CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIV-TN_B, 21-11-2021 CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ VƯƠNG QUỐC CỦA TÔI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXXIV-TN_B, 21-11-2021

CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ

VƯƠNG QUỐC CỦA TÔI

          Vào lúc sắp kết thúc một năm phụng vụ, trong Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội ca tụng Chúa Kitô “Chủ tể của vũ trụ”, Đấng liên kết chúng ta vào vương quyền của Ngài. Chính Ngài vẫn là Đấng hướng dẫn chúng ta trong suốt chu kỳ của năm phụng vụ mới.

Bài đọc I : Đn 7, 13-14

          Hai trong số các bài đọc của Chúa Nhật tuần trước đã có một nội dung cánh chung mạnh mẽ, với một đoạn văn khác của Đa-ni-ên và một phần diễn từ của Chúa Giêsu về tận thế. Những bài đọc này nói về một thời kỳ đầy biến động trong vũ trụ và khốn quẫn. Tuy nhiên, thị kiến của Đa-ni-ên, một trong những điều nổi tiếng nhất trong cuốn sách, rõ ràng là tập trung vào dung mạo thiên giới, thần linh và vương gỉa của “Con Người”. Từ chính Thiên Chúa, được trình bày dưới hình dạng của một Vị Bô Lão, ‘Con Người’ nhận được “quyền thống trị, vinh quang và vương quyền” trên tất cả các dân tộc và cho đến đời đời. Giọng điệu không còn ở sự khốn quẫn mà là ở niềm hy vọng, và chúng ta sẽ không gặp khó khăn gì khi thấy Gioan, trong sách Khải huyền của mình, đã có thể lấy cảm hứng từ những thị kiến của Đa-ni-ên như thế nào.

Thánh vịnh 92 (93)

          Người ta không ngạc nhiên khi thấy phụng vụ chọn một thánh vịnh về vương quyền của Thiên Chúa. Có những người khác trong sách thánh vịnh (Tv 47) và thánh vịnh được chọn là thành phần của một bộ sưu tập nhỏ (Tv 92 – 99). Đây là những thánh vịnh rất vui tươi, thậm chí có tính lễ hội. Vương quyền của Thiên Chúa là tin mừng cho mọi dân tộc trên trái đất, và người ta tôn vinh vẻ đẹp và sự vĩ đại của công trình tạo dựng, và đặc biệt, của trái đất. Hơn nữa, vương quyền của Thiên Chúa và của Con Chiên khơi lên trong sách Khải Huyền của Gioan một loạt các lời tung hô, các bài thánh ca và các vinh tụng ca, chẳng hạn như “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7, 10; xem thêm Kh 7, 14-17; 11, 15).

Bài đọc II : Kh 1, 5-8

          Trong những lời cầu chúc về “ân sủng” và “bình an” mà Gioan nói với bảy Giáo Hội ở Tiểu Á, những biểu tượng của tất cả các Giáo Hội, Gioan đã trình bày, ở đây và trong suốt cuốn sách của mình, một Chúa Kitô “tử đạo” (theo từ tiếng Hy Lạp, được dịch là “nhân chứng”), sống lại (“Trưởng Tử của kẻ chết”) và được ban cho vương quyền. Phần thứ hai của câu 5 bắt đầu một vinh tụng ca mang dấu ấn của Đa-ni-ên: Đấng Phục sinh xứng đáng có “vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen ”. Người ta ghi nhận đặc điểm phụng vụ của sách Khải Huyền, với những tiếng Amen, Alleluia và các cuộc rước. Gioan là tác giả duy nhất của Tân Ước trình bày Đức Kitô là “Alpha và Omega”, khởi đầu và hoàn thành Công trình Sáng tạo, ngang hàng với Thiên Chúa “Đấng hiện có, đã có và đang đến”.

Tin Mừng : Ga 18, 33b-37

Không giống như các Tin Mừng nhất lãm, sách Tin Mừng của Gioan tường thuật cuộc đối thoại giữa Philatô và Chúa Giêsu. Philatô là đại diện của Hoàng đế La Mã. Bốn câu hỏi của ông đều thất bại hoàn toàn, và rõ ràng Chúa Giêsu có ưu thế trước Philatô. Chúa nói ra nghi ngờ về sự chân thành của quan tổng trấn : liệu ông này thực sự quan tâm đến Chúa hay ông ta chỉ thuật lại những lời đồn đại về Chúa ? Philatô không muốn bị liên lụy đến bản thân : ông đổ lỗi cho người Do Thái về việc Chúa Giêsu bị bắt và mơ hồ hỏi điều gì Chúa Giêsu đã làm khiến Ngài bị bắt. Lần này Chúa Giêsu khẳng định bản chất đích thực của vương quyền của Ngài: “Nước Tôi không thuộc thế gian này”. Philatô nhấn mạnh: “Vậy, ông có phải là vua không?” Chúa Giêsu đưa quan tổng trấn đến một lãnh vực khác, khi tự xác định mình là người “đến trong thế gian […] để làm chứng cho sự thật”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.