Chúa Nhật 3 Mùa Chay A – Cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng đầy hồng phúc

Phụng vụ mùa Chay nhằm chuẩn bị các tân tòng lãnh nhận phép Rửa và làm mới lại ơn Phép Rửa của các tín hữu. Chúa Giê su dùng những lời tương tự như đã nói với người phụ nữ Sa ma ri để nói với chúng ta hôm nay: Ngài xin chúng ta cho Ngài Uống, hướng dẫn mọi người đến thờ phượng Ngài và cùng lúc mạc khải cho chúng ta biết rằng Ngài là nguồn suối Nước hằng sống. Ngài là Đấng Sống, là chủ tể của sự Sống. Thờ phượng Ngài trước tiên là yêu mến thờ phượng trong chân lí, là yêu thương Cha như Con yêu Cha nhờ Thánh Thần.

 

Sách Xuất hành  17, 3-7

Trên đường băng qua sa mạc tiến về đất Hứa, nhiều lúc Dân Chúa thiếu tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa có thể khiến cho nước chảy ra từ tảng đá. Qua những nẻo đường trần gian, chúng ta đang đi về sự sống đời đời Thiên Chúa hứa ban, chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa chúng ta, vì Người là Thiên Chúa có thể làm mọi sự bất khả cho những ai tin và phó thác cho Người, là Chúa và Thầy của mình.

 

Thánh Vịnh 94

Thánh vịnh nầy là một bài thánh ca dùng trong các cuộc rước long trọng và cũng được tín hữu Do thái đọc hằng ngày. Thánh vịnh nầy cũng được dùng để dẫn vào Phụng vụ giờ kinh. Chắc chắn, Chúa Giê su và Mẹ Maria cũng đã hát thánh vịnh nầy trong cuộc đời dương thế.

 

Thư gửi Rm 5, 1-2.5-8

Được đầy Thánh Thần, người tín hữu có thể giữ vững niềm Hi vọng. Trong đọan thư nầy, thánh Phao lô mô tả sự canh tân mang lại cho con người qua ơn ban của Thánh Thần. Chính nhờ Ngài mà người tín hữu sẽ khám phá ra một vũ trụ ân sủng trong đó vinh quang Thiên Chúa sẽ biểu hiện

 

Tin mừng: Ga 4,5-42

NGỮ CẢNH

Sau thời gian ở Giu đê, Chúa Giê su đi ngang qua vùng Samari thù nghịch với người Do thái và dừng lại ở bờ giếng Gia cóp trong một buổi trưa hè oi bức. Ngài gặp và trò chuyện với một người phụ nữ Sa ma ri, qua đó, Ngài đã mạc khải cho biết Ngài là Đấng Thiên sai mang lại nguồn Nước hằng sống cho nhân loại.

Có thể đọc đoạn tin mừng nầy theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề: thời gian, nơi chốn (5-6)

2. Mạc khải Nước hằng sống (7-15)

3. Mạc khải về sự thờ phượng đích thực (16-25)

4. Chuyển đoạn: các môn đệ đến và người phụ nữ về thành (27-30)

5. Kết thúc lời mạc khải: dân cư Sa ma ri tin vào Chúa Giê su (39-42)

 TÌM HIỂU

Xy kha: có lẽ không xa kinh thành Sikhem cổ kính bao nhiêu (thậm chí là chính thành nầy chăng?), vì gần với phần đất mà theo sách Sáng Thế 48,22 tổ phụ Gia cóp đã ban cho ông Giu se.

Giếng của ông Gia cóp: dịch sát chữ là: “nguồn nước của Gia cóp”. Trong giếng sâu 32 thước nầy, một nguồn nước vọt lên, “nước hằng sống” (4,11). Thật vậy, giếng nước ngọt nầy được Gia cóp trối lại như di sản là hình ảnh sự sống mà người Israel đã lãnh nhận từ đức tin các Tổ phụ. Trong truyền thống Thánh Kinh, giếng nước là nơi gặp gỡ (Stk 24 và 28; Xh 2). Cuộc gặp gỡ ở giếng nước Gia cóp gợi lại các trình thuật về việc hứa hôn. Như thế ở đây, chính Chúa Giê su đến gặp gỡ nhân loại tội lỗi, mà người phụ nữ Samari là hình ảnh. Nên so sánh khung cảnh nầy với các dụ ngôn nói về Tân lang đang đến (x.3,29).

Mỏi mệt: Gioan nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giê su và là nơi duy nhất nói đến sự mỏi mệt của Chúa Giê su.

Một người phụ nữ: việc người phụ nữ đến giếng lấy nước là chuyện thường tình, còn việc Chúa Giê su có sáng kiến nói chuyện với chị là chuyện bất thường. Lí do là có đến hai hàng rào ngăn cách do truyền thống, một là nói với một người phụ nữ, hai là người phụ nữ ấy lại là người Sa ma ri. Tuy nhiên, Chúa Giê su không chỉ tiếp chuyện với một cá nhân, nhưng còn muốn gửi đến một sứ điệp mở rộng. Ngang qua người phụ nữ nầy, Ngài có ý muốn nói với toàn thể dân Samari, và với toàn thể thế giới ngoại giáo.

Chị cho tôi xin: Chúa Giê su ngỏ lời trước như là người xin. Ngài đang khát, nhưng điều Ngài xin còn vượt xa hơn một chút nước: đó là đức tin mà Ngài muốn khơi dậy nơi tâm hồn người phụ nữ nầy.

Người Do Thái: người phụ nữ nhấn mạnh về điều khác thường trong cuộc đàm thọai nầy, và muốn tránh né.

Không được giao tiếp với người Samari: như câu 2 và 8, trình thuật nầy bị cắt đứt bởi một lời giải thích, có thể chỉ sự thù nghịch giữa người Do Thái và người Samari (x.4,4), hoặc sợ tiêm nhiễm.

Ân huệ Thiên Chúa ban: Chúa Giê su tiếp tục cuộc đối thoại bằng cách nâng tầm nhìn của người phụ nữ lên những thực tại cao hơn. “Ân huệ Thiên Chúa” là từ dùng để gợi ý muốn biết về điều mà Thiên Chúa muốn qua cuộc gặp gỡ.

Nước hằng sống: kiểu nói mang nhiều nghĩa: nước hằng sống có thể là nguồn nước từ đáy giếng vọt lên, nhưng còn có ý nghĩa là lề luật, lời Thiên Chúa, sự Khôn ngoan, thường được so sánh với nước hằng sống trong CƯ (Is 55,1; Cn 13,14; Hc 24,21). Sự mạc khải do Chúa Giê su đem lại là nước hằng sống tuyệt vời.

Ông không có gàu: giống những người đối thoại với Chúa Giê su, người phụ nữ hiểu sai điều Ngài nói: cô ta hiểu lời của Ngài theo nghĩa đen thông thường (x.3,4;4,33).

Gia cóp: tuy vậy, người phụ nữ bắt đầu ngưỡng mộ người đang nói chuyện với mình. Bà dùng những câu hỏi để so sánh Chúa Giê su với tổ phụ Gia cóp. Phần sau của trình thuật còn gán thêm nhiều tước hiệu khác nữa cho thấy người phụ nữ đang tiến triển trong đức tin.

Sẽ không bao giờ khát nữa: lời thứ ba của Chúa Giê su chứa đựng một giáo huấn mà Ngài muốn dạy người phụ nữ. Nước giếng chỉ là một hình ảnh. Còn nước mà Ngài ban cho, vượt hẳn sự thoả mãn về phần vật chất. Nước giếng Gia cóp là hình ảnh chỉ sự phong phú của CƯ, tuy nhiên cơn khát vẫn còn. Trái lại, Chúa Giê su nhấn mạnh đến tính cách quyết định nơi mạc khải của Ngài ban cho. Hơn nữa, nguồn nước mà Ngài ban trở thành một cái gì đó ở trong thâm tâm người tín hữu để chuyển thông cho người khác. Người phụ nữ sẽ làm điều đó khi bà bỏ lại gàu nước quay trở lại thành (4,28).

Xin ông cho tôi: bây giờ thì người phụ nữ bắt đầu lời cầu xin mà Chúa Giê su đã khởi sự cuộc đối thoại (4,7). Lời cầu xin của bà có thể được hiểu theo hai bình diện: khía cạnh vật chất, là nước uống, hoặc có thể nói đến ước muốn một kho tàng phong phú thiêng liêng có thể làm thoả mãn hơn sự phong phú của Israel.

Chị hãy gọi chồng chị: bắt đầu cuộc đối thoại thứ hai, xoay quanh chủ đề về sự thờ phượng đích thực. Theo phong tục của Đông Phương cổ thời, cuộc đàm thoại với một người phụ nữ chỉ có thể được tiếp tục với sự hiện diện của người chồng (x. 4,27). Nhưng ở đây, Chúa Giê su nói lời nầy nhằm tìm cách hướng người phụ nữ đến chân lí.

Tôi không có chồng: câu trả lời nầy vừa là một lời thú nhận, vừa là một cách tránh né một cuộc đối thoại có tính riêng tư. Đàng khác người phụ nữ Samari còn tượng trưng cho nhân loại ngoại giáo không có Chồng: nó có nhiều chồng vì thờ lạy nhiều bụt thần, đặc biệt những vị thần chế ngự dân Samari. Như thế câu nầy dẫn vào phần suy tư về sự thờ phượng tiếp theo sau.

Chị nói là phải: ở đây Chúa Giê su xuất hiện như là một nhân vật siêu phàm, biết tường tận cuộc sống riêng tư của người phụ nữ nầy.

Một ngôn sứ: tước hiệu thứ hai của Chúa Giê su (x.4,12). Niềm tin bắt đầu lớn dần.

Cha ông chúng tôi: một lần nữa, người phụ nữ tìm cách tránh né vấn đề Chúa Giê su đặt ra bằng cách hướng câu chuyện sang một cuộc tranh luận về nghi thức.

Đã thờ phượng: các từ “thờ phượng” được lặp đi lặp lại 9 lần trong 5 câu cho thấy đây là từ chủ chốt trong đoạn văn.

Núi nầy: tức là núi Garizim. Dù đền thờ trên núi đã bị tàn phá năm 128, nhưng người vẫn tiếp tục thực hành việc thờ phượng. Để giải thích lời Chúa Giê su, một lần nữa, người phụ nữ đề cập đến truyền thống tôn giáo của quê hương. Nhưng lần nầy thì chị ta đang đến với ánh sáng.

Đã đến giờ: (x.4,23). Lời thứ ba của Chúa Giê su mang đến một giáo huấn mới (4,13-14). “Lúc” đã đến chính là thời điểm của lễ Vượt qua vừa là sự tôn vinh Chúa Giê su vừa thiết lập Giáo Hội. Trong “giờ của Ngài” Chúa Giê su nối dài giao ước của Ngài ra cho tòan thể nhân lọai (10,16; 11,52).

Núi: người Samari đã sai lầm khi thực hành một nền phụng tự tách biệt. Thiên Chúa của Israen đòi hỏi sự duy nhất tôn giáo. Chúa Giê su loan báo rằng sự tranh chấp quá khứ đã qua.

Giêrusalem: nhưng phụng tự dành cho Thiên Chúa độc nhất, như người ta vẫn cử hành ở Giêrusalem, cũng gắn liền với một dân tộc và một kinh thành. Do đó nó không chung quyết, vì thế Chúa Giê su loan báo một đền thờ mới (x.2,13-22).

Các người không biết: phụng tự li giáo Samari gắn liền với một tuyển tập hạn hẹp các sách thánh của Israen và lọai bỏ các sách tiên tri. Do đó họ trung thành với một tôn giáo không thảy đổi đem lại những hoa trái nghèo nàn. Còn Thiên Chúa của Israen là một Thiên Chúa nhờ các trung gian là các tiên tri luôn đồng hành với dân của Người qua bao thế kỉ và can thiệp trong lịch sử của họ. Người Do thái nhận ra Thiên Chúa hằng sống.

Nên để ý đến sự đối kháng: “Các ngươi / còn chúng tôi

Ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái: khẳng định của nhiều bản văn Kinh thánh (Stk 49,10 và các tiên tri): đấng Messia Cứu độ từ dân Híp pri mà ra.  Ngài là hậu duệ của Vua Đa vít (Tv 110).

Chính là lúc này đây: Chúa Giê su khẳng định giờ là lúc thực hiện các lời hứa với người Híp pri và mở rộng cho tất cả các dân tộc. Việc Ngài đi ngang qua Samari là dấu cho thấy sự phúc âm hóa phổ quát.

Trong thần khí và sự thật: Không cần gán cho “thần khí và sự thật” một ý nghĩa phi vật chất như thể Chúa Giê su lên án mọi phụng tự bên ngòai. Chống lại thứ giáo lí thiên vị và phe phái đóng khung trong một tôn giáo hạn hẹp trong giới hạn con người, Chúa Giê su nhắc lại rằng Thiên Chúa là Thần khí và những “ai tôn thờ thật sự” đều chỉ đi tìm Thiên Chúa mà thôi.

Thần khí và chân lí là những thực tại thuần nhất siêu việt trên con người. Cần phải “sinh ra từ Thần khí” để có thể vào trong Nước Thiên Chúa  (3,5). Chúa Giê su là Chân lí (14,6), chứng nhân cho chân lí của Thiên Chúa và là đường chân lí cho con người. Ngài là trung tâm, niềm cảm hứng và hiệu quả của nền phụng tự mới.

Đấng Messia: Niềm tin của người phụ nữ giờ đây được khơi gợi lên. Và bà nói lên một tước hiệu mới (x. 4,12.19). Chúa Giê su áp dụng cho chính mình: thật vậy, Ngài có thể giúp cho người khác nhận ra Ngài. Do đó, Ngài kết thúc cuộc đàm thọai với một lời công bố long trọng: Ngài đích thật là đấng Messia.

Ngài có thể đi xa hơn và cho biết rằng: Đấng nói với chị chính là đấng TA LÀ đã mạc khải cho Môi sê trong sách Sáng thế, và do đó Ngài khẳng định thiên tính của mình.

 

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay kể lại một cuộc gặp gỡ quan trọng và lạ lùng giữa Chúa Giê su và người phụ nữ Samari. Người đàn ông gặp và trò chuyện với một người đàn bà là một điều bình thường xảy ra trong đời sống. Một ánh mắt nhìn, một sự giúp đỡ hay cùng nhau đồng hành một quãng đường cũng là điều rất bình thường. Nhưng từ đó, mọi sự đã đổi thay. Cuộc sống của mỗi người có một điểm đến hoàn toàn mới. Nhiều cặp vợ chồng có thể kể về kinh nghiệm đó rõ ràng hơn bất cứ ai.

Nhưng cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê su và người phụ nữ Samari lại hoàn toàn khác. Nó đã trở thành biến cố quyết định, làm đảo lộn mọi sự trong cuộc đời của người phự nữ nầy. Một chi tiết có tầm quan trọng đặc biệt: tác giả tin mừng nhấn mạnh cuộc gặp gỡ ấy xảy ra vào giữa trưa. Đó là lúc ánh nắng chói chan nhất, có thể để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ánh sáng. Thật vậy, bằng lời nói và bằng tất cả cuộc sống mình, Chúa Giê su là Ánh sáng cho mọi người trên trần gian vì Ngài có thể biến đổi hoàn toàn cuộc sống của con người. Và điều đó đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ với người đàn bà Samari.

Cuộc gặp gỡ nầy có lẽ đã không diễn ra. Bình thường Chúa Giê su đã không phải đi ngang qua Samari. Từ lâu người Do thái và người Samari đã không qua lại với nhau nữa. Người Do thái từ xưa tỏ ra nghi kị người Samari, bởi vì nhóm ngưởi nầy gốc gác từ Babylon. Khi trở về định cư ở Palestina, họ đã mang theo tôn giáo và thần thánh của họ. Sự nghi ngờ ấy càng tăng thêm với thời gian, và coi như không thể hóa giải vào thời Chúa Giê su. Điều đó cắt nghĩa sự ngạc nhiên của người đàn bà Samari: Một người Do thái mà lại hạ mình xuống xin bà giúp đỡ à ?

Và chị còn ngạc nhiên hơn nữa vì thái độ niềm nở của Chúa Giê su biểu lộ qua lời nói thân thiện của Ngài. Trong cuộc gặp gỡ nầy, chúng ta khám phá hai cơn khát: cơn khát của Con Thiên Chúa đến tìm và “cứu chữa những gì đã hư mất”. Rồi đến cơn khát của người phụ nữ Samari đến đế lấy nước giếng. Nhưng trong lòng chị cũng còn âm ỉ tìm kiếm một tình yêu thực sự. Chị đã tìm và đã gặp khi nghe Đức Ki tô nói đến một ơn ban đích thực của Thiên Chúa là chính Chúa Giê su. Dù bị coi là thuộc bè rối, người Samari vẫn trông chờ đấng Messia sẽ mang đến mọi sự hiểu biết. Sau những giây phút ngạc nhiên xa cách ban đầu, người phụ nữ Samari đã đi dần vào cuộc đối thoại. Bà đã xin Chúa Giê su cho biết cần phải làm gì để được đẹp lòng Thiên Chúa. và đã bắt đầu hiểu biết về đấng Messia.

Dọc theo bài trình thuật nầy, thánh Gioan cho thấy rằng với việc Chúa Giê su đến, bộ mặt trần gian nầy đã thay đổi, tất cả những vấn đề đã tìm được câu giải đáp. Từ nay, phụng tự dành cho Thiên Chúa không còn là một cuộc cử hành ở nơi nầy nơi kia, trong đền thờ nầy, hay trên núi thánh nọ. Nhưng là việc thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lí. Nước hằng sống, là chính nước Chúa Giê su ban cho chúng ta; vọt lên từ tâm hồn người tín hữu. Đó là ơn ban của Thiên Chúa. Và một khi đã lãnh nhận Nước hằng sống từ Chúa Giê su, người phụ nữ Samari đã chạy về gọi dân thành Samari đến gặp đấng Messia.

Bài tin mừng nầy cũng đến với chúng ta trong hiện trạng mà chúng ta đang sống cũng như trong hoàn cảnh thế giới hiện nay. Chúng ta khước từ người khách lạ, vì họ khác với chúng ta. Nhưng giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu thay đổi cái nhìn về những người chung quanh làm sao cho giống cái nhìn của Đức Ki tô, một cái nhìn rộng mở tiếp đón, một cái nhìn từ chối xét đóan và lên án, nhưng chỉ tìm cách làm cho người khác được hạnh phúc hơn.

Thế giới của chúng ta đang bị xâu xé bởi biết bao đau khổ và bạo lực, đang khao khát một niềm hi vọng để giải quyết các vấn đề cuộc sống, việc làm, gia đình và bao vấn đề khác. Nhưng vấn đề quan trọng nhất lại ở chỗ khác: điều mà thế giới đang khao khát nhất là chân lí, ánh sáng, gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giê su tự giới thiệu cho chúng ta là Đấng Em ma nu ên, Thiên Chúa ở với chúng ta. Chính nhờ Ngài và trong Ngài mà đức tin mới có thể trở thành sự thờ phượng đích thực đối với Thiên Chúa. Được tiếp sức như thế, chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu đam mê của Thiên Chúa Cha đối với tất cả chúng ta.

Đó là lời mời gọi mà Lời Chúa gửi đến chúng ta trên đường tiến về lễ Phục sinh. Người Phụ nữ Samari đã khám phá tất cả về Chúa Giê su. Bây giờ, chúng ta cũng phải tự hỏi chính mình: chúng ta có biết Ngài rõ không ? Chắc chắn, Ngài không phải là người xa lạ. Nhưng có thể Ngài đã trở nên người khách lạ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Một vài người chỉ quan tâm đến Ngài trong mức độ mà Ngài mang lại một giải đáp cho các vấn đề riêng của họ.

Đức Ki tô là Đấng Thiên Chúa Cha sai đến, là đấng Cứu độ trần gian. Ngài đã đến thay đổi cách sống và yêu thương của chúng ta. Chính khi nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của Ngài, đặc biệt bằng tin mừng mà chúng ta học biết yêu thương như Ngài và với Ngài. Như người phụ nữ Samari, chúng ta có thể nói: “Ngài đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Đó không phải là lời phán đoán lên án, nhưng đơn giản là sự hiện diện soi sáng đến thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Điều quan trọng là huy động mọi sự để tất cả mọi người đều có thể gặp Đức Ki tô đang đến với họ. Ước gì tất cả chúng ta có thể nhận ra và tiếp nhận nước hằng sống mà Ngài muốn đổ tràn trong tâm hồn chúng ta. Đức Ki tô khao khát đức tin, niềm hi vọng và tình yêu của chúng ta. Vì thế hằng ngày, Ngài van xin chúng ta: “Hãy cho Thầy uống”. Ngài khao khát sự hiện diện của tất cả mọi người ở bên Ngài, cũng như lời cầu nguyện và sự dấn thân của họ bên cạnh Ngài, để Tin mừng được mọi người nhận biết. Ngài khát khao đổ tràn trong tâm hồn họ tình yêu, và nước hằng sống mà Ngài đến để mang lại cho thế gian.

Quà tặng của Thiên Chúa trong chủ nhật nầy được trao ban trong Thánh Thể. Ước gì sự gặp gỡ ấy giúp chúng ta tiếp nhận đấng đang đến ngự trong chúng ta.

 

ĐÀO SÂU

NƯỚC HẰNG SỐNG

Xh 17,3-7 Thiên Chúa nhờ ông Mô-sê cho dân Người được nước uống

Tv 95,1 Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy nghe tiếng Người

Rm 5,1-2.5-8 Tình yêu Thiên Chúa đã đổ xuống trong tâm hồn chúng ta

Ga 4,5-42 Người thiếu phụ Sa-ma-ri và ơn ban nước hằng sống

 1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: NƯỚC HẰNG SỐNG. Nước chảy từ tảng đá đã giải khát dân Chúa trong sa mạc (Bđ1). Cũng như nước mà Đức Giê-su hứa ban cho người nữ Sa-ma-ri, là hình ảnh của ơn ban cứu độ mà Ngài sẽ mang lại cho nhân loại (BTM), bởi tình yêu Thiên Chúa đổ xuống trong tâm hồn chúng ta (Bđ2).

 2. HỎI: Bối cảnh của bài đọc một (Xh 17,3-7) như thế nào?

THƯA: Bài đọc một là trích đoạn của sách Xuất hành, kể lại việc dân Híp-pri được cứu khỏi đất nô lệ Ai cập và tiếp nhận Giao Ước Si-nai trên đường tiến về đất hứa. Trong suốt cuộc hành trình ấy, Thiên Chúa đã cho thấy Người là Đấng Cứu độ trước những khó khăn mà dân Chúa phải vượt qua để trung thành với Người. Ở Rơ-phi-đim cơn đói khát (c. 16) và nắng cháy (c.17) đã làm cho họ tiếc nuối thời nô lệ bên Ai cập.

 

 3. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc một cho thấy một sự cố xảy ra trên đường tiến về đất hứa: ở Rơ-phi-đim giữa sa mạc nắng cháy, dân kêu ca phản kháng vì thiếu nước uống. Thiên Chúa đã truyền cho ông Mô-sê lấy cây gậy đập vào tảng đá để nước trào ra cho dân uống. Đó là hình ảnh báo trước trong thời sau hết, chính Đức Giê-su là đấng ban Nước hằng sống, tức là Thánh Thần ban sự sống đời đời cho con người. 

 

 4. HỎI: Mát-xa và Mê-ri-ba là những địa danh nào?

THƯA: Mát-xa và Mê-ri-ba không phải là những địa danh có thực, nhưng là tên gọi có tính biểu tượng. Mát-xa là thử thách, còn Mê-ri-ba là gây gỗ. Hai tên gọi ấy gợi lại câu chuyện xảy ra ở Rơ-phi-đim nơi mà dân nổi lên chống lại Mô-sê người đại diện Thiên Chúa.

 

 5. HỎI: Tại sao dân chống đối Mô-sê?

THƯA: Dân chống đối Mô-sê, vì không tìm đâu ra nước uống. Đó không phải là thái độ tốt. Đúng ra họ phải cố gắng tin tưởng tự nhủ rằng Thiên Chúa vì muốn cho chúng ta tự do, nên Người đã thử thách chúng ta, và Người sẽ làm mọi cách để chúng ta sống còn.

 

 6. HỎI: Và Thiên Chúa đã giải quyết như thế nào?

THƯA: Thiên Chúa luôn luôn trung thành với chương trình của Người. Người truyền cho ông Mô-sê lấy gậy đập vào tảng đá. Nước trào ra và dân đã không còn khát nữa. Chính vì thế mà nơi ấy không còn gọi là Rơ-phi-đim nữa mà là Mát-xa và Mê-ri-ba: nơi mà dân thử thách và gây gỗ chống lại Đức Chúa.

 

 7. HỎI: Ngoài nước uống, dân Chúa còn được hưởng được điều gì nữa?

THƯA: Ngoài nước uống giữa sa mạc, dân Chúa còn xác tín rằng Thiên Chúa đang ‘hiện diện ở giữa dân Người’, bên cạnh họ và chính Người hướng dẫn họ đi trên con đường tự do. Đó là điều mà người ta không được nghi ngờ.

 

 8. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Rm 5,1-2.5-8) như thế nào?

THƯA: Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện cao độ bởi sự kiện là Người ban cho chúng ta Con yêu dấu của Người trong khi chúng ta không xứng đáng chút nào.

 

 9. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Ga 4,5-42) như thế nào?

THƯA: Đức Giê-su đang đi qua vùng Sa-ma-ri trên đường tiến về Ga-li-lê (4,4). Ngài phải rời vùng Giu-đê vì người Pha-ri-sêu tìm cách theo dõi Ngài. Lúc bấy giờ là giữa trưa. Có 3 ý chính: 1) Mở (4,1-3); 2) Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ, lời xin nước dẫn đến lời mạc khải và kết thúc bằng lời đối thời với các môn đệ (4,4-38); 3) Gặp gỡ với dân Samari (4,39-42).

 

 10. HỎI: Tại sao thánh Gio-an xác định chi tiết: vào lúc giữa trưa?

THƯA: Vì hai lí do: thứ nhất vì đó là giờ nóng nhất, người phụ nữ Sa-ma-ri lợi dụng lúc ít người kín nước để đi ra giếng nước. Thứ hai, Thánh Gio-an muốn nói rằng đó là giờ nhiều ánh sáng nhất và ánh sáng trần gian sắp chiếu dọi trên người phụ nữ Sa-ma-ri qua sự mạc khải của đấng Mê-si-a.

 

 11. HỎI: Giếng Nước gợi lại những câu chuyện gì trong Kinh Thánh?

THƯA: Nước mang lại cho con người những hồng ân sự sống. Giếng nước gợi lại những cuộc gặp gỡ nổi tiếng trong Kinh thánh. Đó là nơi ông A-bra-ham gặp Rê-béc-ca, sau nầy trở thành vợ I-sa-ac. Đó là nơi Gia-cóp gặp Ra-khên. Và ở bờ giếng vùng Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã gặp và trò chuyện với một người phụ nữ, một trong những câu chuyện nổi tiếng trong tin mừng Gio-an.

 

 12. HỎI: Cụm từ ‘Giếng Gia-cóp’ có những ý nghĩa nào?

THƯA: Trước tiên ‘Giếng Gia cóp’ có nghĩa mặt chữ, vì nó cho ta biết một địa danh (mà ngành khảo cổ đã xác định là có thật). Kế đến, cụm từ ấy còn có nghĩa bóng (ẩn dụ).  Việc “Đức Ki tô ngồi trên giếng” đưa các cuộc gặp gỡ thần hiển giáo huấn về Nước trong Cựu Ước đến một cuộc thần hiển mới: cái giếng mới làm cho mọi người không còn khát nữa chính là một người sống, là chính đấng Ban Sự sống. Đức Giê-su Na gia rét, bởi bản tính Thiên Chúa của Ngài có thể ban Nước hằng sống cho những ai tin vào Ngài.

 

13. HỎI: Tại sao tác giả tin mừng coi việc Đức Giê-su xin người phụ nữ Sa ma ri cho ưống nước là một hành vi không bình thường?

THƯA: Bởi vì có sự thù địch giữa người Do thái và người Sa-ma-ri. Ngòai ra, việc một vị Thầy Rabbi mà lại nói chuyện với một người phụ nữ, mà người phụ nữ đó lại là người Sa-ma-ri là một điều khó coi. Tuy nhiên Đức Giê-su không để cho mình bị cản trở bởi sự thù hằn sắc tộc và thói quen con người, nên dùng phưong pháp “xin giúp đỡ” để “phá tan băng giá” và tạo bầu khí thân thiện.

 

 14. HỎI: Sự hiềm thù giữa người Giuđa và Samari bắt nguồn từ đâu?

THƯA: Sự hiềm khích giữa họ bắt đầu từ thời rất xa xưa. Người Do thái từ lâu coi người người Sa ma ri như những kẻ rối đạo, vì một số trong họ đến từ các giống dân ngoại được đế quốc At-xi-ri cho di cư sau năm 722. Còn người Sa-ma-ri lại coi người Giê-ru-sa-lem không trung thành với Lề luật bằng họ. Càng ngày sự hiềm khích ấy càng lớn dần khiến chúng ta có thể hiểu được tại sao người phụ nữ Sa-ma-ri đã rất ngạc nhiên khi Đức Giê-su tiếp chuyện với chị.

 

15. HỎI: Đức Giê-su nói: “Thật ra, chị có đến 5 đời chồng, và người đàn ông hiện giờ không phải là chồng của chị”. Liệu câu hỏi ấy của Đức Giê-su có giá trị ẩn dụ nào không?

THƯA: Có, nó chỉ đời sống tôn giáo của người Sa-ma-ri ; thật vậy, trong suốt lịch sử văn minh của mình, họ đã thờ lạy đến năm vị thần linh, và vào thời Đức Giê-su, họ thờ phượng Thiên Chúa đích thật. Tuy nhiên, họ thờ phượng một cách lầm lạc, nghĩa là không mấy trung thành với Thánh Kinh Ít-ra-ên (..không phải là chồng chị).

 

 16. HỎI: Lời tuyên xưng đức tin của người phụ nữ Sa-ma-ri có phải là lời tuyên xưng đức tin hoàn hảo không?

THƯA: Nếu lời tuyên xưng ấy không thực sự hoàn hảo thì chắc chắc nó cũng là một lời tuyên xưng tuyệt vời, vì bà nhận ra chiều kích phổ quát của ơn cứu độ mà Đức Giê-su mang đến.

 

 17. HỎI: Thái độ của Đức Giê-su có mang lại giáo huấn nào cho chúng ta không?

THƯA: Chắc chắn rồi, Con Thiên Chúa tỏ ra là người cần được giúp đỡ. Ngài đến gõ cửa để gợi lên ý thức của chúng ta và xin chúng ta một điều gì đó để phục vụ chúng ta chứ không phải phục vụ Ngài. “Điều gì đó” cho phép chúng ta sống trong Chân lí và đạt tới mức độ trưởng thành hoàn toàn về phương diện nhân bản và thiêng liêng. Tiếc thay, thường điều mà Đức Giê-su xin và chờ chúng ta cho Ngài lại gặp phải một thái độ từ chối thẳng thừng.

 

 18. HỎI: Người phụ nữ Sa-ma-ri bắt đầu nhận ra điều gì?

THƯA: Chị nhận ra rằng trong Đức Giê-su có một khả năng bao la và tuyệt vời đi vào tâm hồn con người.

 

 19. HỎI: Thiên Chúa cần phải đựoc thờ phượng trong “tinh thần và chân lí” có nghĩa gì?

THƯA: Có nghĩa là Thiên Chúa độc nhất của Vũ trụ cần phải đựoc thờ phượng với một tinh thần như chính Đức Giê-su đã thực hiện. Đền thờ mới thờ phượng Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki tô. Chỉ nơi Ngài, ngang qua và nhờ vào công nghiệp của Ngài, chúng ta mới có thể đạt tới một lời cầu nguyện đích thực, không đặt nền tảng trên khoảng cách hay ngăn cách trên sự hữu hạn của con người hay trên sự siêu việt của Thiên Chúa, nhưng trên sự hiệp thông đầy đủ với Thiên Chúa (x. Rm 8).

 

 20. HỎI: Ơn ban cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho con người là gì?

THƯA: Đó chính là Đức Giê-su, đó là ơn được nhận biết Ngài. “Sự sống đời đời chính là việc nhận biết Cha, và đấng mà Cha đã sai đến” (Ga 17,3)

 

 21. HỎI: Qua câu chuyện nầy, thánh Gio-an muốn gửi đến sứ điệp gì?

THƯA: Qua câu chuyện nầy, Thánh Gio-an muốn cho chúng ta biết rằng khi Đấng Mê-si-a đến, bộ mặt trần gian sẽ đổi khác vì các câu hỏi đã tìm được câu trả lời. Thời điểm mà toàn bộ lịch sử con người hướng tới đã điểm. Từ nay, phụng tự không còn là câu chuyện nơi nầy hay nơi kia, ở đền thờ nầy hay đền thờ khác, tại núi nầy hay núi nọ. Nước hằng sống sẽ vọt lên nơi tâm hồn mọi người tín hữu.

 

 22. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Đức Giê-su là đấng có thể thấu hiểu tâm hồn con người và biết rõ nỗi khát khao sâu xa của họ, mạc khải như là nguồn suối ban sự sống mới không bao giờ cạn. Nhờ Thánh Thần Ngài ngự trong chúng ta và biến đổi tâm hồn, chúng ta có thể trở thành một suối tình yêu, tha thứ cho người khác theo gương Đức Ki-tô hằng sống. 2. Chỉ Đức Giêsu mới chỉ cho chúng ta và giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa đúng đắn, bởi vì Người ban Thần Khí và Chân Lý cho chúng ta, Người là Đấng Mêsia, Đấng Cứu độ trần gian (Ga 6,42). 

GLCG 694 1218 2652. Nước: trong bí tích Thánh Tẩy, nước là một biểu tượng đầy ý nghĩa về tác động của Thánh Thần, vì sau khi kêu cầu Thánh Thần, nước trở thành dấu bí tích hữu hiệu của việc tái sinh: như trong lòng mẹ, chúng ta được cưu mang trong nước; nước rửa tội thực sự nói lên rằng cuộc tái sinh vào đời sống Thiên Chúa được ban trong Thánh Thần. Vì “đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần”, nên chúng ta “đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” (1Cr 12,13). Chính Thánh Thần là Nước trường sinh chảy ra từ cạnh sườn Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá (x. Ga 19,34; 1Ga.5,8), và chảy thành sự sống đời đời trong lòng chúng ta (x. Ga 4,10.14; 7,38; Xh 17,1-6; Is.55,1; Dcr 14,8; 1Cr 10,4; Kh 21,6; 22,17).

GLCG 2560 “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban!” (Ga 4,10). Bên bờ giếng, nơi chúng ta đến tìm nước, Đức Ki-tô đến gặp từng người và cho thấy điều kỳ diệu của cầu nguyện. Đức Ki-tô tìm chúng ta, trước khi chúng ta tìm Người; và Người xin: “cho tôi chút nước uống”. Đức Giê-su khát; lời Người xin phát xuất từ nỗi khát khao sâu thẳm Thiên Chúa dành cho chúng ta. Dù ta biết hay không, kinh nguyện vẫn là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cả hai cùng đang khát. Thiên Chúa khát mong chúng ta khao khát Người (T.Âu-tinh 64, 4).

Comments are closed.