CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIV-TN_A, 17-9-2023 ֎ CÓ GIỚI HẠN CHO LÒNG THƯƠNG XÓT ?

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXIV-TN_A, 17-9-2023

֎

CÓ GIỚI HẠN CHO LÒNG THƯƠNG XÓT ?

Tha thứ cho người khác và cho chính mình là việc khó khăn. Tuy nhiên, cử chỉ giải thoát của sự tha thứ là cần thiết cho sự sống còn trong cộng đoàn : cử chỉ đó được xác nhận là câu trả lời duy nhất thích hợp đối với vô số sự tha thứ đã nhận được từ Thiên Chúa.

Bài đọc I : Hc 27, 30 – 28, 7

Đây là một chuyên luận nhỏ đích thực về sự tha thứ mà nhà hiền triết Ben Sira mang đến cho chúng ta ở đây. Chuyên luận nhỏ này là kết quả của một phân tích tinh tế về hành vi của con người và là cách tố cáo những thái độ trái ngược với sự tha thứ: trả thù, tức giận, thiếu thương xót, hiềm thù, căm ghét. Nhưng trên hết, Hiền nhân đã trình bầy những động lực tích cực thúc đẩy sự tha thứ: “Hãy nghĩ đến ngày tận số của bạn […] các điều răn […] Giao ước”. Lời khuyên của Ben Sira về tha thứ cho người thân cận để nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa đã tiên báo một cách đáng ngưỡng mộ lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12).

Thánh vịnh đáp ca : Tv 103 (102)

Thánh vịnh 103 (102) đi xa hơn những lời của Ben Sira, trong khi khéo léo gợi lên vô số ơn huệ mà Thiên Chúa không tiếc ban cho con người và đặc biệt chú ý đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Điệp khúc là một lời đích thực tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra cho ông Môsê như là Đấng “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Nhưng tác giả thánh vịnh không chỉ lặp lại điệp khúc kinh điển này. Ông đào sâu chủ đề và kinh ngạc trước bề rộng lòng thương xót của Thiên Chúa : “Ngài tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi […], không trả báo ta xứng với lỗi lầm […], như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta”. Một nhận thức như vậy chỉ có thể thúc giục các tín hữu thể hiện lòng thương xót đối với người khác.

Bài đọc II : Rm 14, 7-9

Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng cuộc sống Kitô hữu không phải chỉ là chuyện giáo thuyết. Vị Tông đồ biết do kinh nghiệm rằng sự sống và cái chết đứng cạnh nhau và đối đầu với nhau trong một trận chiến vĩnh viễn. Nhưng chúng ta cảm thấy trong lời nói của Phaolô một sự thiên vị cho sự sống. Sự thiên vị xuất phát từ niềm tin của Phaolô vào sự phục sinh của Chúa Kitô và từ tác động của sự phục sinh này đối với cuộc sống của chính chúng ta. Dù xảy ra bất cứ điều gì, “dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa”. Không có gì trong cuộc sống này – đau khổ, loại trừ, hoặc thậm chí cái chết – có thể đặt lại vấn đề thuộc về Chúa Kitô. Lập luận của Phaolô nối kết với điều được Chúa Giêsu đề ra cho những người Biệt phái : Thiên Chúa của Giao ước – cũ và mới – “không phải là Thiên Chúa của người chết, mà là của người sống”.

Tin Mừng: Mt 18, 21-35

Có được tính toán sự tha thứ mà chúng ta thực hiện không ? Dường như Phêrô nghĩ rằng ĐƯỢC : “đến bảy lần”, theo Phêrô, có lẽ là một đề nghị hợp lý, thậm chí lý tưởng, vì số bảy chỉ sự đầy đủ. Nhưng Chúa Giêsu không hiểu như vậy: theo Chúa Giêsu, phải tha thứ “đến 70 lần bảy lượt”, nghĩa là cho đến sự viên mãn được nhân lên gấp mười lần sự viên mãn! Nói cách khác, phải luôn tha thứ. Đây không phải là một vấn đề toán học, mà là việc bắt chước “Cha trên trời”, Đấng không bao giờ từ chối tha thứ cho bất cứ ai xin Ngài tha thứ. Lòng thương xót Thiên Chúa bất chấp mọi tính toán.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.