CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, 23-5-2021 PHÉP RỬA BẰNG LỬA.

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, 23-5-2021

PHÉP RỬA BẰNG LỬA.

          Làm thế nào để mô tả Chúa Thánh Thần, nếu không dùng vô số hình ảnh được cung cấp cho chúng ta trong các bài đọc hôm nay? Chúa Thánh Thần là hơi thở mạnh mẽ, là ngọn lửa rực nóng đốt cháy trái tim, là nguồn mạch sự sống và đổi mới, tình yêu, niềm vui, hòa bình … và là Đấng an ủi (Paraclet).

Bài đọc I: Cv 2, 1-11

          Cũng như Chúa Giêsu đã nhận được đầy tràn Chúa Thánh Thần, khi chịu phép rửa tại sông Giođan, trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình, các Tông đồ thấy mình được ban cho chính Thánh Thần này, Đấng đã được Chúa Giêsu hứa ban cho họ. Từ đó, họ có thể tìm thấy những lời lẽ cảm hóa và làm nức lòng các tâm hồn, đồng thời hoàn thành sứ mệnh Chúa Giêsu đã giao cho họ là loan báo Tin Mừng của Ngài “tại Giêrusalem, khắp miền Giuđêa, Samaria và tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Các người Do Thái từ các chân trời đến để cử hành “lễ Ngũ Tuần”, năm mươi ngày sau Lễ Phục sinh, nhằm tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban hành Luật tại núi Sinai. Lại nữa, việc đề cập đến “gió dữ dội” và “lửa” gợi lên các sự kiện ở núi Sinai và gợi ý rằng một giao ước mới được mở đầu nhờ ân huệ của Chúa Thánh Thần.

Thánh vịnh 103

          Thánh vịnh này là một trong những bài thánh ca hay nhất trong tập sách Thánh vịnh, và nói về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ở đây nhấn mạnh đến sự “phong phú” của các công trình của Thiên Chúa, phụ thuộc vào lòng tốt và quyền năng của Ngài. Như trong sách Sáng thế (Gn 1, 2), hơi thở thần linh làm sinh động tạo vật, thì chính hơi thở này không ngừng đổi mới tạo vật. Thực ra, vài câu này, cũng như toàn bộ Thánh vịnh, khai triển nhận xét của Thiên Chúa về mỗi ngày Tạo dựng: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,10). Tác giả Thánh vịnh bị thuyết phục về sự tốt lành và vẻ đẹp nội tại của Sự Sáng Tạo, và tác giả đã biến sự xác tín đó thành một “bài thơ”, đẹp lòng Thiên Chúa và truyền cảm hứng cho cộng đoàn của tác giả.

Bài đọc II:  Gl 5, 16-25

          Người ta thường nói rằng Chúa Thánh Thần không được nhận biết và khó mô tả Ngài bằng hình ảnh, không giống như Chúa Cha và Chúa Con. Đây không phải là điều mà Tông đồ Phaolô nghĩ. Ở đây, Phaolô đã vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc, chi tiết và sống động về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu. Phaolô đặc biệt nói về “sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” và các ước muốn của Chúa Thánh Thần, điều mà Phaolô dùng để chống lại với xác thịt và ngay cả với Luật pháp. Phaolô thậm chí còn đi xa hơn danh sách truyền thống về bảy ân huệ của Thần Khí, được Isaia gợi lên (x. Is 11, 2-3), chẳng hạn khi gọi là “hoa quả của Thần Khí”: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ”. Hạnh phúc thay người sống và bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần!

Tin Mừng: Ga 15, 26-27 ; 16, 12-15

          Gioan là tác giả Tân Ước duy nhất trình bày Chúa Thánh Thần như một “Đấng bảo trợ”: theo nghĩa đen trong tiếng Hy Lạp là ‘Paraklètos’, cũng có thể được dịch là “Đấng an ủi”. Gioan mô tả Chúa Thánh Thần là “Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con” và là Đấng “làm chứng về Đức Kitô”. Ở đây chúng ta có tiền đề của thần học Ba Ngôi, mô tả sự chuyển động luân lưu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, trong chuyển động thiêng liêng này, Gioan không quên sự hiện diện và hoạt động truyền giáo của những người đã ở với Đức Kitô “ngay từ đầu” trong sứ vụ công khai của Chúa là loan báo Nước Trời.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.