lời cầu nguyện nơi thanh vắng.

19. HỎI: Tại sao Đức Giê-su cứu chữa những người đau khổ?

THƯA: Dù đối với một số người, đau khổ là con đường giúp họ lớn lên, nhưng đau khổ tự thân vẫn là một sự Dữ. Bằng chứng là Đức Giê-su đã giải thoát con người khỏi mọi đau khổ. Đức Giê-su làm phép lạ chữa bệnh vì đau khổ không tương hợp với Nước Thiên Chúa và cản trở chương trình của Thiên Chúa. Tất cả mọi cố gắng chống lại đau khổ của chúng ta đi theo chiều hướng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa cứu độ con người toàn thể, chứ không chỉ cứu những linh hồn không có xác. Lời rao giảng Tin mừng không chỉ là lời nói với lí trí và lương tâm mà còn là cuộc chiến chống lại những gì làm con người đau khổ.

20. HỎI: Tại sao Đức Giê-su là Thiên Chúa không đến để tiêu diệt hết mọi đau khổ trên trần gian?

THƯA: Đức Giê-su đến không phải để tiêu diệt hết mọi đau khổ trên trần gian, nhưng chỉ để mang lại cho đau khổ con người một ý nghĩa đích thực, biến đau khổ thành một phương tiện tuyệt vời để cứu rỗi. Trong thời gian rao giảng, Ngài không chỉ chữa lành một số người đau khổ, giúp họ tin vào sứ điệp và quyền năng của Ngài. Ngang qua sự đau khổ của chính mình, Ngài đã chỉ cho con người cách thức chịu đau khổ một cách có ích lợi, có giá trị cứu rỗi linh hồn.

21. HỎI: Tác giả Mác-cô muốn dạy điều gì khi nhắc đến ma quỉ trong lời lược tóm các hoạt động của Đức Giê-su?

THƯA: Khi nhắc đến ma quỉ trong lời lược tóm các hoạt động của Đức Giê-su, Mác-cô muốn cho thấy một trong những mục tiêu của Đức Giê-su khi đến trần gian là chiến đấu tiêu diệt ma quỉ và giải phóng con người khỏi quyền lực của nó. Ngài luôn coi mọi bệnh tật đều do ma quỉ gây ra và mọi cuộc chữa lành nhờ trục xuất ma quỉ đều là một chiến thắng trên ma quỉ.

22. HỎI: Đức Giê-su đã xua đuổi ma quỉ. Việc trừ quỉ có phải là hoạt động đặc thù của riêng Ki-tô giáo không?

THƯA: Không. Việc trừ quỉ trước hết là nghi thức nhờ đó mà một cá nhân hay một nơi chốn được giải thoát khỏi ách thống trị của ma quỉ. Việc đó được thực hiện qua một số công thức hay cầu khẩn đặc biệt, thường bởi những người có uy quyền tôn giáo, như một thầy cả hay một thầy dòng. Trong thế giới cổ xưa vẫn có thấy nói đến chuyện trừ quỉ. Ba-by-lon, Ai cập hay Hi lạp và trong nhiều tôn giáo khác cũng có việc trừ quỉ. Trong Kinh Thánh, có nhiều quỉ chiếu đến việc trừ quỉ; như trong Tân ước, Đức Giê-su xua đuổi các thần dữ bằng lời cầu nguyện và sức mạnh nơi lệnh truyền của ngài. Trong thế giới công giáo, việc trừ quỉ là chức năng mà các linh mục có thể thực hiện với một phép đặc biệc của Đức Giám Mục.

23. HỎI: Đức Giê-su có mang đến cho loài người câu trả lời cho sự đau khổ không?

THƯA: Có. Đối với người Ki-tô hữu, cái chết của Đức Giê-su trên thập giá là câu trả lời đích thực của Thiên Chúa cho nỗi khổ đau của con người. Đức Giê-su đã mang nơi mình sự đau khổ và sự chết. Sự sống lại của Ngài đã mở ra cho tất cả mọi người niềm hi vọng rằng sự sống mạnh hơn sự chết. “Hãy đến với ta tất cả những ai đau khổ vì gánh nặng, và ta sẽ cho nghỉ ngơi” (Mt 11, 28).

24. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mc 1,29-39) như thế nào?

THƯA:  Đoạn tin mừng nầy nằm trong phân đoạn 1,21-2,12, trong đó Mác cô mô tả những bước đầu hoạt động công khai của Chúa Giê su. Ngài đã trừ quỉ và chữa bệnh và sau khi giải thoát một người bị quỉ ám trong hội đường Caphácnaum, Chúa Giê su tiếp tục chữa lành cho nhỉều người (1,32-34), trong đó có bà mẹ vợ ông Phê rô (1,29-31). Chiều đến Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện (1,35-39).

25. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1Cr 9,16-19.22-23) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô tự biến mình thành nô lệ cho tin mừng, vì đối với Ngài, chỉ có một trách nhiệm, một sứ vụ, một mối quan tâm: đó là rao giảng Tin Mừng Cứu độ và giúp đỡ người khác đón nhận Tin Mừng ấy. Sứ vụ ấy là do chính Thiên Chúa đã giao cho ngài.

26. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Người tín hữu phải bắt chước Đức Giê-su. Họ không được ngồi yên thụ hưởng những ơn lành Thiên Chúa ban cho. Trái lại phải biết ý thức sứ mạng chia sẻ và rao truyền nhưng hồng ân cứu độ ấy cho mọi người. Họ phải tự hỏi ai là những người chung quanh họ cần sự giúp đỡ nhất, ai là những người họ có thể mang lại hạnh phúc nhất. Như thế họ mới xứng đáng mang danh hiệu của Ngài. 2. Để sống được như thế, chúng ta thường xuyên chạy đến với Chúa Giê-su trong những giây phút riêng tư sống một mình với Người, lắng nghe Lời Người nói với chúng ta qua các trang Kinh Thánh và các biến cố cuộc đời. 3. Nhất là để cho Ngài chạm đến những bệnh hoạn tật nguyền là những tội lỗi, yếu đuối, đam mê của chúng ta để Người chữa lành chúng ta.

GLCG 2602 616

Đức Giê-su thường vào nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình trên núi, thường là vào ban đêm. Vì đã làm người khi Nhập Thể, Đức Giê-su “mang lấy mọi người” trong lời cầu nguyện và dâng nhân loại lên Chúa Cha khi hiến dâng chính mình. Ngôi Lời “đã làm Người” đưa tất cả những gì “anh em Người” đang sống vào lời cầu nguyện (Dt 2, 12). Người đã cảm thông được những yếu đuối của họ để giải thoát họ. Chính vì thế Chúa Cha đã cử Người đến (x. Dt 2,15; 4,15 ) . Những lời nói và việc làm của Người bộc lộ những gì Người cầu nguyện trong thầm kín.

Phục Vụ Lời ĐCV. Xuân Lộc

Comments are closed.