CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 33-TN_A
15-11-2020
“Người phụ nữ đảm đang”
Thật là hay, khi ở cuối sách Châm ngôn, được nghe ca ngợi “người phụ nữ đảm đang” và niềm hạnh phúc mà bà ấy gieo rắc xung quanh mình. Thánh vịnh duy trì khuôn khổ hạnh phúc hàng ngày của một gia đình. Ngược lại, hai bài đọc còn lại phóng chúng ta vào một chân trời lúc tận thế.
Bài đọc 1: CN 31, 10-13. 19-20. 30-31
Ở đầu sách Châm ngôn, lời dạy về sự khôn ngoan được thực hiện từ cha sang con trai, và từ mẹ sang con gái. Nhưng, sau đó, người ta chủ yếu ở vào trong một thế giới nam nhi… và không thích phụ nữ. Tuy nhiên, cũng như với cái nháy mắt của Thần Khí, cuốn sách kết thúc bằng lời ca ngợi “một người phụ nữ đảm đang”, theo bản dịch của Shouraqui, gần với tiếng Do Thái hơn. Lời ca tụng này sửa chữa vô số lời cảnh báo, thường gặp trong sách Châm ngôn, về người đàn bà độc mồm độc miệng và người phụ nữ sa đoạ. Trong cuốn sách Kinh Thánh này, không những không có lời nào tương đương khen ngợi người đàn ông “dũng cảm”, mà người phụ nữ được miêu tả trong bài thơ theo bảng chữ cái này, còn đảm đương mọi việc nhà, điều hành nhà cửa, giao dịch tài chính và thương mại, cũng như giúp đỡ những người “nghèo khổ” và “bất hạnh”.
Thánh vịnh 127
Cô đọng hơn nhiều so với bài đọc đầu tiên về người phụ nữ đảm đang và về sự rạng rỡ của bà ấy trong thành phố, thánh vịnh phác họa chân dung của một gia đình lý tưởng. Một “hạnh phúc” kép, được trao vương miện với mong muốn hạnh phúc, được gửi đến người đàn ông của ngôi nhà. Hạnh phúc này vừa là kết quả của “công việc do bàn tay [người ấy]” làm ra, vừa là kết quả của sự tôn trọng của người ấy đối với Thiên Chúa và đường lối của Ngài. Nhưng người ấy không phải là một mình trải qua niềm hạnh phúc này. Vợ anh là “như một cây nho quảng đại” và hai vợ chồng chia sẻ những niềm vui hàng ngày, đặc biệt là “quanh bàn ăn”, với con cái của họ. Nếu cuộc sống gia đình vẫn là một phúc lành từ thiên đàng, nó cũng được sống trong sự hiệp thông vào “hạnh phúc của Giê-ru-sa-lem” và của cộng đoàn.
Bài đọc 2: 1 Th 5, 1-6
Ở cuối chương 4, Phaolô ám chỉ rằng ông có thể thấy Chúa trở lại, đang lúc ông còn sống. Ở đây, Phaolô làm sáng tỏ suy nghĩ của mình, khi nói đến những chỉ dẫn được Chúa Giêsu đưa ra trong điều được gọi là “diễn từ khải huyền” của Ngài (Mc 13, 5-37 ; Lc 1, 10-28 ; Mt 24, 3-31). Không ai có thể biết “thời gian và khoảnh khắc”, và sự trở lại của Chúa là một điều hoàn toàn bất ngờ. Vì vậy, sự cảnh giác luôn phải có trong mọi lúc, nhưng không liên quan gì đến lo lắng và sợ hãi. Phaolô yêu cầu người Thêssalônica sống đơn giản như “con cái của ánh sáng, con cái của ban ngày”.
Tin Mừng: Mt 25, 14-30
Dụ ngôn về “những nén bạc” này là dụ ngôn cuối cùng trong Tin Mừng Matthêu và được liên kết mật thiết với sự mong đợi Đức Kitô tái lâm. Nó liên quan đến giai đoạn trung gian bao gồm sự ra đi của Chúa Giêsu (sự thăng thiên của Ngài) và sự trở lại của Ngài vào lúc tận thế. Thời kỳ này diễn ra từ khoảng hai nghìn năm nay, và không ai biết khi nào nó sẽ kết thúc. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm cho những “tài năng” mà chúng ta đã nhận được, sinh hoa trái. Theo nghĩa đen, những “nén bạc” này là những đồng tiền xu, tượng trưng cho những ân huệ và phúc lành nhận được từ Chúa. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta, đừng chôn vùi chúng, vì sợ làm mất chúng, nhưng hãy làm cho chúng sinh hoa kết trái để tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã ban chúng cho ta.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.