Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm C – Ngày 07/07/2019

Lời Chúa: Lc 10,1-12,17-20

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

 


Suy niệm

SỨ GIẢ CỦA SỰ BÌNH AN

“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,5).

Khoa học kỹ thuật phát triển đem lại cho con người nhiều lợi ích lớn lao nhưng cũng kèm theo đó là nhiều mối nguy hại: bệnh tật ngày càng tăng do thức ăn, nước, môi trường ô nhiễm; các tệ nạn xã hội như ma túy, giết người, đánh nhau, phá thai, sống thử, quảng bá phim ảnh sách báo khiêu dâm… ngày càng nhiều; sự giả dối tràn lan khiến cho những người thật thà khó sống nổi… Đây là thực tế cho thấy con người thời nay sống trong tiện nghi nhưng luôn tiềm ẩn những lo lắng và bất an. Họ khao khát một cuộc sống thư thái, khao khát một cuộc sống bình an.

Kinh Thánh cho thấy, trước khi nguyên tổ phạm tội, con người được sống bình an trong mối tương giao hài hòa với nhau, với Thiên Chúa và với vũ trụ. Tuy nhiên, từ khi nguyên tổ phạm tội, các mối tương giao bị cắt đứt, sự bình an không còn nữa: đau khổ, cực nhọc xuất hiện (X. St 3,16-17), con người đổ lỗi cho nhau (X. St 3,12-13), giết hại nhau (X. St 4,8)… Vì thế, Chúa Giêsu đã nhập thể làm người, hoàn tất chương trình cứu độ để mang lại bình an cho con người: “Bình an cho anh em !” (Lc 24,36; Ga 20,19). Sự bình an mà Chúa mang lại vượt trên cả đau khổ và sự chết (X. Cv 7,55-60). Đây là điều mà thế gian không thể làm được (X. Ga 14,27): bình an vì có Chúa ở cùng, bình an vì được đón nhận Tin Mừng (X. Cv 10,36). Chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài đi truyền giáo và mang thứ bình an này đến cho họ: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5).

Việc truyền giáo không phải là bổn phận của riêng các giám mục, linh mục, của các thừa tác viên Tin Mừng nhưng là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu, trong đó có chúng ta. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa Giêsu sai đi và mang bình an đến cho mọi người. Nhưng chúng ta có thể làm gì? Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nhận định: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng” . Vậy làm sao để khi người khác gặp gỡ mình, họ cảm thấy bình an? Có lẽ chính đời sống của chúng ta phải làm cho những người xung quanh chúng ta cảm thấy nơi chúng ta không có sự gian dối, oán ghét, nói xấu, dèm pha, la lối thóa mạ, trục lợi… Làm sao để họ cảm thấy nơi chúng ta có tình yêu và sự tha thứ. Đó quả là một đời sống chứng nhân cho sự bình an, chứng nhân cho Lời Chúa và là cách thế hữu hiệu nhất hấp dẫn người khác mở lòng ra để đón nhận Đức Kitô. Đó đích thật là một “lời nói” hữu hiệu hơn mọi lời nói.

Lạy Chúa, khi xưa Chúa đã chọn gọi bảy mươi hai môn đệ và ban cho các ông sự bình an của Chúa, xin Chúa cũng gìn giữ, ở cùng và ban cho chúng con sự bình an của Chúa để chúng con có thể đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời và những lôi kéo đầy hấp dẫn của thế gian. Amen.


Comments are closed.