CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXVIII-TN_A, 15-10-2023
֎
VÀO SỐ ‘NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN’
Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ: đây là điều được dạy rõ ràng trong sấm ngôn của tiên tri Isaia và dụ ngôn của Chúa Giêsu về tiệc cưới thiên sai vĩ đại. Nhưng mỗi người vẫn được tự do đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và làm cho mình xứng đáng với lời mời gọi đó.
Bài đọc I : Is 25, 6-10a
Lời tiên tri về bữa tiệc “cho mọi dân tộc” xuất hiện đúng lúc trong sách Isaia, sau một loạt sấm ngôn (Is 24) mô tả những cảnh biến động lớn của vũ trụ, sự tàn phá và hỗn loạn trong dân chúng. Tuy nhiên, trong giờ phút bi thảm này, nhà tiên tri không bị khuất phục trước sự hoảng sợ chung và biết làm sống lại những hy vọng đẹp đẽ nhất. “Đức Chúa của vũ trụ” sẽ xóa bỏ mọi dấu vết tang tóc và “vĩnh viễn” chiến thắng mọi quyền lực của tử thần, vì lợi ích không chỉ của Giêrusalem và cư dân của nó, mà còn của “mọi dân tộc” và “mọi quốc gia”. Niềm vui mừng hân hoan tràn ngập tâm hồn mọi người để nhấn mạnh sự vĩ đại của ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 23 (22)
Khác với sấm ngôn của Isaia, thánh vịnh không nằm trong viễn tượng phổ quát. Thánh vịnh mô tả niềm hy vọng tĩnh lặng và niềm hạnh phúc của một cá nhân biết mình được mục tử của mình, là Đức Chúa, hướng dẫn, bảo vệ và an ủi. Cá nhân này không phải là không biết đến mối nguy hiểm của “thung lũng chết chóc” cũng như sự đe dọa của “kẻ thù”, nhưng anh ta “không thiếu thốn gì” và “không sợ sự dữ nào”. Tác giả thánh vịnh thấy mình được chào đón và thoả mãn tại bàn tiệc của chủ nhà thiêng thánh của mình. Cũng vậy, tác giả tìm thấy “ân sủng và hạnh phúc” hàng ngày, và chính trong “nhà của Chúa” mà tác giả muốn sống “suốt cuộc đời [của mình]”. Kinh nghiệm và lời chứng của tác giả có giá trị cho tất cả những người tin Chúa.
Bài đọc II : Pl 4, 12-14.19-20
Thánh Phaolô là một người đam mê: hành trình không biết mệt mỏi, ngài đã đi qua các con đường ở Tiểu Á để loan báo Tin Mừng, và ngài đã đến thăm rất nhiều cộng đoàn, không chỉ những cộng đoàn do ngài thành lập. Phaolô cũng đã ký nhiều lá thư và tham gia nhiều trận chiến, bao gồm cả phiên tòa xét xử chính mình trước các đại diện của hoàng đế. Người ta tin lời ngài khi ngài nói rằng ngài có thể sống trong hoàn cảnh dư dật hoặc thiếu thốn. Nếu ngài được ban cho một sức mạnh có tính chất đặc biệt, thì bí mật của ngài vẫn là sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Ngài cũng nhìn nhận tình liên đới mà các tín hữu Philipphê đã thể hiện với ngài, trong khi ngài đang “quẫn bách”.
Tin Mừng : Mt 22, 1-14
Nếu Luca cũng trình bày một dụ ngôn về bữa tiệc (Lc 14,16-24), thì dụ ngôn của Mátthêu khác với của Luca ở chỗ nó mô tả một tiệc cưới và hơn nữa, tiệc cưới này là do một vị vua tổ chức cho con trai của mình. Người ta dễ dàng hiểu rằng Thiên Chúa là vị vua này và rằng Chúa Giêsu là con của vua. Cũng giống như ở Luca, những người được mời trước nhất đã không chịu đến dự tiệc. Ở Matthêu, họ tấn công những đầy tớ của nhà vua và con của vua. Họ bị trừng phạt vì bị xét là không xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa không từ bỏ ý định cứu độ phổ quát của mình: Ngài tuyệt đối muốn rằng phòng tiệc phải “đầy khách”, đến từ các “ngã tư đường”. Đám cưới bây giờ đã thành công rực rỡ. Tuy nhiên, việc trục xuất một vị khách nhắc nhở chúng ta rằng ơn cứu độ sẽ không đến nếu không tôn trọng những yêu cầu nhất định.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.