CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 29-TN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 29-TN

18-10-2020

MỘT VỊ VUA NƯỚC NGOÀI, ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHỌN

          Vua Pharaon đã “cứng lòng” giữ dân Israel làm nô lệ. Vua Cyrus hoàn thành sứ mệnh cho phép dân Israel trở về Giêrusalem. Bài ca mới của dân Israel ca tụng vinh quang của Thiên Chúa trước mặt muôn dân. Chúa Giêsu không phải là một vị vua trần gian, nhưng sự giải thoát của Ngài vĩ đại hơn.

Bài đọc 1: Isaia 45, 1. 4-6

          Còn lời tiên tri nào gây kinh ngạc hơn lời Chúa nói về Cyrus, vua của Ba Tư, là ‘Đấng Mêsia của Ngài’! Chắc chắn những kỳ vọng về một Đấng Thiên Sai (là những kỳ vọng) rất sống động và đa dạng trong dân Israel. Nhưng đa số đều mong đợi một vị vua xuất thân từ dòng họ Đa-vít, và chắc chắn không phải là một vị vua ngoại bang, cho dù là vị vua vĩ đại của Ba Tư, vốn không biết và cũng không phục vụ Thiên Chúa của Israel. Tuy nhiên, Thiên Chúa tự do lựa chọn, và Ngài đã giao cho vua Cyrus một nhiệm vụ cụ thể, đó là ký sắc lệnh năm 538 cho phép những người lưu đầy trở về nhà và xây dựng lại Đền thờ đổ nát. Rốt cuộc, Thiên Chúa là chúa tể vũ trụ, ‘từ đông sang tây’.

Thánh vịnh 95

Bài ca mới’ được quy định cho cộng đồng là một phần của ảnh hưởng và tinh thần của lời tiên tri Isaia. Một mặt, Isaia ca tụng sự vĩ đại của Thiên Chúa, vinh quang và sự ưu việt của Ngài: Ngài ở “trên hết các thần”, trong khi “tất cả các thần của các dân tộc” chỉ là “hư vô”. Mặt khác, vị Thiên Chúa duy nhất vô song này xứng đáng được “cả trái đất”, “gia đình các dân tộc”, “các quốc gia”, và “cả trái đất” hát mừng. Được giải thoát khỏi cảnh lưu đày, dân Israel không được cuộn mình, đóng kín mình lại, ngay khi nhận ra rằng Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế của họ cũng là Thiên Chúa Tạo Hóa “cai trị các dân tộc bằng sự công bình”.

Bài đọc 2:  1 Thess 1, 1-5b

          Giữa các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, Phaolô là người vĩ đại nhất trong việc loan báo Tin Mừng cho các quốc gia. Phaolô đã khôn ngoan kiếm thêm người cộng tác với mình, là các môn đệ trung thành như Silvanô và Timôthê, những người đồng ký tên trong bức thư đầu tiên này gửi cho người Thessalônica. Do đó, chữ “chúng tôi” của lá thư không phải là một chữ thuộc sự oai vệ, uy nghiêm: tác vụ được thực hiện giữa những người Thessalônica là kết quả của sự cộng tác chặt chẽ. Hơn nữa, đó là một thành công, vì cộng đoàn là một kiểu mẫu về đức tin “sống động”, về lòng bác ái “chịu gian khổ” và về niềm hy vọng vững chắc trong Chúa Kitô.

Tin Mừng: Mt 22, 15-21

          Người Pharisiêu có mối quan hệ không rõ ràng với người La Mã xâm lược, trong khi người Hêrôđê thì lấy làm đủ với hoàn cảnh, nên không nổi loạn, để có thể duy trì địa vị vượt trội của mình trong dân chúng. Hai nhóm đều tỏ ra là người cơ hội và liên kết với nhau để thăm dò lập trường của Chúa Giêsu đối với hoàng đế Xê-da. Thế nhưng, Chúa Giêsu không để mình bị lừa bởi những lời khen giả hiệu mà người Pharisiêu và người Hêrôđê dành cho Ngài. Chúa làm chưng hửng hành vi tinh quái của họ và phá sập cái bẫy mà họ giăng ra cho Chúa: Chúa cho thấy Chúa là một công dân gương mẫu qua câu nói: “Hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da”. Tuy nhiên, Chúa nhắc nhở họ về một nghĩa vụ cao cả hơn, đó là “trả lại cho Chúa những gì thuộc về Chúa”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.