Vạn sự khởi đầu nan, là một cộng đoàn, Giáo hội không tránh khỏi luật chung ấy. Khởi đầu mọi sự đều thông suốt, nhưng ít lâu sau, khi sự hồ hởi ban đầu không còn nữa, người ta dể dàng quay về chính mình. Sự duy nhất trong tình yêu là yếu tố vô cùng cần thiết nhưng khó đạt được. Điều trước tiên cần phải có là hòa giải và tha thứ cho nhau. Xây dựng Nước Chúa là một điều không bao giờ là một điều dễ dàng.
Sách Tiên ti Êdêkiên 33, 7-9
Tiên tri Êdêkiên bị lưu đày sang Ba bi lon mười năm trước khi Giê ru sa lem bị tàn phá. Ông được đặt làm người lính canh có bổn phận khám phá ra các dấu chỉ Thiên Chúa giải thoát và tha thứ để loan báo cho cộng đòan Ít ra ên. Trách nhiệm to lớn là vậy, thế mà nhiều khi cũng phải ngao ngán trước sự dửng dưng hoặc thù nghịch của những người đồng hương. Dù vậy ông vẫn cứ nói.
Thánh Vịnh 94
Đây là Thánh vịnh dạy con cái Giáo hội thờ phượng Chúa bằng cách tạ ơn muôn hồng ân và lòng thương xót bao la mà Ngài dành cho họ. Nó mời gọi chúng ta chiến đấu chống lại những cám dỗ và sống theo Thánh ý của Thiên Chúa.
Thư gửi Rôma 13, 8-10
Yêu Thương là hoàn thiện của Lề luật, và chúng ta không bao giờ làm xong bổn phận Yêu thương. Và Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được diễn tả bằng Tình yêu đối với anh em mà chúng ta trông thấy. Một tình yên anh em chân thành sẽ là nền tảng cho Tình yêu đối với Thiên Chúa và giúp chúng ta có thể cầu nguyện nội tâm thật sự.
Tin mừng : Mt 18: 15-20
NGỮ CẢNH
Chương 18 đưa ta vào một diễn từ mới: diễn từ thứ tư nói về đời sống huynh đệ trong Giáo Hội. Bài diễn từ được khai triển theo hai chủ đề chính: phần đầu gồm các câu 1-14 nói về những “kẻ bé mọn”; phần sau gồm các câu 15-35 đề cập đến trường hợp người anh em phạm tội. Mỗi phần kết thúc với một dụ ngôn: con chiên lạc (18,12-14) và vua và người đầy tớ (18,21-35).
Có thể đọc đoạn Tin mừng nầy theo cấu trúc hai phần như sau:
1. Phần 1 (15-17) trình bày cách thức ba bước để sửa lỗi anh em mình;
2. Phần 2 (18-20) trình bày ba lời của Chúa Giê su có liên can đến vấn đề sửa lỗi.
TÌM HIỂU
Nếu người anh em: cụm từ nầy nói về những người có liên hệ huyết thống trong một gia đình, nhưng cũng để gọi những người có tương quan với nhau trong một cộng đoàn thiêng liêng (x. 1P 2,5).
Của anh trót phạm tội: Lời nầy cho thấy Giáo hội không bao gồm toàn những kẻ hoàn thiện, nhưng còn có những tội nhân. Vậy khi thấy anh em mình phạm tội, thì cần phải làm gì ? Câu nầy xem ra mâu thuẫn với Mt 7,1-5 nói về cọng rác và cái xà. Điểm nhấn mạnh ở đây là việc sửa lỗi phải thực hiện trong tình bác ái và cho thấy niềm hy vọng tạo cơ hội cho Chúa Thánh Thần hoạt động nơi người có lỗi, Người là đấng duy nhất đầy đủ quyền hành để minh xác tội trạng và dẫn đưa tội nhân ăn năn sám hối. Nếu tội nhân chịu nghe lời sửa lỗi, đó sẽ là một chiến thắng của Chúa Thánh Thần, và Giáo hội lợi được một phần tử.
Một mình anh với nó: đây không phải là một lời khuyên do sáng kiến của Chúa Giê su, vì trong sách Lê vi 19,17 chúng ta đã thấy có một quy định tương tự.
Thì hãy đem theo một hay hai người nữa: Chỉ thị nầy nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có đặc biệt đối với tội nhân bướng bỉnh. Người giúp đỡ tội nhân chính là người trợ giúp trước khi phải nại đến thẩm quyền cao hơn.
Thì hãy đi thưa với Hội Thánh: Việc đưa tội nhân ra trước Giáo hội không phải là một sự xét xử, song là một việc long trọng khuyến dụ hoán cải nhân danh Chúa Giê su Ki tô. Trong trường hợp nầy, Giáo hội chẳng làm gì khác hơn là công bố chính sứ điệp của mình: lời ân xá và tha thứ; nhưng lời nầy sẽ trở thành lời xét xử đối với những ai bác bỏ, khước từ. Chính vì có sứ mạng loan báo sứ điệp đó mà cộng đoàn nhận được quyền cầm buộc và tháo cởi (c.18). Quyền nầy không phải là quyền của toà án, nhưng hệ tại ở việc đặt lương tâm con người đối diện với Thiên Chúa công bình và nhân ái. Ai không nghe, đương nhiên bị loại trừ khỏi cộng đoàn, không còn là anh em nữa.
Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì: ai là ‘anh em’ được nói ở đây? Các tông đồ có trách nhiệm trong cộng đoàn, hay tất cả mọi người ? Theo mạch văn, thì đó là các môn đệ có trách nhiệm mục vụ trong cộng đoàn địa phương.
Hai người trong anh em: Lời cầu xin của một số người cũng như lời phán quyết chính thức của Giáo hội đều được trên trời tiếp nhận. Khi hai người hiệp nhau trong đức tin trước nhan Thiên Chúa của Chúa Giê su Ki tô là họ đứng với nhau trên cùng mảnh đất vững chắc của ân sủng, được hiệp nhất trong cùng một lòng nhân ái, cùng một lòng tha thứ khiến họ trở thành anh em, thành con cái của Cha trên trời. Lời kinh của những kẻ bé nhỏ, tội nhân, sẽ được nhậm lời: Chúa Ki tô ở đâu, Giáo hội ở đó.
Thì có Thầy ở đấy, giữa họ: Nhắc lại đám mây thời xuất hành (Xh 40,34-38), nơi Thiên Chúa thường xuyên ở với dân Người. Giờ đây chính Chúa Giê su vinh hiển đang ở giữa các môn đồ của Ngài, một cách gần gủi hơn bất cứ ai ở giữa những người khác.
SỨ ĐIỆP
Với bài tin mừng hôm nay, Chúa Giê su dạy các môn đệ cách xử sự thế nào đối với người anh em phạm tội. Bản văn nầy thuộc thành phần bài diễn từ trước hết nói với Nhóm Mười Hai, là nhóm người mà Ngài sẽ trao phó sứ mạng thực thi quyền bính trong Giáo Hội cùng với quyền cầm buộc và tháo cởi. Vì thế họ được ủy thác chăm sóc cộng đoàn. Bản văn mà chúng ta vừa nghe tiếp theo dụ nguôn con chiên lạc. Cách bố cục ấy muốn nói rằng ưu tiên cao nhất của Chúa Giê su là cứu vớt người lầm lạc và có nguy cơ bị hư mất. Sứ mạng của người mục tử do đó là làm mọi cách để đưa họ trở về.
“Nếu anh em ngươi lỗi phạm với ngươi”. Đây không phải là một sự xúc phạm cá nhân, dù thỉnh thoảng điều đó có thể xảy ra. Người có tội trước tiên đó là người lìa xa Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Đôi khi toàn thể cộng đòan cũng có thể bị sa vào tình trạng tội lỗi. Như chứng từ của một Linh mục nói về giáo xứ của Ngài: xét từng cá nhân, thì ai cũng rất quảng đại. Ai cũng thành thạo trong lãnh vực mà họ cộng tác với giáo xứ. Nhưng khi ngồi lại với nhau, thì không ai nhường ai, và không thể chịu đựng nhau được nữa. Họ không thể chia sẻ trách nhiệm, và tệ nhất là không sao nói chuyện với nhau để giải quyết những bất đồng. Một cộng đòan chia rẻ như thế thì làm sao có thể làm chứng cho tin mừng? Vì Chúa Giê su đã khẳng định: “Chính qua Tình yêu thương nhau mà người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35).
Nếu có một người đang gặp nguy hiểm trên đường, dưới nước hoặc một chỗ nào khác, lề luật dạy chúng ta phải đến cứu giúp họ. Nếu không làm như thế thì chúng ta mắc lỗi không cứu giúp người đang gặp nạn. Ở mức độ cộng đòan ki tô hữu cũng thế. Tiên tri Êdêkiên đã được Thiên Chúa đặt lên làm người canh gác Nhà Israel. Người canh gác là người canh thức, người quan tâm chú ý đừng để cho ai bị nguy hiểm. Và nếu có, anh ta phải là người cứu hộ trước tiên.
Nhưng để thực hiện việc cứu hộ ấy, cần phải tuân thủ những qui luật. Để đưa một tội nhân lầm lạc trở về cần có tâm hồn tế nhị và khéo léo. Bước đầu tiên là phải tiếp xúc riêng một cách thân tình. Tố cáo người ấy công khai thì chỉ hạ thấp và giam hãm người ấy trong chính họ mà thôi. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta không phải là quan án. Chúng ta hiện diện là để cứu vớt, để lợi được người anh em cần được giúp đỡ.
Bước đầu có thể gặp thất bại, vì người anh em đó không muốn nghe: lúc đó chúng ta sẽ nhờ hai hoặc ba người được chọn lựa kĩ càng cùng đi với chúng ta. Với sự hiện diện của họ, hi vọng là vấn đề sẽ minh bạch và anh ta cũng dễ thuyết phục hơn. Nhưng nếu anh ta vẫn còn cố chấp, Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy dùng những cách xứng hợp để nói với cộng đoàn Giáo hội. Cộng đòan sẽ làm mọi sự để đưa anh ta trở về bằng lời cầu nguyện và như thế cộng đòan sẽ được lợi người anh em đó. Nhưng cũng có thể là người anh em đó cũng không nghe Giáo Hội. Bấy giờ, Chúa Giê su bảo chúng ta hãy coi người ấy như người ngọai giáo và người thu thuế, nghĩa là không được hiệp thông với cộng đòan. Nhưng cả trong trường hợp ấy chúng ta cũng không nên hiểu sai ý nghĩa lời Ngài nói. Giáo Hội không phạt vạ tuyệt thông nhưng chính tội nhân tự cắt đứt mối liên hệ khi tự đặt mình ở ngoài cộng đoàn. Đàng khác, người tội lỗi không bị bỏ mặc cho số phận thê thảm của mình. Trái lại, một giai đoạn mới bắt đầu cho anh ta.
Chúng ta không được vội vã đưa ra phán quyết cuối cùng nhằm lọai bỏ dứt khoát tội nhân. Chúa Giê su thường rất quan tâm đến những người thu thuế, và Giáo hội cũng được sai đến với dân ngọai. Từ nay cộng đoàn sẽ cùng quan tâm nhiều hơn đến người có tội nầy bằng tình yêu và sự rao giảng tin mừng. Tất cả phải được thực hiện bởi sứ mạng của cộng đòan là đem người tín hữu đi lạc trở về. Không ai có thể nói: “Đó không phải là vấn đề của tôi”. Mỗi người có phần trách nhiệm của mình: Điều đó liên hệ đến mọi người ki tô hữu vì nhận ra rằng anh em mình đang đi theo chiều hướng xấu, đang bước vào con đường nguy hiểm.
Người anh em đó bị lọai ra ngòai, cần phải được tìm lại, cần phải được cứu vớt. Quyền chìa khóa được ban cho Giáo hội, trước tiên có nghĩa là một quyền cứu thoát. Nghĩa là mở cửa để cho người có tội tìm lại vị trí của mình trong cộng đòan. Tất cả chúng ta có sứ mạng thực hiện những hành vi rộng mở và đón tiếp. Tin mừng trước tiên là Tin mừng loan báo cho những người nghèo, bệnh tật và tất cả những người bị lọai trừ.
Cám dỗ lớn nhất của một vài cộng đòan là muốn biến Giáo Hội thành cộng đòan gồm toàn những người tinh tuyền: Ngày xưa, có Tòa Tuyên Án để kết án và thiêu sống các bè rối đạo. Người ta tìm mọi cách để bảo vệ đoàn thể xã hội của Giáo Hội, người ta muốn gìn giữ Giáo Hội nguyên tuyền và mạnh mẽ. Dù ngày nay những điều tương tự như thế không còn hiện hữu trong Giáo Hội nữa, nhưng cũng vẫn còn những phán đóan vội vã, những phê bình thiếu cân nhắc, những lời nói cay nghiệt và những bài viết xúc phạm và phương hại đến người khác. Điều chúng ta phải làm đó là dùng tình huynh đệ và lòng thương xót để đưa người anh em lạc xa trở về.
Giáo Hội trước tiên là một cộng đòan những người có trách nhiệm về cuộc sống của anh em mình. Bằng mọi giá phải tránh những vạ tuyệt thông hấp tấp hoàn toàn đi ngược lại lòng kiên trì của Thiên Chúa. Nếu người có tội từ chối nghe lời, trước tiên chính anh ta tự đặt mình ra ngòai cộng đòan; và cộng đòan chỉ công nhận điều đó một cách chính thức mà thôi.
Nhưng khả năng của một cuộc trở lại sau cùng vẫn luôn rộng mở. Giáo Hội có quyền cầm buộc mà cũng có quyền tháo cởi nữa, tái xác nhập người có tội sám hối. Khi một người tự ý lìa xa cộng đòan, thì cộng đòan vẫn nhớ đến người ấy trong lời cầu nguyện. Đức Ki tô hiện diện ở giữa những ai hội họp nhân danh Ngài. Ngài khuyên họ học tập sự kiên trì của Thiên Chúa để sống quảng đại trong suốt cuộc đời mình. Khi đã hiểu điều đó, mọi sự sẽ thay đổi trong cuộc đời chúng ta.
Một điều cuối cùng là để được lợi tất cả anh em mình, Chúa Giê su đã hiến thân cho đến tận cùng bằng cái chết trên thánh giá. Vì thế, không bao giờ chúng ta được phép đóng kín tâm hồn chúng ta, những hãy mở ra trước lời mời gọi của Chúa.
ĐÀO SÂU
CÓ TRÁCH NHIỆM VỀ ANH EM MÌNH
Êd 33,7-9 Vị tiên tri có trách nhiệm về anh em mình
Tv 95,1 Ngày hôm nay các ngươi đừng cứng lòng nữa!
Rm 13,8-10 Ai yêu thương tha nhân là làm trọn Lề luật
Mt 18,15-20 Mọi ki tô hữu đều có trách nhiệm về anh em mình
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: CÓ TRÁCH NHIỆM VỀ ANH EM MÌNH. Tiên tri Ê-dê-ki-ên cảnh giác anh em mình sám hối và trở về với Thiên Chúa (Bđ1). Mọi ngưởi ki tô hữu đều có trách nhiệm về anh em mình (BTM). Đó là cách thể hiện lòng yêu thương mà Lề luật nói đến (Bđ2).
2. HỎI: Tiên tri Ê-dê-ki-ên là ai?
THƯA: Ê-dê-ki-ên được kêu gọi làm tiên tri tại Giê-ru-sa-lem vào thế kỉ thứ sáu; ông bị Nabuchodonosor lưu đày ở Ba-by-lon trong đợt đầu tiên vào năm 597 trước Công nguyên. Rồi chính từ nơi đó, bên dòng sông Kê-bar ông được tin tai họa đổ ập xuống Thành thánh. Năm 587, Giê-ru-sa-lem bị san bằng, Đền thờ bị triệt hạ.
3. HỎI: Trước thảm trạng bi đát đó, tiên tri Ê-dê-ki-ên đã làm gì?
THƯA: Trước thảm cảnh mà Ít-ra-ên phải gánh chịu, tiên tri đã không đầu hàng. Trái lại vừa khi đến Ba-by-lon và trong suốt hai mươi năm bị lưu đày, ông đã nỗ lực làm mọi sự để giữ vững niềm hi vọng cho đồng bào mình. Công việc thật khó khăn, vì cùng một lúc ông phải định cư thật vững vàng để sống còn, vừa phải giữ niềm hi vọng trở về. Nhưng ông luôn coi đó là sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó cho ông phải hoàn thành: “Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-ên”.
4. HỎI: Người canh gác là ai?
THƯA: Người canh gác có trách nhiệm canh thức gìn giữ an ninh cho người khác. Đó chính là sứ mạng tiên tri Ê-dê-ki-ên được Thiên Chúa ủy thác. Ông phải chuyển lại cho anh em mình những lời cảnh giác và kêu gọi hoán cải của Thiên Chúa. Ông vừa là người canh gác lo sao cho Lời Chúa được lắng nghe, vừa loan báo cho mọi người biết Bình Minh xuất hiện.
5. HỎI: Ê-dê-ki-ên có thành công không?
THƯA: Không. Nhiều khi tiên tri Ê-dê-ki-ên thất vọng vì người ta không nghe lời ông nói hoặc nghe mà không đem ra thực hành. Chính Chúa đã báo trước cho ông thất bại đó: “Chúng nghe các lời ngươi nói nhưng lại không đem ra thực hành, bởi vì miệng chúng phỉnh phờ, lòng chúng hám lợi” (Êd 33,31).
6. HỎI: Tại sao gọi tiên tri là người canh gác?
THƯA: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, không bao giờ thất vọng vì tội lỗi của con người nhưng luôn chờ họ sám hối trở lại với Người. Vì thế, tiên tri là người canh gác có bổn phận nhận ra và chỉ cho người khác thấy các dấu chỉ Thiên Chúa tha thứ trong lịch sử. Nếu không cảnh giác đúng lúc, ông sẽ có trách nhiệm về tai họa mà dân phải gánh chịu.
7. HỎI: Bài đọc một nối kết với bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Bài đọc một dẫn vào bài tin mừng. Thật vậy, Đức Giê-su cũng giao phó cho các môn đệ của Ngài một sứ mạng tương tự như sứ mạng tiên tri Ê-dê-ki-ên. Ngài nhắc cho họ nhớ rằng trong cộng đoàn mọi người phải quan tâm đến nhau và trao cho họ trách nhiệm canh gác để có thể nhắc nhở khi anh em đi lạc đường.
8. HỎI: Ngữ cảnh của bài tin mừng (Mt 18,15-20) như thế nào?
THƯA: Toàn chương 18 tin mừng thánh Mát-thêu nói về tình yêu trong cộng đoàn ki tô hữu, nhưng đặc biệt nhấn mạnh hai chủ đề: dành ưu tiên cho những kẻ bé mọn yếu đuối, và tha thứ cho nhau. Trước tiên dụ ngôn dạy các mục tử phải đi tìm con chiên đi lạc vì: “Cha trên trời không muốn một trong những kẻ bé mọn nầy phải hư mất” (Mt 18,14). Tiếp theo đó là những lời khuyên nhủ dạy cộng đoàn phải thể hiện tình huynh đệ giúp nhau sửa lỗi (Mt 18, 15-22).
9. HỎI: Ai có bổn phận gìn giữ anh em mình khỏi hư mất?
THƯA: Đức Giê-su trao phó cho các môn đệ và các trưởng cộng đoàn nhiệm vụ gìn giữ anh em mình khỏi hư mất. Ngoài ra, mọi tín hữu cũng có bổn phận gìn giữ nhau, giúp nhau lớn lên và trở nên tốt hơn.
10. HỎI: Luật căn bản cho đời sống cộng đoàn là gì?
THƯA: Thưa đó là sự tế nhị và kính trọng nhau. Nước Trời của Thiên Chúa được xây dựng trên sự dịu dàng và tín trung.
11. HỎI: Việc anh em sửa lỗi cho nhau có phải là một việc làm do lòng bác ái chăng?
THƯA: Chắc chắn là như thế, việc anh em sửa lỗi cho nhau là một việc “bác ái” đối với người khác và chính mình, tiếc thay ngày nay lại hiếm thấy. Nếu chúng ta hiểu đúng điều thánh Mát-thêu dạy, thì đó là cách diễn tả tình yêu, một tình yêu chân thật và đúng nghĩa, tìm kiếm và phát huy lợi ích cho người khác.
12. HỎI: Việc anh em sửa lỗi cho nhau được có thể ví như một liều thuốc chữa bệnh không?
THƯA: Đúng vậy. Thuốc chữa bệnh nhiều khi gây đau đớn cho người bệnh để chữa lành người đó. Cũng thế, người cảm thấy có bổn phận sửa chữa hành động luân lí cho người khác ít nhiều cũng gây ra một sự đau đớn nội tâm, bởi có phản ứng tự ái chống lại nơi người ấy. Vì lí do đó, việc anh em sửa lỗi cho nhau phải được thực hiện hết sức tế nhị và không bao giờ tỏ ra giận dữ.
13. HỎI: Và Thiên Chúa cũng hành động theo cách đó?
THƯA: Đúng thế, đọc Kinh Thánh chúng ta thấy đó chính là cách hành động của Thiên Chúa. Đấng Toàn Năng “Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành” (Gb 5,18).
14. HỎI: Đức Giê-su đã định nghĩa như thế nào về cuộc sống cộng đòan?
THƯA: Ngài gọi đó là “bí tích” của sự hiện diện của Ngài: “Nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”. Từ đó ta hiểu sự quan trọng của việc giúp đỡ anh em mình trong việc sửa lỗi cho nhau.
15. HỎI: Đâu là nền tảng cho việc sửa lỗi và được sửa lỗi?
THƯA: Căn bản phải là lòng khiêm nhường. Cần phải cảm thông với anh em mình, quan tâm tìm điếu tốt nhất cho họ. Cần phải có cái nhìn của Thiên Chúa về họ. Nhiều khi chúng ta thất bại bởi vì chúng ta không quan tâm tìm điều tốt cho người khác, mà chỉ tìm cách bảo vệ chính mình. Những cuộc gặp gỡ của chúng ta phải mang lại tình yêu thương và bình an.
16. HỎI: Đâu là nền tảng trong việc sửa lỗi và được sửa lỗi?
THƯA: Đức Giê-su dạy rằng cần phải dựa vào Lời Chúa. Lời Chúa là ánh sáng giúp chúng ta tìm ra tội của mình và tội của người khác, nhưng trước hết tội của chúng ta rồi mới tới tội của người khác.
17. HỎI: Việc sửa lỗi người khác hệ tại ở điều gì?
THƯA: Bí quyết thành công trong việc sửa lỗi cho nhau là biết phân biệt và kính trọng sự khác biệt của anh em mình. Bởi vì người khác có quyền được khác với tôi, và sống tự do cá nhân của họ. Nhưng không phải vì sự khác biệt đó mà chúng ta được phép dửng dưng. Đây chính là trách nhiệm của chúng ta phải giúp đỡ họ lớn lên. Vì sửa lỗi có nghĩa là giúp nhau để lớn lên, trở nên tốt hơn, để hình ảnh Đức Ki tô được sáng tỏ hơn trong tất cả chúng ta.
18. HỎI: Nhưng theo kinh nghiệm quá khứ, thường chúng ta thiếu tin tưởng, thiếu thiện ý, bất khoan dung trong cách xử sự của chúng ta đối với anh em trong việc sửa lỗi cho nhau?
THƯA: Đúng là như thế, và nếu Đức Giê-su đòi ta một điều khó khăn, thì Ngài cũng chỉ cho ta chìa khóa giải quyết: nếu hai người ở dưới đất hợp ý cầu xin điều gì, Cha sẽ ban cho (x. Mt 18,19). Trước mọi hành động cần phải cầu nguyện, và đó là cách thức để hiểu thánh ý Cha và để Thánh Thần hành động trong chúng ta. Chính Thánh Thần mở rộng tâm hồn và biến đổi. Nhờ đó, chúng ta sẽ sữa lỗi cho anh em mình như Đức Giê-su sữa lỗi, và chứng tỏ lòng yêu thương sâu xa đối với người khác như chính tình yêu của Đức Giê-su đối với họ.
19. HỎI: “Hãy kể như người ngoại và người thu thuế” có nghĩa là gì?
THƯA: Cụm từ ‘những người ngoại và những người thu thuế’ chỉ những kẻ mà người tín hữu bó tay, bất lực, không còn cách nào để khuyên bảo được nữa. Trong trường hợp ấy, người tín hữu được Chúa dạy là không còn có trách nhiệm về những người ấy nữa, chỉ còn việc trao lại cho lòng nhân từ Thiên Chúa mà thôi.
20. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Rm 13,8-10) như thế nào?
THƯA: Bài đọc hai bắt đầu những lời khuyến thiện quan trọng của Thánh Phao-lô. Trước hết Ngài khuyên các tín hữu hãy dâng cuộc sống gian khổ của mình làm hi lễ dâng lên Thiên Chúa. Đó là cách tôn thờ đẹp lòng Người.
21. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: Để sống Lời Chúa dạy chúng ta cần: 1. Tình tương thân tương ái đối với nhau là nền tảng để giúp nhau khăc phục sự dữ. Lời khuyên quí báu này càng phải được áp dụng trong trường hợp chúng ta muốn góp ý, sửa lỗi anh em. 2. Phải có sẵn một tinh thần khiêm hạ, đơn sơ, vô vị lợi khi thi hành trách nhiệm sửa lỗi anh em. 3. Phải có lòng kiên nhẫn và dũng cảm vì rất nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhận được một thái độ oán trách, giận dữ, bắt bẻ và tố cáo lại chúng ta mà thôi.
GLCG 2472 863, 905 Bổn phận tham gia vào đời sống của Hội thánh, thúc đẩy người Ki-tô hữu hành động như những chứng nhân của Tin Mừng và chu toàn những trách vụ phát xuất từ bổn phận ấy. Làm chứng nhân là truyền đạt đức tin bằng lời nói và việc làm. Làm chứng cho đức tin là một việc làm chính đáng để khẳng định hoặc làm cho kẻ khác nhận biết chân lý (x. Mt 18,16): “Mọi Ki-tô hữu dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng từ lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ bí tích Thánh Tẩy, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức” ( x. AG 11 ).
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc