CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, 09-01-2022 TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, 09-01-2022

֎

TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC

Bốn thánh tác giả sách Tin Mừng đều nhất trí nhìn nhận Gioan Tẩy giả là tiếng nói gay gắt và đòi hỏi nhưng cũng là niềm an ủi và tin mừng mà Isaia đã loan báo. Khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu, tiếng nói từ trời xác nhận tình yêu và sự tín nhiệm của Chúa Cha nơi Con yêu dấu của Ngài.

Bài đọc I : Is 40, 1-5. 9-11

Trong khi 39 chương đầu tiên của sách Isaia đề cập đến nhà tiên tri vĩ đại của thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thì một phần hoàn toàn mới, gần đây hơn, mở ra với một sứ điệp. Đó là một sự an ủi kép được chuyển dịch trước hết thành một sự chuộc tội hai lần cho những tội lỗi của Giêrusalem. Và một giọng nói ẩn danh thông báo về một công trường khổng lồ, trong sa mạc, để chuẩn bị và dọn đường cho Chúa. Giọng nói này vang lên, giống như giọng của Môsê ngày xưa, “trên núi cao”, và chẳng kém gì giọng của một “người loan báo Tin Mừng”, nghĩa là người mang “tin mừng cho Giêrusalem”. Thiên Chúa mà người ấy loan báo chắc chắn sẽ đến với “quyền năng”, nhưng Ngài cũng được nhìn nhận là một mục tử đầy âu yếm đối với những con chiên được Ngài quy tụ.

Thánh vịnh 103 (104)

Thánh vịnh 103 thuộc vào số những bài ca hay nhất trong việc sáng tác sách Thánh vịnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những câu mượn từ sách Sáng Thế (Gn 1) để diễn tả “sự tràn đầy [của] những công trình” của Chúa : ánh sáng, trời, nước, đất, cảnh lúc nhúc các sinh vật. Tác giả Thánh vịnh cũng mô tả sự Sáng tạo bằng những hình ảnh mới: “Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng” hay “Ngài lướt bay cánh gió” (Chúa Thánh Thần). Ông cũng đề cập đến vai trò của sự khôn ngoan trong Sự sáng tạo (câu 24) và vai trò của hơi thở thần linh, hơi thở sáng tạo và tái tạo (câu 30). Đó là lý do để chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã rộng lượng ban phát lương thực cho tất cả mọi loài !

Bài đọc II : Tt 2, 11-14 ; 3, 4-7

Trong ba câu đầu của đoạn thư này, Phaolô yêu cầu Titô nhắc nhở mọi người về một luân lý khá được chấp nhận để sống trong xã hội, đó là phục tùng các nhà lãnh đạo, sự tôn trọng, sự bất bạo động và “thường xuyên” hòa nhã. Tuy nhiên, Phaolô gợi lại sự phóng túng luân lý của quá khứ. Nhưng ở câu 4-7, giọng điệu thay đổi rõ rệt. Khi ngỏ lời với những người đã được rửa tội, Phaolô chuyển sang một nền luân lý hướng thần thực sự, dựa trên sự tốt lành, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa: “Nhờ phép rửa, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được tái sinh và đã đổi mới chúng ta trong Chúa Thánh Thần”. Trong Chúa Nhật hôm nay kính nhớ việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, chúng ta được báo trước về ân sủng được đổ xuống trên chúng ta và về niềm hy vọng được ban cho chúng ta, với tư cách là “những người thừa hưởng sự sống đời đời”.

Tin Mừng : Lc 3, 15-16. 21-22

Gioan Tẩy giả nổi tiếng và được đánh giá cao đến nỗi “mọi người đều tự hỏi … biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia !”. Nhận thức được điều này, Gioan lập tức nói rõ : phải, Gioan làm phép rửa trong nước, nhưng Gioan quy chiếu về một Đấng “mạnh thế hơn [Gioan]”, và là Đấng “sẽ làm phép rửa cho họ trong Thánh Thần và lửa”. Giờ đây, trong khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan và cầu nguyện giữa đám đông, thì trời mở ra. Biến cố trở nên biến cố Ba Ngôi đúng thực : Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình dáng chim bồ câu và tiếng Chúa Cha vang lên: “Con là Con của Cha ; nơi Con là cách hành động, xử sự của Cha”. Như thế, chúng ta đang tham dự ​​nhiều hơn vào một nghi thức : một biến cố về bản chất là Ba ngôi.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.