CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXI-TN_A, 27-8-2023 ֎ CẦM BUỘC VÀ THÁO CỞI

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXI-TN_A, 27-8-2023

֎

CẦM BUỘC VÀ THÁO CỞI

Quyền cầm buộc và tháo cởi mà Chúa Giêsu ủy thác cho Phêrô, thực tế, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Còn trách nhiệm nào kỳ diệu và đáng sợ hơn việc có thể thực hiện được trên trần gian sự tha thứ mà Thiên Chúa muốn ban “ở trên trời”!

Bài đọc I : Is 22, 19-23

Isaia can thiệp khi kẻ thù Assyria tiến vào khu vực Giêrusalem và đe dọa bao vây thành phố. Thời điểm này thật nguy hiểm, và các lựa chọn chính trị rất mong manh. Lời tuyên sấm của Isaia hoàn toàn phủ nhận Shebna, cố vấn chính trị chủ chốt của Vua Êgiêkia, và hứa hẹn những ngày tốt đẹp hơn với người thay thế Êgiêkia, là Eliakim. Isaia muốn tự trấn an, nhưng những gì xảy ra tiếp theo sẽ không làm ông ngạc nhiên : Eliakim sẽ không làm tốt hơn người tiền nhiệm của mình ! Isaia sau đó, lại tiếp tục nhấn mạnh, như mọi khi, đến niềm tin nơi Thiên Chúa và việc tuân giữ giao ước của Ngài.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 138 (137)

Trong Kinh Thánh, việc tạ ơn được diễn tả bằng một động từ tiếng Hip-ri có thể được dịch là “ca tụng, biểu dương” hoặc “tuyên xưng”. Không đơn thuần là một diễn tả sự cảm ơn, tạ ơn là một sự tuyên xưng đức tin thực sự, diễn ra qua chứng từ của một cá nhân về sự can thiệp thuận lợi của Thiên Chúa, giữa những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, thánh vịnh không đề cập rõ ràng đến cộng đoàn, hội đồng, anh em. Nhưng ngôn ngữ của tác giả thánh vịnh là một phần của truyền thống lâu đời cung cấp cho ông những từ ngữ để ca tụng – tuyên xưng danh Thiên Chúa, tình yêu, chân lý và lòng trắc ẩn của Ngài đối với những người khiêm nhường. Chính tác giả thánh vịnh trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đoàn.

Bài đọc II : Rm 11, 33-36

Ở đây, Phaolô kết thúc cuộc thảo luận dài của ông về “mầu nhiệm” dân Israel (việc họ được chọn, tội lỗi của họ, và sự họ trở lại với ân huệ) và sự kêu gọi dân ngoại đến với ơn cứu độ. Phaolô nhìn nhận những giới hạn trong suy tư thần học của mình và đã đến lúc Phaolô ngây ngất trước những chiều sâu của mầu nhiệm và “những con đường” của Thiên Chúa. Để làm như vậy Phaolô mượn lời của một tác giả thánh vịnh (Tv 138), lời của một nhà hiền triết (Kn 17, 1) và lời của một tiên tri (Is 40, 13). Do đó, Phaolô có cơ sở vững chắc để tán dương tính khác biệt và sự siêu việt của Thiên Chúa. Phaolô chỉ còn biết cúi đầu trước mầu nhiệm bằng tiếng “Amen” vang dội. Thảo luận thần học đã nhường chỗ cho sự chiêm niệm, và các độc giả của Phaolô cũng được mời làm như vậy.

Tin Mừng : Mt 16, 13-20

Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”) thật đáng chú ý và mẫu mực. Phêrô nói nhân danh các môn đệ, nhưng mối phúc mà Chúa Giêsu nói với ông thì có giá trị cho mọi người. Người ta có thể nói về một sự soi sáng bất ngờ: Phêrô đã có câu trả lời đúng. Nhưng bao nhiêu câu hỏi vẫn còn lởn vởn trong đầu các môn đệ! Chúa Giêsu mời gọi họ phát biểu suy nghĩ về những ý kiến ​​xoay quanh Ngài và trên hết hãy có lập trường cá nhân: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?” Niềm tin không thể đông đặc lại trong một công thức duy nhất, dù nó đúng đến đâu. Niềm tin là hành trình, là tìm kiếm và tái khám phá Chúa Giêsu trong Tin Mừng.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.