Chúa Nhật 32 Thường Niên năm A – Hãy Canh Thức  

 

Ki tô hữu là người được đổi mới bằng đức Trông cậy. Đó là sức mạnh hoạt động thúc đẩy họ kiên trì thực hiện những gì họ nhìn thấy trước cho tương lai. Đức Trông cậy ấy cũng giúp cho họ nhận ra nơi thế gian tất cả mọi mầm sống của một xã hội mới, nhờ họ đã được thấm nhuần sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sách Khôn ngoan 6, 12-16

Khoảng giữa thế kỉ thứ nhất trước Chúa Giê su Ki tô, một người tín hữu do thái cố gắng diễn tả niềm tin của mình bằng những kiểu nói khôn ngoan. Ông trình bày sự khôn ngoan như là một sinh xuất sống động từ Thiên Chúa đến mời gọi loài người tham dự bàn tiệc Ngài dọn ra. Hiện diện giữa lòng nhân lọai, sự khôn ngoan sẵn sàng hiến ban cho người hăng hái tìm kiếm. Sự khôn ngoan là nguồn sự sống và niềm vui.

Thánh Vịnh 62

Tác giả Thánh vịnh khẩn thiết kêu lên Thiên Chúa đang  hiện diện trong đền thánh của Ngài, vì chỉ khi gặp được Ngài ông mới được sống. Ông vui sướng kêu lên khi nghĩ rằng ông sắp khám phá ra Ngài.

Thư 1 Tê xa lô ni ca 4, 13-18

Các tín hữu đầu tiên sống trong sự chờ đợi Ngày trở lại gần kề của Chúa. Thánh Phao lô khẳng định xác tín ca căn bản rằng chắc chắn Ngài sẽ trở lại, ngay cả khi hiểu rằng việc Nước Trời đến có thể không xảy ra ngay đâu. Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống sung mãn với Thiên Chúa.

Tin mừng: Mt 25:1-13

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin mừng nầy nằm trong diễn từ cánh chung (24,3-25,46), đi liền sau dụ ngôn người đầy tớ trung tín (24,45-51) và trước dụ ngôn những yến bạc (25,14-30) nhằm minh hoạ cho lời khuyên của Chúa Giê su trước cuộc Quang lâm của Ngài: “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (24,42).

Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề: giới thiệu các nhân vật (1-4)

2. Đưa vào câu chuyện: sự chậm trể của chàng rể (5)

3. Nút thắt của câu chuyện (6-9)

4. Mở nút (10)

5. Kết thúc câu chuyện: sự từ chối (11-12)

6. Kết luận trình thuật: kêu gọi tỉnh thức (13).

TÌM HIỂU

Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ: Vào lúc Nước Trời tỏ hiện lần sau hết (25,31), sẽ có những người giống như các thiếu nữ trong dụ ngôn. “Trinh nữ” ở đây chỉ những thiếu nữ chưa lập gia đình, là bạn của cô dâu (= phù dâu).

Dại..khôn: khôn (phronimos) có nghĩa là một người có trái tim (phren), nghĩa là thông minh. Mt 7,24 gọi người khôn là người biết “xây nhà mình trên nền đá”; ở 24,25, người khôn là người biết sẵn sàng theo lệnh của chủ. Còn dại (moros) là rỗng tuếch, phàm tục, ngu đần, thiếu phán đoán.

Chúa Giê su dựa vào tập tục cưới hỏi do thái thời đó để trình bày giáo huấn của Ngài. Tục cưới hỏi qui định rằng chàng rể phải đến đón cô dâu tại nhà cha cô, rồi một đoàn rước gồm có các cô phù dâu long trọng hộ tống cả hai về nhà chú rể. Sau đó, lễ cưới sẽ được cử hành trong một bữa tiệc. Vì một lí do nào đó, chàng rể có thể đến chậm

Cầm đèn ra đón chú rể: Việc so sánh Chúa Giê su với chú rể và hình ảnh lễ cưới rất quen thuộc đối với Do thái giáo, dù quan niệm về Đấng Messia-lang quân ít xuất hiện. Tâm điểm dụ ngôn nằm trong việc đấng lang quân đến trễ.

Các cô thiếp đi, rồi ngủ cả: Các trinh nữ không bị khiển trách vì đã ngủ, bởi thời gian hoạt động đã qua đối với các cô, nhưng vì đã chẳng chịu (khờ) làm công việc lẽ ra phải làm ngay từ đầu lễ cưới (đem đủ dầu có nghĩa là trung thành). Bởi thế lời khuyên nhủ hãy tỉnh thức của c. 13 không mâu thuẫn với giấc ngủ đó của mười trinh nữ, vì nó được áp dụng vào thời gian trước khi cử hành lễ cưới. Phải tỉnh thức bây giờ để có thể bình thản mà ngủ, với số dầu đã dự trữ đầy đủ cho thời gian cử hành lễ cưới.

Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu: Toàn bộ ý nghĩa dụ ngôn cô đọng lại trong câu trả lời cứng rắn nầy dành cho các trinh nữ khờ dại đã không biết khôn ngoan tính toán phòng xa. Người ta không thể cho không hoặc ngay cả cho mượn chính điều bảo đảm ơn cứu rỗi. Thật bất ngờ, câu truyện đưa chúng ta vào trong bầu khí hết sức nghiêm khắc, không còn chỗ cho một thứ tình cảm, nhân đạo nào cả.

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng đưa chúng ta tham dự một đám cưới. Không có gì đáng ngạc nhiên. Để gặp gỡ chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng những từ tình yêu và giao ước. Toàn bộ Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng Ngài sử dụng cùng một từ yêu thương như người chồng đối với vợ mình. Ngài như là một người tình đến gặp chúng ta và mời gọi chúng ta hãy trở lại với Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hiệp thông với Ngài mãi mãi.

Nước Trời giống với mười người trinh nữ đến tiệc cưới. Năm cô khôn ngoan nhìn xa chuẩn bị dầu đèn cần thiết để giữ cho đèn luôn cháy sáng. Năm người kia không có sự khôn ngoan tiên liệu đó. Và điều gì phải xảy ra đã xảy ra. Năm cô khờ dại không chỉ là những người lơ đểnh và không biết nhìn xa thấy rộng, mà còn là nạn nhân của một sự điên rồ của người chống đối lại Thiên Chúa. Thay vì xây dựng đời mình trên Lời Thiên Chúa, họ đã xây dựng đời mình trên cát, trên những giá trị không có thực. Họ khiến người ta nghĩ đến những kẻ nói rằng: “Khi tôi có giờ, tôi phải sắp xếp lại mọi sự trong đời tôi”. Tại sao lại để tới lúc “khi tôi có thời giờ” hay “khi tôi tĩnh tâm”?

Đối lại với loại người đó, chúng ta có gương năm cô khôn ngoan, mang theo dầu dự trữ. Họ nhắc chúng ta nhớ đến người đã xây dựng đời mình bằng lòng trung tín với Thiên Chúa. Đó là người đón nhận Lời Thiên Chúa và mang ra thực hành trong suốt đời mình. Dầu dự trữ ấy, chính là tình yêu đối với Thiên Chúa thấm nhập vào toàn bộ đời sống chúng ta. Thật vậy, chính nơi Ngài chúng ta được mời gọi đến để kín múc. Ngài là kho dự trữ vô tận mà chúng ta có thể cậy nhờ suốt đời chúng ta.

Chàng rể đến trễ, đó chính là Đức Ki tô. Chúng ta không biết ngày nào hay giờ nào Ngài đến. Ở đây giấc ngủ của các cô trinh nữ có mục đích làm nổi bật việc chàng rể đến trễ. Hôm nay, Chúa Giê su cảnh giác chúng ta. Nguy cơ chính là thiếp ngủ, là quên, là buông thả trong những trò giải trí, những điều phụ thuộc đến quên mất điều cốt yếu. Đôi khi, đó lại là sự mòn mỏi vì thời gian, sự mệt mỏi, nhàm chán, đau khổ ru ngủ đức tin và niềm hi vọng của chúng ta. Người ta sống trong vô tư và quên mất điều làm nên giá trị đích thực của cuộc sống.

Nhưng sẽ đến một ngày, choàng mình tỉnh giấc. Tin mừng nói với chúng ta rằng tất cả các cô trinh nữ đều thiếp ngủ. Tất cả không chờ đợi được nữa. Tất cả đã bất trung. Nhưng Chúa biết rõ chúng ta. Ngài biết những sự yếu đuối của chúng ta. Điều Ngài chờ đợi chúng ta đó là một chút tỉnh thức còn sót lại, một ngọn đèn còn leo lét trong khi chúng ta ngủ mê. Ngọn đèn cháy sáng ấy gợi nhớ đến ngọn nến cháy trong khi chịu phép rửa; nó là biểu tượng cho sự tỏa sáng của đức tin chúng ta. Đó là dấu cho thấy chúng ta phải là ánh sáng giữa mọi người. Nó là biểu tượng của đức tin phải thấm nhập vào tình yêu huynh đệ của chúng ta.

Lúc tỉnh giấc, các cô khờ dại thấy mình thiếu dầu và không thể giữ cho đèn mình được cháy sáng. Điều mà Chúa Giê su muốn chúng ta hiểu rằng lúc Ngài trở lại, không ai có thể làm một điều gì cho người khác và sẽ quá trễ để làm lại cuộc đời. Mỗi người phải nắm lấy trách nhiệm của mình và không ai có thể làm thay cho người khác.

Điều quan trọng là đã mang theo dầu dự trữ như tin mừng nói với chúng ta. Dầu, đó là một biểu tượng giàu ý nghĩa trong Kinh Thánh. Nó biểu hiện Thánh thần tình yêu Thiên Chúa phải lấp đầy toàn thể đời sống chúng ta. Vì thế, đây là một lời mời gọi chúng ta kín múc tại nguồn tình yêu. Nếu đời sống không thường xuyên thấm nhuần tình yêu mà Chúa muốn đặt nơi chúng ta, chúng ta đã bỏ qua điều cốt yếu. Đó là một lời mời gọi nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trong Tin mừng, một lời mời gọi để dành thời giờ cầu nguyện cá nhân cũng như cộng đoàn.

Một ngọn đèn không được tiếp dầu sẽ mau tắt. Tình yêu mà Thiên Chúa đặt nơi chúng ta giống như một ngọn lửa phải tỏa sáng khắp nơi trên trần gian. Như thế, không có thời gian cho chúng ta mê ngủ. Dọc suốt cuộc đời, Chúa luôn mời gọi và chúng ta phải chăm chú lắng nghe lời mời gọi đó. Đèn cháy sáng mà chúng ta phải sử dụng để tỉnh thức trong suốt cuộc đời và giúp chúng ta đi tới đám cưới vĩnh cửu, đó là ngọn đèn đức tin, nhưng là một đức tin nhập thể trong tình yêu huynh đệ. Bởi vì vào lúc hoàng hôn cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ không bị phán xét về đức tin, nhưng về những hoa trái tình yêu mà đức tin mang lại. Nếu trong suốt cuộc sống nầy, chúng ta đóng cửa với Thiên Chúa, thì chúng ta đừng ngạc nhiên trước cánh cửa vẫn đóng kín khi Ngài trở lại, vì đó là hậu quả của sự chọn lựa chúng ta. Một ngày kia, Chúa Giê su nói: “Ta là cửa chuồng chiên”. Đó là cánh cửa luôn mở và chào đón. Chính qua Ngài mà chúng ta được mời gọi đi vào dự đại tiệc mà Tin mừng ngày hôm nay nói tới. Không ai có thể làm thay cho chúng ta.

Như thế, sứ điệp quan trọng của đoạn tin mừng nầy chính là lời mời gọi tỉnh thức. Tỉnh thức, không chỉ là chờ đợi. Nhưng chủ yếu là chăm chú vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Đó là luôn sẵn sàng đón tiếp Ngài. Điều đó giả thiết một sự tỉnh thức hoạt động, một thái độ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy ra khỏi thái độ dửng dưng, giấc ngủ cũng như sự ù lì bất động của chúng ta. Chúa đến. Ngài đang hiện diện. Ngay từ giờ, chúng ta hãy sống trong viễn tượng tương lai với một lòng tin cậy mãnh liệt. Nhưng nhất là, đừng quên rằng cuộc gặp gỡ ấy với Chúa không chỉ vào lúc kết thúc cuộc sống trên trần gian, nhưng xảy ra ngay hôm nay và mỗi ngày. Vì chính mỗi ngày mà Thiên Chúa uốn nắn chúng ta theo hình ảnh của Ngài.

ĐÀO SÂU

CHỜ CHÚA ĐẾN

Kn 6,12-16 Khôn Ngoan đến gặp những ai tìm kiếm

Tv 63,2 Lạy Chúa, linh hồn con khao khát Chúa, Thiên Chúa của con

1Tx 4,13-18 Niềm hi vọng trước sự chết

Mt 25,1-13 Kìa chàng rể đến, hay ra đón Người

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: CHỜ CHÚA ĐẾN. Tỉnh thức chờ Chúa là điều kiện phải có để được vào vinh quang thiên quốc với Đức Ki-tô (BTM), Ngài chính là sự Khôn Ngoan đến gặp những ai tìm kiếm Ngai (Bđ1), gặp gỡ Ngài là niềm hi vọng của mọi người tín hũu (Bđ2).

2. HỎI: Sách Khôn Ngoan là sách gì?

THƯA: Là một trong những sách cuối cùng của Cựu Ước, được biên soạn vào khoảng thế kỉ thứ 1 trước Công Nguyên nhằm đề cao sự Khôn ngoan của Tổ tiên người Do thái nhằm giảm bớt ảnh hưởng tai hại của văn hóa Hi lạp.

3. HỎI: Nội dung của bài đọc một (Kn 6,12-16 ) như thế nào?

THƯA: Bài đọc một nhấn mạnh ba điểm: Khôn Ngoan là điều quí giá nhất trên thế gian. Thứ hai, Khôn ngoan nằm trong tầm tay của chúng ta. Và điểm thứ ba, không những Khôn Ngoan đáp ứng niềm mong mõi của chúng ta, mà còn mời gọi và đi trước chúng ta.

4. HỎI: Khôn Ngoan là điều quí giá nhất trên thế gian có nghĩa gì?

THƯA: Tác giả dành cho Khôn ngoan những lời ca tụng tuyệt vời: Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên tinh khôi từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố. Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người (Kn 7, 25-26). Khôn ngoan quí giá đến nỗi được so sánh với người phụ nữ được ao ước nhất: “Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quý và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan, tôi tìm cách cưới Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm” (Kn 8,2).  

5. HỎI: Khôn ngoan nằm trong tầm tay của chúng ta có nghĩa gì?

THƯA: Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà” (Kn 6,12-14). Sau nầy chinh Đức Giê su cũng nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7-9). Chỉ cần chúng ta ao ước: điều kiện duy nhất rõ ràng là tìm kiếm và ao ước mãnh liệt sự Khôn Ngoan.

6. HỎI: ‘Khôn Ngoan không những đáp ứng niềm mong mõi của chúng ta, mà còn mời gọi và đi trước chúng ta’ có nghĩa gì?

THƯA: Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho họ. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà” (Kn 6,13-14). Không khó để tìm gặp Khôn Ngoan, chỉ cần chăm chỉ và biết đón nhận thì sẽ được mãn nguyện.

7. HỎI: Vậy đâu là tiêu chuẩn của một vì Vua khôn ngoan?

THƯA: Tiên tri Giê-rê-mi-a cho biết:ĐỨC CHÚA phán thế này: ‘Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này’. – Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA” (Gr 9,22-23). Vì thế tiêu chuẩn của vị Vua khôn ngoan đích thực là: nhân nghĩa, công bình và chính trực.

8. HỎI: Bài đọc hai (1Th 4,13-18) có nội dung như thế nào?

THƯA: Trước nỗi băn khoăn của các tín hữu về sự chết, Thánh Phao-lô trấn an họ bằng cách nhắc họ nhớ niềm hi vọng Đức Giê-su ban cho những ai tin vào Ngài.

9. HỎI: Ngữ cảnh đoạn tin mừng (Mt 25,1-13) như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng nằm trong diễn từ Cánh chung của Đức Giê-su (ch.24-25). Sau những lời khuyên canh thức và sẵn sàng (23, 37-51), dụ ngôn mười người trinh nữ (25,1-13) tiếp tục chủ đề phải sẵn sàng đón Chúa vì không ai biết được lúc nào Ngài đến. Có 3 ý chính: 1/ Dẫn nhập. Các trinh nữ và chàng rể (25,1-5); 2/ Hành động của các trinh nữ (25, 6-9); 3/ Số phận khác nhau của các trinh nữ và kết luận (25,10-13).

10. HỎI: Tập tục cưới hỏi thời Đức Giê-su như thế nào?

THƯA: Chúa Giê su dựa vào tập tục cưới hỏi Do thái thời đó để trình bày giáo huấn của Ngài. Tục cưới hỏi qui định rằng chàng rể phải đến đón cô dâu tại nhà cha cô rồi cả hai được một đoàn rước gồm có các cô phù dâu long trọng đưa về nhà chú rể. Và lễ cưới sẽ được cử hành trong một bữa tiệc. Vì một lí do nào đó, chàng rể có thể đến chậm

11. HỎI: Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ?

THƯA: Đúng vậy. Vào lúc Nước Trời tỏ hiện lần sau hết (25,31), sẽ có những người giống như các thiếu nữ trong dụ ngôn. “Trinh nữ” ở đây chỉ những thiếu nữ chưa lập gia đình, là bạn của cô dâu (= phù dâu).

12. HỎI: Tại sao Đức Giê-su dùng ẩn dụ đám cưới?

THƯA: Ẩn dụ đám cưới thể hiện các mối quan hệ tình yêu giữa Thiên Chúa và dân tộc được lựa chọn và giữa Chúa Kitô với Giáo Hội là một trong những hình ảnh phổ biến và giàu ý nghĩa nhất của truyền thống Kinh thánh, bắt đầu với tiên tri Hô-sê. Tâm điểm dụ ngôn nằm trong việc chàng rễ đến trễ.

13. HỎI: Việc chàng rể đến trễ có ý nghĩa gì?

THƯA: Việc chàng rể đến trễ chỉ sự chậm trễ trong việc Đức Ki-tô trở lại. Các cô dâu ngu ngốc đã không lường trước sự chậm trễ này và đã không mua dầu đủ.

14. HỎI: Các cô trinh nữ bị trách cứ vì lỗi gì?

THƯA: Các trinh nữ không bị khiển trách vì đã ngủ, bởi thời gian hoạt động đã qua đối với các cô, nhưng vì đã chẳng chịu (khờ) làm công việc lẽ ra phải làm ngay từ đầu lễ cưới (đem đủ dầu có nghĩa là trung thành). Bởi thế lời khuyên nhủ hãy tỉnh thức của c. 13 không mâu thuẫn với giấc ngủ đó của mười trinh nữ, vì nó được áp dụng vào thời gian trước khi cử hành lễ cưới. Phải tỉnh thức bây giờ để có thể bình thản mà ngủ, với số dầu đã dự trữ đầy đủ cho thời gian cử hành lễ cưới.

15. HỎI: Các trinh nữ là biểu tượng cho ai?

THƯA: Các Trinh nữ là những Kitô hữu, trong ẩn dụ đám cưới được mô tả là phù dâu, bạn của cô dâu, chờ đợi để được rrước vào đám cưới đời đời với Chúa Kitô, hôn phu duy nhất của Hội Thánh (x. 2 Cr 11, 2).

16. HỎI: Ý nghĩa của “đèn” như thế nào?

THƯA: Đời sống Kitô hữu là một cuộc hành trình đi đến mục tiêu là một đám cưới. Lộ trình phải vượt qua trong bóng tối cần được chiếu sáng bởi một ngọn đèn, biểu tượng của đức tin tỉnh thức, kiên trì và lòng trung thành (Lc 12,35).

17. HỎI: Vậy “Hãy tĩnh thức” có nghĩa gì?

THƯA: Tỉnh thức là luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng đón tiếp Người ngự đến trong mỗi phút giây của đời sống giống như người cầu nguyện trong Thánh vịnh: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa” (Tv 63(62),2).

18. HỎI: Tại sao chủ nhà nói: “Ta không biết các ngươi”?

THƯA: Vì các ngươi không phải là đèn soi sáng thế gian. Các ngươi được kêu gọi để thành ánh sáng, nhưng không có dầu trong đèn các ngươi”.

19. HỎI: Một cách cụ thể, thế nào là ‘khôn ngoan và khờ dại’?

THƯA:Khôn thì sống mà dại thì chết”. Nhưng thế nào là khôn, thế nào là dại. Có nhiều cách giải thích, nhưng theo Sách Khôn Ngoan thì: Người khôn ngoan tìm biết và hiểu Lời Chúa (Cn 4,4-9), lắng nghe lời khuyên bảo và chấp nhận việc sửa dạy. Còn kẻ ngu dại thì ngược lại, họ bịt tai trước những lời khuyên bảo và phản đối việc sửa dạy (Cn 1,7; x.12,15). Người khôn ngoan biết nhìn xa trông rộng (như năm cô khôn ngoan, biết mang dầu theo), và dự đoán hậu quả tương lai, thế nên họ có thể tránh được những sai lầm. Còn kẻ ngu dại thì không được như thế, nên thường chuốc lấy thất bại (Cn 22,3). Người khôn ngoan tìm bạn nơi những người khôn ngoan, còn kẻ ngu dại thì chơi thân với phường ngu dốt: “Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn; chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy họa” (13, 20).

20. HỎI: Còn Đức Giê-su dạy thế nào về “người khôn ngoan và người khờ dại”?

THƯA: Đức Giê-su dạy rằng: khôn ngoan là những người không chỉ nghe Lời Chúa mà còn đem ra thực hành (Mt 7,24-29). Còn khờ dại là những người chỉ nghe mà không thực hành lời Chúa. Họ luôn có sẵn mọi lí do để từ khước sống Lời Chúa.

21. HỎI: Giấc ngủ của mười cô trinh nữ muốn cảnh báo chúng ta điều gì?

THƯA: Cả mười cô trinh nữ đều thiếp ngủ khi chàng rể đến chậm. Đây là lời cảnh báo người ki tô hữu trong khoảng thời gian chờ Chúa đến: sẽ có nhiều người vấp ngã, từ bỏ đức tin vì bị thử thách và bách hại; một số khác không đứng vững, buông mình theo lối sống vật chất hưởng thụ trần gian, mà không quan tâm gì đến việc tỉnh thức chờ đợi Chúa đến. Vì thế, người tín hữu phải vững vàng, kiên trì trong chân lí và đức tin, tiếp tục sứ mạng mà Đức Giê-su đã giao phó cho đến khi Ngài đến.

22. HỎI: “Dầu” tượng trưng cho điều gì?

THƯA: “Dầu” tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Tiên tri Sa-mu-ên xức dầu phong vương Sa-un và “Thần khí Đức Chúa ngự xuống tâm hồn ông” (1 Sm 10,1-6; x. 16; 13).

23. HỎI: Dầu Thánh Thần quan trọng như thế nào trong đời người tín hữu?

THƯA: Dầu Thánh Thần rất quan trọng cho đời sống người tín hữu. Thật vậy, hoa trái Thánh Thần là tình yêu, niềm vui, an bình, nhẫn nại, lòng tốt, đức tin và tự chủ (x. Gl 5,22-26), và nhất là sự biện phân (x. 2 Tm 1,7). Phải sinh hoa trái Thánh Thần thì mới được vào Nước Trời (x. Mt 3,8; Ga 15,1-8). Nếu không dập tắt Thánh Thần (x. 1Tx 5,19) và để cho Ngài hướng dẫn (x. Rm 8,14), chúng ta sẽ trở nên con Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Ki tô (x. Rm 8,14-17).

Trái lại, không có Thánh Thần, chúng ta không thể là người ki tô hữu thực sự (x. Rm 8.9). Nếu chúng ta để cho dầu đèn hao hụt, tức là thiếu vắng những hoa trái Thánh Thần trong đời sống, chúng ta sẽ không đủ tỉnh thức, không sẳn sàng chào đón Đức Ki tô khi Ngài đến.

24. HỎI: Đèn có dầu mang theo sẽ cháy sáng, chi tiết ấy có nghĩa gì?

THƯA: Đèn có dầu sẽ cháy sáng, sẽ trở thành ánh sáng soi cho trần gian như chính Đức Ki tô mong muốn (x. Mt 5,13-16). Cũng vậy nếu ngoan ngoãn sống trong Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ sinh hoa trái trong đời sống, là tình yêu, vâng phục, tin tưởng vả các việc lành. Trái lại, nếu thiếu dầu, thiếu Thánh Thần, thì hoa trái sẽ biến mất, và thay vào đó là những ý tưởng ích kỉ, thù hằn, ghen tương, tham lam, độc ác (x. Gl 5,19-21). Và hậu quả là chính mình sẽ tự loại mình ra khỏi Nước Trời.

25. HỎI: “Sợ không đủ cho chúng em và các chị..”, lời ấy có nghĩa gì?

THƯA: Các cô khôn ngoan nói với các cô kia: “Tôi không thể cho bạn mượn đâu”. Điều nầy cho thấy rằng, dù mức độ đức tin có mạnh mẽ, hoa trái đức tin có phong phú, lòng bác ái vị tha có rộng rãi đến đâu, thì vào lúc Chúa đến chúng ta không thể cho, cho vay mượn hay chia sẻ điều gì cho bất cứ người nào khác, vì tất cả hoa trái là của riêng mà mỗi người đã gặt hái được khi chân thành cộng tác với ơn Chúa. Chúng ta không thể vào Nước Trời bằng công khó của người khác, những phải bằng cố gắng cá nhân của mình.

26. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Một nửa số thiếu nữ là khờ dại. Đây là một lời cảnh giác: không phải cứ được gọi gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu là người ta đã có được mọi phẩm chất cần thiết. Nếu không chịu áp dụng các giáo huấn của Đức Giêsu vào đời sống mình, mà tiên liệu mọi sự, có thể sẽ quá muộn. Đến khi ấy, có viện dẫn mọi lý do, mọi duyên cớ ra mà thanh minh, đều vô ích. 2. Phán quyết cuối cùng về cuộc đời ta không phải là chuyện may rủi. Cũng không phải là Thiên Chúa có một bản án chuẩn bị trước cho ta, nhưng chính mỗi người thực hiện bản án đó bằng lối sống của mình. Vì bất cẩn mà các trinh nữ khờ dại đã tự loại mình khỏi niềm vui.

GLCG 672 732 2612. Trước khi lên trời, Đức Ki-tô khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Triều Đại Mê-si-a vinh hiển mà Ít-ra-en mong đợi (x. Cv 1,6-7). Theo lời các ngôn sứ (x. Is 11,1-9), triều đại này sẽ mang lại cho mọi người đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Theo Đức Ki-tô, thời hiện tại là thời của Thánh Thần và của chứng nhân (x. Cv 1,8), cũng là thời Hội Thánh gặp nhiều “thống khổ” (1Cr 7,26), thử thách (x.1 Pr 4,17) và chiến đấu (x.Ep 5,16)trong những ngày cuối cùng ( x.1Ga 2,18; 4,3; 1Tm 4,1). Đây là thời gian chờ đợi và canh thức (x. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37).

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.