CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 32-TN_A – “DUNG NHAN NIỀM NỞ” của THIÊN CHÚA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 32-TN_A

08-11-2020

“DUNG NHAN NIỀM NỞ” của THIÊN CHÚA

          Một linh đạo xoay theo trục tìm kiếm sự Khôn Ngoan chỉ có thể là điều an ủi, niềm hạnh phúc và sự vui vẻ. Nơi tác giả Thánh vịnh, việc tìm kiếm Thiên Chúa cũng được đặt dưới ngọn cờ của hạnh phúc và vui thích. Bài đọc hai và bài Tin Mừng kêu gọi tỉnh thức trong khi chờ đợi Đức Kitô trở lại.

Bài đọc 1: Kn 6, 12-16

          Tác giả đẩy mạnh hơn nữa việc nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan, đã được khởi xướng trong sách Châm Ngôn (Cn 1, 20-33; 8, 1-36; 9, 1-6) và sách Huấn Ca (Hc 24, 1-2). Ông mô tả Đức Khôn Ngoan bằng các từ ngữ và thuộc tính thường được dành cho Thiên Chúa. Giống như Thiên Chúa (Tv 26, 1), Khôn ngoan là ánh sáng “chói lọi” “để cho mình được chiêm ngắm”, và “để cho ai tìm kiếm mình được gặp mình” (so với Is 55, 6). Trong Kinh Thánh, có rất nhiều hình ảnh về sự huy hoàng, sự vinh quang và sự chói lòa ánh sáng của Thiên Chúa. Vậy, làm sao chúng ta không trân trọng và tận hưởng hình ảnh này, duy nhất trong Kinh Thánh, về Đức Khôn Ngoan xuất hiện như “Dung Nhan niềm nở” của Thiên Chúa? Đây là một hình ảnh lôi cuốn, có khả năng nuôi dưỡng một kinh nghiệm nghiệm thần bí thực sự!

Thánh vịnh 62

          Thánh vịnh cũng có một dáng vẻ thần bí: khao khát Thiên Chúa, chiêm ngưỡng, tình yêu ưu tiên, lời ca tụng và chúc phúc không ngớt, bữa tiệc thỏa mãn, đối thoại trong đêm, tiếng reo vui. Có lẽ chúng ta có khuynh hướng quên điều này là: từ vựng của Thánh vịnh diễn đạt, bằng những lời đơn giản, chứ không phải bằng ngôn ngữ được mã hóa, một thần học rất phong phú. Không có gì phức tạp trong Thánh vịnh 62 này: mọi thứ đều bắt nguồn từ mối liên hệ lành mạnh, thanh thản, vui vẻ và thỏa mãn với Thiên Chúa.

Bài đọc 2: 1 Tx 4, 13-18

          Trong bản văn được coi là cổ nhất của Tân Ước, Phaolô khích lệ tín hữu Thessalônica đừng để mình quật ngã trước cái chết của những người thân yêu của mình. Vì đức tin của Phaolô vào sự phục sinh của Đức Kitô bao gồm sự xác tín rằng “Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu, sẽ đem họ đi với Ngài”. Như thế niềm hy vọng đã được khơi mầm. Tuy nhiên, Phaolô mạo hiểm đưa ra giả thuyết về sự trở lại gần kề của Đức Kitô. Hai lần Phaolô nói về mình và về những người Thessalônica như là “những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm”. Điều này cho thấy niềm hy vọng của Phaolô sống động như thế nào, nhưng trong lá thư thứ hai gửi cho người Thessalônica, Phaolô đã nhanh chóng xem xét lại lập trường của mình và điều chỉnh nó cho phù hợp với sự tỉnh thức và kiên nhẫn đã được Chúa Giêsu rao giảng.

Tin Mừng: Mt 25, 1-13

          Với dụ ngôn này, có thể thấy rõ ràng là chúng ta đang ở trong bối cảnh cánh chung. Chàng rể đến chậm và chỉ xuất hiện lúc nửa đêm, hiển nhiên tượng trưng cho Đức Kitô, sẽ trở lại, nhưng người ta không thể biết khi nào. Do đó, tầm quan trọng được trao cho mười cô gái trẻ, những người phải đón chàng rể và lập thành đoàn rước chàng. Các cô đại diện cho hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Năm người trong số họ “vô tâm”, không mang theo dầu thắp đèn, sẽ không được tham gia lễ cưới. Năm người khác, “biết lo xa”, mang đèn và dầu để cung cấp năng lượng cho đèn. Các cô tiêu biểu cho thái độ lý tưởng mà Chúa Giêsu khuyến nghị liên quan đến sự trở lại của ngài: “Vậy, hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.