CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVII-TN_C, 24-7-2022 ֎ Kinh LẠY CHA “THÁNH VỊNH CỦA CÁC THÁNH VỊNH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XVII-TN_C, 24-7-2022

֎

Kinh LẠY CHA

“THÁNH VỊNH CỦA CÁC THÁNH VỊNH

Abraham là người bầu cử đầy uy lực bên Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không thể không trừng phạt tội lỗi “nghiêm trọng” của cư dân thành Sôđôma và Gômôra. Mặt khác, sức mạnh của lời cầu nguyện do Chúa Giêsu dạy, luôn làm vui lòng Đấng mà chúng ta dám gọi là “Cha”.

Bài đọc I : St 18, 20-32

Sôđôma và Gômôra là hai thành phố kề cận nhau ở phía nam Biển Chết. Câu chuyện trong sách Sáng Thế dường như muốn liên kết sự tàn phá tột độ của khu vực này với một lỗi nghiêm trọng của dân cư hai thành phố đó. Từ trên trời, Thiên Chúa không hề muốn nghe những tiếng vọng của những hành vi trái đạo đức của cư dân hai thành phố đó. Nhưng vì là người Cha công chính, Chúa muốn biết rõ hơn và tự nhủ sẵn sàng từ bỏ mọi hình phạt có thể xảy ra. Về phần mình, Abraham lo lắng về việc Thiên Chúa có thể “bắt người công chính phải chết chung với kẻ tội lỗi”, nên với sự kiên nhẫn và hoàn toàn tôn trọng Chúa, ông “thương lượng” một sự tha thứ có thể có, dù chỉ cần có mười người công chính trong thành Sôđôma. Tuy nhiên, thành phố sẽ bị phá hủy, có lẽ vì sự tồn tại dai dẳng của sự dữ.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 137 (138)

Sự lựa chọn Thánh vịnh này không có mối liên hệ rõ ràng nào với lời tường thuật của sách Sáng Thế. Tùy chỗ, chúng ta có thể thấy trong lời tiền xướng một ám chỉ đến lời cầu thay của vị tổ phụ, và trong các khổ thơ, (thấy một ám chỉ) đến đức tin và sự công chính của ông. Lời tạ ơn của tác giả thánh vịnh đề cao ngày Thiên Chúa đáp lời kêu cứu của ông. Lời tạ ơn đó vừa thân thiết, thân tình, lại vừa trang trọng, vì tác giả xác tín mình đang ở trước triều đình thiên quốc. Thế rồi, sự tạ ơn nhường chỗ cho lời ngợi khen, tập trung vào danh Thiên Chúa, Đấng chứng thực bằng tình yêu và chân lý của Ngài. Tác giả thánh vịnh biết rằng sự uy nghiêm của Thiên Chúa không ngăn cản Ngài nhìn đến “kẻ khiêm nhường nhất”. Khổ thơ cuối cùng bày tỏ niềm xác tín sáng ngời của tác giả thánh vịnh rằng “Chúa làm mọi sự cho [tác giả]”, là kẻ đặt tương lai của mình vào trong tay Thiên Chúa.

Bài đọc II : Cl 2, 12-14

Theo Phaolô, tội lỗi đã khiến chúng ta “phải chết”, nhưng “trong phép rửa tội”, chúng ta đã được sống lại với Đức Kitô. Từ nay trở đi, chúng ta được kêu gọi để sống “với Đức Kitô” và chúng ta được giải thoát khỏi sức nặng của tội lỗi bởi tình yêu tột độ của Chúa Giêsu. Ngài đã chịu khổ nạn và chết trên thập giá, nhờ đó chúng ta xứng đáng được nhận lãnh, từ Thiên Chúa, việc xóa bỏ món nợ mà chúng ta đã mắc nợ Ngài.

Tin Mừng : Lc 11, 1-13

Tất nhiên, các môn đệ đã có một kinh nghiệm nào đó về các bài thánh vịnh và vài người trong số họ dường như đã học được điều gì đó về lời cầu nguyện từ những người thân cận với Gioan Tẩy giả. Chúa Giêsu, Đấng khuyên không nên nói nhiều khi cầu nguyện, đã cung cấp chỉ một một lời với vài dòng, hơn nữa rất ngắn gọn, nhưng nói lên tất cả và rất giàu quy chiếu đến các thánh vịnh. Chúng ta nhanh chóng hiểu được sự phân chia thành hai phần: phần thứ nhất liên quan đến việc danh “Cha” được hiển thánh và nước Cha trị đến. Phần thứ hai bao gồm những yêu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày: bánh ăn hàng ngày, sự tha thứ tội lỗi cho nhau và sự bảo vệ của Thiên Chúa khi đối mặt với những cám dỗ.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.