CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH 06-8-2023 ֎ NHỮNG THỊ KIẾN VỀ VINH QUANG

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

LỄ CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH

06-8-2023

֎

NHỮNG THỊ KIẾN VỀ VINH QUANG

Vinh quang của Thiên Chúa không chỉ diễn ra trong vũ trụ thiên giới. Vinh quang đó đã tỏ rõ trong vũ trụ do Ngài tạo dựng và nơi những cư dân của vũ trụ, và vinh quang đó đạt tới tột đỉnh nơi con người Chúa Giêsu, Đấng mặc khải vinh quang của Chúa Cha.

Bài đọc I : Dn 7, 9-10. 13-14

Những hình ảnh về Đấng Lão Thành ngự trong vinh quang và hình ảnh về Con Người được “ban cho quyền thống trị, vinh quang và vương vị” đưa chúng ta vào một thiên giới, rực rỡ ánh sáng và được bắc ngang bởi một dòng sông rực sáng. Thị kiến ​​của Đa-ni-en tôn vinh vương quyền chung của Đấng Lão Thành và của Con Người đã đặt thêm một viên đá vào tòa nhà vốn đã uy nghi với những biểu tượng về Thiên Chúa và về Đấng Thiên Sai của Ngài trong Cựu Ước: Emmanuel, Vị Vua lý tưởng, Hoàng tử bình an, Người Tôi Tớ khiêm nhường và đau khổ, v.v. . Người ta có thể hiểu rằng Matthêu đã lấy cảm hứng từ những hình ảnh vĩ đại này để trình bày thực tại không thể diễn tả được về sự biến hình của Chúa Giêsu, là khúc dạo đầu cho sự tôn vinh chung cuộc của Ngài trong sự Phục Sinh.

Thánh vịnh đáp ca : Tv (97) 96

Thánh vịnh này cũng mô tả vương quyền của Đức Chúa, mà Đa-ni-ên trình bày dưới hình ảnh Đấng Lão Thành ngự trên ngai của Ngài. Đối với tác giả thánh vịnh, niềm vui, sự hân hoan và lời tung hô được dành cho Đức Chúa là Vua. Một số thánh vịnh thuộc thể loại này, trong đó có Thánh vịnh 98 (97) và 99 (98), nói về vương quyền mà Thiên Chúa thi hành trên dân của Ngài ở Si-on-Giê-ru-sa-lem. Nhưng về phần mình, Thánh vịnh 97 (96) mời gọi trái đất, các hải đảo, các núi non, các tầng trời và mọi dân tộc hãy loan báo công lý, lẽ phải và vinh quang của Thiên Chúa. Vị Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho dân Israel chính là Đấng Tạo Hóa, “Chủ tể của cả trái đất”, mà “mọi dân tộc” đều có thể chiêm ngưỡng vinh quang của Người.

Bài đọc II : 2 Pr 1, 16-19

Ba môn đệ được đặc ân (Phêrô, Giacôbê và Gioan) chứng kiến ​​sự biến hình của Chúa Giêsu. Phêrô là một trong số họ và ông nhấn mạnh, trong bức thư được cho là của ông, sự thực về kinh nghiệm mà ba ông đã trải nghiệm “trên núi thánh”. Đức tin vào Chúa Giêsu biến hình và từ khi Chúa sống lại, đức tin đó không dựa vào “những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo”, nhưng dựa vào lời chứng của những người đã nhìn thấy vinh quang và quyền năng của Đức Kitô, và những người đã nghe thấy tiếng Chúa Cha liên quan đến Con yêu dấu của Ngài. Kinh nghiệm kép này của các chứng nhân đã làm vang vọng tiếng nói của các tiên tri và hướng dẫn các Kitô hữu vào sự trông đợi ngày Đức Kitô sẽ trở lại và chiếu sáng như “sao mai”.

Tin Mừng : Mt 17, 1-9

Khung cảnh Cuộc Biến Hình được bao phủ vừa bởi ánh sáng, vừa bởi mầu nhiệm. Không những dung nhan của Chúa Giêsu sáng chói như mặt trời và y phục Ngài trắng như ánh sáng, mà còn có một đám mây sáng chói bao phủ tất cả những người ở với Ngài trên núi. Thực sự sự biến hình đạt đến đỉnh điểm với sự mặc khải rõ ràng về địa vị của Chúa Giêsu là “Con yêu dấu” của Chúa Cha và là vị tiên tri tuyệt hảo, mà người ta phải lắng nghe Ngài. Sự hiện diện của hai đại ngôn sứ Môsê và Êlia tự nó là bằng chứng ủng hộ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Nói cho đúng ra, thì chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ mới hiểu hết ý nghĩa của việc Chúa biến hình.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.