Chúa Nhật 15 Thường Niên Năm C – Ngày 14/07/2019

Lời Chúa: Lc 10,25–37

Khi ấy, có một người thông luật đứng lên hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề Luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại cho ông”. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

 


Suy niệm

TÌNH YÊU THƯƠNG, GIẤY THÔNG HÀNH DUY NHẤT VỀ NƯỚC TRỜI

Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).

“Ai là anh em của tôi?” Câu hỏi mà người thông luật đặt ra đã được Đức Giêsu trả lời theo một lối rất đặc biệt. Cách trả lời của Ngài đã vượt ra ngoài logic thông thường của một câu trả lời. Ngài không giới hạn cho vị thông luật một danh sách cụ thể về những người anh em, những người thân cận mà ông cần thương yêu; thay vào đó, Ngài mời gọi ông bước lên một bình diện cao hơn. Đó là: hãy biến mình trở thành người anh em của người khác qua việc thực thi lòng thương xót. Nói cách khác, khi hỏi ai là anh em của mình, vị thông luật đã tự đặt mình làm trung tâm qui chiếu, là đối tượng chờ hưởng thụ lòng xót thương; nhưng Đức Giêsu không muốn như vậy. Ngài muốn ông hãy nhìn đến nhu cầu của người khác trước tiên. Như thế, câu hỏi cần được trả lời lại là: Tôi là anh em của ai? Và làm sao để trở nên người anh em của người khác? Bí quyết đó được gói ghém nơi người Samari mà Tin Mừng trình bày trong dụ ngôn hôm nay.

Nhìn vào người Samari, thầy tư tế và thầy trợ tế trong đoạn Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng cả ba người cùng đi trên một con đường, cùng nhìn thấy một hoàn cảnh đáng thương, nhưng lại có những hành động khác nhau. Yếu tố tạo nên sự khác biệt đó chính là tình yêu. Tuy họ cùng mang trong mình một trái tim, nhưng không phải cả ba trái tim đều có tình yêu. Chính nhờ có tình yêu mà trái tim người Samari mới cảm thấy rung động trước người bị nạn, và cũng chính tình yêu đã khiến ông không thể tránh ra con đường của riêng mình, nhưng đã dừng lại và bước sang con đường của người đau khổ, để yêu thương và chăm sóc cho nạn nhân. Đó là cách ông đã trở nên người anh em đối với người khác.

Cuộc đời chúng ta cũng là một cuộc hành trình tiến về Giêrusalem Thiên Quốc. Trong hành trình đó, tình yêu chính là giấy thông hành và là thẻ căn cước duy nhất cho mỗi người. Không ai có thể đạt được sự sống vĩnh cửu mà không cần đến tình yêu và lòng xót thương đối với tha nhân. Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Như thế, dửng dưng với người đau khổ cũng là dửng dưng với Chúa; loại trừ người đau khổ ra khỏi phạm vi của tình yêu nơi mình cũng là loại trừ chính Chúa ra khỏi cuộc đời, và đó cũng là sự khước từ chính con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta về Nước Trời.

Lạy Chúa, những người đau khổ luôn là đối tượng được Chúa yêu thương cách đặc biệt. Hôm nay, Chúa muốn chúng con thực hiện cuộc hành trình biến đổi mình nên người thân cận cho mọi người nhờ việc biết sống yêu thương. Đi theo lộ trình đó, xin Chúa giúp chúng con biết hiến tế bản thân khi chấp nhận phá đổ mọi thành kiến, mọi chướng ngại và mọi rào cản với những người xung quanh, để tự nguyện đưa vào mình chính nỗi khốn cùng của người khác, hầu chúng con không bị lạc đường trong hành trình tiến về quê trời với Chúa. Amen.


Comments are closed.