CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVI-TN_A, 01-10-2023 ֎ TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ HÀNH ĐỘNG CỦA MÌNH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVI-TN_A, 01-10-2023

֎

.

TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ HÀNH ĐỘNG CỦA MÌNH

Êgiêkien cũng như Đức Kitô nhắc nhở chúng ta rằng không ai có thể tự phụ mình công chính hoàn hảo hoặc ngược lại, khẳng định mình gian ác không thể sửa chữa được. Mỗi người đều có thể và phải trả lời về hành động của mình, dù tốt hay xấu, và việc hoán cải luôn luôn có thể thực hiện được.

Bài đọc I : Ed 18, 25-28

Có một sự trâng tráo, xấc xược nào đó về phía những người đương thời với Êgiêkien khi họ chỉ trích “cách hành xử của Chúa”. Để bào chữa cho họ, chúng ta có thể kể lại thử thách khủng khiếp mà họ đã trải qua, đó là cuộc lưu đày ở Ba-by-lon. Nhưng ở đây vấn đề không thực sự là cảm giác bị bỏ rơi mà cộng đoàn có thể nghiệm thấy trong mối quan hệ với Thiên Chúa, vì bị lưu đày. Vấn đề thực sự – xuyên suốt chương 18 của sách Êgiêkien – là vấn đề trách nhiệm cá nhân. Mỗi người vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình (con đường của mình), chính trực hay bất chính. Thiên Chúa không đòi hỏi điều gì hơn là tha thứ cho kẻ gian ác biết hối cải, nhưng người công chính làm điều ác phải chịu trách nhiệm.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 25 (24)

Khổ thơ đầu tiên của thánh vịnh có điều gì đó như một lời van xin, năn nỉ, ngoại trừ việc không có cảm giác cấp bách. Lời cầu xin của tác giả Thánh Vịnh là của một người môn đệ mong muốn học biết “đường nẻo” và “lối đi” của Chúa, cùng mong được hướng dẫn bởi “chân lý” của Ngài. Điều tác giả thực sự khấn xin là sự khôn ngoan. Mặt khác, ở khổ thơ thứ hai, điều mà người môn đệ mong nhận được từ Thiên Chúa là sự tha thứ cho những “sự nổi loạn” và “tội lỗi thời trẻ của [tác giả]”. Được củng cố bởi lời kêu gọi đến sự nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh có được sự tự tin, bởi vì ông biết (khổ thơ thứ 3) rằng Thiên Chúa “chỉ đường cho kẻ tội lỗi” và Ngài “dạy kẻ khiêm nhường con đường của Ngài”.

Bài đọc II : Pl 2, 1-11

Thánh Phaolô đặt cuộc sống Kitô giáo dưới dấu hiệu hiệp thông huynh đệ “trong Đức Kitô” và “với Thánh Thần”. Một sự hiệp thông trong tình yêu, sự nhân từ và lòng trắc ẩn. Nhưng để đạt được điều này, chúng ta phải hướng mắt về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” và “hạ mình xuống”, thậm chí “huỷ mình đi”, bằng cách “mặc lấy thân phận tôi tớ, trở nên giống hẳn người ta”. Nếu Thiên Chúa “tôn vinh” Đức Kitô, đó là vì Đức Kitô đã vâng phục “cho đến chết và chết trên thập giá”. Cuộc sống Kitô hữu được sống trong sự hạ mình phục vụ những người nghèo nhất và trong niềm hạnh phúc được Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta, tôn vinh và làm cho thoả mãn.

Tin Mừng : Mt 21, 28-32

Dụ ngôn người cha bảo hai người con của mình đi làm vườn nho khác biệt đáng kể so với dụ ngôn được đọc Chúa nhật tuần trước. Nó đặc biệt gây tranh cãi hơn vì nó được nói trực tiếp “với các thượng tế và các kỳ mục trong dân”, những người có thái độ tương ứng với thái độ của người con thứ hai. Người con này giả vờ đồng ý, nhưng không hành động. Còn người con thứ nhất, trước tiên anh ta nói “không” với cha mình, nhưng sau đó “hối hận” và cuối cùng đi làm vườn nho. Sự ăn năn hối hận này là của “những người thu thuế và [những] gái điếm”, và điều đó làm cho họ vượt trên các giới chức tôn giáo cao cấp nhất của Giêrusalem “trong nước của Thiên Chúa”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.