CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIII-TN_B, 14-11-2021 BẦU KHÍ TẬN THẾ ?

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXXIII-TN_B, 14-11-2021

BẦU KHÍ TẬN THẾ ?

          Bài đọc I và bài Tin Mừng gợi lên một “thời ngặt nghèo chưa từng thấy”. Lý do thâm sâu của câu chuyện là việc Đanien loan báo sự giải phóng của Israel cùng sự chỗi dậy của những kẻ chết, và Chúa Giêsu, sự biểu lộ vinh quang của Ngài, cùng sự tập hợp những người được chọn.

Bài đọc 1 : Daniel 12, 1-3

          Đanien là tác giả duy nhất của Cựu ước đề cập đến (ở đây và trong Dn 10, 13. 21) Tổng lãnh thiên thần Micae, người có tên tiếng Do Thái là “Mi-ka-el” dịch theo nghĩa đen là : “Ai bằng Thiên Chúa?” Câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ là, như toàn bộ Cựu ước đã tuyên bố: Không ai bằng Thiên Chúa ! Sách Đanien là mẹ của tất cả các khải huyền trong Kinh thánh và ngoài Kinh thánh. Chúng ta biết rằng cuốn sách Khải huyền của Gioan đã được gợi hứng rất nhiều từ sách Đanien, nhất là khi cuốn sách này nêu lên sự can thiệp và chiến thắng của Tổng lãnh thiên thần Micae và các thiên thần trên con Rồng muốn ăn tươi nuốt sống Người phụ nữ và đứa con của bà (Kh 12, 3-9). Thời cuối cùng, đối với nhà tiên tri, là thời của “sự giải thoát” và thời khai sáng cho tất cả các kẻ tin.

Thánh vịnh 15 (16)

          Thánh vịnh tin tưởng, vui mừng và hy vọng về một “con đường sống” (vượt qua bên kia sự chết), là một thánh vịnh đặc biệt. Một mặt, nó có thể là bài hát của một thầy Lê-vi (câu 4-5), hoặc của một người thân thiết với Thiên Chúa, người (thân thiết này) tuy vậy thú nhận là đã phục vụ ngẫu tượng (câu 3). Mặt khác, tất cả các câu ở đây đều được trích dẫn một cách rõ ràng bởi Phêrô, người đã áp dụng chúng cho Đức Kitô Phục sinh trong diễn từ của ông vào ngày Lễ Ngũ tuần (Cv 2, 27-28). Về phần mình, Phaolô trích dẫn câu 10 trong bài nói chuyện của ông tại hội đường Antiôkia ở Pisidia (Cv 13, 35). Việc Phêrô và Phaolô đọc thánh vịnh 15 (16) theo kiểu quy Kitô này là gây ấn tượng hơn cả. Việc đọc đó cho thấy các Tông đồ quý trọng các thánh vịnh như thế nào ; các thánh vịnh giúp họ hiểu rõ hơn về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc 2 : Dt 10, 11-14. 18

          Tác giả thư Do Thái nhấn mạnh nhiều đến dung mạo của vị thượng tế. Bây giờ chính ông đang thêu dệt rộng ra nữa về vai trò hàng ngày của “bất kỳ tư tế nào”, nghĩa là về tất cả các thầy Lê-vi có thể chào đón khách hành hương ở lối vào Đền thờ, nhận lễ vật của họ và tùy nghi giúp việc cầu nguyện, cùng đệm hát thánh vịnh. Tuy nhiên, tác giả của bức thư nói với chúng ta rằng việc nhân rộng các dịch vụ không thể “xóa bỏ tội lỗi”. Cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Kitô trên thập giá là lễ hy sinh “độc nhất vô nhị” giữa tất cả mọi lễ dâng, và đã mang lại cho chúng ta sự tha thứ dứt khoát. Đức Kitô hiện đang “ngự bên hữu Thiên Chúa” ; chính ở nơi Ngài mà chúng ta tìm thấy sự “hoàn thiện” và sự thánh hóa.

Tin Mừng : Mc 13, 24-32

          Chương 13 của Tin Mừng Marcô trình bày điều được gọi là “khải huyền nhất lãm” (x. Lc 21 và Mt 24). Điều này đưa nó đến gần hơn với bài đọc thứ nhất và toàn bộ sách Đanien. Chúa Giêsu nói về sự ngặt nghèo chưa từng thấy và cũng thông báo về sự giải thoát của những người được chọn, điều sẽ đạt được nhờ sự can thiệp của “Con người”, một cách diễn tả thân quen của Đanien. Nhưng trong khi Đanien loan báo một sự giải thoát cho những người đương thời (“vào lúc này”), thì Chúa Giêsu xác định rằng “không ai biết […] ngày nào và […] giờ nào”. Vị Tôn Sư yêu cầu các môn đệ tìm hiểu từ dụ ngôn cây vả, những dấu hiệu báo trước sự trở lại của “Con người”. Bài học rõ ràng là : phải luôn tỉnh thức.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.