CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ NGÀY GIÁNG SINH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

LỄ NGÀY GIÁNG SINH

25-12-2020

BÌNH AN và VINH DANH,

Dưới Đất Cũng Như Trên Trời.

          Dù là Isaia, tác giả ẩn danh của Thánh vịnh, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái hay thánh sử Luca: tất cả họ đều đồng lòng ca hát tin mừng cứu độ. Cho “những người ở xa trên trái đất” cũng như cho những người đã đón nhận Lời của Thiên Chúa và “được sinh ra bởi Thiên Chúa”.

Bài đọc I: Is 52,7-10

          Isaia mời gọi những người đương thời chiêm ngưỡng hành trình của sứ giả tin mừng và lắng nghe sứ điệp của ông về hạnh phúc, về ơn cứu độ và về bình an. Tin mừng chủ yếu là về thời sự của “vương quyền (của) Chúa”. Dù ông có thể là một tiên tri vĩ đại, Isaia không phải là một nhóm riêng biệt. Ngược lại, ông gợi ý sự nhất trí cao đẹp của tiếng nói của những “người canh gác” là các tiên tri khác của Israel. Tin mừng càng hợp thời và có giá trị hơn, khi Giêrusalem vẫn còn trong đống đổ nát. Nhưng Thiên Chúa “an ủi dân Ngài”, và Ngài vẫn biết cách thực hiện những điều kỳ diệu như ngày xưa khi Ngài rời Ai Cập bằng cách biểu lộ “sự thánh thiện của cánh tay Ngài”.

Thánh vịnh 97

          Tác giả Thánh vịnh chia sẻ lòng nhiệt thành của Isaia và hân hoan ca tụng vương quyền của Thiên Chúa (câu cuối cùng). Người ta ghi nhận sự tham chiếu đến các biến cố trong cuộc Xuất hành khỏi Ai Cập và trong bài ca của Môisê (Xh 15): “Ngài đã làm những điều kỳ diệu, với cánh tay rất thánh và bàn tay quyền năng của Ngài …” Sự chiến thắng và ơn cứu độ của Thiên Chúa, tất nhiên, hoàn tất “vì lợi ích của nhà Israel”, nhưng sự chiến thắng và ơn cứu độ đó là đối tượng của một sự mặc khải “cho các dân tộc” và cho “toàn trái đất”, được mời gọi tham gia vào sự tung hô của những người tái sinh từ thử thách lưu đày.

Bài đọc II: Dt 1, 1-6

          Phần mở đầu của bức thư gửi tín hữu Do Thái có tính cách trang trọng như Lời mở đầu của Tin Mừng Gioan (Tin Mừng hôm nay) và mang đậm nét Kitô học tương tự như Kitô học về “Ngôi Lời” được Gioan khai triển. Thực vậy tác giả của bức thư đã trình bày Đức Kitô là lời tối thượng của Thiên Chúa, khen thưởng hàng ngũ các “tiên tri”, những người đã “nói với cha ông chúng ta”. Nhưng đó không phải là tất cả: ở câu 3, tác giả sử dụng hai cách diễn đạt chỉ có ở sách Khôn ngoan 7, 26, được sửa lại một chút: “phản ánh vẻ huy hoàng [tiếng Hy Lạp: ánh sáng của Thiên Chúa]; hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” [tiếng Hy Lạp: tấm gương không tì vết về hoạt động của Thiên Chúa]. Điều này muốn nói rằng Đức Kitô là sự khôn ngoan và quyền năng sáng tạo. Không có gì là lạ, vì sách Khôn ngoan và thư gửi tín hữu Do Thái được viết trong môi trường Alexandria.

Tin Mừng: Ga 1, 1-18

          Khác với Marcô, Gioan dẫn chúng ta đến sự khởi đầu tuyệt đối (St 1, 1) và sự tạo dựng muôn loài bởi Ngôi Lời Thiên Chúa. Năm câu đầu của phần Mở đầu này rất giàu sự quy chiếu về sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Cn 8, 22-31; Hc 4; Kn 7-9). Điều này muốn nói rằng toàn thể tạo vật mang dấu ấn kép của sự Khôn Ngoan thần linh. Quan trọng hơn, đối với Gioan, đỉnh điểm là cuộc gặp gỡ bất ngờ và chưa từng có của Ngôi Lời Thiên Chúa với xác phàm. Theo nghĩa đen, công thức của Gioan rất táo bạo: “Và Ngôi Lời (logos) đã trở thành nhục thể (sarx)”. Kế đến, Gioan nói thêm: “Ngài cư ngụ giữa chúng ta”. Cùng với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, với các Đạo sĩ, với các thiên thần và các mục đồng, chúng ta hãy mở mắt để chiêm ngắm mầu nhiệm, và mở môi chúng ta để hát mừng sự ra đời của Đấng Cứu Thế.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.