CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI-TN_B, 18-7-2021 THIÊN CHÚA MỤC TỬ, ĐẤNG AN ỦI VÀ LÀM CHO HỒI SINH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XVI-TN_B, 18-7-2021

THIÊN CHÚA MỤC TỬ, ĐẤNG AN ỦI VÀ LÀM CHO HỒI SINH

           Hai bài đọc đầu tiên sử dụng hình ảnh về một Thiên Chúa Mục Tử chăm sóc đoàn dân còn sót lại của mình, và tác giả thánh vịnh luôn tin cậy vào Vị Mục tử của mình, Đấng hướng dẫn tác giả và làm cho tác giả tràn ngập hạnh phúc. Về phần Chúa Giêsu, Ngài tự biến mình thành người mục tử khi dạy dỗ đám đông.

Bài đọc I: Gr 23, 1-6

           Giêrêmia nhận lãnh trách nhiệm với một sứ mệnh khó khăn, vì ông là trung tâm của những sự kiện gây chấn động khiến dân Israel phải đi lưu đày ở Babylon. Nhưng lời tiên tri được chọn đọc hôm nay cho thấy rằng ông không hề đánh mất sự can đảm và sự táo bạo của các tiên tri trong Kinh Thánh. Thực vậy, ông tố cáo cách xử sự vô liêm sỉ của các mục tử Israel, tính hiểm độc của họ và trên hết là sự chểnh mảng của họ đối với những người được giao cho họ hướng dẫn, đồng hành và kêu gọi sám hối. Mặt khác, Giêrêmia không phải chỉ là một tiên tri của “những lời than thở”. Phần thứ hai trong lời tiên tri của ông là một tin mừng vô cùng to lớn: chính Thiên Chúa biến mình thành người mục tử chăn dắt dân Ngài và sẽ khơi lên những mục tử chân chính, những người sẽ an ủi dân của Ngài, trong đó có một “Mầm Giống công chính”, Đấng sẽ cứu thoát Giuđa và Isarel.

Thánh vịnh 22 (23)

           Thánh vịnh an ủi này rất có thể đã được gợi hứng bởi Giêrêmia hoặc một trong các môn đệ của ông, vì hình ảnh Thiên Chúa Mục Tử không xuất hiện trong các sách trước đó. Dù thế nào thì đây cũng là thánh vịnh của mọi niềm an ủi. Những ân sủng do Thiên Chúa Mục Tử ban cho thì rất nhiều và mạnh mẽ: “Tôi chẳng thiếu thốn gì, [.] Ngài cho tôi nghỉ ngơi, [.] làm cho tôi hồi sinh, [.] hướng dẫn và trấn an, [.] chuẩn bị bàn ăn [và một] chén đầy tràn”. Chữ “tôi” xuất hiện khắp nơi trong thánh vịnh, nhưng cần hiểu rằng nó áp dụng cho tất cả các tín hữu: Thiên Chúa ban cho họ “ân sủng và hạnh phúc [.] mọi ngày” và các tín hữu không thể mơ ước gì tốt hơn là được sống trong sự hiện diện của Ngài.

Bài đọc II: Ep 2, 13-18

Giống như Giêrêmia, Phaolô đã nếm trải nhiều thất vọng và thử thách trong sứ mệnh truyền giảng của mình. Phaolô cũng được thỏa lòng với những niềm an ủi lớn lao. Và trang thư gửi tín hữu Êphêsô này cũng tỏa sáng và xoa dịu như lời tiên tri của Giêrêmia và thánh vịnh 22 (23). Phaolô đã phải tranh luận với những người thờ nữ thần vĩ đại Artemis ở Êphêsô (Cv 19, 23-40). Ở đây có lẽ Phaolô đang nói với những người đã trở lại đạo, để nhắc nhở họ rằng họ đã “trở nên gần nhờ bửu huyết của Đức Kitô”. Đối với Vị Tông đồ, không còn nghi ngờ gì nữa: “nhờ thân xác bị đóng đinh của mình, [Đức Kitô] đã phá hủy […] bức tường hận thù” và tạo nên “một Con người mới”, được hòa giải với Thiên Chúa và thừa hưởng “tin mừng bình an”.

Tin Mừng: Mc 6, 30-34

           Các môn đệ của Chúa Giêsu trở về sau “chuyến đầu tiên đi truyền giáo” của họ. Họ trình lên Chúa một báo cáo mà họ nghĩ là rất tích cực về sứ mệnh đã thực hiện. Không muốn làm giảm nhiệt huyết của họ, Chúa Giêsu mời họ lùi lại một bước và đi nghỉ ngơi ở “một nơi thanh vắng”. Điều này cho thấy rằng mọi công việc tông đồ đều phải được nuôi dưỡng bằng thời gian cầu nguyện và suy niệm, thậm chí là chiêm niệm. Nhưng nếu đám đông kéo đến, Chúa Giêsu không thể thờ ơ: Ngài “chạnh lòng thương xót họ”. Lần này không phải là chữa bệnh cho ai đó hay làm một phép lạ nào đó, nhưng là hành động như một “mục tử” tốt lành, và tập hợp đám đông lủng củng này xung quanh lời dạy của mình, đó thực chất là một tin mừng.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.