Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm B

Rất thường chúng ta có cảm giác khó khăn khi phải đi trong đêm tối. Cũng như rất khó mà tìm ra hướng đi giữa sương mù dày đặc trong thế giới ngày nay. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể hướng dẫn chúng ta trên bước đường đầy gian nan tiến đến Vương quốc Ánh sáng tình yêu và sự sống. 

Sách Tiên tri Is 40,1-5.9-11

Sứ điệp của Tiên tri ngập tràn Hi vọng: “Phải, Thiên Chúa của chúng ta đang đến!” Đừng sợ nữa. Hãy kiên trì vì đây Ngài đang đến với sức mạnh của Tình yêu. Hãy chuẩn bị cho Ngài một con đường cho Ngài. Chúng ta hãy hướng về Ngài và hãy sám hối!.

Thánh Vịnh 84

Thánh ca nầy tuyệt đẹp làm sao! Vì mang lại những lời bình an để nâng đỡ những kẻ lưu đày, củng cố tâm hồn những người nô lệ! Thiên Chúa đã chấm dứt hình phạt lưu đầy và nô lệ cho Dân Ngài. Ơn Cứu độ càng lúc càng đến gần!

Thư thứ hai Phêrô 3,8-14

Trong khi ngày Chúa trở lại và ngày tận thế mà mọi người tin rằng đã gần kề càng lúc càng trở nên xa xăm, Thánh Phê rô nhắc cho họ nhớ rằng đối với Thiên Chúa thời gian như không có. Nên không ai biết được khi nào thì những lời Chúa Giê su hứa trở lại sẽ được thực hiện. Điều đó lại trở thành lí do để sống tỉnh thức và luôn sẵn sàng. Đó là cách thức duy nhất để sống niềm hi vọng và là điều kiện để được bình an.

Tin Mừng Mc 1,1-8

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin mừng nầy thuộc phần mở đầu sách Tin mừng Mác cô (1-15) nhằm giới thiệu Chúa Giê su và cung cấp mọi thông tin cần thiết để hiểu cuộc đời dương thế của Ngài. Tám câu đầu tiên cho biết mối tương quan của Chúa Giê su với Gioan Tẩy giả đồng thời đề cao sự trổi vượt của Ngài (1-8).

Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Lời tựa: (1,1)

2. Các Lời sấm được thực hiện (1,2-3)

3. Hoạt động của Gioan (1,4) gây tiếng vang lớn (1,5)

4. Cuộc sống khổ hạnh của Gioan (1,6)

5. Lời rao giảng của Gioan (1,7-8)

GIẢI THÍCH

Khởi đầu: Từ nầy vừa nhấn mạnh một sự mới mẻ so với những gì đi trước, vừa cho thấy một sự khai triển. Những bước khởi đầu thấp bé khiêm tốn mà người ta chỉ hiểu rõ vào lúc kết thúc. Sau cuộc sống tự hạ mình cho đến chết, Chúa Giê su được tôn vinh, được nâng cao, và được đặt làm đấng Messia. Chủ đề “khởi đầu” thường được các tác giả TƯ dùng, thí dụ: Mt 4,17; Lc 3,23; Ga 2,11; Cv 1,1;10,37; vv.

Tin mừng: Từ nầy không những có nghĩa thông thường là một tin vui, mà còn chỉ một tin mừng cho mọi người nhân dịp nhà vua đăng quang. Ở đây, Tin mừng được gắn liền với việc tôn vinh Đức Ky tô tử nạn và phục sinh.

Ki tô: Từ hi lạp được phiên âm có nghĩa được xức dầu phong vương để khai mạc Nước Thiên Chúa. Một cách nào đó, tước hiệu nầy chỉ được gán cho Chúa Giê su sau khi Ngài được tôn vinh và lên ngôi: “Thiên Chúa đã đặt ông Giêsu mà các ông đóng đinh lên làm Chúa và Kitô” (Cv 2,36). Tuy nhiên đối với Mác cô, Chúa Giê su luôn luôn là Đức Ky tô, hay đấng Messia Vua.

Con Thiên Chúa: tước hiệu Thiên Chúa Cha ban cho Chúa Giê su khi tôn vinh và cho Ngài lên ngôi. Nhưng đối với tác giả Tin mừng thì Chúa Giê su là Con Thiên Chúa ngay từ cuộc sống của Ngài nơi trần gian (1,11; 9,7;14,36.62) và vẫn luôn luôn là như thế (Ga 1,18; Cl 1,15; Dt 1,2-3).

Ngôn sứ Isaia: trong các đoạn song song Mt 3,3 và Lc 3,4 bản văn sấm ngôn Isaia 40,3 đi liền sau. Còn Mc thì dường như lại trích dẫn câu Xh 23,20, và gợi lại Ml 3,1. Qua đó, Mc muốn gợi ý rằng Chúa Giê su và dân ưu tuyển sắp bước vào đất hứa, và ngôn sứ  Êlia đang hiện diện nơi con người của Gioan Tẩy giả, trở lại để dọn đường cho đấng Messia.

Gioan Tẩy Giả: Rất có thể là Gioan có biết, tiếp xúc, (thậm chí được đào tạo trong cộng đoàn Qumrân), và sau đó đã bỏ đi để hoạt động theo đường hướng riêng của mình.

Phép Rửa: Tự thân, phép rửa thanh tẩy do thái không phải là nghi thức mang lại sự thanh tẩy hay sự công chính hoá mà chỉ là một biểu hiện bên ngoài và có tính xã hội của một sự trở về nội tâm, được hiểu như là chết cho bản thân và cho tội lỗi mình đã phạm.

Khắp miền Giuđê: chi tiết phóng đại nầy phản ảnh ý tưởng sâu xa trong thời chờ đợi đấng Messia: nếu Ngài chậm đến ấy là vì tội lỗi của Israel. Nên vừa khi Israel thống hối thì Đấng Messia đến.

Áo lông lạc đà: Nét mô tả nầy có lẽ ám chỉ đến y phục của ngôn sứ Êlia “Một người đầy lông lá, ngang lưng quấn một tấm da” (2V1,8).

Châu chấu: thức ăn đặt trong mối tương quan và thông hiệp với những người ban cho. Gioan Tẩy giả không nhận điều gì nơi loài người. Giáo huấn và sứ mạng của ông cũng không bởi loài người. Trong câu 1,13 Chúa Giê su không dùng một thực phẩm hoang dã nào, nhưng được các thiên sứ phục vụ, hay đúng hơn, Ngài dùng thực phẩm từ trời ban xuống: giáo huấn và sứ mạng của Ngài đến từ Thiên Chúa.

Mật ong: Thức ăn của Gioan là thức ăn của một người sống ở hoang địa hơn là của một nhà khổ hạnh. Con người đó đang rao giảng một phép rửa thống hối, là một ngôn sứ. Thành thử phải chú ý lắng nghe ông khi ông loan báo (7-8) sự xuất hiện của một Đấng Quyền thế hơn, vì ông nói nhân danh Thiên Chúa.

Đang đến sau tôi: “Đi sau tôi” là kiểu nói thường chỉ lối bước cũng như cuộc sống của một môn đệ đi theo sau thầy mình (x. 1V19,21).

Làm phép rửa trong Thánh Thần: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong sự trổi vượt của phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gioan thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Chúa Giê su sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ tỏ ra là kẻ mạnh nhất.

           

SỨ ĐIỆP

Ba bài đọc chủ nhật thứ hai mùa Vọng là một tin mừng gửi đến cho những người tín hữu thời đó và cũng nói với chúng ta hôm nay.

Trước tiên bài đọc thứ nhất là một trong những đoạn đẹp nhất sách Tiên tri Isaia. Nó được viết và gửi cho một dân tộc đã mất tất cả, đất đai, nhà cửa ruộng vườn, Thành Thánh, Đền thờ, và cả nền tự do độc lập. Trong cuộc lưu đày, Ít ra ên đã cảm nghiệm thế nào là bị bỏ rơi, tủi nhục trong kiếp nô lệ ngoại bang. Thế nhưng Ky rô đã loan báo tin vui cho những người bị lưu đày là họ có thể trở về cố hương. Tiên tri Isaia đã đọc biến cố ấy bằng đức tin, và đã thấy đó là dấu chỉ Thiên Chúa tha thứ. Ngài không bỏ rơi dân của Ngài đã chọn. Ngài hành động như một người cha, không bỏ qua bất cứ một biến cố hay cơ hội nào để an ủi và tha thứ cho con cái mình. Chúng ta đã nghe những lời sấm đầy khích lệ: “Hãy cất tiếng lên đừng sợ. Nầy tội của ngươi đã được đền xong”. Ngài hiện diện như Mục tử tập trung cả đàn chiên để dẫn dắt chúng.

Tin mừng ấy ngày hôm nay được loan báo trong các nhà thờ toàn thế giới, cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai: Ngài là Thiên Chúa đầy lòng thương xót, quan tâm đến từng người như sản vật quí giá nhất của Ngài. Lòng nhân ái của Ngài là một niềm an ủi cho chúng ta và là một tin vui mà chúng ta phải làm chứng nơi tất cả những ai đang đau khổ và thất vọng. Điều quan trọng không phải là nói với lí trí nhưng là nói với tâm hồn. Làm sao để tin mừng ấy được loan báo trong một thế giới mà số người nghèo khổ càng lúc càng chiếm đa số?

Chính Gioan Tẩy giả đem lại cho chúng ta câu trả lời trong tin mừng thánh Mác cô. Đó là đoạn khởi đầu sách tin mừng của Ngài, được gửi đến cho một dân tộc đang thất vọng vì chịu bách hại. Nhiều người tự hỏi có phải Thiên Chúa đã bỏ rơi họ không. Một câu hỏi không ngừng xuất hiện trong suốt cuộc sống đức tin của chúng ta.

Sứ điệp của Mác cô có thể tóm gọn như sau: Không, Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài đang đến, và chúng ta phải chuẩn bị con đường cho Ngài. Ngài không nói là chúng ta đến với Ngài bởi vì tự sức chúng ta không thể làm được. Chính Ngài luôn luôn đi bước trước đến với chúng ta và có sáng kiến đến gặp chúng ta. Từ nay, Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Ngài đến để tỏ cho chúng ta thấy nhân phẩm cao quí như thế nào. Điều kiện thiết yếu để Ngài đến là chúng ta phải dọn cho Ngài một con đường.

Chuẩn bị một con đường cho Chúa đến là điều khẩn thiết mà Gioan Tẩy giả đề nghị với những người tuôn đến với ông trên bờ sông Gióc-đa-nô, Ông mời gọi họ thanh tẩy tội lỗi bằng phép rửa do ông chủ sự. Đó là một dấu chỉ tỏ lòng sám hối cuộc đời quá khứ lỗi lầm và quyết tâm canh tân cuộc sống để đón chào Đấng ngự đến. Mùa Vọng là mùa sám hối và đổi mới. Nhiều điều đã giam hãm và ngăn cản không cho chúng ta nghe tiếng Chúa phán. Rất thường chúng ta sống như thể là cuộc đời chúng ta chỉ có giây phút hiện tại và trong thế giới hiện tại.

Một cách cụ thể, Gioan Tẩy giả mời gọi suy nghĩ và thực hiện theo lời Tiên tri Isaia: “Hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa. Mọi thung lủng sẽ được lấp đầy. Mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống. Nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng. Chổ gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”. Dân Israên đã được sinh ra trên một con đường giữa sa mạc khô cằn nắng cháy. Chuẩn bị một con đường, do đó có nghĩa là dọn dẹp những chướng ngại ấy tạo điều kiện thuận lợi cho người ở hai đầu gặp nhau. Sa mạc hoang vu cần phải được biến đổi thành đại lộ gặp gỡ chính là sa mạc của sự suy đồi xã hội và tôn giáo của con người, sa mạc cô đơn, vì thiếu sự kính trọng nhân phẩm con người. 

Thánh Phao lô thì mời gọi chúng ta nhìn về tương lai, và trước nỗi chán chường sau một thời gian dài chờ đợi mà Chúa chưa đến, ngài đã khẩn thiết khơi lại niềm hi vọng: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Vì thế, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.

Niềm hi vọng đó chính là điều mà chúng ta phải làm chứng. Trước tiên bằng cách để cho Đức Ki tô chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc đời chúng ta. Không thể loan báo Ngài cho người khác nếu chúng ta không tiếp nhận Ngài trong chúng ta. Dĩ nhiên nhiều lúc cuộc sống chúng ta như bãi sa mạc khô cằn, không cỏ cây, không bóng mát, nhưng chính Chúa lại muốn hiện diện trong những nơi khô cằn hoang vắng cô đơn như thế. Bởi vì hôm nay Chúa gởi đến một tin vui: Sa mạc sẽ nở hoa, không còn nguy hiểm cho người lữ khách. Ngài đến ở với chúng ta, miễn là chúng ta sẵn sàng đón tiếp Ngài. Thánh Thể là nguồn mạch tưới mát sa mạc chúng ta và làm nẩy sinh điều mà chúng ta tưởng là đã chết.

ĐÀO SÂU

HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Is 40,1-5.9-11  Hãy dọn đường cho Chúa

Tv 85,9  Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con.

2Pr 3,8-14  Chúng tôi chờ đợi trời mới đất mới

Mc 1,1-8  Gio-an Tẩy giả loan báo Chúa đến

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA. Hãy dọn đường cho Chúa ngự đến (BTM) để thiết lập trời mới đất mới (BĐ2). Để chuẩn bị con đường cho Ngài (BĐ1), chúng ta hãy cố gắng trở thành các tôi tớ phục vụ cho công chính, sự thật và bình an (ĐC).

2. HỎI: Sách “An ủi” của tiên tri I-sai-a là sách gì?

THƯA: Sách “An ủi” gồm các chương 40-55 thuộc sách Tiên tri I-sai-a, bắt đầu bằng câu: “Thiên Chúa phán: Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta”. Đó là tin mừng Thiên Chúa gửi đến cho Dân Người, an ủi và giúp họ lấy lại niềm hi vọng trong cảnh lầm than lưu đày bằng cách nhắc họ rằng họ vẫn là Dân riêng của Ngài.

3. HỎI: Tiên tri I-sai-a loan báo với họ điều gì?

THƯA: Ông loan báo cho họ tin vui: thời phục dịch ở Ba-by-lon đã qua rồi, hình phạt đã xong, họ sắp được giải thoát và trở về Giê-ru-sa-lem.

4. HỎI: Đâu là những lỗi lầm của dân Ít-ra-ên?

THƯA: Đó là những lỗi phạm và thiếu sót đối với Giao Ước, thờ ngẫu tượng, không giữ ngày Sa-bát và các điều Lề Luật buộc, và nhất là những lỗi phạm trong đức công bình, đặc biệt nghiêm trọng là khinh bỉ những người nghèo.

5. HỎI: Dọn đường cho Chúa trong sa mạc để làm gì?

THƯA: Dọn đường là công việc phục dịch hằng năm mà những người nô lệ phải làm để mừng kính các thần Dân Ngoại. Nhưng lần nầy, Tiên tri truyền dạy họ hãy dọn đường trong sa mạc để Thiên Chúa đưa họ thoát khỏi đất Ba-by-lon trở về quê hương.

6. HỎI: Hai hình ảnh: vị Vua chiến thắng và Mục tử có ý nghĩa gì?

THƯA: Việc kết hợp hai hình ảnh ấy có thể gây ngạc nhiên, nhưng lý tưởng của Vua Ít-ra-ên bao gồm hai khía cạnh ấy: quân Vương là Mục tử lo lắng chăm sóc cho Dân, mà cũng là vua chiến thắng quân thù. Nhà Vua như Mục tử dùng cây gậy xua đuổi thú dữ hăm dọa đàn chiên.

7. HỎI: Lời Tiên tri I-sai-a liên hệ đến Đức Giê-su như thế nào?

THƯA: Lời tiên tri I-sai-a là một tin vui kì diệu đối với đồng bào đang bị lưu đày vào thế kỉ thứ 6 trước CN. Rồi 600 năm sau, khi nhìn thấy Đức Giê-su tiến đến bờ sông Gio-đan để xin chịu phép Rửa, Gio-an Tẩy giả đã nghe vang vọng lại lời ấy và loan báo rằng chính Ngài sẽ qui tụ đàn chiên cho Thiên Chúa.

8. HỎI: Ngữ cảnh đoạn tin mừng (Mc 1,1-8) như thế nào?

THƯA: Đoạn Tin mừng nầy mở đầu sách Tin mừng Mác-cô (1-15) nhằm giới thiệu Đức Giê-su và cung cấp mọi thông tin cần thiết để hiểu cuộc đời dương thế của Ngài. Tám câu đầu tiên cho biết mối tương quan của Đức Giê-su với Gio-an Tẩy giả đồng thời đề cao sự trổi vượt của Ngài (1-8).

9. HỎI: Câu đầu tiên tin mừng Mác-cô nói đến mầu nhiệm Đức Giê-su như thế nào?

THƯA: Câu nầy cho chúng ta thấy tất cả mầu nhiệm của Đức Giê-su Na-gia-rét: Ngài là Đức Ki-tô và là Con Thiên Chúa, nghĩa là vừa là Vua, Đấng Mê-si-a, Đấng hoàn thành niềm hi vọng của Dân Ngài, mà cũng là Con Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa.

10. HỎI: Tin mừng là gì?

THƯA: Tin mừng không những có nghĩa thông thường là một tin vui, mà còn là tin vui cho toàn dân nhân dịp nhà vua đăng quang. Ở đây, Tin mừng nói đến hành động cứu độ của Thiên Chúa khi thực hiện các lời hứa của Ngài trong biến cố Đức Đức Giê-su tử nạn và phục sinh.

11. HỎI: Vì ý nào Mác-cô nhắc đến các lời sấm Cựu Ước?

THƯA: Trong khi Mát-thêu 3, 3 và Lu-ca 3, 4 trích dẫn bản văn sấm ngôn I-sai-a 40, 3 thì Mác-cô dường như lại trích dẫn câu Xh 23, 20 (“Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn”), và gợi lại Ml 3, 1 (“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta’). Qua đó, Mc muốn gợi ý rằng Đức Giê-su và dân ưu tuyển sắp bước vào đất hứa, và ngôn sứ  Ê-li-a đang hiện thân nơi con người của Gio-an Tẩy giả, trở lại để dọn đường cho đấng Mê-si-a.

12. HỎI: Sa mạc được nói đến trong đoạn tin mừng nầy có giá trị biểu tượng như thế nào?

THƯA: Sa mạc vừa là nơi thử thách vừa là một ân huệ. Ân huệ vì là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Thử thách vì là nơi thiếu vắng mọi sự và dễ bị cám dỗ. Sa mạc còn là nơi dân Híp-pri được hình thành trong Giao ước với Thiên Chúa.

13. HỎI: Mác-cô mô tả chi tiết y phục của Gio-an Tẩy giả nhằm ý gí?

THƯA: Mác-cô nói đến “Áo lông lạc đà” của Gio-an Tẩy giả có lẽ ám chỉ đến y phục của ngôn sứ Ê-li-a “Một người đầy lông lá, ngang lưng quấn một tấm da” (2V1, 8).

14. HỎI: Thức ăn của Gio-an Tẩy giả có ý nghĩa gì?

THƯA: Gio-an Tẩy giả không dùng bất cứ điều gì từ thế giới loài người mà chỉ sử dụng những gì có sẵn trong hoang địa. Thức ăn của Gio-an là thức ăn của một người sống ở hoang địa hơn là của một nhà khổ hạnh. Giáo huấn và sứ mạng của ông cũng không bởi loài người. Con người đó đang rao giảng một phép rửa thống hối là một ngôn sứ. Vì thế phải chú ý lắng nghe ông khi ông loan báo (7-8) một Đấng Quyền thế hơn xuất hiện, vì ông nói nhân danh Thiên Chúa.

15. HỎI: Phép Rửa trong Do thái giáo có nghĩa gì?

THƯA: Phép rửa thanh tẩy Do thái không phải là nghi thức mang lại sự thanh tẩy đích thực hay sự công chính hoá mà chỉ là một biểu hiện bên ngoài và có tính xã hội của một sự trở về nội tâm, được hiểu như là chết cho bản thân và cho tội lỗi mình đã phạm.

16. HỎI: Mác-cô cho thấy sự trổi vượt của Đức Giê-su đối với Gio-an Tẩy giả như thế nào?

THƯA: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong sự trổi vượt của phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gio-an thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Đức Giê-su sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ tỏ ra là người mạnh nhất.

17. HỎI: Phép Rửa của Gio-an Tẩy giả có ý nghĩa gì?

THƯA: Có ý nghĩa như là một thanh tẩy để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ mà Đức Giê-su sẽ mang đến (“Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần”). Chúng ta sẽ nhận được ơn cứu rỗi ấy qua đức tin vào Đức Ki-tô và lãnh nhận các bí tích mà Ngài thiết lập.

18. HỎI: Thanh sạch có nghĩa gì?

THƯA: Thanh sạch có nghĩa là tinh tuyền, không pha trộn, không vương vấn. Tâm hồn thanh sạch là toàn tâm toàn ý hướng về Thiên Chúa, và quay lưng với ngẫu tượng.

19. HỎI: Như vậy con người có thể thực hiện việc tinh luyện không?

THƯA: Không, con người tự sức mình không thể thanh luyện được vì không nằm trong khả năng của chúng ta. Đó là việc của Thiên Chúa. Để thanh luyện mình, thánh Gio-an loan báo Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta. Chúng ta chỉ có việc để cho Người hành động và nhận lãnh ơn Thiên Chúa.

20. HỎI: Sứ điệp bài tin mừng hôm nay là gì?

THƯA: Gio-an Tẩy Giả hô hào mọi người hãy đọn đường cho Thiên Chúa đến với mình bằng cách sám hối quá khứ tội lỗi và thay đổi đời sống cho phù hợp với kế hoạch và thánh ý Thiên Chúa.

21. HỎI: Tại sao phải dọn đường đón Chúa?   

THƯA: Vì con người và xã hội đang rất cần đến Thiên Chúa. Thật vậy, nơi bản thân và trong xã hội, bên cạnh những điều tốt lành phù hợp với Ý Chúa, vẫn còn những cái xấu xa đáng báo động: chiến tranh, khủng bố, hận thù, tranh giành quyền lực, nghèo đói, bệnh tật, áp bức bóc lột.vv. Con người đang khát khao cuộc sống an bình, yêu thương và hạnh phúc mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho. Nhưng điều mâu thuẫn là Thiên Chúa lại đang bị con người loại trừ một cách quyết liệt bằng đủ mọi phương tiện phản lại các giá trị đích thực của con người cũng là các giá trị cơ bản của Ki-tô giáo: công bình, bác ái, sự sống, giá trị tâm linh và siêu nhiên.

Chính Chúa Giê-su Ki-tô cũng đã cảnh giác: “Không có Thầy anh em không thể làm được gì” (Ga 15,5) và “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).  

22. HỎI: Thiên Chúa có muốn ở với con người không?

THƯA: Có. Mạc khải Ki-tô giáo cũng cho thấy ý định và ước muốn của Thiên Chúa là đến và ở với loài người. Tên gọi cao quí và được Thiên Chúa đặt cho Đức Giê-su là “Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta! Thiên Chúa ở với con người!

23. HỎI: Chúng ta dọn đường đón Chúa bằng cách nào?

THƯA: Để dọn đường đón Chúa, thì chúng ta (1) sửa chữa những cách sống không phù hợp hoặc đối nghịch với Phúc Âm như đam mê của cải, danh vọng, chức quyền và lạc thú (= thung lũng), những lối sống kiêu căng, tự mãn (= núi đồi), tâm địa không trung thực, giả hình, gian manh, xảo quyệt (= khúc quanh co), cuộc sống đầy thiếu sót, yếu hèn, lỗi phạm, thiếu tin-cậy-mến đối với Thiên Chúa, thiếu bác-ái-yêu-thương đối với tha nhân (đường lỗi lõm). Và (2) phải nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn khó nghèo, siêu thoát, trong sạch, khiêm hạ, chân thật và sốt mến, luôn lấy Phúc Âm làm chuẩn mực để kiểm điểm và điều chỉnh đời sống của mình mỗi ngày.

24. HỎI: Đâu là nguồn gốc của lễ Giáng sinh?

THƯA: Về nguồn gốc lễ Giáng sinh,  giả thuyết “Sol Invictus = Mặt trời xuất hiện” được ủng hộ nhất, theo đó ngày 25 tháng 12 lúc đầu là một lễ ngoại giáo mừng “Mặt trời xuất hiện” ngay trong mùa đông. Ki-tô giáo xuất hiện từ thời kì có những cuộc bách hại ghê gớm đã lấy lại lễ hội ngoại giáo ấy làm lễ Giáng sinh. Hình ảnh “mặt trời xuất hiện” rất xứng hợp để nói về Đức Giê-su như là mặt trời xuất hiện từ trên cao.

25. HỎI: Tuy nhiên, ngày nay dường như có chiều hướng ngược lại?

THƯA: Dường như là thế. Lễ Giáng sinh Ki-tô giáo (đạo đức – thiêng liêng) đang biến thành một lễ “ngọai giáo” (tiêu thụ – vật chất). Ngày nay khoảng thời gian cao điểm chuẩn bị mừng đón Chúa cũng là lúc người ta đua nhau sắm sửa, trang hoàng, chuẩn bị cho những cuộc vui chơi lễ hội không hề có bóng dáng Thiên Chúa.

26. HỎI: Còn chúng ta mừng điều gì trong lễ Giáng sinh?

THƯA: Chúng ta không chỉ mừng ngày sinh nhật của Đức Giê-su mà còn mừng sự nhập thể của Thiên Chúa. Đấng Tòan năng làm người đã trở nên một người như chúng ta: như một nhân vật quyền quí quyết định bỏ lại các danh vọng và tài sản của mình để đi gặp người phụ nữ mà mình yêu thương. Do đó, trong lễ Giáng sinh, chúng ta mừng việc Thiên Chúa đến với loài người chúng ta, và việc chắc chắn Ngài sẽ trở lại như chính Ngài đã đến.

27. HỎI: Chúng ta chuẩn bị đìều gì trong mùa Vọng?

THƯA: Chúng ta chuẩn bị bằng cách củng cố đức tin, và sống trong tinh thần tỉnh thức chờ đợi trong suốt đời chúng ta. Sự chờ đợi nầy giúp chúng ta nhìn thấy tương lai cánh chung xuyên qua Máng cỏ Bết-lê-hem, hay nói cách khác, thấy biến cố đấng Mê-si-a đến lần thứ hai. Mùa vọng cũng giúp chúng ta sẵn sàng chờ đợi giây phút kết thúc cuộc sống trần gian của chúng ta và cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô Giê-su.

28. HỎI: Tác giả tin mừng Mác-cô gán cho chủ đề tỉnh thức tầm quan trọng nào?

THƯA: Mác-cô muốn chúng ta chờ đợi trong trạng thái bình thản hết sức. Ông sẽ nói về việc tỉnh thức một cách đột ngột trước trình thuật khổ nạn. Lệnh truyền “tỉnh thức” được lặp lại nhiều lần là cố ý giúp độc giả chú ý đến một thái độ phù hợp để được cứu độ. Tân Ước còn thêm vào thái độ đó, sự đón nhận, sắp sẵn, phục vụ, quảng đại, và các nhân đức khác. Người Ki-tô hữu phải phải đặt các nhân đức tự nhiên trên nền tảng các nhân đức đối thần: tin, cậy và mến.

29. HỎI: Nội dung bài đọc hai (2Pr 3,8-14) như thế nào?

THƯA: Trong khi ngày Chúa trở lại và ngày tận thế (mà mọi người tin rằng đã gần kề) càng lúc càng trở nên xa xăm, Thánh Phê-rô nhắc cho họ nhớ rằng đối với Thiên Chúa thời gian như không có. Nên không ai biết được khi nào thì những lời Chúa Giê su hứa trở lại sẽ được thực hiện. Điều đó lại trở thành lí do để sống tỉnh thức và luôn sẵn sàng. Đó là cách thức duy nhất để sống niềm hi vọng và là điều kiện để được bình an.

GLCG 422 398, 2763.”Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Ga 4,4-5). Đây là “Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc l,l): Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (x. Lc 1,68). Người đã thực hiện lời hứa với Áp-ra-ham và con cháu ông (x.Lc l, 55). Người đã thực hiện hơn cả điều chúng ta mong ước: Người đã cử “Con yêu dấu” của Người đến (Mc l, ll).

515 126 609, 477. Các Tin Mừng đã được những người thuộc số các tín hữu đầu tiên viết ra (x.Mc 1,1 ; Ga 21,24) vì muốn chia sẻ đức tin cho kẻ khác. Được nhận biết Đức Giê-su nhờ đức tin, họ thấy và chỉ cho thấy những dấu tích về mầu nhiệm của Người trong suốt thời gian Người sống trên dương thế. Từ những tấm tã lót ngày Giáng Sinh (x.Lc 2,7), cho đến chút dấm lúc chịu khổ hình (x.Mt 27,48), và tấm khăn liệm ngày Phục Sinh (x.Ga 20,7), mọi sự trong cuộc đời Đức Giê-su đều là dấu tích cho mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, phép lạ, lời nói, Người mặc khải cho biết “tất cả sự viên mãn của thiên tính hiện diện cách cụ thể nơi Người” (Cl 2,9). Như vậy nhân tính của Người xuất hiện như một “bí tích”, nghĩa là như một dấu chỉ và công cụ cho thiên tính và ơn cứu độ Người mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình về địa vị Con Thiên Chúa và sứ mạng cứu chuộc của Người.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.