CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXIII-TN_C, 04-9-2022
֎
ƠN GỌI HUY HOÀNG VÀ SỰ KHÔN NGOAN TRIỆT ĐỂ
Sự khôn ngoan giúp mỗi người “nhận biết ý muốn của Chúa”. Tác giả thánh vịnh coi đó là ý thức về “thước đo thực sự cho những tháng ngày mình sống”. Đến lượt mình, Chúa Giêsu trình bày một sự khôn ngoan đầy nghịch lý và đòi hỏi, đó là sự khôn ngoan của thập giá và của sự trao ban chính mình.
Bài đọc I : Kn 9, 13-18
Đoạn văn này là tuyệt đỉnh của phần đầu của cuốn sách ca ngợi sự khôn ngoan. Bằng những nét vẽ Salômôn, thực tế là vua nhưng “số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi” (Kn 9, 5), tác giả đề cập đến những người cai trị trần gian (xem Kn 1,1). Trong chương 9 này, tác giả bộc lộ một lời cầu nguyện mới lạ để đạt được sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này cần thiết cho những người cai trị, thực tế là cần cho tất cả loài người: “Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững”. Những dòng sau (“Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi…”) dự đoán câu hỏi được Chúa Giêsu đặt ra cho Nicôđêmô: “Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ?” (Ga 3,12).
Thánh vịnh đáp ca : Tv 90 (89)
Thánh vịnh này rất xứng đáng với danh hiệu là thánh vịnh khôn ngoan. Như những lời của nhà hiền triết trong bài đọc I và như nhà hiền triết Qohèleth đã diễn tả rất hay, sự hiện hữu của con người được đánh dấu bằng sự mong manh bẩm sinh của nó. Cuộc sống của con người “như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn”. Tác giả thánh vịnh đã rất khôn ngoan trong việc phân biệt thời gian của Thiên Chúa, Đấng mà đối với Ngài, “ngàn năm chỉ như ngày hôm qua đã qua đi mất rồi”. Điều làm nên chất lượng thực sự của cuộc sống là chúng ta nhận thức được “thước đo thực sự của những tháng ngày mình sống” và hàng ngày học được tình yêu của Chúa và sự dịu dàng của Ngài.
Bài đọc II : Phm 9b-10.12-17
Theo lời của ông, Vị Tông đồ là “một ông già” và hiện là một tù nhân vì Đức Kitô. Bức thư rất ngắn này (chỉ có một chương duy nhất với hai mươi bốn câu) được in dấu sự dịu dàng và thân ái đáng kể. Dù đang bị suy yếu, Phaolô vẫn tìm ra cách để cho phép người nô lệ Ô-nê-si-mô, người đã ghẻ lạnh với chủ của mình là Phi-lê-môn, nhận được “sự sống trong Đức Kitô”. Phaolô yêu cầu Phi-lê-môn đón nhận lại người nô lệ của mình và đối xử với người nô lệ này cách tự nhiên, “như một người anh yêu quý”. Cách xử của Phaolô là rất mẫu mực. Ngài thực hành điều Ngài đã nói rất rõ ràng với người Ga-la-ta : “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3,28) .
Tin Mừng : Lc 14, 25-33
Ở đây, Chúa Giêsu không chỉ nói với các môn đệ của mình, nhưng còn nói với đám dân đông đảo đang theo Ngài trên đường. Trong hội đường Nazareth, Chúa đã trích dẫn và chú giải một đoạn sách của Isaia để xác định sứ mạng của Ngài, bằng cách khẳng định mình được sai đi “đem Tin Mừng đến cho người nghèo” (Lc 4,18). Và Chúa đã công bố các Mối phúc, đồng thời nói ra các dụ ngôn tuyệt vời (người Samaritanô nhân hậu). Mặt khác, Chúa tỏ ra rất gay gắt khi đến lúc phải xác định các đòi hỏi để trở nên một trong những môn đệ của Ngài. Phải làm một lựa chọn triệt để : mến chuộng Chúa Giêsu hơn bất kỳ thành viên nào trong gia đình mình, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì Ngài, và vác thập giá của mình. Nhưng sự lựa chọn này đã là một ân sủng và là một hạnh phúc lạ thường, bởi vì theo Đức Kitô là đi theo con đường dẫn đến Nước Trời.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.