CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXXIII-TN_C, 13-11-2022
֎
ĐỨC KITÔ ĐÃ ĐẾN, ĐỨC KITÔ SẼ TRỞ LẠI !
Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay có một dấu ấn cánh chung sâu sắc. “Ngày của Chúa” được Ma-la-chi-a công bố, sinh ích cho những người công chính, và tàn phá cho những người vô đạo. Trong các bản văn khác, ngày của Chúa là ngày Chúa Giêsu trở lại, ngày thử thách lớn lao nhưng cũng hy vọng tràn trề.
Bài đọc I : Ml 3,19-20a
Ma-la-chi-a là vị cuối cùng trong các tiên tri trước tác thuộc Cựu ước. Trong Kinh Thánh dùng trong phụng vụ, Ma-la-chi-a được xếp ngay trước bốn sách Tin Mừng. Tên tiếng Do Thái của Ma-la-chi-a có nghĩa là “Sứ giả của tôi”. Ma-la-chi-a rất xứng đáng với danh hiệu này vì ông loan báo (Ml 3,19) “ngày của Chúa” sắp đến. Trong đoạn trích ngắn gọn này, nhà tiên tri mô tả với giọng cường điệu số phận khôn nguôi mà “tất cả những kẻ kiêu ngạo, những kẻ nghịch đạo” đều phải lãnh chịu : họ sẽ bị lửa thiêu rụi. Nhưng (số phận) sẽ hoàn toàn khác đối với “những người kính sợ [danh Chúa]”: đó sẽ là một ngày của ánh sáng và của “sự chữa lành”, bởi vì “Mặt trời công chính sẽ mọc lên”.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 97 (98)
Thánh vịnh 97 (98) là một thánh vịnh về vương quyền của Thiên Chúa, được các tín hữu hân hoan cử hành, với dàn nhạc, những nhạc khúc hoan ca và những tiếng tung hô. Tiền xướng nói rõ rằng Chúa “đang đến”. Ở đây người ta dùng lối trình bày hiện tại, bởi vì Chúa luôn hiện diện để “cai quản các dân tộc trên địa cầu”, với “công lý và sự công bình”. Trong thánh vịnh này, Israel triệu tập “địa cầu với toàn thể dân cư”, thực tế là công nhận rằng vua của mình cũng là vua của toàn trái đất, bởi vì Ngài đến “xét xử địa cầu theo đường công chính và xét xử muôn dân theo lẽ công bình”. Mọi ẩn dụ đều được sử dụng để tung hô một vị vua như thế: “ Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan CHÚA” !
Bài đọc II : 2 Tx 3, 7-12
Trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca (1 Tx 5), Phaolô đã đề cập đến vấn đề về sự quang lâm của Chúa Giêsu, đang khi vẫn trung thành với những mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Chúa. Nhưng bây giờ Phaolô phải cải chính tin đồn rằng sự quang lâm này là chuyện sắp xảy ra. Một số tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca dường như đã không hề hiểu thông điệp của Phaolô về vấn đề này. Hoặc là họ “sống một cuộc sống vô kỷ luật”, hoặc là họ không còn muốn làm việc nữa. Vị Tông đồ mời gọi tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca noi gương ngài, vì vẫn còn nhiều việc tông đồ phải làm để chuẩn bị cho sự quang lâm của Đức Kitô, mà thời điểm chính xác của biến cố này thì chỉ Thiên Chúa mới biết. Phải vẫn làm việc, bình tĩnh, hy vọng và kiên trì, như Chúa Giêsu đã dạy.
Tin Mừng : Lc 21, 5-19
Chương này của Luca là thành phần của điều được gọi là “diễn từ khải huyền của Chúa Giêsu” (xem thêm Mc 13 và Mt 24). Các môn đệ có lý để ngạc nhiên trước vẻ đẹp của Đền thờ. Nhưng Chúa Giêsu nhìn xa hơn nhiều và thông báo cho họ biết những thời “chiến tranh loạn lạc”, và những “hiện tượng kinh khủng”. Lịch sử chẳng bao lâu đã chứng minh Chúa nói đúng, vì Giêrusalem sẽ bị chinh phục, đền thờ của nó sẽ bị người La Mã phá hủy, và sẽ có nhiều Kitô hữu tử đạo, dưới triều các hoàng đế Neron và Domitian, đó là chỉ nói về thế kỷ thứ I của kỷ nguyên chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu yêu cầu những ai thuộc về Ngài đừng để mình bị “lừa gạt” và hãy tiếp tục “làm chứng”, đồng thời thể hiện sự kiên trì.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ