CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXXIII-TN_A, 19-11-2023
֎
NHỮNG HOA TRÁI XỨNG VỚI NƯỚC TRỜI
Các ân sủng phát sinh hiệu quả khác nhau ở mỗi người ; việc làm cho chúng sinh hoa kết quả tùy thuộc vào mỗi người. Người hạnh phúc biết trân trọng những ân sủng đã lãnh nhận và chia sẻ chúng để đạt hạnh phúc lớn nhất cho những người thân yêu và cộng đồng của mình.
Bài đọc I : Cn 31, 10-13.19-20.30-31
Lời khen ngợi “người phụ nữ hoàn hảo” mang lại một luồng gió tươi mát hơn cả cái được chờ đợi trong một cuốn sách chứa đựng các bức chân dung không mấy đẹp đẽ về phụ nữ. Tuy nhiên, vai trò của người mẹ không bị bỏ qua trong các chương đầu tiên của sách Châm ngôn, trong đó vai trò của người cha và của người thầy khôn ngoan vẫn chiếm ưu thế. Do đó, chương cuối cùng của cuốn sách cung cấp một sự điều chỉnh quan trọng. Bởi ở đây, các vai trò đã đảo ngược: chính người chồng khen ngợi vợ của mình. Người vợ này không chỉ đảm đương công việc nội trợ với kỹ năng hiếm có, mà còn quản lý công việc gia đình một cách hiệu quả, đồng thời tỏ ra rộng lượng với người nghèo và người kém may mắn.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 128 (127)
Từ lời khen ngợi người phụ nữ hoàn hảo, người ta chuyển sang chân dung một cặp vợ chồng hạnh phúc được Chúa chúc lành. Mỗi người đều chu toàn vai trò thông thường trong một xã hội phụ hệ. Người chồng đảm bảo sự tồn tại của gia đình bằng công việc tay chân của mình, còn người vợ, được ví như “cây nho đầy hoa trái”, cống hiến hết mình cho các công việc nội trợ. Việc có nhiều con cái làm tăng thêm niềm hạnh phúc hàng ngày của họ. Hạnh phúc này không phải là kết quả của sự tình cờ và cũng không thuần tuý là vật chất. Nó bắt nguồn từ “sự kính sợ Chúa”, nghĩa là từ sự trung thành với giao ước của Ngài. Cặp đôi tỏa ra một niềm hạnh phúc đi đôi với niềm hạnh phúc của cộng đoàn của họ: Giêrusalem.
Bài đọc II : 1 Tx 5, 1-6
Trước đây, Phaolô đã bày tỏ cảm giác rằng trong đời mình, ông có thể được thấy sự trở lại của Đức Kitô. Giờ đây, ông làm sáng tỏ suy nghĩ của mình bằng cách sửa đổi theo những chỉ dẫn chính do Chúa Giêsu đưa ra, trong điều được gọi là “khải huyền nhất lãm” (Mc 13; Lc 21; Mt 24). Vì Chúa Giêsu đã cho thấy rõ ràng rằng người ta không biết gì về “ngày giờ và thời kỳ” Ngài đến lần thứ hai, nên một kết luận duy nhất được đặt ra : “Chúng ta hãy tỉnh thức và sống tiết độ”. Sự thiếu hiểu biết về ngày giờ và thời kỳ là một chuyện, nhưng chính sự kiện Chúa Kitô tái lâm vẫn là điều chắc chắn đối với các Kitô hữu, những người mà Thánh Phaolô gọi là “con cái ánh sáng”. Đây là lý do tại sao phụng vụ khiến chúng ta thưa lên : “Chúng ta chờ đợi Chúa ngự đến trong vinh quang”.
Tin Mừng : Mt 25, 14-30
Ở đây Chúa Giêsu không đưa ra một giáo trình tâm lý học phổ thông về nhu cầu trau dồi khả năng tự nhiên của mỗi người. Những “yến bạc” trong dụ ngôn là những số tiền được một người đi xa giao phó cho ba người đầy tớ khác nhau. Không có gì là bất công ở đây : những số tiền khác nhau được giao phó tôn trọng “khả năng” của mỗi người. Vị Tôn sư tin tưởng mỗi người và mong rằng mỗi người sẽ sống xứng đáng với trách nhiệm được giao phó. Do đó, mỗi người phải chủ động và làm cho số tiền đã lãnh nhận được tăng lên. Đây là điều được yêu cầu nơi các môn đệ Đức Kitô, những người đang chờ đợi Ngài trở lại: phải làm việc không mệt mỏi và không sợ hãi để sinh ra những hoa trái xứng đáng của Nước Trời.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ